tam bất thành

Phật Quang Đại Từ Điển

(三不成) Ba thứ không thành. Chỉ cho sự quan hệ giữa Tịnh độ và Uế độ, về mặt bản chất, có 3 thứ không thành. Đó là: 1. Một chất không thành: Tịnh độ và Uế độ chẳng phải được thành lập bởi cùng 1 bản chất. 2. Khác chất không thành: Tịnh độ và Uế độ chẳng phải được thành lập bởi bản chất hoàn toàn khác nhau. 3. Không chất chẳng thành: Tịnh độ và Uế độ đều chẳng phải được thành lập từ chỗ vô bản chất. Trong luận Thích tịnh độ quần nghi quyển 1, ngài Hoài cảm giải thích (Đại 47, 34 hạ): Tịnh độ và Uế độ là do 2 nghiệp tịnh, uế khiến cho tự tâm của chúng sinh biến hiện ra tướng tịnh, uế. Tướng tịnh, uế này là do tâm hiện ra, hễ tâm tịnh thì độ tịnh, tâm uế thì độ uế, đều do tự tâm cả. Tâm đã khác thì độ làm sao là 1 được, vì thế nói là 1 chất không thành. Lại tuy tịnh tâm và uế tâm biến hiện thành Tịnh độ và Uế độ, tâm có 2 thể, độ có 2 tướng, nhưng cùng chỗ cùng thời, không ngăn ngại nhau, không thể nói chỗ có tịnh không có uế, chỗ có uế không có tịnh. Vì cùng chỗ cùng thời biến hiện tịnh, uế nên nói là khác chất không thành. Tịnh độ và Uế độ tuy cùng hiện 1 chỗ nhưng 2 tướng khác nhau, đều do nhân duyên 2 nghiệp tịnh, uế không đồng mà biến hiện ra rừng cây, gai gốc, đất đá, gạch ngói… từ duyên sinh ra, Y tha khởi tính mới thành tướng độ, khác với tính Biến kế sở chấp tình có thể không, không hình không chất, cho nên nói không chất chẳng thành. Người chủ trương Tam bất thành này từ trước đến nay được xem là Pháp sư Đạo an, nhưng theo luận Thích tịnh độ quần nghi thì trong các sách từ An lạc tập về trước đều không thấy nói đến thuyết này, như vậy không thể đoán định Tam bất thành là của ngài Đạo an đời Tiền Tần mà có lẽ do ngài Đạo an đời Bắc Chu đề xướng. Tam bất thành thêm vào Hữu chất bất thành nữa thì là Tứ bất thành, do các ngài Trừng quán, Tông mật… chủ trương. [X. Đại thừa huyền luận Q.5; An lạc tập Q.thượng; Hoa nghiêm đại sớ sao Q.7; Tông kính lục Q.89; Thành duy thức luận học kí Q.3].