BIẾN XỨ

Từ điển Đạo Uyển


變處; S: kṛtsnā; P: kasiṇa;
Tên gọi một vật dùng để phát sinh và phát triển sự tập trung để đạt đến bốn định an chỉ (Tứ thiền).

Người tu hành tập trung toàn triệt vào một đối tượng thấy được trước mắt (sắc pháp, ở đây là một biến xứ) gọi là chuẩn bị tướng, như một điểm màu hay một cái dĩa có màu, một miếng đất,… cho đến lúc dù nhắm mắt người ấy vẫn thấy hình ảnh nó trong tâm gọi là thô tướng (hay học tướng; p: uggaha).

Trong khi tiếp tục định tâm vào hình ảnh ấy, hành giả có thể thấy một hình ảnh bất động vô nhiễm khởi lên gọi là quang tướng (p: patibhāga-nimitta) và khi đó sẽ đắc cận hành định (p: upacāra-samādhi). Tiếp tục định tâm trên đối tượng ấy, người tu hành sẽ đạt đến một trạng thái tâm lí, ở đó mọi hoạt động giác quan đều ngưng, không còn thấy, nghe, cảm giác, đó là sơ thiền. Mười biến xứ được kể là: đất, nước, lửa, gió, sắc xanh, sắc vàng, sắc đỏ, sắc trắng, Hư không (p: ākāsa) và Thức (p: viññāṇa).