BÁT VỌNG TƯỞNG

Từ điển Phật Quang


Tám vọng tưởng (ý tưởng xằng bậy). Tức là tám thứ vọng tưởng nói rõ trong Tông kính lục quyển 76. Đó là:

  1. Tự tính vọng tưởng, nghĩa là chấp các pháp căn, trần đều có thể tính riêng rẽ, không lẫn lộn với nhau.
  2. Sai biệt vọng tưởng, nghĩa là chấp bậy rằng sắc có thể thấy có thể tiếp xúc, sắc không thể thấy có thể tiếp xúc, sắc không thể thấy không thể tiếp xúc. (Sắc có thể thấy có thể tiếp xúc, tức là các mầu xanh, vàng v.v…, mắt có thể thấy, mà cũng có thể tiếp xúc. Sắc không thể thấy có thể tiếp xúc, là bốn thứ thanh hương vị xúc, tuy không trông thấy, nhưng có thể tiếp xúc với tai, mũi, lưỡi, thân. Sắc không thể thấy không thể tiếp xúc, tức là ý thức duyên theo cảnh đã thấy ở quá khứ, đều không thể thấy, cũng không thể tiếp xúc).
  3. Nhiếp thụ tích tụ vọng tưởng, nghĩa là vọng chấp pháp năm uẩn: sắc thụ tưởng hành thức, hòa hợp với nhau mà tạo thành hết thảy chúng sinh.
  4. Ngã kiến vọng tưởng, nghĩa là trong pháp năm uẩn, chấp bậy là có ta.
  5. Ngã sở vọng tưởng, nghĩa là trong pháp năm uẩn, chấp bậy thân ta và các vật ta dùng đều thuộc của ta.
  6. Niệm vọng tưởng, nghĩa là phân biệt một cách xằng bậy cảnh (đối tượng) sạch sẽ đáng yêu, rồi duyên theo tưởng nhớ không thôi.
  7. Bất niệm vọng tưởng, nghĩa là vọng phân biệt cảnh đáng ghét, không khởi tâm duyên theo nhớ tưởng.
  8. Niệm bất niệm câu tương vi vọng tưởng, nghĩa là đối với cảnh yêu ghét nghĩ hoặc không nghĩ, hai niệm phân biệt đều trái lí. [X. Tam tạng pháp số Q.33].