tam lễ

Phật Quang Đại Từ Điển

(三禮) Cũng gọi Tam bái. I. Tam Lễ. Gọi đủ: Tam bảo lễ. Cũng gọi Tam kính lễ. Chấp tay lễ bái Tam bảo Phật Pháp Tăng. Trong phẩm Tịnh hạnh kinh Hoa nghiêm quyển 6 (bản dịch cũ) và Vãng sinh tịnh độ sám nguyện nghi đều có chép văn xướng khi lễ bái Tam bảo. (xt. Tam Bảo Lễ). II. Tam Lễ. Gọi đủ: Tam qui lễ. Kính lễ khi qui y Tam bảo Phật Pháp Tăng. Theo Vãng sinh lễ tán kệ của ngài Thiện đạo thì khi qui y Tam bảo nên xướng rằng (Đại 47, 440): Qui y Phật được bồ đề, đạo tâm thường chẳng lui, nguyện cùng các chúng sinh, hồi hướng nguyện sinh về cõi Vô lượng thọ, Qui y pháp Tát bà nhã, được môn Đại tổng trì, nguyện cùng các chúng sinh, hồi hướng nguyện sinh về cõi Vô lượng thọ; Qui y tăng dứt tranh luận, cùng vào biển hòa hợp, nguyện cùng với chúng sinh, hồi hướng nguyện sinh về cõi Vô lượng thọ. (xt. Tam Qui Y). III. Tam Lễ. Gọi đủ: Tam tôn lễ. Tức kính lễ khi qui mệnh đức Phật A di đà, bồ tát Quán thế âm và bồ tát Đại thế chí.IV. Tam Lễ. Tam lễ của Mật giáo, tức hành giả Chân ngôn 3 lần lễ bái Bản tôn thánh chúng. Khi vị đạo sư lễ Tam lễ trước đàn tu pháp thì phần nhiều cầm lư hương có cán; hành giả sơ tâm thì cầm tràng hạt hoặc chắp tay kim cương, miệng tụng chân ngôn Phổ lễ để lễ. Chân ngôn là Án tát phạ đát tha nghiệt đa bả na mãn na nâm ca lô di. Còn khi cử hành nghi thức Quán đính, Truyền thụ… thì đệ tử lãnh thụ phải hướng vào vị Đại a xà lê mà lễ 3 lễ. V. Tam Lễ. Gọi đủ: Tam thân lễ. Tức kính lễ 3 thứ công đức của A di đà Như lai. Văn xướng khi lễ là: Nam mô Tây phương cực lạc thế giới, Bản nguyện thành tựu thân A di đà Phật. Nam mô Tây phương cực lạc thế giới, Quang minh nhiếp thủ thân A di đà Phật. Nam mô Tây phương cực lạc thế giới, Lai nghinh tiếp dẫn thân A di đà Phật. VI. Tam Lễ. Gọi đủ: Thích ca tam lễ. Tức kính lễ di thân xá lợi của đức Thích ca Như lai. Tịnh độ chư hồi hướng bảo giám quyển 2 có ghi văn lễ. VII. Tam Lễ. Gọi đủ: Tam xướng lễ. Ba lần xướng 6 chữ hồng danh của đức Phật A di đà khi lễ bái Ngài. VIII. Tam Lễ. Gọi đủ: Vô ngôn tam lễ. Tức im lặng không nói mà lễ Phật, Bồ tát và Sư trưởng 3 lễ. [X. điều Sư tư chi đạo trong Nam hải kí qui nội pháp truyện Q.3]. IX. Tam Lễ. Ba kiểu lễ nói trong luận Đại trí độ quyển 10: Thượng lễ, trung lễ và hạ lễ. Thượng lễ là cúi đầu lễ, trung lễ là quì lễ, hạ lễ là chắp tay vái. X. Tam Lễ. Khi điêu khắc tượng Phật, mỗi nhát dao lễ bái 3 lần, gọi là Nhất đao tam lễ, lại khi viết chép văn kinh hoặc vẽ tranh tượng Phật, cũng có tác pháp Nhất bút tam lễ (đưa 1 nét bút lễ 3 lễ), Nhất tự tam lễ(viết 1 chữ lễ 3 lễ).