tam chuyển thập nhị hành tướng

Phật Quang Đại Từ Điển

(三轉十二行相) Phạm:Trì-parivarta-dvàdazàkàradharma-cakra-pravartana.Cũng gọi Đương tam chuyển tứ luân thập nhị hành pháp luân, Tứ đế pháp luân tam hội thập nhị chuyển thuyết, Tam chuyển thập nhị hành pháp luân. Chỉ cho 3 lần đức Phật chuyển pháp luân Tứ đế, mỗi một lần chuyển đều có 4 hành tướng, cộng chung thành 12 hành tướng. Còn Tam chuyển thì 4 đế mỗi đế đều có 3 chuyển:Thị tướng chuyển (đây là khổ đế, tập đế, diệt đế, đạo đế), Khuyến tướng chuyển(đây là khổ đế nên biết, là tập đế nên dứt, là diệt đế nên chứng, là đạo đế nên tu) và Chứng tướng chuyển (đây là khổ đế đã biết, là tập đế đã dứt, diệt đế đã chứng, đạo đế đã tu). Ba chuyển này mỗi chuyển đều có 4 hành tướng: Nhãn (Phạm: Cakwu= mắt), Trí (Phạm: Jĩàna), Minh (Phạm: Vidyà) và Giác (Phạm: Buddhi), hoặc 3 vòng xoay quanh 4 thánh đế, cho nên gọi là Thập nhị hành tướng.Cứ theo luận Đại tì bà sa quyển 79 thì Nhân, Trí, Minh, Giác có 2 nghĩa: 1. Nhãn tức Pháp trí nhẫn, Trí tức các Pháp trí, Minh tức các loại Trí nhẫn và Giác tức là các loại Trí. 2. Nhãn nghĩa là quán thấy: Trí nghĩa là quyết đoán; Minh tức là chiếu rõ và Giác nghĩa là tỉnh biết. Trong mỗi đế đều có 3 chuyển 12 hành tướng, cho nên 4 đế cộng chung lại thì có 12 chuyển 48 hành tướng. Ba chuyển này theo thứ tự có thể phối với Kiến đạo, Tu đạo và Vô học đạo, cứ như thế chuyển từng món một, mỗi chuyển đều có 4 hành tướng Nhãn, Trí, Minh, Giác, cho nên khổ đế có 3 chuyển 12 hành tướng, các đế khác cũng thế.[X. kinh Tạp a hàm Q.15; luật Tứ phần Q.32; luận Câu xá Q.24; luận Du già sư địa Q.95; Pháp hoa kinh huyền tán Q.4; Câu xá luận quang kí Q.24]. (xt. Chuyển Pháp Luân).