tam vô tánh

Phật Quang Đại Từ Điển

(三無性) Phạm:Trividhà ni#svabhàvatà. Cũng gọi Tam chủng vô tự tính, Tam vô tự tính, Tam chủng vô tính. Ba thứ Vô tính đối lại với 3 pháp hữu tính do tông Pháp tướng thành lập. Tức khi luận cứu về 3 tính: Biến kế sở chấp, Y tha khởi và Viên thành thực thì thấy chúng đều không có tự tính, nên mới thành lập thuyết Tam vô tính. Đó là: 1. Tướng vô tính (Phạm: Lakwaịani#svabhàvatà), cũng gọi Tướng vô tự tính tính. Đối với tính Biến kế sở chấp mà lập ra tính này. Bởi vì tính Biến kế sở chấp vốn là cái tình có lí không, nghĩa là về mặt mê tình tuy có, nhưng chẳng qua chỉ là giả tướng hiện ra ngay lúc ấy, ví như hoa đốm trong hư không, đứng về phương diện lí mà nói thì thể và tướng đều không có, nên gọi là Tướng vô tính. 2. Sinh vô tính (Phạm: Utpattini#svabhàvatà), cũng gọi Sinh vô tự tính tính. Đối với tính Y tha khởi mà lập ra tính này. Bởi vì các pháp y tha là nhờ nhiều duyên mà sinh, không có thực tính nhất định, ví như việc ảo thuật, nên gọi là Sinh vô tính. 3. Thắng nghĩa vô tính (Phạm: Pramàrtha-ni#svabhàvatà), cũng gọi Thắng nghĩa vô tự tính tính, Vô chân tính, Đệ nhất nghĩa đế vô tự thể tướng. Đối lại với tính Viên thành thực mà lập ra tính này. Chân như là chân lí thù thắng, cũng là đối cảnh của trí căn bản vô phân biệt, vì thế gọi là Thắng nghĩa. Do xa lìa tính Ngã pháp của Biến kế sở chấp ở trước mà giả nói là vô tính chứ chẳng phải hoàn toàn vô tính. Đây chính là chân như, cũng chính là thực tính Duy thức. Nhưng Tam vô tính này được coi là mật ý thuyết chứ chẳng phải liễu nghĩa, vì tính của 2 tự tính sau trong 3 tự tính chẳng phải là không; ở đây tạm nói nó là vô tính để bác bỏ cái thực tính do người thế tục chấp trước. [X.phẩm Vô tự tính tướng trong kinh Giải thâm mật Q.2, luận Du già sư địa Q.73, 74; luận Hiển dương thánh giáo Q.16; luận Biện trung biên Q.thượng; luận Tam vô tính]. (xt. Tam Tính).