tam chủng sanh thân

Phật Quang Đại Từ Điển

(三種生身) Ba thứ thân do học phái Số luận thành lập.1. Vi tế thân(gọi tắt: Tế thân): Chỉ cho thân mới sinh, tức là thân trung ấm. Thân vi tế này sinh vào trong thai, nhờ tinh huyết của cha mẹ hòa hợp mà được tăng trưởng. Vì sự sai biệt vi tế của nó có khả năng sinh ra thân đầu tiên, nên gọi là thân Thường trụ. Ngay khi thô thân chết đi thì tế thân nếu tương ứng với thiện trong các pháp hữu lậu thì theo thứ tự thụ sinh trong các cõi: Phạm, Trời, Thế chủ, người…; nếu tương ứng với ác trong các pháp hữu lậu thì thụ sinh vào đường súc sinh như các loài 4 chân(bò, ngựa, chó, dê…), có cánh (chim), bò sát(rồng, rắn…), đi ngang(cua…). Vì thân vi tế thường trụ chưa sinh trí chán lìa nên luân chuyển trong 8 nơi; nếu sinh khởi trí chán lìa thì bỏ thân vi tế này mà được giải thoát. 2. Phụ mẫu sinh thân: Chỉ cho Tế thân vào trong thai mẹ dần dần đầy đủ tướng mạo con người. Thân này và Cộng hòa hợp thân đều thuộc thô thân. Thô thân nương vào máu, thịt, gân của mẹ và móng, lông, xương của cha mà sinh. Đây là Lục y thân (thân nương vào 6 thứ trên)giúp ích cho Tế thân ở trong. 3. Cộng hòa hợp thân(cũng gọi Đại dị thân): Thân sinh ra từ Phụ mẫu sinh thân trong thai và lấy 5 đại (đất, nước, lửa, gió, không)bên ngoài làm chỗ nương ở. Thân này và Phụ mẫu sinh thân đều có sinh diệt, cho nên không phải thân thường trụ. [X. luận Kim thất thập Q.trung; luận Đại trí độ Q.12].