tam ba la mật đa

Phật Quang Đại Từ Điển

(三波羅蜜多) I. Tam Ba La Mật Đa. Gọi tắt: Tam ba la mật. Tông Pháp tướng dựa vào địa vị Năng tu mà chia 10 Ba la mật làm 3 loại: 1. Ba la mật đa: Hàng Bồ tát giai vị Tam hiền thuộc Địa tiền ở vô số kiếp thứ nhất, tu 10 Ba la mật như Bố thí… thế lực của Bồ tát này còn yếu kém, không đàn áp được phiền não, mà trái lại, bị phiền não chinh phục và hiện hành. 2. Cận ba la mật đa: Bồ tát từ Sơ địa đến Thất địa, ở vô số kiếp thứ hai, tu 10 Ba la mật, thế lực của hàng Bồ tát này dần dần tăng lên, không bị phiền não áp phục, mà có khả năng áp phục được phiền não, nhưng lại cố ý hiện hành phiền não để tu hành, cho nên sự tu hành này là cố ý chứ chẳng phải là sự tu hành nhậm vận tự do, không cần dụng công. 3. Đại ba la mật đa: Hàng Bồ tát từ Bát địa đến Thập địa, ở vô số kiếp thứ ba, tu 10 Ba la mật, thế lực của hàng Bồ tát này đã trở nên lớn mạnh, đủ sức áp phục tất cả phiền não 1 cách hoàn toàn, vĩnh viễn không cho hiện hành. [X. kinh Giải thâm mật Q.4; luận Thành duy thức Q.9; Thành duy thức luận diễn bí Q.3, phần cuối]. II. Tam Ba La Mật Đa. Cũng gọi Tam chủng ba la mật. Căn cứ vào sự sai khác giữa phàm phu, Nhị thừa và Bồ tát mà chia 6 độ như Bố thí… làm 3 loại: 1. Thế gian ba la mật: Chỉ cho các pháp 6 độ hữu lậu mà hàng phàm phu tu hành với tâm chấp trước ngã, ngã sở, đoạn, thường… để cầu mong được quả báo tốt đẹp như sinh lên cõi trời Phạm thiên… 2. Xuất thế gian ba la mật: Chỉ cho 6 độ của hàng Nhị thừa Thanh văn, Duyên giác tu hành để tự độ, với lòng mong cầu đạt đến cảnh giới vắng lặng của Niết bàn vô dư.3. Xuất thế gian thượng thượng ba la mật: Sáu độ của các vị Bồ tát biết vạn pháp duy tâm, không trụ nơi 6 trần, thấu suốt mình và người là cùng 1 thể nên không bỏ tất cả chúng sinh, mà tu hành 6 độ với tâm không phân biệt năng sở để làm lợi ích cho họ.[X. kinh Lăng già a bạt đa la bảo Q.4; Lăng già a bạt đa la bảo kinh chú giải Q.4, phần cuối].