tác dụng

Phật Quang Đại Từ Điển

(作用) Gọi tắt: Dụng. Động tác hay sự hoạt động khởi dụng. Trong các pháp hữu vi 3 đời, chỉ có pháp hiện tại là có tác dụng, các pháp quá khứ và vị lai thì không. Trong 4 tướng thì tác dụng của tướng Sinh khởi lên ở vị lai, còn tác dụng của 3 tướng Trụ, Dị, Diệt thì khởi lên ở hiện tại khi các pháp đã sinh. Riêng các pháp vô vi thì vì lìa các tướng Sinh, Trụ, Dị, Diệt, không bị thế gian làm dời đổi, nên đều không có tác dụng. Ngoài ra, Thiền tông chủ trương tác dụng hiện tiền là tác dụng ngay nơi thể, thấy suốt được tác dụng ấy tức là thấy tính.Cứ theo điều Bồ đề đạt ma trong Cảnh đức truyền đăng lục quyển 3 thì cuộc vấn đáp giữa ngài Ba la đề và vua Dị kiến cũng cho rằng cốt tủy của đạo Phật là ở chỗ thấy suốt tính Phật, mà tính Phật thì ở ngay trong tám tác dụng hiện tiền: Thân, người, thấy, nghe, ngửi mùi, bàn nói, cầm bắt và chạy nhảy (ở trong thai là thân, ở đời là người, ở mắt là thấy, ở tai là nghe, ở mũi là ngửi mùi, ở miệng là bàn nói, ở tay là cầm bắt, ở chân là chạy nhảy), nghĩa là bao gồm cả pháp giới. [X. luận Đại tì bà sa quyển 39; luận Câu xá Q.5; luận Thành duy thức Q.1, 2; luận Đại thừa khởi tín; Đại thừa khởi tín luận nghĩa kí Q.hạ, phần đầu].