tâm tâm sở

Phật Quang Đại Từ Điển

(心心所) Dịch cũ: Tâm số. Chỉ cho Tâm vương và Tâm sở. Tâm vương(vua tâm)tức là các thức chủ thể như thức mắt, thức tai… Tâm sở tùy thuộc Tâm vương, là những tác dụng tinh thần tương ứng với Tâm vương. Tâm vương chỉ thu lấy toàn thể(tức tướng chung) của đối tượng, còn Tâm sở thì thu lấy cả toàn thể và bộ phận(tức tướng riêng) của đối tượng. Về các vấn đề như sự quan hệ tương ứng, tính chất đặc biệt… giữa Tâm vương và Tâm sở là một hay là khác thì Đại thừa và Tiểu thừa có các thuyết khác nhau. Về phía Tiểu thừa, các nhà Câu xá nêu ra thuyết 5 nghĩa bình đẳng, tức cùng nương vào một căn, gọi là Sở y bình đẳng; cùng duyên theo một cảnh, gọi là Sở duyên bình đẳng; đối với cảnh sở duyên có tướng hành giải bằng nhau, gọi là Hành tướng bình đẳng; hiện hành trong cùng một sát na, gọi là Thời bình đẳng; thể và sự đồng nhất, gọi là Sự bình đẳng. Một vị Tâm pháp tuy gồm 6 thức: Thức mắt, thức tai, thức mũi, thức lưỡi, thức thân và thức ý, nhưng chỉ lập có một Tâm vương, mà lại lập 6 vị 46 Tâm sở. Theo Thuyết nhất thiết hữu bộ thì Tâm vương và mỗi một Tâm sở đều có thể tính riêng, nhưng ngài Giác thiên trong 4 vị Đại luận sư thì cho rằng Tâm sở chỉ là giả danh được lập ra từ phần vị của tâm, chứ không có thể tính riêng. Tông Duy thức Đại thừa thì nói 4 nghĩa bình đẳng(Sở y, Sở duyên, Thời, Sự), lập 8 thức(ngoài 6 thức còn có thêm thức Mạt na và thức A lại da) làm Tâm vương mà nêu ra thuyết 6 vị 51 Tâm sở, chủ trương sự quan hệ giữa Tâm vương và Tâm sở là phi tức phi li. [X. luận Câu xá Q.4; luận Thành duy thức Q.3, 5, 7]. (xt. Tâm, Tâm Sở).