tam ma bát để

Phật Quang Đại Từ Điển

(三摩鉢底) Phạm,Pàli:Samàpatti. Hán âm: Tam ma bạt đề, Tam ma nga. Hán dịch: Đẳng chí, Chính thụ, Chính định hiện tiền. Chỉ cho cảnh giới thiền định do xa lìa các phiền não hôn trầm, trạo cử… mà thân tâm hành giả đạt đến trạng thái bình đẳng, an hòa. Cứ theo luận Câu xá quyển 28 thì 4 Tĩnh lự và 4 định Vô sắc là 8 Đẳng chí căn bản, trong đó, 4 Tĩnh lự và 3 định Vô sắc sau, cả 7 loại đều có 3 thứ Vị đẳng chí, Tịnh đẳng chí và Vô lậu đẳng chí, còn Hữu đính địa thì chỉ có Vị đẳng chí và Tịnh đẳng chí mà thôi. Về sựsaikhác giữa Tam ma bát để và Tam ma địa (Đẳng trì) thì trong luận Đại tì bà sa quyển 162 có nêu ra mấy thuyết, trong đó, có thuyết cho rằng Đẳng trì lấy 1 vật làm thể, Đẳng chí lấy 5 uẩn làm thể. Có thuyết nói Đẳng trì là 1 sát na, Đẳng chí thì tương tục. Có thuyết cho rằng các Đẳng trì tức là Đẳng chí, còn Đẳng chí thì không phải Đẳng trì, như Vô tưởng đẳng chí, Diệt tận đẳng chí chẳng phải là Đẳng trì. Cũng có thuyết nói Đẳng trì chẳng phải là Đẳng chí, như Bất định tâm tương ứng đẳng trì chẳng phải là Đẳng chí. Theo Câu xá luận quang kí quyển 6 thì Tam ma địa thông cả định, tán và 3 tính thiện, ác, vô kí, chỉ có tâm bình đẳng, giữ tâm hướng tới cảnh, cho nên gọi là Đẳng trì. Còn Tam ma bát để thì thông cả định hữu tâm và định vô tâm, chỉ có ở định chứ không hiện diện ở tán. Ngoài ra cũng có thuyết cho rằng Tam ma bát để là tên khác của thiền định. Trong Nhiếp đại thừa luận thích quyển 11 (bản dịch đời Lương) có lược nêu 6 thể loại Tam ma bát để khác nhau là: Cảnh, chúng loại, đối trị, tùy dụng, tùy dẫn, do sự… [X. luận Du già sư địa Q.11; Thập địa kinh luận Q.5; luận Tạp a tì đàm tâm Q.7; luận Câu xá Q.5; Thành duy thức luận thuật kí Q.6, phần đầu; Du già luận lược toản Q.1,5]. (xt. Tam Muội).