tam học

Phật Quang Đại Từ Điển

(三學) I. Tam Học. Phạm:Tisra# zikwà#. Pàli:Tisso sikkhà. Cũng gọi Tam thắng học. Gọi đủ: Giới định tuệ tam học. Ba môn giới, định, tuệ mà người học Phật phải tu. 1. Tăng giới học (Phạm: Adhizìla) cũng gọi Giới học, Tăng thượng giới học: Giới có năng lực tu thiện, đồng thời ngăn ngừa các nghiệp ác do thân, khẩu, ý tạo ra. 2. Tăng tâm học (Phạm: Addhicitta), cũng gọi Định học, Tăng ý học, Tăng thượng ý học, Tăng thượng tâm học: Định có năng lực nhiếp tâm tán loạn, diệt trừ các niệm tạp nhạp, thấy tính ngộ đạo. 3. Tăng tuệ học (Phạm:Adhiprajĩà), cũng gọi Tuệ học, Tăng thượng tuệ học: Tuệ có năng lực hiển phát bản tính, đoạn trừ phiền não, thấy thực tướng của chư Phật.Ba môn học này là giềng mối thực hành của Phật giáo, tức nhờ giới sinh định, do định phát ra tuệ. Vì thế, kinh Bồ tát địa trì quyển 10 đem Lục độ phối hợp với Tam học, tức 4 Ba la mật: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến là Giới học, Thiền ba la mật là Định học và Bát nhã ba la mật là Tuệ học. [X. kinh Đại bát niết bàn Q.17, (bản Bắc); kinh Bản sự Q.6; Luật Tứ phần Q.58; luật Ma ha tăng kì Q.2; Đại thừa nghĩa chương Q.10]. (xt. Giới Định Tuệ). II. Tam Học. Chỉ cho Hữu học, Vô học và Phi hữu học phi vô học. Cứ theo sự giải thích trong luận Đại trí độ quyển 18 và luận Câu xá quyển 24 thì: 1. Hữu học (Phạm: Zaikwa): Chỉ cho Tứ hướng tam quả. Còn Hữu học trí thì chỉ cho Khổ pháp trí nhẫn, cho đến Kim cương tam muội tuệ trong Vô ngại đạo thứ 9 của A la hán hướng. Hữu học pháp chỉ cho Ngũ uẩn của Hữu học thuộc vô lậu hữu vi. 2. Vô học (Phạm: Asaikwa): Chỉ cho quả A la hán. Vô học trí thì chỉ cho giải thoát trí thứ 9 của A la hán. Còn Vô học pháp thì chỉ cho Ngũ uẩn của Vô học thuộc Vô lậu hữu vi. 3. Phi học phi vô học (Phạm: Naivazaikwa-nàzaikwa): Chỉ cho dị sinh (tức phàm phu). Phi học phi vô học trí thì chỉ cho pháp bất tịnh của Can tuệ địa, an na ban na, tứ niệm xứ thuộc Dục giới hệ, noãn pháp, đính pháp, nhẫn pháp, và thế đệ nhất pháp… Còn phi học phi vô học pháp thì chỉ cho Ngũ uẩn hữu lậu và pháp vô vi. [X. kinh Tạp a hàm Q.28; kinh Phúc điền trong kinhA hàm Q.30; luận Đại trí độ Q.22; luận Câu xá Q.4; Câu xá luận quang kí Q.4]. (xt. Tứ Hướng Tứ Quả, Dị Sinh).