tá y

Phật Quang Đại Từ Điển

(卸衣) Cởi áo ca sa. Tức cởi áo cà sa từ trên vai xuống, trước gấp làm 8 theo chiều ngang, kế đến gấp làm 2 theo chiều dọc, mặt có khoen vào phía trong, vắt lên cánh tay trái. Vì cởi áo từ trên vai rồi vắt lên cánh tay nên gọi là Tá y. [X. môn Phục chương loại 26 trong Thiền lâm tượng khí tiên]. TẠ GIỚI Sau khi nhận lãnh giới pháp, sa di đến lễ tạ các vị Giới sư, gọi là Tạ giới. Sắc tu Bách trượng thanh qui quyển 5 (Đại 48, 1138 trung) ghi: Chúng con pháp danh là… được bước lên giới phẩm, được lạm dự vào hàng tăng, đó là nhờ sự xót thương, che chở của Hòa thượng, chúng con xin chí thành bái tạ. TẠ LINH VẬN (385-433) Cư sĩ Phật giáo Trung quốc, sống vào đời Lưu Tống, người Dương hạ. Ông là người hiếu học, xem rộng hiểu nhiều, giỏi thư họa, thi văn, một mình ngang dọc ở đất Giang đông. Ông làm quan đến các chức Thái úy tham quân, Thái thú Vĩnh gia. Ông bẩm tính giản dị, hào phóng, tự cao và bạo nói, đến nỗi bị ghen ghét và đày đi Quảng châu, lại có kẻ vu cáo ông mưu phản để hãm hại, vua Văn đế cũng đố kị tài danh của ông nên viện cớ mưu phản mà giết ông vào tháng 11 năm Nguyên gia thứ 10 (433) tại Quảng châu, lúc đó ông mới 49 tuổi. Tạ linh vận qui y Tam bảo từ thủa nhỏ, hiểu sâu kinh tạng, từng giao du với ngài Trúc đạo sinh ở chùa Long quang, rất tín phụng nghĩa đốn ngộ của ngài Đạo sinh và soạn luận Biện tông giải thích rõ nghĩa này.Khoảng năm Nghĩa hi đời Đông Tấn, ông đến Lô sơn tham lễ ngài Tuệ viễn. Sau, ngài Tuệ viễn thành lập Bạch liên xã, ông có soạn Tịnh độ vịnh tán thán. Ông cũng từng đến chùa Ô y thưa hỏi ngài Tuệ duệ về nghĩa các chữ Phạm trong kinh. Bấy giờ, gặp lúc kinh Đại niết bàn mới đến Trung quốc, vì số phẩm sơ lược, văn nghĩa không dễ, người mới học khó hiểu được, nên ông cùng với các ngài Đông an Tuệ nghiêm, Đạo tràng Tuệ quán đối chiếu, tham khảo kinh Đại bát nê hoàn 6 quyển, thêm số phẩm, bớt số quyển, sửa lại văn từ, giải rõ yếu nghĩa, thành kinh Đại bát niết bàn (bản Nam) lưu hành cho đến nay. Học thuyết Niết bàn và Đốn ngộ được truyền bá ở đương thời, cũng nhờ có công lao của ông. Ông để lại các tác phẩm: Kim cương Bát nhã kinh chú, Niết bàn kinh sớ, luận Biện tông. [X. truyện Trúc đạo sinh trong Lương cao tăng truyện; Phật tổ thống kỉ Q.26; Tống thư Q.67; Nam sử Q.19].