tam giáo luận hoành

Phật Quang Đại Từ Điển

(三教論衡) I. Tam Giáo Luận Hành. Chỉ cho cuộc tranh luậngiữa 3 giáo Nho, Phật và Đạo. Nho giáo và Đạo giáo là các tông giáo của Trung quốc, còn Phật giáo là tông giáo ngoại nhập, được truyền từ Ấn độ tới, cho nên bất luận về phương diện nào, hoặc tư tưởng tín ngưỡng hoặc nghi lễ tập quán, đều có sự sai khác rất lớn, cho nên giữa Tam giáo thường xảy ra các cuộc tranh luận về giáo nghĩa, nghi lễ… Cứ theo Hán pháp bản nội truyện vào thời vua Minh đế nhà Hậu Hán (lúc Phật giáo mới truyền vào Trung quốc) thì đạo sĩ Chử thiện tín đã từng tranh biện với các ngài Ca diếp ma đằng và Trúc pháp lan (hai người đầu tiên truyền Phật giáo vào Trung quốc) và cuối cùng đã bị ngài Ma đằng hàng phục. Vào thời Tam quốc, ngài Khang tăng hội ở nước Ngô từng biện luận với Tôn hạo về thuyết Thiện ác báo ứng của Chu công, Khổng tử, và cho rằng thuyết này còn thiển cận, không sánh được với thuyết Thiện ác báo ứng của Phật giáo. Rồi Tào thực cũng viết Biện đạo luận để bác bỏ thuyết Trường sinh bất lão bất tử của Đạo giáo. Những sự kiện này đều là Tam giáo luận hành thuộc thời kì đầu. Sang thời Tây Tấn, có Đạo sĩ Vương phù và ngài Bạch viễn tranh luận về sự hơn, kém giữa Đạo giáo và Phật giáo. Vương phù ngụy tác kinh Lão tử hóa hồ để phỉ báng đức Phật, sau đó, Phật giáo đồ soạn kinh Thanh tịnh pháp hành để đáp lại. Đến thời Đông Tấn, Tôn thịnh viết Thánh hiền đồng quĩ Lão đam phi đại hiền luận để bài xích Đạo giáo. Rồi cư sĩ Quân chương ở La hàm và ngài Tuệ viễn ở Lô sơn đều soạn Cánh sinh luận. Hình tận thần bất diệt luận để biện luận về thần thức bất diệt. Ngoài ra, ngài Tuệ viễn còn viết Sa môn bất kính vương giả luận và Sa môn đản phục luận để nói rõ rằng lễ nghi Phật giáo khác với lễ nghi truyền thống của Trung quốc. Nghĩa là các vị sa môn Ấn độ không bao giờ lạy các ông vua Ấn độ thì cũng đừng bắt các vị sa môn Trung quốc lạy vua Trung quốc. Thời đại Lưu Tống, Trịnh đạo tử, và Tăng hàm viết Thần bất diệt luận, Tuệ lâm viết Bạch hắc luận; Hà thừa thiên thì soạn Đạt tính luận; chủ trương thần thức tiêu diệt để chê bai Phật giáo. Tông bính liền soạn Minh Phật luận, Nhan diên soạn Thích hà hành dương Đạt tính luân và Lưu thiếu phủ viết luận Đáp hà thừa thiên để luận phá thuyết của Hà thừa thiên. Đạo sĩ Cố hoan viết Di hạ luận cho rằng Phật pháp là pháp của dân mọi rợ (di địch). Lập tức ngài Tăng thiện viết Chính nhị giáo luận, cư sĩ Tạ trấn chi viết Dữ Cố đạo sĩ chiết Di hạ luận, ngài Tuệ thông thì soạn Bác cố đạo sĩ Di hạ luận… để bài bác chủ trương của đạo sĩ Cố hoan. Vào thời Tiêu Tề, Trương dung viết Môn luật đề xướng chủ trương Đạo, Phật nhất trí’, Mạnh cảnh dực viết Chính nhất luận tán thành đề xướng của họ Trương. Thái vũ đế nhà Bắc Ngụy thâm tín Đạo giáo, nghe lời Đạo sĩ Khấu khiêm, vào năm Thái bình chân quân thứ 7 (446), bắt đầu thi hành chính sách bài Phật giáo, đến thời vua Văn thành đế Phật giáo mới được phục hưng. Vua Văn tuyên nhà Bắc Tề từng tổ chức các cuộc tranh luận giữa Phật giáo và Đạo giáo nhằm bài xích Đạo giáo. Đến Vũ đế nhà Bắc Chu ban sắc cho tín đồ Đạo giáo và Phật giáo tranh luận về sự hơn, kém của 2 tông giáo theo lời tâu thỉnh của đạo sĩ Trương tân và Vệ nguyên tung. Vua sai quan Tư lệ đại phu là Chân loan chủ tọa và thẩm định việc này. Sau đó, Chân loan làm Tiếu đạo luận nói lên sự hư dối của Đạo giáo, đồng thời, ngài Đạo an viết Nhị giáo luận công kích Đạo giáo. Đến năm Kiến đức thứ 3 (574) Vũ đế nhà Bắc Chu hạ lệnh phế bỏ Đạo giáo và Phật giáo, nhưng thực ra là bãi bỏ Phật giáo để lập Đạo giáo. Sang đời Đường, vì tổ tiên nhà Đường là họ Lí nên Đạo giáo được xem trọng, bởi vậy, giữa Đạo giáo và Phật giáo thường xảy ra xung đột. Vào đầu đời Đường các cuộc thảo luận về Tam giáo thường được tổ chức và rất hữu ích. Năm Vũ đức thứ 4 (621), có thuyết nói năm thứ 7) đời vua Cao tổ, quan Thái sử là đạo sĩ Phó dịch dâng biểu phế Phật, Ngài Pháp lâm liền viết Phá tà luận; Lí sư chính viết Nội đức luận và Minh khái viết Quyết đối Phó dịch phế Phật pháp tăng sự để phá chủ trươngcủa Phó dịch. Năm Trinh quán 13 (639) đời Vua Thái tông, quan Tế tửu là Khổng dĩnh đạt, sa môn Tuệ tịnh và đạo sĩ Thái hoảng họp nhau ở điện Hoằng văn để đàm luận về Tam giáo. Thời vua Cao tông, Đạo giáo được nhận làm quốc giáo và Lão tử được trung phong thụy hiệu là Huyền Nguyên hoàng Đế, thế lực của Đạo giáo được hưng thịnh một thời và lượm lặt những giáo lí của Phật giáo để soạn thành kinh của Đạo giáo. Vào niên hiệu Lân đức năm đầu (664), Đạo thế dâng biểu tâu về sự dối trá của các kinh Đạo giáo, do đó, đến niên hiệu Tổng chương năm đầu (668), vua ban lệnh thảo luận về việc kinh Lão tử hóa hồ là thật hay giả, nhưng chưa bao lâu việc này đã bị cấm. Năm Trinh nguyên 12 (796), Từ đại cùng với Sa môn Đàm diên và Đạo sĩ Cát tham thành họp ở điện Lân đức để giảng bàn Tam giáo. Năm sau, Tả nhai tăng sự là ngài Đoan phủ vào nội điện để giảng về Nho giáo và Đạo giáo, được vua ban cho áo đỏ. Thời kì từ vua Huyền tông đến Văn tông, ngài Trạm nhiên, vốn xuất thân từ Nho gia, hoằng dương Thiên thai giáo quán, đệ tử của ngài lànhàNho Lương túc soạn Chỉ quán thống lệ; ngài Trừng quán thì bàn về Hoa nghiêm và Kinh Dịch, Lí tường viết Phục tính thư sử dụng tư tưởng Đại thừa khởi tín, Viên giác và Lăng nghiêm, đây chính là đầu mối của Tống Nho sau nầy. Thời vua Hiến tông, Hàn dũ viết Nguyên đạo, Nguyên nhân dâng Luận Phật cốt biểu và viết Dữ mạnh tường thư để công kích và bài bác Phật giáo. Mạnh giản liền soạn Luận Di hạ và Nhân quả báo ứng để trả lời Hàn dũ. Ngài Khuê phong Tông mật soạn Nguyên nhân luận để phá sự chấp mê của Đạo giáo và Nho giáo, đồng thời, trình bày về sự quan hệ giữa Chu dịch và Chân như duyên khởi. Năm Hội xương thứ 5 (845), Vũ tông thi hành chính sách phế Phật, nhất thời Đạo giáo hưng thịnh, nhưng không bao lâu, Phật giáo lại được phục hưng. Từ đây trở đi, Tam giáo luận hành chỉ còn là hình thức và Tam giáo luận đàm cũng chỉ là 1 nghi lễ của triều đình mà thôi. Sang đời Tống, Nho giáo bỗng hưng thịnh, một mặt hấp thu giáo lí Phật giáo để tạo thành 1 nền học vấn mới, đồng thời, mặt khác lại dấy lên 1 phong khí bài Phật cũng ồn ào không kém. Như Nho nhục thuyết của Tôn thái sơn, Bản luận của Âu dương tu, Quái đạo của Thành thủ đạo, Sùng chính biện của Hồ dần, Tiềm thư của Lí thái bá… đều chủ trương bài Phật; Âu dương tu soạn Tân đường thư, Ngũ đại sử, trong đó, họ Âu lại bỏ hết những sự việc có liên quan đến Phật giáo! Về vấn đề này, ngài Trí viên soạn Nhàn cư biên đề xướng thuyết Tam giáo tịnh tồn (ba tông giáo cũng tồn tại) không thể bỏ; ngài Khế tung soạn Phụ giáo biên và Phi hàn cực lực chủ trương Nho Thích nhất quán (Nho giáo và Phật giáo cùng một lí mà suốt cả mọi việc); cư sĩ Trương thương anh soạn Hộ pháp luận bác bỏ chủ trương của Hàn dũ và Âu dương tu. Đặc biệt các nhà Đại nho như Trương tái, Trình minh đạo, Trình y xuyên, Chu hối am… tuy chủ trương bài Phật, nhưng trong các học thuyết của họ lại nhan nhản những tư tưởng của Phật giáo. Đến khi Tống huy tông sùng tín Đạo giáo thì năm Sùng ninh thứ 5 (1106), vua ban sắc các chùa viện phải thờ tượng Khổng tử và Lão tử, thứ bậc các Đạo sĩ được xếp ở trên tăng ni; trong sách Phật hễ có chỗ nào chê Đạo giáo và Nho giáo thì đều bị đốt bỏ. Vào đời Nam Tống, ngài Tông cảo là người đầu tiên đề xướng thuyết Tam giáo dung hợp, vua Hiếu tông, các vị Tông hiểu, Lưu mật, Tử thành, Chí bàn, Lí thuần phủ… đều kế thừa thuyết của ngài Tông cảo. Năm Thuần hựu thứ 9 (1249), Lí chí thường nắm quyền quản lí Đạo giáo trên toàn quốc thì lại đẩy Đạo giáo và Phật giáo vào vết xẻ đổ tương tranh cũ. Đến đời Nguyên, vua Thế tổ được vị tăng Quốc sư người Tây tạng là Bát tư ba truyền giới Bồ tát, thì phản cảm của các đạo sĩ càng mãnh liệt hơn. Vào năm Bảo hựu thứ 3 (1255), đạo sĩ Khâu xử cơ, Lí chí thường… phá hủy miếu thờ Khổng tử ở Tây kinh, chiếm đoạt hơn 400 ngôi chùa Phật giáo. Năm Chí nguyên 18 (1281), vua ban sắc, chỉ trừ Đạo đức kinh, còn Đạo tạng và tất cả kinh sách liên quan đến Đạo giáo đều bị đốt hết. Đồng thời với biến cố này, Vương trung phu sáng lập Toàn chân giáo, Lịch hi thành lập Đại đạo giáo và Trương tông diễn lập Chính nhất giáo, thống nhất Bắc nam, và xác định Giáo hội Đạo giáo. Sang đời Minh, khoảng năm Chính thống, việc biên soạn Đạo tạng được hoàn thành. Tam giáo luận và Thích đạo luận của vua Minh thái tổ, Tục nguyên giáo luận của Trần sĩ vinh, Đạo dư lục của Diêu quảng hiếu, Phật pháp kim thang biên của Đồ long, Trung môn sùng hành lục của Châu hoành, Chu dịch của Thiền giải và Tứ thư ngẫu ích giải của Trí húc… tất cả đều chủ trương thuyết Tam giáo điều hoà; nhưng Hồ kính trai và Vương dương minh thì theo Nho, bài Phật. Tóm lại, đời Minh, chủ trương điều hòa giữa Nho giáo và Phật giáo tương đối mạnh hơn các đời trước. Sang đầu đời Thanh, có Nhất minh soạn Hội tâm nội tập cũng đề xướng thuyết Tam giáo dung hội. Nhưng thời kì này, các tông giáo đều rơi vào tình trạng trầm trệ, mất sinh khí và suy vi, không còn thế lực gì đáng nói. [X. Hoằng minh tập, Lương cao tăng truyện Q.7; thiên Qui chính trong Quảng hoằng minh tập; Đường hộ pháp sa môn Pháp lâm biệt truyện Q.thượng; Thích thị lục thiếp Q.8; Âu dương tu ngoại truyện]. II. Tam Giáo Luận Hành. Tác phẩm, 1 quyển, do ngài Tuệ huấn, thuộc tông Tào động, Nhật bản soạn vào năm Diêu hưởng thứ 3 (1746). Nội dung sách này chia làm 3 thiên: Tổng luận, Tạp luận, và Biệt luận, trình bày về sự dị đồng giữa Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo và đại ý của các nhà, các tông.