tam bảo chương

Phật Quang Đại Từ Điển

(三寶章) Cũng gọi Tam bảo tiêu, Tam bảo, Tam xoa, Tam cổ. Chỉ cho hình vẽ, phù hiệu… được dùng để tượng trưng Tam bảo. Tam bảo chương đã thịnh hành ở thời đại vua A dục tại Ấn độ. Tam bảo chương thường được sử dụng để trang sức đầu nhọn, cột, xà ngang của cửa tháp. Hình thức của Tam bảo chương là trên pháp luân(bánh xe pháp) đặt phù hiệu 3 chĩa để tượng trưng Tam bảo. Có thuyết cho rằng 3 chĩa tượng trưng Phật bảo, bánh xe pháp tượng trưng Pháp bảo và lá cây tượng trưng Tăng bảo. Hiện nay, ở 4 cửa ra vào của tháp Sơn kì (Phạm:Zànti) còn có các bức khắc Tam bảo chương. Và trên lan can của Đại tháp A ma la đề bà (Phạm: Amaràvatì) người ta tìm thấy 2 loại hình khắc Tam bảo chương, 1 loại ở khoảng trên khắc tháp Phật, khoảng giữa khắc bánh xe pháp, khoảng dưới khắc cái cây, còn 1 loại thì ở giữa khắc tháp Phật, bên trái khắc bánh xe pháp, bên phải khắc cây.[X. The Bhilsa Topes, Stùpa of Bharhut by A. Cunningham; Tree and Serpent Worship by J.Fergusson; History of Indian and Eastern Architecture by J.Fergusson; Ấn độ Phật tích thực tả giả thuyết; Ấn độ lữ hành kí (Thiên chiểu Tuấn nhất)].