tam đức

Phật Quang Đại Từ Điển

(三德) I. Tam Đức. Chỉ cho 3 đức tướng của Đại niết bàn: Pháp thân, Bát nhã, và Giải thoát Theo kinh Niết bàn quyển 2 (bản Nam) thì 3 đức giống như 3 cái chấm của chữ Y (chữ Y tất đàm là( ), hoặc 3 con mắt( )của trời Ma hê thủ la (trời Đại tự tại). Cứ theo Đại thừa nghĩa chương Q.18 thì:1. Pháp thân: Chỉ cho chân như vốn có sẵn của tất cả hiện tượng tồn tại, hoặc chỉ cho thân được hoàn thành bằng pháp công đức. 2. Giải thoát: Tức cởi bỏ tất cả sự trói buộc của phiền não. 3. Bát nhã: Chỉ cho trí tuệ giác ngộ. Sự quan hệ giữa 3 đức này là 3 tức 1, 1 tức 3. Khi còn ở Nhân vị thì gọi là Tam Phật tính; khi đến Quả vị thì gọi là Tam đức.Đại bát niết bàn kinh huyền nghĩa quyển thượng, phiên dịch từ Ma ha bát niết bàn na là Đại diệt độ, cho rằng Đại là Pháp thân, Diệt là Giải thoát và Độ là Bát nhã. Ngoài ra, do nhân và quả đối nhau, nên Tam đức cũng có 2 thứ thuận và nghịch khác nhau. Tam đức thuận là: Quả của Chính nhân Phật tính thành tựu đức của Pháp thân, quả của Liễu nhân Phật tính thành tựu đức của Bát nhã, còn quả của Duyên nhân Phật tính thì thành tựu đức của Giải thoát. Trái lại, nếu do chuyển Khổ mà thành tựu đức Pháp thân, do chuyển Hoặc mà thành tựu đức Bát nhã và do chuyển Nghiệp mà hoàn thành đức Giải thoát thì gọi là Nghịch tam đức. Theo tông Thiên thai thì thuyết Tam đức đã xuất hiện trong các kinh trước kinh Pháp hoa, nhưng Tam đức của Pháp hoa Viên giáo là Phi tung phi hoành, Phi tam phi nhất, có thể nói khác hẳn với các thuyết trước. Đồng thời, Tam đức của Pháp hoa Viên giáo cũng có thể phối hợp với Tam bồ đề, Tam Phật tính, Tam bảo, Tam đạo, Tam thức, Tam bát nhã, Tam đại thừa, Tam thân, Tam niết bàn… Ngoài ra, theo luận Nhiếp đại thừa thì có thể chuyển 5 uẩn thành 3 đức, tức có thể chuyển Sắc uẩn thành đức Pháp thân, chuyển 3 uẩn Thụ, Tưởng, Hành, thành đức Giải thoát, và chuyển Thức uẩn thành đức Bát nhã. [X. Ma ha chỉ quán Q.3 thượng; Pháp hoa huyển nghĩa Q.5, hạ; Chỉ quán phụ hành truyền hoằng quyết Q.3, phần 1; Kim quang minh kinh huyền nghĩa Q.thượng]. II. Tam Đức. Chỉ cho 3 thứ đức tướng của quả vị Phật là Trí đức, Đoạn đức và Ân đức. Luận Phật tính quyển 2 giải thích Tam đức này như sau: 1. Trí đức: Chỉ cho trí tuệ của Phật quán xét tất cả các pháp. 2. Đoạn đức: Chỉ cho đức diệt trừ hết tất cả phiền não hoặc nghiệp. 3. Ân đức: Đức do nguyện lực cứu độ chúng sinh mà ban ân huệ cho tất cả chúng sinh.Ba đức trên đây phối với Pháp thân, Báo thân và Ứng thân, đồng thời, Trí đức và Đoạn đức có nội dung tự lợi, tự hành, và tự giác, còn Ân đức thì mang nội dung lợi tha, hóa tha và giác tha. Hoa nghiêm kinh sớ quyển 12 (Đại 35, 589 hạ) nói: Hạt giống Phật không dứt mất có tướng như thế nào? Là thành tựu Tam đức: Cứu độ chúng sinh, thành tựu Ân đức; đoạn hẳn phiền não, thành tựu Đoạn đức; rõ biết các hạnh, thành tựu Trí đức. [X. Nhiếp đại thừa luận thích Q.8 (bản dịch đời Lương); Di lặc thướng sinh kinh sớ Q.hạ]. III. Tam Đức. Chỉ cho 3 tính chất của tất cả sự vật. Đó là: 1. Tát đóa(Phạm:Sattva): Biểu thị tính chất mạnh mẽ. 2. Lạt xà (Phạm:Rajas): Biểu thị tính chất bụi bặm. 3. Đáp ma (Phạm: Tamas): Biểu thị tính chất ám độn. Đây là chủ trương của học phái Số luận ở Ấn độ được thấy trong luận Kim thất thập quyển thượng. Ba đức này theo thứ tự được dịch là mừng, lo, mờ tối; hoặc mạnh, bụi, mờ; hoặc tham, sân, si; hoặc vui, khổ, không vui không khổ; hoặc vàng, đỏ, đen; hoặc nhuốm, thô, đen…, tức là đế thứ nhất(Tự tính minh đế) trong 25 đế. Đức này có đức của năng lực sinh ra các vật thiện ác, đẹp, xấu. Ngoài ra, chỉ trừ Thần ngã đế, còn 23 đế kia đều có đủ 3 đức này. [X. Thành duy thức luận thuật kí Q.1, phần đầu]. IV. Tam Đức. Cũng gọiTamchủng viên đức, Tam viên đức. Chỉ cho đức tướng viên mãn của Như lai. Đó là: 1. Nhân viên đức: Nhân hạnh của Như lai hoàn toàn viên mãn. Nhân hạnh này có 4 phương pháp tu hành: a. Vô dư tu: Tu cả 2 thứ tư lương phúc đức và trí tuệ, không bỏ sót. b. Trường thời tu: Trải qua 3 đại a tăng kìkiếp tu hành mà vẫn không mỏi mệt. c. Vô gián tu: Tinh tiến dũng mãnh, tu liên tục, không một sát na gián đoạn. d. Tôn trọng tu: Cung kính những điều học được, không điều nào mà không tôn quí, tu mà không kiêu mạn. 2. Quả viên đức: Quả đức của Như lai viên mãn, đầy đủ. Có 4 đức: a. Trí viên đức: Có đủ 4 loại: Vô sư trí, Nhất thiết trí, Nhất thiết chủng trí và Vô công dụng trí. b. Đoạn viên đức: Có 4 loại Nhất thiết phiền não đoạn, Nhất thiết định chướng đoạn, Tất kính đoạn và Tập đoạn. c. Uy thế viên đức: Uy thế được tự tại đối với sự biến hóa của ngoại cảnh; uy thế được tự tại đối với tuổi thọ dài hay ngắn; uy thế được tự tại đối với không, chướng, cực xa, tốc hành, lớn nhỏ, tương nhập…; uy thế hiếm lạ làm cho bản tính của các pháp thế gian chuyển hóa tự nhiên. Hoặc 4 thứ uy thế: Hóa độ được những chúng sinh ương ngạnh khó hóa độ; quyết nghi được những vấn nạn khó quyết nghi; đã lập giáo là chắc chắn xuất li; có khả năng hàng phục được các bè đảng xấu ác. d. Sắc thân viên đức: Đầy đủ các tướng tốt đẹp, có sức lực lớn và gân cốt trong thân cứng chắc hơn kim cương, bên ngoài phóng hào quang rực rỡ hơn trăm nghìn mặt trời. 3. Ân viên đức: Đức từ bi thương xót chúng sinh của Như lai trọn vẹn đầy đủ, vĩnh viễn thoát khỏi cái khổ sinh tử và 3 đường ác; Ngài cũng khiến chúng sinh an trụ trong đường lành trời người và trong Tam thừa. [X. luận Câu xá Q.27; Câu xá luận quang kí Q.27].