tăng lục

Phật Quang Đại Từ Điển

(僧錄) Chức quan Tăng coi về việc ghi chép, lưu giữ danh sách tăng ni và bổ nhiệm các chức vụ khác. Nơi làm việc của các chức vụ này thì gọi là Tăng lục ti. Có khi Tăng lục, Tăng lục ti được dùng chung, đều chỉ cho chức vụ cai quản tăng ni. Chức vụ này được lập ra đầu tiên vào thời Diêu Tần. Theo truyện ngài Tăng lược trong Lương cao tăng truyện quyển 6, vua Diêu hưng đời Hậu Tần tôn ngài Tăng lược làm Tăng chủ(Tăng chính), ngài Tăng thiên làm Duyệt chúng, ngài Pháp khâm và Tuệ bân đều làm Tăng lục. Địa vị Tăng lục vốn ở dưới chức Tăng chính, nhưng đến đời Đường thì Tăng lục lại được đưa lên trên Tăng chính với quyền hạn rộng rãi là thống lãnh chùa viện, quản lí tăng tịch và bổ nhiệm quan Tăng trên toàn quốc. Khoảng năm Nguyên hòa (806-820) đời vua Hiến tông, dưới Lưỡng nhai công đức sứ đặt ra chức Tăng lục, ngài Linh thúy được cử làm Hữu nhai tăng lục và ngài Đoan phủ làm Tả nhai tăng lục. Khoảng năm Khai thành (847-859) đời vua Văn tông, ngài Vân đoan được bổ nhiệm giữ chức Lưỡng nhai tăng lục. Như vậy, đến đây, Tả hữu nhai tăng lục được sáp nhập làm một chức và do một người đảm nhiệm. Khoảng năm Càn ninh (894- 897) đời vua Chiêu tông, ngài Giác huy được cử làm Lưỡng nhai Phó tăng lục, đó là chức Phó tăng lục đầu tiên. Về sau, sang các đời Ngũ đại, Bắc Tống, Nam Tống, các vua cũng đều đặt chức Tả hữu nhai Tăng lục và Phó tăng lục. Vào đời Tống, Tả hữu nhai tăng lục ti được trực thuộc Hồng lô tự; sau Hồng lô tự bị bãi bỏ thì Tả hữu tăng lục được sáp nhập với Lễ bộ. Vào thời Bắc Tống, trong Ti Tăng lục, ngoài Tăng lục và Phó tăng lục, còn có các chức Giảng kinh thủ tọa, Giảng luận thủ tọa…, dưới Tăng lục lại đặt ra chức Giám nghĩa để quản lí các việc vặt. Sang thời Nam Tống thì các chức Giảng kinh thủ tọa và Giảng luận thủ tọa bị bãi bỏ, đồng thời, lập thêm chức Giám nghĩa ngoại ngạch. Đến đời Nguyên, các châu quận có những chức như: Tăng lục, Phán chính, Phó đô cương… Sang đời Minh, ở kinh đô, lập ra Ti Tăng lục, Ti Đạo lục để quản lí tăng ni, đạo sĩ trong nước. Vào năm Hồng vũ 15 (1382) đời Minh, Ti Tăng lục được thiết lập, trong đó có các chức vụ như: Chính lục phẩm tả thiện thế, Chính lục phẩm hữu thiện thế, Tòng lục phẩm tả xiển giáo, Tòng lục phẩm hữu xiển giáo, Chính bát phẩm tả giảng kinh, Chính bát phẩm hữu giảng kinh, Tòng bát phẩm tả giác nghĩa, Tòng bát phẩm hữu giác nghĩa… để cai quản các việc thuộc Phật giáo. Tại các tỉnh, phủ thì lập Ti Tăng cương, trong đó đặt Đô cương 1 người và Phó đô cương 1 người; ở các châu thì thiết lập Ti Tăng chính, trong đó, đặt Tăng chính 1 người; ở các huyện thì thiết lập Ti Tăng hội, đặt Tăng hội 1 người. Tất cả các chức vụ kể trên đều phải tuyển chọn những vị tăng tinh thông kinh điển, giới hạnh thanh tịnh để đảm nhiệm. Đến đời Thanh, năm Thiên thông thứ 6 (1632) triều vua Thái tông, chế độ Tăng quan mới được thiết lập. Khoảng năm Thuận trị (1644-1661), các phẩm trật đại khái đều theo chế độ Tăng quan đời Minh, nhưng ngoài Thiện thế, Xiển giáo, Giảng kinh, Giác nghĩa… mỗi chức đều có Tả, Hữu 2 người ra, còn có Chánh ấn 1 người và Phó ấn 1 người. Nhật bản chịu ảnh hưởng của Trung quốc, từ thời đại Thất đinh về sau, trong Thiền lâm có đặt chức Tăng lục. Vào năm Khang lịch thứ 2 (1380), Thiên hoàng Hậu Viên dung tôn ngài Xuân ốc Diệu ba chùa Tướng quốc làm Tăng lục. Năm Vĩnh đức thứ 3 (1383), Túc lợi Nghĩa mãn đổi viện Lộc uyển làm Ti Tăng lục để quản lí các việc trong Thiền gia, cho đến chính trị, ngoại giao, văn thư, giấy tờ… có liên quan đến Mạc phủ, quyền thế càng ngày càng lớn mạnh. Thời Túc lợi Nghĩa giáo, Ti Tăng lục được dời đến Ấm lương hiên bên cạnh viện Lộc uyển, lần lượt có các vị tôn túc giữ chức Tăng lục như: Tuyệt hải, Vô cầu, Dung cốc, Phương hương, Quang lân… Nhưng từ năm Văn an thứ 2 (1445) về sau, các chùa lớn như: Đại đức, Diệu tâm, Tổng trì, Vĩnh bình… đều lần lượt tách khỏi sự cai quản của Ti Tăng lục. Vào niên hiệu Nguyên hòa năm đầu (1615), Mạc phủ Đức xuyên ra lệnh dời Ti Tăng lục đến viện Kim địa của chùa Nam thiền và cử ngài Sùng truyền giữ chức Tăng lục. Ngài Sùng truyền rất được Mạc phủ tín nhiệm và trọng đãi, nên chỉ trong thời gian ngắn, quyền lực đã khá mạnh, không chỉ cai quản các chùa Thiền mà còn quản lí cả các thần xã(nhà thờ của Thần đạo) và chùa viện nói chung. Mãi đến năm Khoan vĩnh 12 (1635), khi chức Tự xã phụng hành được bổ nhiệm riêng thì quyền lực của chức Tăng lục mới dần dần suy vi và chỉ còn quản lí các việc của phái Ngũ sơn thuộc tông Lâm tế thôi. Tại Cao li, về tình hình bổ nhiệm chức Tăng lục, cứ theo Cao li sử quyển 8, năm Văn tông 21 (1067), ngài Đạo nguyên được cử làm Hữu nhai tăng lục và lựa chọn các vị tăng có giới hạnh thanh tịnh trang nghiêm thường trụ chùa Hưng vương. Mãi đến năm Thế tông thứ 6 (1424) triều Lí, Ti Tăng lục mới bị bãi bỏ. [X. điều Tả hữu nhai tăng lục trong Đại tống tăng sử lược Q.trung; Thích môn chính thống Q.4; Phật tổ thống kỉ Q.17, 41; Nhập đường cầu pháp tuần lễ kí Q.1; Đường thư bách quan chí chú; điều Hồng lô tự trong Tống sử chức quan chí 118; Minh sử chức quan chí 50, 51; Thanh hội điển lễ bộ từ tế thanh lại ti chú]. (xt. Tả Hữu Nhai Tăng Lục Ti).