tăng duệ

Phật Quang Đại Từ Điển

(僧叡) Cao tăng Trung quốc sống vào đời Đông Tấn, người ở Trường lạc, quận Ngụy (An dương, Hà nam), là một trong Tứ thánh ở Quan trung. Thủa nhỏ sư đã có chí xuất trần, năm 18 tuổi, sư lễ ngài Tăng hiền cầu xuất gia. Năm 20 tuổi sư đã thông suốt các kinh luận. Sư từng nghe ngài Tăng lãng giảng kinh Phóng quang bát nhã, thường hỏi những chỗ còn ngờ, ngài Tăng lãng khen sư là người có tài. Năm 24 tuổi, sư đi các nơi thuyết giảng, rất đông người đến nghe và sư thường than là Thiền pháp chưa được lưu truyền. Tháng 12 năm Hoằng thủy thứ 3 (401) đời Diêu Tần, ngài Cưu ma la thập đến Trường an, sư liền theo học và thỉnh ngài La thập phiên dịch Thiền pháp yếu giải, theo đó ngày đêm tinh cần tu tập. Quan Tư đồ Diêu tung rất kính trọng sư và vua Tần là Diêu hưng cũng khen sư là bậc tài khí. Sư cùng với ngài Tăng triệu tham dự việc dịch kinh của ngài La thập. Người đời sau gọi sư là 1 trong 4 vị đệ tử lớn(Đạo sinh, Tăng triệu, Đạo dung, Tăng duệ) của ngài Cưu ma la thập. Khi ngài La thập dịch kinh Pháp hoa đến phẩm Ngũ bách đệ tử, trong đó có câu ngài La thập dịch là Thiên kiến nhân, nhân kiến thiên(Trời thấy người, người thấy trời), sư kiến nghị đổi lại là Nhân thiên giao tiếp, lưỡng đắc tương kiến (trời, người giao tiếp, hai bên được thấy nhau), ngài La thập rất hoan hỉ, việc này sau được lưu truyền thành giai thoại trong một thời gian. Sau, sư giảng thuyết luận Thành thực do ngài La thập dịch, kiến giải của sư rất hợp ý ngài La thập. Lúc sinh bình ngài Tăng duệ nguyện cầu vãng sinh Tịnh độ, khi đi đứng ngồi nằm không dám xoay lưng về hướng Tây. Sau, sư tự biết giờ lâm chung nên cáo biệt đại chúng, vào phòng tắm gội, đốt hương lễ bái, ngồi ngay thẳng xoay mặt về hướng Tây, chắp tay thị tịch. Sư có các trứ tác: Bài tựa kinh Tiểu phẩm bát nhã, lời bạt kinh Pháp hoa, bài tựa luận Đại trí độ, bài tựa Trung luận, bài tựa luận Thập nhị môn, bài tựa kinh Tư ích, bài tựa Tì ma la cật đề kinh nghĩa sớ, lời bạt kinh Tự tại vương, bài tựa kinh Quan trung xuất thiền(các bài tựa nêu trên hiện còn), bài tựa luận Thành thực, bài tựa Bách luận, bài tựa Tư ích kinh nghĩa sớ(các bài tựa trên đã thất lạc). Ngoài ra, Lịch đại tam bảo kỉ quyển 15 nói sư có soạn Nhị Tần lục 1 quyển; Pháp hoa văn cú kí quyển 8, phần 4 nói sư có soạn Nhị thập bát phẩm duyên khởi; Tân biên chư tông giáo tạng tổng lục quyển 1 nói sư có soạn Chú pháp hoa kinh 7 quyển và Phật điển sao mục lục quyển thượng nói sư có soạn Pháp hoa kinh sớ…, nhưng e rằng những ghi chép này không đúng sự thật. Lại trong Pháp hoa văn cú quyển 8, hạ; Pháp hoa truyện kí quyển 2 thì cho rằng ngài Tăng duệ lập ra Cửu triệt để phân biệt giải thích kinh Pháp hoa nên người đời gọi sư là Cửu Triệt Pháp Sư, nhưng e việc này đã bị lầm lẫn với sự tích của ngài Đạo dung. [X. Xuất tam tạng kí tập Q.8, 10; Lương cao tăng truyện Q.6; Phật tổ lịch đại thông tải Q.8].