tam vọng chấp

Phật Quang Đại Từ Điển

(三妄執) Cũng gọi Tam kiếp vọng chấp, Tam kiếp hoặc. Gọi tắt: Tam vọng, Tam chấp, Tam kiếp.Chỉ cho 3 thứ phiền não thô, tế và cực tế do Mật giáo thành lập mà người tu hành từ lúc phát tâm ra khỏi thế gian đến khi thành tựu quả vị Phật phải vượt qua. 1. Thô vọng chấp(cũng gọi Kiếp sơ chi hoặc): Vọng tâm chấp trước các pháp ngoài tâm là cóthật, rồi nương vào tâm này mà chấp thân người do 5 uẩn hòa hợp là có thật, do sinh ra cái thấy mình, người khác nhau. 2. Tế vọng chấp(cũng gọi Nhị kiếp chi hoặc): Vọng tâm chấp trước pháp 5 uẩn có thực tính, 2 pháp sinh tử và niết bàn là có thật.3. Cực tế vọng chấp(cũng gọi Tam kiếp chi hoặc): Tức vô minh hoặc, là vọng tâm chấp trước tất cả pháp có năng, có sở và trái với pháp giới bình đẳng. Theo Đại nhật kinh sớ quyển 2, nếu lấy tâm bồ đề thanh tịnh làm tâm xuất li thế gian thì 3 vọng chấp vượt thế gian là chỉ cho sự tu hành trong 3 kiếp, tức từ lúc phát tâm bồ đề cho đến khi thành tựu Chính giác phải trải qua 3 a tăng kì kiếp: Kiếp thứ nhất vượt qua lớp Thô vọng chấp (160 tâm), kiếp thứ 2 vượt qua lớp Tế vọng chấp(cũng 160 tâm), kiếp thứ 3 vượt qua lớp Cực tế vọng chấp mới đạt được Phật tuệ. Tuy nhiên, nếu chỉ trong 1 đời vượt qua 3 vọng chấp, thì trong 1 đời được thành Phật.Bí tạng kí thì ngoài 3 vọng chấp nói trên, còn lập riêng Vi tế vọng chấp thì do Phật địa đoạn trừ, thuyết này khác với thuyết của Đại nhật kinh sớ. [X. phẩm Trụ tâm kinh Đại nhật Q.1; Đại nhật kinh sớ sao Q.1; Đại nhật kinh chỉ tâm sao Q.1; Đại kinh yếu nghĩa sao Q.3; Chân ngôn danh mục].