tăng hữu

Phật Quang Đại Từ Điển

(僧祐) (445-518) Cao tăng Trung quốc sống vào đời Lương thuộc Nam triều, người ở Giang ninh, tỉnh Giang tô, họ Du. Thủa nhỏ, sư vào chùa Kiến sơ lễ bái, trong lòng cảm thấy vui thích, mến đạo, không muốn về nhà, cha mẹ cũng thương bèn cho phép xuất gia. Sư lễ ngài Tăng phạm làm thầy. Năm 14 tuổi, sư y chỉ vào ngài Pháp hiến ở chùa Định lâm thụ giới Cụ túc, sau đó, sư theo ngài Pháp dĩnh học luật. Không bao lâu, nhận lời thỉnh của Cánh lăng vương, sư khai giảng giới luật, có tới 7, 8 trăm người nghe. Trong năm Vĩnh minh (483-493), đời Tề, sư vâng sắc đến đất Ngô mở lớp khảo thí, tuyển chọn 5 chúng, đồng thời, giảng luật Thập tụng và dạy phép thụ giới. Những tài vật do thí chủ cúng dường, sư đều dùng vào việc sửa chữa, trang nghiêm các chùa Định lâm, Kiến sơ, mở Đại hội Vô già, Xả thân trai, tạo lập Kinh tạng, sưu tập, hiệu đính kinh điển… Sư là người đầu tiên mở những nơi cất giữ văn hiến Phật giáo tại các chùa. Sư còn thông hiểu pháp tắc vẽ tượng, tượng Đại Phật ở Quang trạch, Nhiếp sơn và tượng Thạch Phật ở huyện Diệm đều được tạo lập theo pháp tắc của sư. Vua Vũ đế nhà Lương rất kính trọng sư, có thắc mắc gì về việc chư tăng, vua đều mời sư giải quyết. Về già, sư bị bệnh thấp khớp, phải ngồi xe vào nội điện để truyền giới cho 6 cung. Năm Thiên giám 17 (518), sư thị tịch ở chùa Kiến sơ, thọ 74 tuổi. Môn đồ rất thịnh, gồm hơn 11.000 tăng tục, trong đócó cácngài Trí tạng,Tuệ khuếch, Bảo xướng, Lâm xuyên Vương hoành, Nam bình Vương vĩ… Sư có các tác phẩm: Thập tụng luật nghĩa kí 10 quyển, Xuất tam tạng kí tập, Hoằng minh tập, Thích ca phổ, Bồ tát thiện giới Địa trì nhị kinh kí, Đại tập Hư không tạng vô tận ý kinh kí, Hiền ngu kinh kí, Thế giới kí 5 quyển, Tát bà đa bộ tương thừa truyện 5 quyển. [X. Xuất tam tạng kí tập Q.9, 12; Lịch đại tam bảo kỉ Q.11; Lương cao tăng truyện Q.11, 12; truyện Bảo xướng trong Tục cao tăng truyện Q.1; truyện Trí tạng trong Tục cao tăng truyện Q.5; truyện Minh triệt trong Tục cao tăng truyện Q.6].