tam ma hứ đa

Phật Quang Đại Từ Điển

(三摩呬多) Phạm,Pàli:Samàhita. Hán dịch: Đẳng dẫn, Thắng định. Chỉ cho thân tâm an hòa bình đẳng do định lực dẫn sinh. Phần vị định do gia hạnh trước dẫn phát, cũng gọi là Tam ma hi đa. Cứ theo Thành duy thức luận thuật kí quyển 6, phần đầu và Du già luận lược toản quyển 1 thì Tam ma hi đa chỉ có ở định chứ không có ở tán, nhưng thông cả hữu tâm, vô tâm và lấy công đức 5 uẩn hữu lậu, vô lậu làm thể tính. Lãnh vực của Đẳng dẫn bao gồm: Bốn tĩnh lự, 8 giải thoát, 3 đẳng trì và 5 hiện kiến tam ma bát để. Do đó mà biết rằng phạm vi của Đẳng dẫn (Tam ma hi đa) rộng hơn so với Đẳng chí (Tam ma bát để). Câu xá luận quang kí quyển 6 (Đại 41, 124 trung) nói: Tam ma hi đa, Hán dịch là Đẳng dẫn, thông cả định hữu tâm và vô tâm. Phần nhiều có trong định hữu tâm nhưng không có ở tán, nếu gọi định hữu tâm là Đẳng dẫn, thì tâm lìa hôn trầm, điệu cử, gọi là Đẳng, có năng lực dẫn khởi định này gọi là Dẫn, đây là theo gia hạnh mà đặt tên. Cũng giải thích là định lìa hôn trầm, điệu cử, gọi là Đẳng, thường dẫn khởi thân tâm bình đẳng, gọi là Dẫn. Nếu gọi định vô tâm là Đẳng dẫn thì lại có 2 cách giải thích, cứ theo như định hữu tâm mà giải thích, chỉ có khác chữ vô tâm. Căn cứ vào sự giải thích trên đây thì Đẳng dẫn có 3 nghĩa: 1. Xa lìa hôn trầm, điệu cử… 2. Thường dẫn khởi bình đẳng… 3. Dẫn phát ra phương tiện bình đẳng… [X. luận Du già sư địa Q.11; Du già luận kí Q.4, thượng; Huyền ứng âm nghĩa Q.21]. (xt. Tam Muội).