Pháp Tự

Từ Điển Đạo Uyển

法嗣; C: fǎsì; J: hōshi;
Là người nối pháp của vị thầy mình; người nối pháp này ít nhất phải đạt được trình độ ngộ nhập, Kiến tính của vị thầy và đã được Ấn khả.
Tuy nhiên, các vị Ðại thiền sư thường nhấn mạnh rằng, “Thiền” không thể được dạy truyền và chính vì vậy mà những danh từ như “giáo hoá”, “truyền tâm ấn” … chỉ có thể hiểu là những danh từ tạm bợ, được dùng để mô tả một hiện tượng không thể trình bày. Nhiệm vụ của một Thiền sư có thể so sánh với một chất xúc tác (e: catalyst) trong hoá học. Với sự hiện diện hoặc giáo hoá của một vị thầy, thiền sinh có thể tự chứng ngộ và ngay lúc đó, không có gì có thể gọi là thầy “truyền” trò “nhận.”
Trong thời gian đầu, biểu tượng của sự công nhận pháp tự là y bát của vị thầy truyền giao lại cho đệ tử. Danh từ “y bát” sau được hiểu như là “truyền tâm ấn ngoài giáo pháp”, một đặc tính của Thiền tông tại Ðông, Ðông nam á.