tân tận hoả diệt

Phật Quang Đại Từ Điển

(薪盡火滅) Củi cháy hết thì lửa tắt, ví dụ cho việc đức Phật vào Niết bàn. Từ ngữ này có xuất xứ từ phẩm Tựa kinh Pháp hoa. Về vấn đề này, sự giải thích giữa Tiểu thừa và Đại thừa có khác nhau: Tiểu thừa cho rằng, Bồ tát tu nhân, chiết phục phiền não hoặc nghiệp, cho nên thân sau cùng thành quả Phật là do thực nghiệp sinh ra, gọi là Thân tề nghiệp; tức chủ trương Phật nhập diệt là do tự nghiệp đã hết. Do đó, lấy năng lực của Phật ví dụ củi, trí tuệ của Phật ví dụ lửa, vì thế nghiệp hoại, báo tận, gọi là củi hết; thân quả báo hết thì trí tuệ cũng diệt theo, gọi là lửa tắt. Còn Đại thừa Phật giáo thì cho rằng Bồ tát nhờ tu nhân mà đoạn được hoặc, cho nên thân của quả Phật chẳng phải do thực nghiệp sinh ra mà chỉ sinh diệt tùy theo cơ duyên, gọi là Thân tề duyên. Tức chủ trương Ứng thân của Phật nhập diệt là do cơ duyên đã hết, dùng cơ duyên ví dụ củi, Ứng thân Phật ví dụ lửa; cho nên cơ duyên của chúng sinh đã cùng tận, gọi là củi hết, theo đó mà Ứng thân của Phật nhập diệt, gọi là lửa tắt. [X. Thiên thai tứ giáo nghi tập chú Q.trung].