tam khổ đối tam giới

Phật Quang Đại Từ Điển

(三苦對三界) Thiên thai tứ giáo nghi tập chú đem 3 khổ phối hợp với 3 cõi. 1. Khổ khổ đối Dục giới: Thụ sinh trong 3 cõi đều là khổ, các cảnh cõi Dục bức bách, nỗi khổ ở đây rất nhiều, nên cõi Dục được phối với khổ khổ. 2. Hoại khổ đối Sắc giới: Nỗi khổ phát sinh khi niềm vui tan hoại, gọi là Hoại khổ. Các người trời cõi Sắc tuy được cái vui thiền vị, nhưng khi quả báo đã hết lại phải chịu khổ sinh tử trong 5 đường, nên cõi Sắc được phối hợp với Hoại khổ. 3. Hành khổ đối Vô sắc giới: Trong cõi Vô sắc tuy không có sắc chất ngại, nhưng vì tâm thức hữu lậu sinh diệt biến hóa mà có hành khổ, cho nên cõi Vô sắc được phối với Hành khổ. TAM KHÔNG I. Tam Không. Chỉ cho 3 thứ không do tông Duy thức dựa theo nghĩa của 3 tính Biến kế, Y tha, Viên thành mà lập ra, đó là: 1. Vô tính không(cũng gọi Vô thể không): Tính Biến kế sở chấp đối trước vọng tình tuy có nhưng thực ra thể tính của nó thì không. 2. Dị tính không: Thể tướng của tính Y tha khởi khác với tính Biến kế sở chấp; tuy chẳng phải không vô, nhưng cũng giống như cái do vọng tình chấp trước nên chẳng phải có. 3. Tự tính không: Tính Viên thành thực chính là tự tính của các pháp, hiển bày lí Nhân không và Pháp không. Luận Hiển dương thánh giáo quyển 15 cũng y cứ vào tự thể của 3 tính Biến kế, Y tha, Viên thành mà lập 3 không: Vô thể không, Viễn li không và Trừ khiển không. [X. luận Biện trung biên Q.trung; luận Trung biên phàn biẽt Q.thượng; Biện trung biên luận thuật kí Q.trung]. II. Tam Không. Căn cứ theo cái chúng sinh chấp trước mà chia Không làm 3 loại: 1. Ngã không (cũng gọi Nhân không): Đối với pháp 5 uẩn cưỡng lập chủ tể, gọi là Ngã chấp; nếu suy tìm trong sắc, thụ, tưởng, hành, thức thì đều không có tự tính, không thấy ngã thể, gọi là Ngã không. 2. Pháp không: Đối với pháp 5 uẩn chấp là có thật, gọi là Pháp chấp, nếu suy tìm trong pháp 5 uẩn thì như huyễn như hóa, đều do nhân duyên sinh, không có tự tính, gọi là pháp không. 3. Câu không: Ngã chấp và Pháp chấp đã trừ, cái không của năng không cũng diệt, Không và Chấp đều mất, khế hợp bản tính, gọi là Câu không. [X. Kim cương kinh sớ luận toản yếu Q.thượng; Kim cương kinh toản yếu san định kí Q.1].