tam sở y

Phật Quang Đại Từ Điển

(三所依) Cũng gọi Tam chủng sở y. Ba chỗ nương, tức chỉ cho Nhân duyên, Tăng thượng duyên và Đẳng vô gián duyên. Ba loại duyên này là chỗ nương của tâm và tâm sở khi sinh khởi tác dụng. Đây là giáo nghĩa của tông Pháp tướng. 1. Nhân duyên y (Phạm: Hetupratyaya), cũng gọi Chủng tử y, Căn bản y. Chỉ cho chủng tử trong thức A lại da thứ 8 (Sở y) làm nhân duyên trực tiếp sinh ra tâm và tâm sở. Nhân duyên y là chỗ nương chung cho tất cả pháp hữu vi, còn Chủng tử y thì chỉ giới hạn cho chủng tử. 2. Tăng thượng duyên y (Phạm: Adhipati-pratyaya), cũng gọi Câu hữu y, Câu hữu sở y. Chỉ cho các duyên đồng thời tồn tại với tâm và tâm sở, vừa làm chỗ nương vừa cung cấp năng lực cho tâm, tâm sở để sinh khởi tác dụng. Như 5 căn mắt, tai… chính là Tăng thượng duyên y. Duyên này được chia làm 4 y: a. Đồng cảnh y: Năm thức trước lấy 5 căn làm Đồng cảnh y. b. Phân biệt y: Chỉ cho thức thứ 6, vì Ý thức thứ 6 có phân biệt nên gọi là Phân biệt y. c. Nhiễm tịnh y: Chỉ cho thức Mạt na thứ 7. Sự nhiễm ô và thanh tịnh của các thức đều lấy thức Mạt na làm chỗ nương. d. Căn bản y: Chỉ cho thức A lại da thứ 8. Thức này là gốc sinh khởi các thức. Trong đó, 5 thức trước có đủ cả 4 y, thức thứ 6 có Nhiễm tịnh y và Căn bản y, thức thứ 7 chỉ có Căn bản y, thức thứ 8 lấy Nhiễm tịnh y làm Câu hữu y. Nhưng, ngài Hộ pháp cho rằng sự khác nhau giữa Sở y và Y là ở chỗ Y là chung cho tất cả pháp hữu vi, còn Sở y thì chỉ hạn cuộc ở 6 căn. Từ đó về sau, các nhà phần nhiều cho đó là chính nghĩa. 3. Đẳng vô gián duyên y (Phạm: Samanantara-pratyaya), cũng gọi Khai đạo y. Chỉ cho ý căn của niệm trước diệt đi, nhường chỗ cho tâm và tâm sở của niệm sau sinh khởi, không gián đoạn. Đẳng vô gián duyên trong 4 duyên thì chung cho các tâm sở, còn Khai đạo y thì chỉ hạn cuộc ở tâm vương. [X. luận Du già sư địa Q.1; luận Thành duy thức Q.4; Thành duy thức luận chưởng trung xu yếu Q.hạ, phần đầu; Thành duy thức luận liễu nghĩa đăng Q.4, phần cuối; Thành duy thức luận thuật kí Q.4, phần cuối].(xt. Khai Đạo Y).