tam chủng phương ngôn

Phật Quang Đại Từ Điển

(三種方言) Ba thứ ngôn giáo dùng để giải thích Bát bất trung đạo do ngài Hưng hoàng Pháp lãng thuộc tông Tam luận đời Tùy lập ra. Cứ theo Đại thừa huyền luận quyển 1 thì 3 loại phương ngôn ấy là: 1. Loại phương ngôn thứ nhất: Chẳng phải sinh, chẳng phải chẳng sinh là trung đạo, sinh mà chẳng sinh là giả danh. Đã là sinh giả thì khó gọi được là sinh hay chẳng sinh, cho nên gọi là Tục đế trung đạo. Mà chẳng sinh giả thì cũng khó gọi được là chẳng sinh hay chẳng phải chẳng sinh, cho nên gọi là Chân đế trung đạo. Sinh diệt của Tục đế đều chẳng phải là sinh diệt, là sinh diệt của vô sinh diệt, sinh diệt của Chân đế đều chẳng phải là vô sinh diệt, là vô sinh diệt của sinh diệt, cho nên chẳng phải là sinh diệt, chẳng phải là vô sinh diệt, là Nhị đế hợp minh trung đạo. Cách thuyết minh 3 thứ Trung đạo này là Đoạt phá môn triệt để phá trừ lập trường mà đối phương chấp trước để nêu tỏ trung đạo. 2. Loại phương ngôn thứ hai: Sinh diệt của vô sinh diệt là Tục đế trung đạo, vô sinh diệt của sinh diệt là Chân đế trung đạo; chẳng phải sinh diệt, chẳng phải vô sinh diệt là Nhị đế hợp minh trung đạo. Cách thuyết minh này là Tung phá môn tạm thời thừa nhận lập trường của đối phương để chỉ trích sự mâu thuẫn của họ là giả chấp, triệt để phá bệnh chấp của đối phương để nêu tỏ Trung đạo. 3. Loại phương ngôn thứ ba: Tục đế là giả sinh tức bất sinh, giả diệt tức bất diệt, loại bất sinh bất diệt này là Tục đế trung đạo; chẳng phải chẳng sinh, chẳng phải chẳng diệt là Chân đế trung đạo; chẳng phải sinh diệt, chẳng phải chẳng sinh diệt là Nhị đế hợp minh trung đạo. Cách thuyết minh này là Bình đẳng môn trực tiếp hiển bày đạo lí chân thực, triệt để phá trừ bệnh chấp của đối phương để nêu tỏ Trung đạo. Về ngữ nghĩa của từ ngữ phương ngôn, Đại thừa tam luận đại nghĩa sao quyển 2 của ngài Huyền duệ cho rằng: Phương là phương vực, là phương vực sở duyên của chúng sinh; Ngôn là ngôn giáo, là ngôn giáo tùy duyên của năng hóa. Tóm lại, ngôn ngữ của 1 địa phương gọi là Phương ngôn, cũng tức là ngôn giáo của bậc Thánh năng hóa là tùy theo căn cơ sở hóa mà được thiết lập. [X. Trung quán luận sớ Q.1, phần đầu; Đại thừa chính quán lược tư kí; Tam luận huyền sớ văn nghĩa yếu Q.3; Đại thừa huyền vấn đáp Q.1; luận Thập trụ tâm Q.7].