Phật Giáo

Từ Điển Đạo Uyển

佛教; S: buddhaśāsana; P: buddhasāsana;
Một trong ba tôn giáo lớn trên thế giới (hai tôn giáo lớn khác là Thiên chúa giáo và Hồi giáo). Phật giáo do đức Phật lịch sử Thích-ca Mâu-ni sáng lập khoảng thế kỉ thứ 5 trước Công nguyên. Ngài là người đầu tiên giảng Tứ diệu đế, là giáo pháp trung tâm của đạo Phật, là điều mà Ngài đã chứng ngộ lúc đạt đạo. Bốn chân lí đó chính là câu trả lời cho câu hỏi của thời đại đó là: Tại sao con người cứ bị trói buộc trong Luân hồi (輪回; s: saṃ-sāra) và liệu con người có thoát khỏi nó chăng. Ðức Phật xem cuộc đời là Vô thường (無常; s: anitya; p: anicca), Vô ngã (無我; s: anātman; p: anattā) và vì vậy mà con người phải chịu Khổ (苦; s: duḥkha; p: duk-kha). Thấu hiểu Ba tính (三相; s: trilakṣaṇa; p: tilakkhaṇa) đặc trưng của sự vật đó là bắt đầu đi vào đạo Phật. Khổ xuất phát từ Ái (愛; s: tṛṣṇā; p: taṇhā) và Vô minh (無明; s: avidyā; p: avijjā), và một khi dứt được những nguyên nhân đó thì ta có thể thoát khỏi Vòng sinh tử (有輪; s: bhavacakra; p: bhavacakka). Cô chế làm cho chúng sinh còn vướng mãi trong vòng sinh tử được đạo Phật giải thích bằng thuyết Mười hai nhân duyên (緣起; duyên khởi; s: pratītyasamut-pāda; p: paṭiccasamuppāda). Chấm dứt vòng sinh tử chính là chứng ngộ Niết-bàn (涅槃; s: nirvāṇa; p: nibbāna). Theo Tứ diệu đế, con đường dẫn đến Niết-bàn là Bát chính đạo (八正道; s: aṣṭāṅgika-mārga; p: aṭṭhāṅgika-magga;), tức là tu học Giới (戒; s: śīla; p: sīla), Ðịnh (定; s: samādhi, dhyāna; p: samādhi, jhāna) và Huệ (慧; Trí huệ; s: prajñā; p: paññā). Tư tưởng cơ bản của đức Phật đều được nhắc lại trong các kinh sách, nhưng có khi chúng được luận giải nhiều cách khác nhau và vì vậy ngày nay có nhiều trường phái khác nhau, hình thành một hệ thống triết lí hết sức phức tạp. Giáo pháp đạo Phật được tập hợp trong Tam tạng (三藏; s: tripiṭaka; p: tipiṭaka). Tăng-già (僧伽; s, p: saṅgha) của đạo Phật gồm có Tỉ-khâu (比丘; s: bhikṣu; p: bhikkhu), Tỉ-khâu-ni (比丘尼; s: bhikṣuṇī; p: bhikkhunī) và giới Cư sĩ.
Sự phát triển đạo Phật có thể được chia làm bốn giai đoạn:
1. Giữa thế kỉ thứ 6 đến giữa thế kỉ thứ 5 (trước Công nguyên): Giai đoạn nguyên thuỷ, do đức Phật giáo hoá và các đệ tử của Ngài truyền bá.
2. Kể từ thế kỉ thứ 4 trước Công nguyên: Giai đoạn bắt đầu phân hoá ra nhiều trường phái qua các lần Kết tập (hội nghị) về giáo pháp.
3. Kể từ thế kỉ thứ 1 sau Công nguyên: Xuất hiện giáo phái Ðại thừa (大乘; s: mahāyāna;) với hai tông phái quan trọng là Trung quán tông (中觀宗; s: mādhyamika) và Duy thức tông (唯識宗; s: vijñānavāda, yogācāra).
4. Kể từ thế kỉ thứ 7: Sự xuất hiện của Mật tông Phật giáo (Phật giáo Tây Tạng, Kim cương thừa).
Sau thế kỉ thứ 13, Phật giáo được xem là bị tiêu diệt tại Ấn Ðộ, là nơi sản sinh đạo Phật. Từ thế kỉ thứ 3, đạo Phật được truyền đi các nước khác ngoài Ấn Ðộ và mang nặng bản sắc của các nước đó. Ngày nay, phái Tiểu thừa (小乘; s: hīnayāna) với quan điểm của Thượng toạ bộ (上座部; s: sthaviravāda; p: theravāda) được truyền bá rộng rãi tại Tích Lan, Thái lan, Miến Ðiện, Campuchia. Ðại thừa được truyền tại Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam và Hàn Quốc. Giáo pháp Kim cương thừa – cũng được xếp vào Ðại thừa – phát triển mạnh tại Tây Tạng, Mông Cổ. Ngày nay, chưa ai có một con số tín đồ Phật giáo chính xác, người ta ước lượng có khoảng từ 150 đến 500 triệu người.
Phật giáo tại Miến Ðiện: Truyền thuyết cho rằng Miến Ðiện đã tiếp cận với đạo Phật trong thời vua A-dục (s: aśoka, thế kỉ thứ 3 trước Công nguyên). Theo một thuyết khác, đạo Phật đã đến Miến Ðiện trong thời đức Phật còn tại thế, do hai thương nhân từ Ấn Ðộ mang tới. Những vị này mang theo cả tóc Phật, ngày nay được giữ trong đền Shwe-Dagon tại Rangun.
Kể từ thế kỉ thứ 5, Phật giáo phát triển rực rỡ với sự có mặt của Thượng toạ bộ và Nhất thiết hữu bộ (s: sarvāstivāda). Kể từ thế kỉ thứ 7, hai phái Tiểu thừa và Ðại thừa cùng song hành tại Miến điện, sau đó Mật tông cũng bắt đầu có ảnh hưởng. Thế kỉ thứ 11, nhà vua A-na-ra-tha tuyên bố chỉ chấp nhận Thượng toạ bộ và từ đó, Ðại thừa biến mất tại đây. Tại Miến Ðiện, Pagan ở miền Bắc trở thành trung tâm Phật giáo. Phật giáo Miến Ðiện liên hệ chặt chẽ với Phật giáo Tích Lan, nhất là với Ðại Tự (p: mahāvihāra). Thế kỉ thứ 15, vua Ðạt-ma Tất-đề (p: dhammaceti) lại xác định lần nữa rằng, Phật giáo Miến Ðiện mang nặng quan điểm của Thượng toạ bộ. Sự có mặt của người Anh trong thế kỉ thứ 19 làm xáo trộn Phật giáo Miến Ðiện đáng kể. Mãi đến lúc giành lại độc lập năm 1947, Miến Ðiện mới trở lại cơ chế cũ. Năm 1956 tại Rangun có một cuộc kết tập kinh điển quan trọng. Ngày nay, 85% dân Miến Ðiện là Phật tử, đạo Phật được xem là quốc giáo.
Phật giáo tại Tích Lan: Người ta cho rằng Phật giáo đến Tích Lan khoảng năm 250 trước Công nguyên, do Ma-hi-đà và Tăng-già Mật-đa (p: saṅghamitta), hai người con của A-dục vương (s: aśoka; p: asoka), truyền từ Ấn Ðộ. Nhà vua Tích Lan hồi đó là Thiên Ái Ðế Tu (p: devānampiya tissa) trở thành Phật tử và thành lập Ðại Tự (p: mahāvihāra) nổi tiếng, nơi đó ông trồng một nhánh cây Bồ-đề của nơi Phật thành đạo. Ðại Tự trở thành trung tâm của Thượng toạ bộ.
Theo thời gian, nhiều tông phái Phật giáo khác thành hình và gây nhiều tranh cãi, đến nỗi có khi nhà vua phải can thiệp. Ðó là những tranh luận ban đầu của Tiểu thừa và mầm mống của Ðại thừa, của cả Mật tông thời bấy giờ. Cuối cùng, Thượng toạ bộ thắng, trong đó Phật Âm (s: buddhaghoṣa) – một Luận sư xuất sắc của Thượng toạ bộ – đóng vai trò quyết định. Tác phẩm của Phật Âm ngày nay vẫn còn ảnh hưởng lên Phật giáo Tích Lan. Ðến thế kỉ thứ 12, vua Ba-lạc-la Ma-bà-ha-y (p: parakkambahu), họp hội nghị Phật giáo và ép tất cả các trường phái phải theo giáo lí của Thượng toạ bộ tại Ðại Tự.
Qua thế kỉ thứ 16 người Bồ-đào-nha vào Tích Lan và tìm cách du nhập đạo Thiên chúa. Ðến thế kỉ thứ 17, người Hoà-lan lại ủng hộ việc khôi phục đạo Phật tại Tích Lan. Ngoài ra, Miến Ðiện và Thái Lan cũng có ảnh hưởng đáng kể lên nền đạo Phật tại đây. Kể từ khi Tích Lan giành lại độc lập năm 1948, đạo Phật luôn luôn đóng một vai trò quan trọng trong việc tín ngưỡng và nền văn hoá của xứ này.
Phật giáo tại Nam Dương: Người ta cho rằng Phật giáo du nhập đến Nam Dương khoảng thế kỉ thứ 3 sau Công nguyên. Cao tăng Pháp Hiển, vị tăng Trung Quốc đầu tiên đến Ấn Ðộ, cũng là người đến Nam Dương năm 418. Cuối thế kỉ thứ 5 thì Phật giáo bắt đầu phát triển tại Nam Dương, đến thế kỉ thứ 7 thì Su-ma-tra và Ja-va trở thành hai trung tâm Phật giáo quan trọng. Tại đây, giáo lí Ðại thừa được truyền bá rộng rãi, có một số tư tưởng Tiểu thừa, có lẽ của Nhất thiết hữu bộ, được thừa nhận. Dưới thời vua Shai-len-dra, Phật giáo phát triển rực rỡ, đó là thời kì xây dựng tháp tại Bô-rô-bu-đua (borobudur), là Phật tích lớn nhất còn lưu tới ngày nay. Khoảng cuối thế kỉ thứ 8, Mật tông bắt đầu thịnh hành. Ðại thừa và Mật tông tồn tại mãi đến thế kỉ thứ 15, trong suốt thời gian này, Phật giáo Nam Dương liên hệ nhiều với Ấn Ðộ và với viện Na-lan-đà (s: nālandā). Với sự xâm nhập của Hồi giáo (e: islamism), Phật giáo bắt đầu tàn lụi tại Nam Dương, kể từ thế kỉ thứ 15. Ngày nay chỉ còn một số nhỏ tín đồ, nhất là trong giới người Hoa.
Phật giáo tại Campuchia: Người ta cho rằng Phật giáo du nhập vào Campuchia trong thế kỉ thứ 3 sau Công nguyên, theo văn hệ Phạn ngữ (sanskrit), theo trường phái Nhất thiết hữu bộ và đạt được đỉnh cao khoảng thế kỉ thứ 5, thứ 6. Năm 791 người ta tìm thấy gần đền Ðế Thiên Ðế Thích (Ăng-kor Wat) một văn bản chứng tỏ rằng, Ðại thừa đã có mặt nơi đây song song với việc thờ thần Thấp-bà (s: śiva). Sự hỗn hợp này có lẽ bắt nguồn từ việc thờ cúng Bồ Tát Quán Thế Âm, mà Thấp-bà được xem là một hoá thân. Mọi nhà vua của Campuchia cũng đều được xem là hoá thân của Quán Thế Âm. Sau một thời gian thì yếu tố thần Thấp-bà hầu như bị mất đi, nhưng đến thế kỉ thứ 13, người ta lại tôn thờ thần Thấp-bà và tăng già Phật giáo bị bức hại. Theo các Cao tăng Trung Quốc thì trong thời gian này, Thượng toạ bộ được phát triển trong lúc Ðại thừa bị lu mờ. Một số văn bản bằng văn hệ Pā-li ghi năm 1309 chứng minh rằng, Thượng toạ bộ được hoàng gia công nhận và kể từ đó là giáo phái chính thống của Campuchia. Mãi đến cuối thế kỉ thứ 19, Phật giáo truyền từ Thái Lan mới bắt đầu có ảnh hưởng.
Phật giáo tại Thái Lan: Người ta biết rất ít việc đạo Phật được truyền bá đến Thái Lan. Kết quả khảo cổ cho thấy Phật giáo đến Thái Lan khoảng thế kỉ thứ 6 từ Miến Ðiện. Ban đầu giáo lí Tiểu thừa có ảnh hưởng rộng rãi. Khoảng giữa thế kỉ thứ 8 và 13, Ðại thừa được truyền bá rộng hơn. Giữa thế kỉ 11 và 14, ảnh hưởng của Ấn Ðộ giáo bắt đầu phát triển. Trong thế kỉ 13, hoàng gia Thái Lan chính thức công nhận Thượng toạ bộ và mối liên hệ với Tích Lan trong thời kì này càng làm cho bộ này phát triển thêm rộng rãi. Năm 1782, nhà vua triệu tâp một đại hội nhằm kiểm điểm lại Tam tạng kinh điển. Trong thế kỉ thứ 19, nhà vua Ma-ha Mông-cút (mongkut) lên ngôi, bản thân ông cũng là một tăng sĩ, ông là người đặt nền tảng cho nền Phật giáo cận đại. Ông thành lập Pháp tông (dhammayut), cơ sở dựa vào Luật tạng và ngày nay có nhiều tín đồ nhất tại Thái Lan. Vua Chu-la-lang-korn – trị nước từ 1868 đến 1910 – cho xuất bản các tạng kinh quan trọng của đạo Phật, có thể gọi là đầy đủ nhất từ xưa đến nay. Ngày nay, 95% dân số Thái Lan theo đạo Phật.
Phật giáo tại Hàn Quốc: Từ Trung Quốc, Phật giáo lan qua Hàn quốc trong thế kỉ thứ 4 sau Công nguyên và phát triển rực rỡ nhất là giữa thế kỉ thứ 6 và thứ 9. Trong thời kì này, các trường phái quan trọng của Trung Quốc đều được thành lập tại Hàn Quốc như Thiền tông, Hoa nghiêm tông, Mật tông (Chân ngôn tông). Bộ kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa (s: prajñāpāramitā-sūtra) cũng được truyền bá rộng rãi rất sớm tại Hàn Quốc. Người ta cũng tìm thấy nhiều tác phẩm văn hoá mang đặc tính Phật giáo tại đây. Suốt thời nhà Lí (yi, 1392-1910), nền văn hoá Khổng giáo trở thành quốc đạo và tăng ni Phật giáo bị ép buộc phải vào núi tu hành. Sau năm 1945, Phật giáo được phục hưng và phát sinh một phong trào mới gọi là Viên Phật giáo (e: won-buddhism). Ngày nay, tại Hàn Quốc người ta ít phân biệt các tông phái đạo Phật và thực hành song song với nhau thiền quán, niệm Phật A-di-đà và tụng kinh. Phép niệm thần chú cũng được truyền bá rộng rãi, vốn có nguồn gốc từ Mật tông của thời trung cổ. Trong giới trí thức, Thiền tông được nhiều người theo, trong lúc giới dân giã lấy niệm danh hiệu các đức Phật làm chủ yếu. Trộn lẫn với đạo Phật là hình thức thờ đa thần như thần núi, linh vật, thần tinh tú.