tăng chánh

Phật Quang Đại Từ Điển

(僧正) Cũng gọi Tăng chủ. Chức quan tăng cao nhất trong tổ chức Phật giáo, có trách nhiệm lãnh đạo và chấn chỉnh hàng ngũ tăng ni cho phù hợp với các qui định của giớiluật. Chế độ Tăng chính được đặt ra đầu tiên từ thời Ngụy, Tấn thuộc Nam Bắc triều, là chức quan tăng trung ương, nhưng từ đời Đường, Tống về sau, ở các châu, huyện địa phương cũng có đặt ra chức quan tăng này. Cứ theo điều Lập tăng chính trong Đại tống tăng sử lược quyển trung thì Tăng chính trước phải sửa mình cho đúng rồi sau mới sửa được người. Bởi vì giới luật tỉ khưu dần dần đã không được giữ gìn nghiêm túc, đã nhiễm thói tục, cho nên phải chọn người có đức hạnh trong chúng tăng làm Tăng chính để sửa chữa những tăng ni vi phạm giới luật. Đời Hậu Tần, vua Diêu hưng (ở ngôi 393-416) đã cử ngài Tăng khế (Đạo khế) làm Tăng chủ thống lãnh tăng ni đất Tần, đây tức là vị Tăng chính đầu tiên. Về sau, các vua thuộc Nam triều đều có đặt chức Tăng chính, nhưng vì triều đại khác nhau nên tên gọi cũng bất đồng. Như trong năm Đại minh (457-464), vua Hiếu vũ triều Lưu Tống, sắc lệnh ngài Đạo ôn làm Đô ấp tăng chính; niên hiệu Thái thủy năm đầu (465), vua Minh đế ban sắc cử ngài Tăng cẩn làm Thiên hạ tăng chính; năm Thái thủy thứ 2 (466), vua sắc lệnh Tỉ khưu ni Bảo hiền làm Đô ấp ni tăng chính. Niên hiệu Thăng minh năm đầu (477), vua Thuận đế sắc lệnh ngài Pháp trì làm Thiên hạ tăng chính. Thời Nam Tề, vua Cao đế sắc lệnh ngài Pháp dĩnh làm Tăng chính; trong năm Vĩnh minh (483-493), vua Vũ đế ban sắc cử các ngài Pháp hiến chùa Định lâm thượng và Huyền sướng chùa Trường can làm Tăng chủ, chia nhau lãnh đạo tăng ni ở Giang nam và Giang bắc, còn ngài Đạo đạt thì làm Tăng chính châu Nam duyện. Do đó mà biết chức này vốn gọi là Tăng chủ, nhưng về sau thì dùng cả danh từ Tăng chủ và Tăng chính. Năm Phổ thông thứ 6 (525), vua Vũ đế nhà Lương sắc lệnh cử ngài Pháp vân làm Đại tăng chính; niên hiệu Thiên hỉ năm đầu (560), vua Văn đế nhà Trần ban sắc cho ngài Bảo quỳnh làm Đô ấp đại tăng chính. Cứ theo Đại tống tăng sử lược quyển trung thì chức Tăng chủ cũng giống như Tăng quan, chỉ cho Tiểu chính Tiểu thống của một địa phương. Còn theo Tăng nhã truyện trong Tục cao tăng truyện quyển 5, năm Thiên giám thứ 8 (509) đời Lương, ngài Tăng nhã được cử làm Ngô quận tăng chính, điều này cho thấy ở các địa phương cũng sử dụng danh xưng Tăng chính chứ không chỉ riêng trung ương mới dùng danh xưng này. Tóm lại, đến thời đại Lương, Trần thì chuyên dùng hiệu Tăng chính để đối lại với chế độ Tăng thống của Bắc Ngụy, đến đời Đường về sau thì thông thường các châu đều có lập Tăng chính để trông nom công việc tăng ni ở các địa phương. Ngoài ra, Nhật bản đã sớm phỏng theo chế độ nhà Lương và nhà Trần ở Trung quốc. Năm 624, Thiên hoàng Suy cổ ban sắc thiết lập Tăng cương, cử ngài Quán lặc làm Tăng chính, đó là vị Tăng chính đầu tiên ở Nhật bản. Về sau cũng do các triều đại mà có sự thay đổi. [X. Tỉ khưu truyện Q.3; Lương cao tăng truyện Q.6, 7; Phật tổ thống kỉ Q.36, 51]. (xt. Tăng Cương).