tam giả quán

Phật Quang Đại Từ Điển

(三假觀) Chỉ cho 3 pháp quán: Pháp giả hư thực quán, Thụ giả hư thực quán và Danh giả hư thực quán được nêu trong phẩm Tựa kinh Nhân vương bát nhã ba la mật quyển thượng. Tông Thiên thai giải thích rõ 3 pháp quán này như sau: 1. Pháp giả hư thực quán: Quán xét sắc ấm hư thực. 2. Thụ giả hư thực quán: Quán xét 4 ấm thụ, tưởng, hành, thức hư thực. 3. Danh giả hư thực quán: Quán xét 2 thứ pháp và thụ hư thực. Ba pháp này tự chúng không có thực thể, phải nhờ pháp khác mới có nên gọi là giả(mượn). Một hư một thực cùng sánh với nhau thì không có tên, cả 3 đều là hư dối, phàm phu cho là thực, người trí thì thấy hư dối, thực chính là hư, cho nên gọi là hư thực, đây là nghĩa của Thông giáo. Nếu nói theo nghĩa của Biệt giáo thì trong Tam giả, mỗi giả đều có Tam quán. Nói pháp tức hư, đó là Không quán; nói Giả tức thực, đó là Giả quán; còn nói 1 chữ Quán không thôi thì đó là Trung quán. Vì không và Giả là phương tiện nên không đặt tên Quán, khi đã vào Trung đạo thì chỉ có 1 thôi nên gọi là Quán. Trên đây là giải thích Pháp giả hư thực quán, còn Thụ giả và Danh giả thì cứ theo cách giải thích trên cũng rõ. Nếu theo nghĩa của Viên giáo thì 3 pháp tức Không tức Giả tức Trung, đều chiếu soi, đều dứt bặt. [X. Nhânvươngkinh hợp sớ Q.thượng].