tam pháp nhẫn

Phật Quang Đại Từ Điển

(三法忍) Phạm: Tisra# kwàntaya#. Cũng gọi Tam nhẫn. I. Tam Pháp Nhẫn:Ba loại nhẫn. Nhẫn nghĩa là thể ngộ, nhận thức sự lí mà tâm được an. 1. Âm hưởng nhẫn (Phạm: Ghowà= nugama-dharma-kwànyi), cũng gọi Tùy thuận âm thanh nhẫn, Sinh nhẫn: Lắng nghe giáo pháp mà tâm được an. Đây là giai vị Thập tín, nhờ nghe pháp âm mà liễu ngộ nên gọi là Âm hưởng nhẫn. 2. Nhu thuận nhẫn (Phạm: Anulo= mikì-dharma-kwànyi), cũng gọi Tư duy nhu thuận nhẫn, Nhu thuận pháp nhẫn: Nhờ sự tư duy của chính mình mà được liễu ngộ và tùy thuận chân lí. Đây là giai vị Tam hiền, hàng phục các hoặc nghiệp, khiến 6 trần vô tính không sinh ra được, cho nên gọi là Nhu thuận nhẫn. 3. Vô sinh pháp nhẫn (Phạm: Anutpattika-dharma-kwànyi), cũng gọi Tu tập vô sinh nhẫn, Vô sinh nhẫn. Nghĩa là khế hợp chân lí. Tức Thất địa trở lên, lìa tất cả tướng mà chứng ngộ thực tướng. Trong Vô lượng thọ kinh kí quyển thượng, ngài Huyền nhất đời Đường đem Tam nhẫn phối với Tam tuệ: Nhờ được nghe âm giáo mà có Âm hưởng nhẫn là Văn tuệ; nhờ tùy phần điều phục tâm mà có Nhu thuận nhẫn là Tư tuệ; nhờ quán xét chứng lí vô sinh mà có Vô sinh nhẫn là Tu tuệ. Lại trong Vô lượng thọ kinh sao quyển 5, vị tăng người Nhật bản là Liễu huệ, có dẫnlời giải thích của ngài Nghĩa tịch, người nước Tân la, về Tam nhẫn như sau: 1. Âm hưởng nhẫn: Nếu nghe pháp chân thực mà không kinh nghi sợ hãi, lại tin hiểu thụ trì, ưa thích thuận theo, tu tập an trụ, thì đó là Tùy thuận âm hưởng nhẫn bậc nhất. Đây là lời giải thích trong phẩm Thập nhẫn. 2. Tùy thuận nhẫn: Bồ tát tùy thuận tịch tĩnh quán xét tất cả pháp, bình đẳng chính niệm, không trái nghịch các pháp, dùng tùy thuận vào sâu tất cả các pháp, dùng trực tâm thanh tịnh phân biệt các pháp, tu bình đẳng quán và thâm nhập đầy đủ, đó là thuận nhẫn thứ 2, gọi là Tùy thuận nhẫn. 3. Vô sinh pháp nhẫn: Bồ tát không thấy có pháp sinh, không thấy có pháp diệt; nếu không sinh thì không diệt, không diệt thì không hết, không hết thì lìa cấu, lìa cấu thì không hoại, không hoại thì chẳng động, chẳng động thì vắng lặng, đó là Vô sinh pháp nhẫn. [X. kinh Vô lượng thọ Q.thượng; kinh Tọa thiền tam muội Q.hạ; kinh Nguyệt đăng tam muộiQ.2; luận Du già sư địa Q.49; Vô lượng thọ kinh sao Q.4]. II. Tam Pháp Nhẫn. Ba pháp Vô sinh nhẫn theo quan điểm Tịnh độ giáo. Do thấy cõi Tịnh độ của đức Phật A di đà mà lòng sinh vui mừng và được 3 Vô sinh nhẫn: Hỉ nhẫn, Ngộ nhẫn và Tín nhẫn. Sự phân chia 3 Vô sinh nhẫn này là dựa theo 3 trạng thái của tâm là hỉ(mừng), ngộ (hiểu rõ) và tín (tin), khi được Vô sinh nhẫn nhờ sự quán tưởng mạnh mẽ chuyên tinh, thấy cõi Tịnh độ trang nghiêm mà tâm sinh hoan hỉ. Nhưng vẫn còn nhiều thuyết phân vân, không biết rốt cuộc thì loại Vô sinh nhẫn này là do quán tưởng Phật mà được, hay do lòng tin mà được? [X. Quán kinh tự phần nghĩa]. III. Tam Pháp Nhẫn. Chỉ cho 3 thứ nhẫn: Nại oán hại nhẫn, An thụ khổ nhẫn và Đế sát pháp nhẫn thuộc Nhẫn nhục Ba la mật. 1. Nại oán hại nhẫn: Dù bị người ta oán ghét, hãm hại thì mình vẫn thản nhiên chịu đựng, không có tâm trả thù. 2. An thụ khổ nhẫn: Dù có bị các nỗi khổ não bức ngặt như tật bệnh, nước lửa, dao gậy thì vẫn yên lòng nhẫn nại, điềm nhiên bất động. 3. Đế sát pháp nhẫn: Xét kĩ thể tính các pháp hư dối, vốn không sinh diệt, tin hiểu chân thực, tâm không vọng động, an nhiên lãnh nhận. [X. Nhiếp đại thừa luận thích Q.7 (Thế thân); Duy thức luận thuật kí Q.10, phần đầu; Hoa nghiêm đại sớ sao Q.5]. (xt. Nhẫn).