tam ma da

Phật Quang Đại Từ Điển

(三摩耶) Phạm: Samaya. Cũng gọi Tam muội da, Sai ma dã, Sa ma da. Hán dịch: Thời, Chúng hội, Nhất trí, Qui tắc, Giáo lý. I. Tam Ma Da. Có hàm nghĩa là thời như ở đầu các kinh có câu Như thị ngã văn, nhất thời… (Phạm: Evaô maỳa Zrutam ekamsmin samaye), cũng tức là thời thành tựu trong Lục sự thành tựu. Cứ theo luận Đại trí độ quyển 1 thì Ấn độ đời xưa dùng 2 từ để chỉ nghĩa thời: Một là Ca la (Phạm:Kàla); hai là Tam ma da. Trong đó, từ Ca la thường được ngoại đạo Ấn độ sử dụng; ngoại đạo này chấp thời gian là có thật, hơn nữa, chủ trương thời gian là nhân sinh ra muôn vật, nhưng Phật giáo thì cho đó là tà kiến, bởi vậy, trong kinh thường dùng từ Tam ma da chứ không dùng từ Ca la. Ngoài ra có thuyết cho rằng Ca la biểu thị thời trong trường thời, như 1 năm chia làm 3 phần bằng nhau; còn Tam ma da thì biểu thị tiểu thời trong thời, như 1 ngày chia làm 6 thời ngày đêm, trong 6 thời lại chia ra tiểu phần. [X. Đại nhật kinh nghĩa thích diễn mật sao Q.8; Đại nhật kinh sớ sao Q.2]. (xt. Nhất Thời). II. Tam Ma Da. Mật giáo cho Tam ma da là bản thệ (thệ nguyện ở nhân vị)của chư Phật hoặc chư tôn, có 4 nghĩa: Bình đẳng, bản thệ, trừ chướng và kinh giác. Đứng về phương diện bản chất mà nhận xét, thì Phật và chúng sinh hoàn toàn bình đẳng, không có sai khác(bình đẳng), vì thế, Phật phát thệ làm cho tất cả chúng sinh được khai ngộ thành Phật(bản thệ), còn chúng sinh thì nhờ sức gia trì của Phật, cho nên có thể diệt trừ phiền não(trừ chướng), tâm mê do đó cũng được thức tỉnh(kinh giác). Trong 4 nghĩa này, bình đẳng là trung tâm. Cho nên kinh Đại nhật quyển 6 nói cả 3(bản thệ, trừ chướng, kinh giác) đều bình đẳng nhất trí, tức hàm ý cả 3 đều là Tam muội, gọi là Tam tam muội da. Ở đây có 4 thứ: Nhất tâm tam tam muội da, Tam bảo tam tam muội da, Nhất thân tam tam muội da và Tam thừa tam tam muội da. Cứ theo kinh Đại nhật quyển 2 và Đại nhật kinh sớ quyển 9, tu theo pháp Tam muội(Tam ma da) của chư tôn thuộc Mạn đồ la Thai tạng giới thì khế hợp với bản thệ và cùng với chư tôn trở thành nhất thể, vì chư tôn thuộc Thai tạng giới chia làm 3 bộ là Phật bộ, Liên hoa bộ và Kim cương bộ, pháp quán tưởng cũng có 3 thứ, gọi là Tam tam muội da. Ba thứ Tam muội da này cũng gọi là Phật bộ tam muội da, Liên hoa bộ tam muội da và Kim cương bộ tam muội da, hoặc gọi chung là Tam bộ tam muội da. Khi có nghĩa bình đẳng, bản thệ, thì giới của Phật giáo gọi là Tam muội da giới, Tam ma da giới, gọi tắt là Tam giới. Còn tác pháp của giới này gọi là Tam muội da giới nghi, Tam muội da giới tác pháp; đạo tràng của giới này gọi là Tam muội da giới tràng, Tam muội da giới đàn.Giới này lấy tâm Bồ đề thanh tịnh sẵn có của chúng sinh làm giới thể và lấy công đức pháp giới làm hành tướng. Giới này được truyền trao khi hành giả thụ pháp Quán đính. Mật giáo cho rằng sau khi thụ pháp mà không tu hành thì bản thệ của mình sẽ bị lui mất và phạm tội, gọi là tội Thoái tam muội da. Người hoài nghi và chê bai giáo thuyết (Mật tạng) của Mật giáo thì gọi là tội Phá tam muội da. Nếu chưa được chấp nhận cho học pháp mà tự trao truyền, nhận lãnh với nhau thì phạm tội, gọi là tội Việt tam muội da(tội vượt pháp). Ba thứ tội nêu trên hợp lại gọi chung là Tam chủng trọng tội. Những vật như khí trượng, ấn khế… tượng trưng bản thệ Phật, Bồ tát, chư tôn… gọi là Tam muội da hình, Tam ma da hình(gọi tắt là Tam hình), hoặc Ba la mật hình, Mạn đồ la vẽ hình Tam muội da để tượng trưng cho tôn hình, gọi là Tam muội da mạn đồ la, 1 trong 4 loại Mạn đồ la. Quá trình tu hành trong Mật giáo có 5 giai đoạn gọi là Ngũ chủng tam muội da, Ngũ chủng quán đính. Đó là: 1. Sơ kiến tam muội da: Giai vị chưa được trao cho chân ngôn và ấn khế, mới chỉ thấy được Mạn đồ la từ đàng xa phía ngoài đàn. 2. Nhập đổ tam muội da: Giai vị được phép vào phía trong đàn để cúng dường, lễ bái, rải hoa và được nghe danh hiệu của Bản tôn. Giai đoạn này được thụ chân ngôn và ấn khế. 3. Cụ đàn tam muội da: Giai vị tu nghiệp vi diệu sau khi đã được thấy Mạn đồ la và ấn khế. 4. Truyền giáo tam muội da: Giai vị tu hành các phép tắc, hiểu biết các việc tất yếu mà được làm thầy các người khác. 5. Bí mật tam muội da: Giai vị cuối cùng phát sinh trí tuệ bí mật. Năm thứ Tam muội da trên tương đương với Mạn đồ la cúng, Kết duyên quán đính, Thụ minh quán đính, Truyền pháp quán đính và Dĩ tâm quán đính của đời sau.[X. phẩm Nhập bí mật mạn đồ la pháp trong kinh Đại nhật Q.5; Lí thú thích Q.thượng; Đại nhật kinh sớ Q.16].