tam chỉ

Phật Quang Đại Từ Điển

(三止) I. Tam Chỉ. Ba chỉ hành do tông Thiên thai lập ra để đối lại với Tam quán Không, Giả, Trung. Đó là: 1. Thể chân chỉ: Đối lại với Không quán. Thể đạt cái hư vọng điên đảo của vô minh chính là chân như của thực tướng, gọi là Thể chân chỉ. Vì người đã thấu suốt được các pháp do nhân duyên hòa hợp là không vô tự tính, nên có thể ngăn dứt hết thảy phan duyên vọng tưởng mà chứng lí không, không chính là chân, vì thế gọi là Thể chân chỉ. Nếu đạt được cảnh giới này thì phát định, mở mắt tuệ, thấy được Đệ nhất nghĩa, thành tựu tam muội Chân đế. 2. Phương tiện tùy duyên chỉ(cũng gọi Phương tiện chỉ, Hệ duyên thủ cảnh chỉ): Đối lại với Giả quán. Bồ tát tùy duyên từng trải các cảnh, tâm an trụ nơi tục đế mà bất động, gọi là Phương tiện tùy duyên chỉ. Bởi vì Bồ tát biết rõ không chẳng phải thật không nên dùng các phương tiện khéo léo, tùy duyên phân biệt thuốc và bệnh để giáo hóa chúng sinh, đồng thời, tâm ở trong tục đế mà không bị ngoại cảnh làm cho lay động. Nhờ đó mà mở mắt tuệ, thành tựu tam muội Tục đế. 3. Tức nhị biên phân biệt chỉ(cũng gọi Chế tâm chỉ): Đối lại với Trung quán. Chỉ cho tướng không phân biệt 2 bên: Sinh tử và Niết bàn, Hữu và Vô… Bởi vì, như đã trình bày ở trên, Thể chân chỉ thiên về Chân, Phương tiện tùy duyên chỉ thì thiên về Tục, đều không phù hợp với lí Trung đạo. Đã biết Chân chẳng phải chân thì là bên Không tịch tĩnh; biết Tục chẳng phải tục thì là bên Hữu tịch tĩnh, cũng tức là dứt 2 bên Chân, Tục mà trụ chỉ ở Trung đế. Nếu đạt được cảnh giới này thì phát định Trung đạo, khơi mở mắt Phật, thành tựu tam muội Trung đạo.[X. chương Tiểu chỉ quán chứng quả; Ma ha chỉ quán Q.3, thượng]. II. Tam Chỉ. Tức Phật tam chỉ, Xá lợi phất tam thỉnh nói trong phẩm Phương tiện kinh Pháp hoa. (xt. Tam Chỉ Tam Thỉnh).