tam diệt đế

Phật Quang Đại Từ Điển

(三滅諦) Chỉ cho 3 loại Diệt đế do tông Duy thức dựa vào 3 tính mà lập ra. 1. Tự tính diệt: Tự tính của tính Biến kế sở chấp chẳng sinh. Diệt nghĩa là chẳng sinh. Tự tính chẳng sinh, giả gọi là Diệt, hoàn toàn chẳng thuộc về Đế. Đó là tính thực đế giả. 2. Nhị thủ diệt: Nhị thủ(năng thủ, sở thủ) của tính Y tha khởi là chẳng sinh. Diệt là trạch diệt. Theo ngài Hộ pháp thì đoạn trừ năng thủ, sở thủ của tính Y tha khởi thuộc phần nhiễm thì có thể được bất sinh, bất sinh là trạch diệt, đó tức là Diệt đế. Năng thủ, sở thủ chẳng sinh là cửa của trạch diệt từ đó mà ra, cho nên trạch diệt giả gọi là tính Y tha khởi, nhưng thể của diệt thì chẳng phải tính Y tha khởi. Đó là tính giả đế thực. Còn theo ngài An tuệ thì năng thủ, sở thủ là tính Biến kếsở chấp, nhị thủ nương vào phần thể của thức nhiễm ô là tính Y tha khởi. Nếu dứt phần tự thể của tính Y tha khởi làm chỗ nương cho năng thủ, sở thủ này thì có thể được không sinh, không sinh tức là diệt, giả gọi là tính Y tha khởi. 3. Bản tính diệt: Tức bản tính của chân như vốn vắng lặng. Bản tính chân như không có nhiễm ô, cho nên là bản tính diệt. Chân như là bản tính diệt, nếu chỉ nói theo thuyên(giải rõ)thì là tính thực, đế giả; còn nếu nói cả thuyên và chỉ(yếu chỉ) thì là đế và tính đều thực. [X. luận Thành duy thức Q.8; luận Biện trung biên Q.trung; Thành duy thức luận thuật kí Q.9, phần đầu].