tâm cụ tam thiên sắc cụ tam thiên

Phật Quang Đại Từ Điển

(心具三千色具三千) Tâm đủ 3 nghìn, sắc đủ 3 nghìn, là từ ngữ ám chỉ quan điểm bất đồng về vấn đề Vọng tâm quán và Chân tâm quán giữa 2 phái Sơn gia và Sơn ngoại thuộc tông Thiên thai đời Tống. Vào thời Tống, giữa các nhà Thiên thai đã phát sinh tranh luận về vấn đề chân vọng của một niệm tâm, phái Sơn gia chủ trương Vọng tâm quán, còn phái Sơn ngoại thì chủ trương Chân tâm quán. Các học giả phái Sơn ngoại như Nguyên thanh, Khánh chiêu, Trí viên…, đứng trên quan điểm Duy tâm luận, chủ trương Tâm pháp là năngtạo, chúng sinh và Phật là sở tạo, lập ra thuyết Tâm cụ tam thiên, tức cho rằng trong một niệm tâm tính có đầy đủ 3 nghìn các pháp, vì thế, không đồng ý trong Sắc pháp cũng đầy đủ 3 nghìn. Trong đó, ngài Trí viên chủ trương Tâm, Phật và Chúng sinh xưa nay vốn không ngoài Nhất tâm, không thừa nhận chỉ có Sắc vốn đầy đủ 3 nghìn các pháp mà phảinói Sắc tức Tâm, qui về gốc tâm thì mới đồng ý là Sắc pháp cũng đầy đủ 3 nghìn các pháp. Các học giả phái Sơn gia như ngài Tri lễ… thì quyết giữ vững lập trường Thực tướng luận của các nhà Thiên thai là Sắc tâm bất nhị nên chủ trương Sắc đầy đủ 3 nghìn. Tức cho rằng Tâm pháp và Sắc pháp đều có đầy đủ 3 nghìn các pháp, nghĩa là nếu Tâm pháp có năng lực tạo tác và nhiếp trì tất cả thì Sắc pháp cũng thế. Đến đời sau, vì thuyết Sắc cụ tam thiên của phái Sơn gia có khả năng hiển bày lí viên mãn chân thực nên lấy đó làm chính nghĩa của tông Thiên thai. [X. luận Kim cương ti; Kim cương ti hiển chính lục Q.1; Biệt hành huyền kí Q.2; Thập nghĩa thư Q.thượng; Chỉ quán đại ý; Ma ha chỉ quán (hội bản) Q.5, phần 3].