tam chi tác pháp

Phật Quang Đại Từ Điển

(三支作法) Cũng gọi Tam phần tác pháp. Gọi tắt: Tam chi, Tam phần. Tiếng dùng trong Nhân minh. Chỉ cho luận thức gồm 3 phần Tông, Nhân, Dụ, của Tân nhân minh. 1. Tông là chủ đề của cuộc tranh luận. Tông do chủ từ và tân từ kết hợp thành. Theo qui định của Nhân minh, chủ từ và tân từ phải được cả người lập luận lẫn người vấn nạn chấp nhận. Khi kết hợp chủ từ và tân từ lại để thành lập 1 luận thức thì lúc đó mới trở thành chủ đề để tranh luận. Như Âm thanh là vô thường thì chủ từ âm thanh và tân từ vô thường được liên kết lại bằng chữ là. 2. Nhân là căn cứ của luận chứng, là lí do để thành lập Tông. Nhân phải có đủ 3 điều kiện sau đây: -Biến thị tông pháp tính, nghĩa là Nhân phải hoàn toàn có quan hệ với Tông, tức Nhân lúc nào cũng phải hiện hữu trong Tông. -Đồng phẩm định hữu tính, nghĩa là Nhân phải có tính cách cùng phẩm, cùng loại với Tông. -Dị phẩm biến vô tính, nghĩa là Nhân tuyệt đối không được mang tính cách khác loại với Tông. 3. Dụ là nguyên lí chung của sự tranh luận, biểu thị chân lí được cả đôi bên lập luận và địch luận cùng thừa nhận, tương đương với Đại tiền đề của Luận lí học phương Tây. Dụ có 2 thứ là Đồng dụ và Dị dụ; Đồng dụ là ví dụ cùng phẩm loại với Tông, Dị dụ là ví dụ khác phẩm loại với Tông. Luận thức dùng Đồng dụ gọi là Hợp tác pháp, còn luận thức dùng Dị dụ thì gọi là Li tác pháp. Sau đây là luận thức Tam chi tác pháp hoàn chỉnh: Tông(chi 1): Âm thanh là vô thường. Nhân (chi 2): Vì nó có tính cách được tạo ra. Dụ (chi 3): Những gì có tính cách được tạo ra đều là vô thường, như cái bình… (Đồng dụ–Hợp tác pháp); Những gì không phải là vô thường thì đều không có tính cách được tạo ra, như hư không (Dị dụ–Li tác pháp). [X. Nhân minh nhập chính lí luận sớ Q.thượng, phần đầu; Nhân minh luận sớ thụy nguyên kí]. (xt. Ngũ Chi Tác Pháp, Nhân Minh).