tam luận tông

Phật Quang Đại Từ Điển

(三論宗) Cũng gọi Không tông, Vô tướng tông, Trung quán tông, Vô tướng đại thừa tông, Vô đắc chính quán tông, Gia tường tông, Đề bà tông, Bát nhã tông, Phá tướng tông. Tông phái lấy ba bộ Trung luận, Bách luận, Thập nhị môn luận làm chỗ y cứ, tuyên dương các nghĩa Không, Vô tướng, Bát bất trung đạo… 1 trong 13 tông của Phật giáo Trung quốc, 1 trong 8 tông của Phật giáo Nhật bản. Tông này còn chú trọng xiển dương các pháp tính không, nên cũng gọi là Pháp tính tông.Hệ thống truyền thừa của tông Tam luận như sau: 1. Ấn độ. Theo Tam luận tổ sư truyện tập, đức Thích ca được tôn làm Tổ thứ nhất của tông này, các ngài Văn thù, Mã minh, Long thụ, Đề bà, La hầu la theo thứ tự là Tổ thứ hai đến Tổ thứ sáu. Tam luận tông huyết mạch và Bát tông cương yếu thì tôn ngài Văn thù là Cao tổ, ngài Mã minh là Tổ thứ hai, ngài Long thụ là Tổ thứ ba. Trong đó, ngài Long thụ ra đời vào đầu thế kỉ III tại Nam Ấn độ, soạn Trung luận tụng, Thập nhị môn luận, khởi xướng yếu chỉ Trung đạo chính quán vô y vô đắc mà đặt nền móng cho tông này. Ngài Đề bà là người Nam Ấn độ, nhận pháp nơi ngài Long thụ, từng luận phá ngoại đạo, Tiểu thừa, ngài La hầu la lễ tán Bát nhã không quán, Phạm chí Thanh mục soạn văn xuôi giải thích Trung luận tụng; ngoài ra, ngài Thế thân chú thích Bách luận của ngài Đề bà, ngài Phật hộ chú thích Trung luận, ngài Vô trước soạn luận Thuận trung, ngài An tuệ soạn Đại thừa trung quán thích luận, ngài Thanh biện soạn Bát nhã đăng luận thích, Đại thừa chưởng trân luận, ngài Hộ pháp soạn Quảng bách luận, ngài Nguyệt xứng soạn Trung luận sớ, Bách luận sớ. Ấn độ có hơn 70 nhà chú thích bộ Trung luận, căn cứ vào đó ta có thể biết sự lưu hành bộ luận này vào thời ấy hưng thịnh như thế nào.2. Trung Quốc. Tông Tam luận được truyền vào Trung quốc có 2 phái: Phái do ngài Cưu ma la thập truyền vào thời đại Diêu tần gọi là Cổ tam luận; còn hệ thống của 2 luận sư Thanh biện và Trí quang do Tam tạng Nhật chiếu truyền đến Trung quốc vào khoảng năm Nghi phụng (676-678) đời vua Cao tông nhà Đường thì gọi là Tân tam luận. Trong đó, ngài Cưu ma la thập dịch kinh Đại phẩm bát nhã 30 quyển, luận Đại trí độ 100 quyển, Trung luận 4 quyển, Thập nhị môn luận 1 quyển, đồng thời, dịch truyện kí của ngài Long thụ và Đề bà… đã đặt vững chắc nền tảng của tông Tam luận Trung quốc. Học trò ngài La thập có tới 3 nghìn người, nhưng chỉ có 10 người giỏi, đó là các ngài: Tăng triệu, Đạo sinh, Tăng duệ, Đàm ảnh, Tuệ nghiêm, Tuệ quán, Tăng khế, Đạo hằng, Đạo tiêu, Đạo dung… Trong đó, ngài Tăng triệu soạn Triệu luận, ngài Đạo sinh soạn Nhị đế, ngài Đàm ảnh soạn Trung luận sớ, ngài Đạo dung soạn Tam luận chú… Các ngài Tuệ quán, Đạo sinh, Tăng duệ… hoằng pháp ở Giang nam, các ngài Tăng triệu, Đàm ảnh, Đạo dung… thì truyền giáo ở Quan trung, do đó mà hình thành 2 học phái của tông Tam luận ở 2 miền Nam Bắc. Về sau, có ngài Đàm tế xuất hiện, soạn luận Thất tông. Từ khoảng năm 401 đến 480, phái ở miền Bắc vì không có nhân tài nên dần dần sa sút, còn phái ở miền Nam cũng bị luận Thành thực lấn át nên không phát triển được. Vào thế kỉ thứ VI, có ngài Tăng lãng(cũng gọi Đạo lãng), người Cao li, đến Trung quốc thờ ngài Đàm tế làm thầy, được Lương vũ đế kính tin, nên có thế chấn hưng Tam luận. Nhưng ngài tu tập Chỉ quán ở núi, vả lại, sự nghiên cứu luận Thành thực lúc đó đang thịnh hành nên ít ai chú ý đến ngài. Sau ngài Tăng lãng, có ngài Tăng thuyên nối tiếp, muốn chấn hưng học phong Tam luận, nhưng vì bấy giờ pháp môn Duyên khởi luận của Địa luận, Nhiếp luận đang lưu hành, nên Tam luận do ngài Tăng thuyên đề xướng cũng chịu ảnh hưởng mà khác với Tam luận cũ của ngài La thập. Học trò của ngài Tăng thuyên có các vị Pháp lãng,Biện công, Tuệ dũng, Tuệ bá(được gọi là Từ triết), trong đó, đặc biệt ngài Pháp lãng vượt trội hơn cả, được Vũ đế nhà Trần triệu về trụ trì chùa Hưng hoàng tại kinh đô, mở trường giảng pháp, học chúng thường trên nghìn người, môn hạ có 25 vị, trong đó, Đại sư Gia tường Cát tạng là bậc kiệt xuất. Ngài Cát tạng soạn thuật mấy mươi bộ như: Đại phẩm kinh nghĩa sớ, Trung quán luận sớ, Bách luận sớ, Thập nhị môn luận sớ, Đại thừa huyền luận, Nhị đế nghĩa, Tam luận huyền nghĩa, Pháp hoa huyền luận, Pháp hoa nghĩa sớ… tập đại thành tông Tam luận, đưa tông này vào thời đại vàng son (581- 623). Sau ngài Cát tạng, tuy có các vị cao túc như Trí khải, Tri mệnh, Trí thực, Tịch sư, Tuệ viễn… kế thừa, nhưng vì không vị nào vượt trội, lại thiếu hành chứng thiết thực và bị tông Pháp tướng bài xích; rồi do ảnh hưởng của những nhân tố như trào lưu tư tưởng biến thiên, học giả thích đổi mới tư tưởng và Thiền tông bành trướng… nên từ giữa đời Đường về sau, tông này không còn được ai nhắc đến nữa. Học trò ngài Pháp lãng còn có Tuệ quân (soạn Tứ luận huyền nghĩa) và Thạc pháp sư (soạn Tam luận sớ, Tam luận du ý), không rõ hệ thống, cũng là các bậc thạc học về Tam luận 1 thời.3. Triều Tiên: Ngài Tăng lãng phục hưng tông Tam luận của Trung quốc vào thời Nam Bắc triều vốn là người ở thành Liêu đông, nước Cao li, trước khi đến Trung quốc, ngài đã có kiến thức về Tam luận. Ngoài ra, cáccao tăng từ Cao li, Bách tế đến Nhật bản triều cống vào thời các Thiên hoàng Khâm minh, Suy cổ đều là các học giả thông suốt Tam luận và Thành thực, trong đó, ngài Tuệ quán của Cao li là đệ tử của Đại sư Cát tạng, sau trở thành Thủy tổ của tông Tam luận Nhật bản. Do đó, có thể biết thời đại truyền nhập nghĩa Không luận (thuộc Cổ tam luận)vào Cao li, Bách tế là rất sớm. Sự nghiên cứu Tam luận ở Tân la thuộc Tân tam luận do ngài Nhật chiếu truyền, phát khởi cùng lúc với sự truyền bá tông Hoa nghiêm. Ngài Nguyên hiểu và Pháp tạng cùng thụ học Tân tam luận nơi ngài Nhật chiếu. Ngài Nguyên hiểu có soạn Chưởng trân luận tông yếu, Tam luận tông yếu… Lại theo Tam quốc di sự quyển 4 thì ngài Nghĩa tương từng nhận được các trứ tác của ngài Pháp tạng ở nơi ngài Thắng thuyên, trao cho các môn đệ, vì thế mà biết được là pháp nghĩa Tân tam luận cũng còn do ngài Nghĩa tương truyền nữa. Ngoài ra, những tác phẩm của các học giả Cổ tam luận ở đương thời cũng đã được truyền đến Tân la. 4. Nhật Bản. Ngài Tuệ quán, người Cao li, đệ tử của Đại sư Cát tạng, truyền tông Tam luận đến Nhật bản (625), về sau, pháp tôn của ngài Tuệ quán là Trí tạng lại đến Trung quốc vào đời Đường để học giáo nghĩa tông Tam luận. Sau khi về nước, sư Trí tạng truyền bá Tam luận, hình thành 2 dòng phái Nguyên hưng tự và Đại an tự. Điều đáng tiếc là sau khi truyền bá vào Nhật bản, vì phải cạnh tranh với Duy thức nên Tam luận đã mất đi cái bản chất của mình, như các sư Cần tháo, Huyền duệ, Long hải đã dùng Tam luận để phá Duy thức, đó chính là noi theo thuyết quyền thực của Thiên thai vậy. Giáo nghĩa chủ yếu của tông Tam luận gồm 3 khoa: Phá tà hiển chính, Chân tục nhị đế và Bát bất trung đạo. Trung luận, Bách luận và Thập nhị môn luận đều không ngoài2 mục đích phá tà và hiển chính. Theo Đại thừa huyền luận thì hữu đắc là tà, mà vô đắc là chính, phá tà là phá trừ cái kiến giải hữu sở đắc (có cái để được), còn hiển chính là nêu tỏ cái lí không vô sở đắc. Thông thường, phá tà hiển chính là chỉ cho phá bỏ tà kiến, hiển bày chính lí, nhưng tông Tam luận chủ trương ngoài phá tà không có hiển chính, bởi vì phá tà tức là hiển chính. Hiển chính là Trung đạo vô sở đắc, lìa tứ cú, dứt bách phi, lời mất, ý bặt. Vì muốn cho chúng sinh lãnh ngộ được cái lí thể vô sở đắc này mà trong chỗ vô danh tướng, cưỡng lập ra danh tướng, để nói Chân đế và Tục đế, 2 đế chính là ngôn giáo giải thích rõ lí vô sở đắc. Vì thế, Trung luận đặc biệt dùng Bát bất thuyết minh nghĩa của 2 đế. Bát bất là bất sinh, bất diệt, bất thường, bất đoạn, bất nhất, bất dị, bất xuất, bất lai. Cái gọi là tà tuy có nhiều thứ khác nhau, nhưng có thể tóm lại mà gọi chung bằng kiến giải nhất thiết hữu sở đắc(tất cả đều có chỗ được); nói cách khác, không ngoài 4 đôi 8 chấp: Sinh-diệt, thườngđoạn; nhất-dị, xuất-lai. Phá trừ 8 cái chấp tà mê này để hiển bày chính quán vô sở đắc, tức là Bát bất trung đạo. Tông này phá trừ tất cả kiến giải hữu sở đắc, lấy vô sở đắc làm tông chỉ, bởi thế, đối với giáo pháp 1 đời của đức Phật không lập quyền thực chân giả, hoặc chia sâu, cạn, hơn, kém. Tuy nhiên, để thích ứng với căn cơ của chúng sinh, vẫn lập giáo phán Nhị tạng và Tam luân. Nhị tạng chỉ cho tạng Thanh văn, tạng Bồ tát, Tam luân chỉ cho căn bản pháp luân (tức kinh Hoa nghiêm), Chi mạt pháp luân (tất cả các kinh Đại, Tiểu thừa sau Hoa nghiêm, trước Pháp hoa), Nhiếp mạt qui bản pháp luân(tức kinh Pháp hoa). [X. Tam luận huyền nghĩa; Pháp hoa huyền luận Q.1,3; Pháp hoa du ý Q.thượng; Trung quán luận sớ Q.1, phần đầu và phần cuối; Thập nhị môn luận tông trí nghĩa kí; Đại thừa tam luận đại nghĩa sao Q.1]. (xt. Nhị Đế, Tứ Luận Tông, Cát Tạng, Long Thụ).