tam giáo

Phật Quang Đại Từ Điển

(三教) Thánh giáo 1 đời của đức Phật được các nhà phán giáo chia làm 3 loại: Thuyết này thịnh hành ở Trung quốc từ thời Nam Bắc triều về sau. I. Tam Giáo. Chỉ cho Đốn giáo. Tiệm giáo và Bất định giáo. 1. Đốn giáo: Giáo này không tuần tự theo thứ lớp mà ngay từ đầu đã nói giáo pháp sâu xa, kín nhiệm như kinh Hoa nghiêm. 2. Tiệm giáo: Chỉ cho giáo pháp tiến tới dần dần theo thứ lớp từ cạn đến sâu, từ nhỏ đến lớn, như các kinh A hàm, Bát nhã, Niết bàn… 3. Bất định giáo(cũng gọi Thiên phương bất định giáo, Vô phương giáo): Giáo pháp thu nhiếp cả Đốn lẫn Tiệm, tùy cơ, tùy thời mà ứng biến, như các kinh Thắng man, kinh Kim quang minh… Tiệm giáo nói trên lại được chia ra nhiều tầng bậc giáo pháp, cho nên đã sản sinh các thuyết như Tam thời giáo, Tứ thời giáo, Ngũ thời giáo… Pháp sư Cấp ở núi Hổ khâu chia làm 3 giáo, nghĩa là trong thời gian từ khi đức Phật thành đạo đến năm thứ 12, Ngài tuyên giảng đạo lí các pháp có thật, gọi là Hữu tướng giáo, như kinh A hàm; trong thời gian từ năm thứ 12 trở đi đến thời Pháp hoa thì Ngài tuyên giảng yếu chỉ các pháp đều không, gọi là Vô tướng giáo; sau cùng, khi ở rừng Song thụ là lúc tuyên thuyết giáo pháp Hữu, Vô song chiếu, đức Thế tôn nói tất cả chúng sinh đều có Phật tính và Xiển đề cũng có khả năng thành Phật, gọi là Thường trụ giáo. Giữa khoảng Vô tướng giáo và Thường trụ giáo, Pháp sư Tông ái lại thêm Đồng qui giáo mà thành 4 giáo. Ngài Tăng mân ở chùa Trang nghiêm cũng cùng chủ trương này. Còn các ngài Tuệ quán ở chùa Đạo tràng, Tăng nhu ở chùa Định lâm, Tuệ thứ ở chùa Tạ… thì giữa khoảng Vô tướng giáo và Đồng qui giáo, lại thêm Bao biếm ức dương giáo (như các kinh Tịnh danh, Tư ích…) mà thành 5 giáo. Về Bất định giáo thì Ngài Trí khải chia làm 2 loại là Hiển lộ bất định và Bí mật bất định, được gọi tắt là Bất định giáo, Bí mật giáo rồi thêm vào 2 giáo Đốn, Tiệm, tuy thành 4 giáo nhưng thực ra không ngoài 3 Đốn, Tiệm, và Bất định nói trên. Ngoài ra, Pháp hoa huyền nghĩa quyển 10 tuy nói 3 giáo này thông dụng cả ở Nam và bắc, nhưng có lẽ đã do các sư ở Giang nam lập ra, cho nên còn có tên là ‘Nam trung tam giáo. Trong đó, Đốn giáo và Tiệm giáo do ngài Tuệ quán thành lập đầu tiên, còn Bất định giáo thì do người sau thêm vào, nhưng không rõ người đầu tiên đề xướng là ai. [X. Đại phẩm kinh du ý (Cát tạng); Đại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh sớ Q.1; Pháp hoa huyền nghĩa thích tiêm giảng nghĩa Q.10 (Tuệ trừng); Đại thừa nghĩa chương Q.1; Tam luận huyền nghĩa]. II. Tam Giáo.Cũng gọi Quang thống tam giáo. Chỉ cho Tiệm giáo, Đốn giáo và Viên giáo do ngàiTuệ quang (người đời gọi là Luật sư Quang thống) đời Bắc ngụy lập ra. 1. Tiệm giáo: Giáo pháp nói theo thứ lớp từ cạn đến sâu để độ những người căn cơ chưa thuần thục, như trước nói vô thường, sau nói thường, trước nói không, sau nói bất không. 2. Đốn giáo:Đối với những căn cơ bén nhạy thì trong 1 pháp môn, nói đủ cả thường, vô thường, không, bất không. 3. Viên giáo: Vì những người đạt đến cảnh giới Phật mà nói các pháp môn tự tại của Như lai như Vô ngại giải thoát,cứu cánh quả hải, viên cực bí mật… như kinh Hoa nghiêm chính là Viên giáo. Như vậy, ngài Tuệ quang là người đầu tiên lập kinh Hoa nghiêm làm Viên giáo. [X. Hoa nghiêm kinh thám huyền kí Q.1; Hoa nghiêm kinh sớ sao huyền đàm Q.4; Hoa nghiêm kinh sưu huyền kí Q.1, phần đầu; Hoa nghiêm ngũ giáo chương Q.1].III. Tam Giáo. Chỉ cho Lập tướng giáo, Xả tướng giáo và Hiển chân thực giáo do tông Địa luận thành lập. 1. Lập tướng giáo: Giáo pháp hữu tướng nói cho hàng Nhị thừa. 2. Xả tướng giáo: Kinh Đại phẩm… thuyết minh rộng về lí vô tướng, nên gọi là Xả tướng. 3. Hiển chân thực giáo: Kinh Hoa nghiêm… hiển bày đạo lí chân thực, nên gọi là Hiển chân thực giáo. Thuyết này được khai sáng sau ngài Tuệ quang. [X. Đại thừa huyền luận Q.5] IV. Tam Giáo. Chỉ cho Tính không giáo, Tướng Không giáo và Duy thức viên giáo do ngài Nam sơn Đạo tuyên thành lập. 1. Tính Không Giáo: Các pháp tính không, vô ngã, đem lí này soi rọi tâm, đó là Tiểu thừa. 2. Tướng Không giáo: Tướng của các pháp vốn là không, chỉ do tình chấp mà thấy có, dùng lí này soi rọi là Tiểu bồ tát, thuộc giáo nông cạn của Đại thừa như kinh Bát nhã… 3. Duy thức viên giáo: Các pháp trần bên ngoài vốn không, chỉ do thức biến hiện, lí nầy sâu xa mầu nhiệm, chỉ có ý duyên biết, bao nhiếp tất cả thâm nghĩa Đại thừa, như các kinh Hoa nghiêm, Pháp hoa, Lăng già, luận Nhiếp đại thừa… đều thuộc Duy thức Viên giáo. Trong 3 giáo trên, 2 giáo trước là Quyền giáo, giáo thứ 3 là Thực giáo. Còn 3 pháp quán dựa theo 3 giáo này mà được lập ra thì gọi là Tính không quán, Tướng không quán và Duy thức quán. [X. thiên Sám lục tụ pháp trong Tứ phần luật san phồn bổ khuyết hành sự sao Q.trung, phần 4; Tứ phần luật hành sự sao tư trì kí Q.trung, phần 4; Bát tông cương yếu Q.thượng]. V. Tam Giáo. Chỉ cho Hiển giáo, Mật giáo và Tâm giáo, do ngài Tán ninh đời Tống thành lập.1. Hiển giáo: Chỉ cho kinh, luật, luận của các thừa. Giáo này tôn ngài Ca diếp ma đằng làm Thủy tổ. 2. Mật giáo: Chỉ cho Du già, Quán đính, Ngũ bộ, Hộ ma, Tam mật, Mạn noa, Luân pháp… Giáo này tôn ngài Kim cương trí làm Thủy tổ. 3. Tâm giáo: Chỉ cho pháp thiền chỉ tâm người, thấy tính thành Phật. Giáo này tôn ngài Bồ đề đạt ma làm Thủy tổ. [X. Tống cao tăng truyện Q.3]. VI. Tam Giáo. Chỉ cho 3 giáo: Chuyển pháp luân, Chiếu pháp luân, và Trì pháp luân do ngài Chân đế dựa theo kinh Kim quang minh (phẩm Nghiệp chướng kinh Hợp bộ Kim quang minh quyển 2) mà thành lập. Trong 7 năm, sau khi thành đạo, đức Phật giảng nói về lí Tứ đế ở vườn Lộc dã, gọi là Chuyển pháp luân. Sau 7 năm ấy, ở nước Xá vệ, đức Phật nói Bát nhã… dùng Không chiếu Hữu, lúc này có đủ cả Chuyển pháp luân và Chiếu pháp luân. Ba mươi năm sau, trước khi vào Niết bàn, ở nước Tì xá li, Phật nói kinh Giải tiết… cho các vị Bồ tát nghe, Không, Hữu đều chiếu, lúc này đủ cả 3 luân là Chuyển pháp luân, Chiếu pháp luân và Trì pháp luân. Đây là thuyết của ngài Chân đế nói trong Giải tiết kinh sớ, được ghi trong Giải thâm mật kinh sớ quyển 5 của ngài Viên trắc và Hoa nghiêm kinh sớ quyển 1 của ngài Trừng quán. Theo Giải thâm mật kinh sớ quyển 5, Tam giáo lập trong Bộ tông dị luận kí của ngài Chân đế là: Tiểu thừa pháp luân, Đại thừa pháp luân, và Nhất thừa pháp luân. Trong đó, Pháp luân đầu là Tam tạng giáo, chỉ cho Tiểu thừa, tức kinh A hàm; Pháp luân thứ 2 chung cho cả Đại thừa và Tiểu thừa, tức kinh Niết bàn; Pháp luân thứ 3 thì chỉ riêng cho Đại thừa, tức các kinh Hoa nghiêm, Bát nhã… Đây là thuyết khác của 3 pháp luân: Chuyển pháp luân, Chiếu pháp luân, và Trì pháp luân. VII. Tam Giáo. Chỉ cho 3 giáo: Căn bản pháp luân, Chi mạt pháp luân và Nhiếp mạt qui bản pháp luân, do ngài Cát tạng ở chùa Gia tường thành lập vào đời Tùy. 1. Căn bản pháp luân: Chỉ cho kinh Hoa nghiêm. Kinh này được đức Phậtgiảng nói đầu tiên sau khi thành đạo. 2. Chi mạt pháp luân: Các kinh Phật giảng nói sau đó cho hàng Tiểu thừa. 3. Nhiếp mạt qui bản pháp luân: Chỉ cho kinh Pháp hoa. Nội dung kinh này nói về lí Hội tam qui nhất (qui Tam thừa về Nhất thừa) tức Nhiếp mạt qui bản (đưa ngọn về gốc) được đức Phật tuyên thuyết sau khi thành đạo 40 năm. (xt. Tam Chuyển Pháp Luân). VIII. Tam Giáo. Chỉ cho Hữu giáo, Không giáo, và Trung đạo giáo, do ngài Huyền trang thành lập vào đời Đường. Đây là phán giáo của tông Pháp tướng. 1. Hữu giáo: Thời đầu tiên ở vườn Lộc dã, đức Phật chuyển pháp luân Tứ đế của Tiểu thừa, nói về yếu chỉ Ngã không pháp hữu. 2. Không giáo: Thời thứ 2 ở núi Linh thứu, đức Phật tuyên thuyết các bộ Bát nhã, nói về ý chỉ các pháp đều không. 3. Trung đạo giáo: Thời thứ 3, đức Phật tuyên thuyết kinh giải Thâm mật… nói về sự phá chấp Hữu, Không mà hiển bày lí Trung đạo. Trong Hoa nghiêm ngũ giáo chương,3 thời này được dùng để chỉ cho Chuyển pháp luân, Chiếu pháp luân và Trì pháp luân. Lại theo Hoa nghiêm kinh thám huyền kí quyển 1 thì Luận sư Giới hiền của Ấn độ lập thời thứ nhất là Nhân không pháp hữu (Hữu giáo), thời thứ hai là Chư pháp giai không (không giáo) và thời thứ 3 là Phi hữu phi không (Trung đạo giáo) nội dung cũng giống với Tam giáo do ngài Huyền trang thành lập. [X. bài tựa trong Khởi tín luận nghĩa kí]. (xt. Tam Pháp Luân, Tam Thời Giáo).IX. Tam Giáo. Chỉ cho Tam thời giáo do Luận sư Trí quang của Ấn độ y cứ vào kinh Bát nhã, luận Trung quán… mà thành lập. 1. Thời đầu tiên: Đức Phật vì những người tiểu căn mà nói các pháp Tiểu thừa như Tứ đế ở vườn Lộc dã để hiển bày ý chỉ Tâm cảnh đều có. 2. Thời thứ hai: Phật nói pháp tướng Đại thừa cho những người trung căn để hiển bày lí cảnh không tâm có theo nghĩa Duy thức. 3. Thời thứ ba: Phật vì những người thượng căn mà nói Đại thừa vô tướng để hiển bày nghĩa tâm cảnh đều không, bình đẳng nhất vị, tức nghĩa Bát nhã. [X. Hoa nghiêm kinh thám huyền kí Q.1; bài tựa Khởi tín luận nghĩa kí]. Ngoài 9 loại Tam giáo được phân biệt theo nội dung Phật pháp nói trên, ở Trung quốc người ta cũng thường gọi Phật giáo, Nho giáo, và Đạo giáo là Tam giáo, còn tại Nhật bản thì Phật giáo, Thần đạo giáo và Nho giáo cũng được gọi là Tam giáo. Loại Tam giáo này, trong lịch sử Trung quốc và Nhật bản từng xảy ra sự kiện bài xích lẫn nhau. (xt. Tam Giáo Luận Hành).