tam đại

Phật Quang Đại Từ Điển

(三大) I. Tam Đại. Chỉ cho bản thể, tướng trạng và tác dụng của Chân như theo thuyết trong luận Đại thừa khởi tín. Ba thứ này rất rộng lớn nên gọi là Đại. Đó là: 1. Thể đại: Bản thể của chân như thường hằng bất biến, không thêm không bớt, bao trùm khắp tất cả, nên gọi là Thể đại.2. Tướng đại: Tướng trạng của chân như đầy đủ vô lượng công đức trí tuệ… Theo nghĩa Như lai tạng thì tướng công đức vô lượng như cát sông Hằng nên gọi là Tướng đại.3. Dụng đại: Tác dụng củachân như có năng lực sinh ra hết thảy nhân quả thiện của thế gian và xuất thế gian, nên gọi là Dụng đại. Luận Đại thừa khởi tín (Đại 32, 579 thượng) nói: Tự thể của chân như trong tất cả phàm phu, Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát và chư Phật, đều không có thêm bớt, chẳng phải trước sinh, sau diệt mà là rốt ráo thường hằng, từ xưa đến nay, vốn tự đầy đủ tất cả công đức. Tự thể ấy có đại trí tuệ quang minh, chiếu rọi khắp pháp giới; tự tính thanh tịnh tâm, thường lạc ngã tịnh, tự tại bất biến, đầy đủ Phật pháp không lìa, không đoạn, không khác, nhiều hơn số cát sông Hằng, không thể nghĩ bàn; do các nghĩa ấy mà tự thể chân như được gọi là Như lai tạng, cũng gọi là Như lai pháp thân. Đây là thuyết Chân như duyên khởi của luận Đại thừa khởi tín. Ngoài ra, các thuyết Duyên khởi như Lục nhân tứ duyên duyên khởi của Tiểu thừa, A lại da thức duyên khởi của tông Pháp tướng, Pháp giới duyên khởi của tông Hoa nghiêm… đều có lập Tam đại. X. Đại thừa khởi tín luận sớ Q.thượng; Đại thừa khởi tín luận nghĩa kí Q.thượng; Đại thừa khởi tín luận biệt kí]. II. Tam Đại. Chỉ cho bản thể, tướng trạng và tác dụng rộng lớn vô biên của vũ trụ pháp giới theo thuyết của Mật tông. Đó là: 1. Thể đại: Thể của 6 đại đất, nước, lửa, gió, hư không và thức đều hàm nhiếp trong hết thảy hữu tình và phi tình. 2. Tướng đại: Chỉ cho tướng trạng rõ ràng của 4 mạn đồ la là Đại mạn đồ la, Tam muội da mạn đồ la, Pháp mạn đồ la và Yết ma mạn đồ la. 3. Dụng đại: Chỉ cho tác dụng của Tam mật thân, ngữ, ý ứng hợp với nhau trong nghĩa sâu kín.