tâm tương ưng tâm bất tương ưng

Phật Quang Đại Từ Điển

(心相應心不相應) Sự tranh luận về vấn đề tâm tương ứng hay không tương ứng giữa Nam phương Thượng tọa bộ và Nam phương Đại chúng bộ.Sau thời đại Phật giáo nguyên thủy, Phật giáo bộ phái có khuynh hướng A tì đạt ma muốn chỉnh lí và tổ chức lại giáo thuyết trong kinh A hàm. Bấy giờ, đối với tác dụng của tâm cũng có nhiều cách khảo sát. Trong Thượng tọa bộ, tâm thức được chia làm chủ thể và thuộc tính, như chủ thể tâm, ý, thức… được gọi là Tâm pháp hoặc Tâm vương; còn những thuộc tính như tác dụng, trạng thái, tính chất… của các bộ phận thụ, tưởng, tư… thì gọi là Tâm sở pháp, hoặc gọi là Tâm tương ứng pháp. Theo đó, tâm cụ thể thường phải sinh khởi đồng thời với một tâm vương hay vài tâm sở như thụ, tưởng, tư… Như vậy, khi tâm, tâm sở và sở y, sở duyên… cùng khởi lên một lượt thì gọi là Tương ứng. Tư tưởng tương ứng này tuy bắt đầu vào thời đại bộ phái, nhưng hoàn toàn không phải các Bộ phái coi trọng kinh điển nguyên thủy đều thừa nhận Tâm sở pháp và tư tưởng tương ứng. Trong kinh điển nguyên thủy, thụ, tưởng, tư… không được xem là bộ phận của tâm, mà đó là tác dụng của tâm duy nhất, cho nên chủ trương ngoài tác dụng của tâm duy nhất này thì không có tâm nào khác. Thuyết nhất thiết hữu bộ, Phật giáoPàli (Thượng tọa bộ phương Nam), luận Xá lợi a tì đàm (hệ thống Độc tử bộ)… đều lập thuyết Tâm tương ứng. Trái lại, Thí dụ giả, Kinh bộ sư, luận Thành thực (hệ thống Kinh bộ)… cho đến Vương sơn bộ, Nghĩa thành bộ (hệ thống Đại chúng bộ phương Nam)… đều chủ trương thuyết Tâm bất tương ứng. Sự tranh luận giữa 2 hệ thống này tức gọi là Tâm tương ứng tâm bất tương ứng thuyết. [X. luận Thành thực Q.5; luận Đại tì bà sa Q.42, 90; luậnThuận chính lí Q.11; luận Thành duy thức Q.7; luận Câu xá Q.4; Đại thừa nghĩa chương Q.2].