tăng già la sát

Phật Quang Đại Từ Điển

(僧伽羅刹) Phạm: Saôgharakwa. Cũng gọi Tăng già la xoa. Hán dịch: Chúng hộ. Cao tăng người nước Tu lại thuộc Ấn độ sống vào khoảng thế kỉ thứ nhất Tây lịch.Sư xuất gia học đạo từ lúc còn nhỏ, thông minh quán thế, trứ thuật rất nhiều, đặc biệt rất giỏi về Thiền pháp. Sư thường du hóa các nơi, đến nước Kiện đà la ở vùng Tâybắc Ấn độ, được vua Chân đà kế nhị tôn làm thầy. Tương truyền, khi lâm chung, sư từng phát thệ rằng: Nếu quả thực ta là bậc đại sĩ lập căn đắc lực, thì ta nguyện đứng dưới gốc cây này, tay vin lá mà xả bỏ thân ta, cho dù sức mạnh của đại tượng(voi lớn)Na la diên cũng không thể dời được lông tóc của ta, dẫu có thiêu cũng không thể nào đốt cháy lá này. Nói xong thì sư mệnh chung. Bấy giờ, vua Chân đà kế nhị đích thân đến nhưng không thể nào lay động di thể của sư, dùng voi lớn kéo cũng không nhúc nhích, đến khi thiêu lá cây cũng không thương tổn. Tương truyền, sau đó sư sinh lên cung trời Đâu suất, thành đức Phật thứ 8 trong kiếp Hiền, đời vị lai giáng sinh, hiệu là Nhu Nhân Phật. Tát bà đa bộ kí của ngài Tăng hựu đời Lương ghi: Ngài Tăng già la sát là vị Tổ thứ 29, còn Phật đại bạt đà la sư tông tương thừa lược truyện thì nói sư là Tổ thứ 26. Về niên đại xuất sinh thì bài tựa kinhTăng già la sát sở tập cho rằng sư ra đời vào 700 năm sau đức Phật nhập diệt. Nếu vua Chân đà kế nhị nói ở trên chính là vua Ca nị sắc ca thì ngài Tăng già la sát là người cùng thời đại với vua và có lẽ lớn tuổi hơn vua. Lại nữa, nếu theo truyền thuyết kinh Đại đạo địa do ngài An thế cao dịch vào đời Đông Hán chính là kinh Đại đạo địa do ngài Tăng già la sát soạn thì niên đại ra đời của Tăng già la sát phải là trước thế kỉ II Tây lịch. Soạn phẩm: Kinh Tu hành, kinh Đại đạo địa, kinh Tăng già la sát sở tập. [X. Xuất tam tạng kí tập Q.2, 10, 12; Tịnh độ giáo chi khởi nguyên cập phát đạt].