tại gia

Phật Quang Đại Từ Điển

(在家) Phạm: Gfha-stha. Pàli: Gahaỉỉha. Cũng gọi Cư gia, Trụ gia, Tại gia nhân. Đối lại: Xuất gia. Chỉ cho người sống cuộc đời thế tục, có gia đình, sản nghiệp, tự làm việc để nuôi thân. Nhà(gia) có 2 loại: Một là nhà thế tục, hai là nhà lao ngục ba cõi. Ra khỏi nhà thế tục tương đối dễ, nhưng thoát li nhà lao ngục(5 dục, 6 trần) 3 cõi thì rất khó. Thân xuất gia chỉ cho việc ra khỏi nhà thế tục, còn tâm xuất gia thì chỉ cho việc thoát li nhà 3 cõi. Người tại gia mà qui y Phật giáo, thụ trì tam qui, ngũ giới thì cũng trở thành 1 thành viên của giáo đoàn Phật giáo, người nam gọi là ưu bà tắc, người nữ gọi là ưu bà di. Phật giáo cho rằng đời sống tại gia dễ bị chìm đắm vì tham trước vật dục, tình ái, trở ngại việc tu hành Phật đạo, vì thế trong các kinh nói rộng về các chướng ngại của nếp sống tại gia. Như kinh Bảo tích quyển 82 có nêu ra 99 thứ chướng nạn: Nhiều bụi bặm, nhơ nhớp, bị trói buộc, nhiều cáu bẩn… Kinh Văn thù sư lợi vấn thì liệt 90 (có thuyết nói 95) thứ quá hoạn như: Có chướng ngại, thu nạp các cáu bẩn, làm các việc ác, ở chỗ bụi bặm nhớp nhúa, chìm đắm trong vũng bùn nhục dục… Nhưng tại gia cũng có các vị Bồ tát đạt được địa vị giác ngộ giải thoát, như các vị Duy ma, Hiền hộ, Thắng man phu nhân, Bàng uẩn… họ đều là điển hình của hàng tại gia chứng quả.[X. kinh Tạp a hàm Q.20; kinh Hà khổ trong Trung a hàm Q.36; Đại tỉ khưu tam thiên uy nghi Q.thượng; kinh Bồ tát thiện giới Q.7; kinh Ưu bà tắc giới Q.3; kinh Đại phương đẳng đại tập Q.44; luận Đại tì bà sa Q.25; luận Câu xá Q.14; Đại tạng pháp số Q.16]. (xt. Xuất Gia).