tân hoa nghiêm kinh luận

Phật Quang Đại Từ Điển

(新華嚴經論) Tác phẩm, 40 quyển, do cư sĩ Lí thông huyền soạn vào đời Đường, được thu vào Đại chính tạng tập 36. Nội dung sách này nói rõ ý chỉ sâu xa và giải thích văn nghĩa của kinh Hoa nghiêm (bản dịch mới). Trước hết, lập 10 môn: Y giáo phân tông, Y tông giáo biệt, Giáo nghĩa sai biệt, Thành Phật đồng biệt, Kiến Phật sai biệt, Thuyết giáo thời phần, Tịnh độ quyền thực, Nhiếp hóa cảnh giới, Nhân quả diên xúc và Hội giáo thủy chung. Kế đến, giải thích văn kinh, chia làm 5 phần: 1. Bàn tổng quát về ý kinh. 2. Nói rõ tông thú của kinh. 3. Thuyết minh giáo thể của kinh. 4. Trình bày chung về số hội. 5. Giải thích văn nghĩa. Luận này có rất nhiều chỗ khác biệt với các luận khác. Như luận của ngài Pháp tạng cho rằng kinh Hoa nghiêm có 7 nơi 9 hội 39 phẩm, luận này thì cho là 10 nơi 10 hội 40 phẩm. Ý chỉ chủ yếu của ngài Pháp tạng là thành tựu Sự sự vô ngại, còn luận này thì nói rõ phàm phu trong 1 đời cảm được Phật trong nội tâm, lí trí không hai.Sau khi soạn giả mất, vào tháng 2 năm Đại lịch thứ 9 (774) đời Đường, ngài Quảng siêu ở chùa Thệ đa chép chung luận này với luận Thập nhị duyên sinh giải mê hiển trí thành luận Bi thập minh, lưu thông ở vùng Tinh phần. Khoảng năm Đại trung, ngài Chí ninh chùa Khai nguyên hợp chung kinh và luận, đề là: Đại phương quảng Phật tân Hoa nghiêm kinh hợp luận, gồm 120 quyển. Năm Càn đức thứ 5 (967) đời Tống, vì nghĩa loại của kinh này còn rườm rà nên ngài Tuệ nghiên vâng mệnh vua hiệu đính rồi khắc bản ấn hành. [X. bài Tựa Tân hoa nghiêm kinh hợp luận; Phúc châu Ôn châu Thai châu cầu đắc kinh luật luận sớ kí ngoại thư đẳng mục lục; Tân biên chư tông giáo tạng tổng lục Q.1].