tạng

Phật Quang Đại Từ Điển

(藏) I. Tạng. Phạm,Pàli:Piỉaka. Hán âm: Tất đắc gia, Tỉ trích gia, Tỉ tra ca. Vốn chỉ cho cái giỏ xách tay, cái hòm, cái rương, từ đó dẫn đến nghĩa cái kho chứa, hoặc nghĩa là học tập, lại từ đó mà chuyển thành nghĩa thu giữ hết thảy pháp mà Bồ tát phải biết là tạng, gọi là Bồ tát tạng. Còn theo phẩm Tựa trong Thiện kiến luật tì bà sa quyển 1 thì chữ Tạng gồm có 2 nghĩa: Khí (Phạm,Pàli:Bhàjana) và Học Pàli: Pariyatti), nhưng chữ pariyatti còn có ý nghĩa thành tựu, đầy đủ. Do đó, từ ngữ pháptạng được dùng hiện nay là chỉ cho sự hoàn thành về Thánh điển, hoặc chỉ cho chính Thánh điển. Xưa nay, sự phân loại về pháp tạng rất phiền phức, sơ lược thì có 5 loại sau: 1.Kinh, Luật, Luận hợp thành Tam tạng.2. Tam tạng của Đại thừa, Tiểu thừa hợp chung thành Lục tạng. 3. Thanh văn tạng và Bồ tát tạng gọi chung là Nhị tạng. 4. Tam tạng Kinh, Luật, Luận, thêm Tạp tạng hoặcChútạng, gọi là Tứ tạng. Trong Pháp tạng bộ, thêm Bồ tát tạng vào 4 tạng Kinh, Luật, Luận, Chú gọi chung là Ngũ tạng; trong Đại chúng bộ thì gọi 5 tạng Kinh, Luật, Luận, Tạp, Chú là Ngũ tạng; Luận sư Thành thực thì gọi 5 tạng Kinh, Luật, Luận Tạp và Bồ tát là Ngũ tạng; kinh Đại thừa lí thú lục ba la mật đa quyển 1 thì ngoài Tam tạng Kinh, Luật, Luận thêm tạng Bát nhã ba la mật đa và tạng Đà la ni mà gọi chung là Ngũ tạng. 5. Kinh Bồ tát xử thai quyển 7 thì nói 8 tạng là Thai hóa tạng, Trung ấm tạng, Ma ha diễn phương đẳng tạng, Giới luật tạng, Thập trụbồ tát giới tạng, Tạp tạng, Kim cương tạng và Phật tạng. Ngoài ra, Đại chúng bộ chia Thanh văn tạng, Bồ tát tạng mỗi tạng thành là Kinh, Luật, Luận, Tạp cộng chung là 8 tạng. [X. phẩm Tam tạng trong kinh Văn thù chi lợi phổ siêu tam muội Q.trung; Đại thừa trang nghiêm kinh luận Q.4; Nhiếp đại thừa luận thích Q.1 (bản dịch đời Lương); Đại thừa nghĩa chương Q.1]. II. Tạng. Phạm: Garbha. Pàli:Gabbha. Hán âm: Nghiệt lạt bà, Yết ha. Vốn có nghĩa là cái tổ, chỗ lõm xuống, chỗ trống rỗng, chuyển thành nghĩa chỉ cho thai tạng, thai nhi, về sau phát triển thành nghĩa Như lai tạng (Phạm: Tathàgatagarbha) mà cho rằng Như lai vốn tồn tại trong tâm chúng sinh, giống như thai nhi ở trong bào thai. [X. kinh Như lai tạng; kinh Nhập lăng già Q.3; Thập địa kinh luận Q.1; Đại nhật kinh sớ Q.8]. III. Tạng. Phạm: Koza. Pàli:Kosa. Hán âm: Câu xá. Vốn chỉ cho đồ vật chứa nước, sau chuyển sang các nghĩa: Chỗ nương gá, chắc thực, gói ghém, ngậm chứa… [X. luận Câu xá Q.1;luậnThuận chính lí Q.1; Câu xá luận bảo sớ Q.1]. IV. Tạng. Phạm,Pàli:Àlaya. Chỉ cho chỗ ở, nhà, kho… Do nghĩa nàymà cho rằng thức A lại da là cái kho chứa đựng tất cả hạt giống của các pháp. [X. luận Chuyển thức; luận Thành duy thức Q.2; Đại nhật kinh sớ Q.2].