A-Ma-Ra-Va-Ti

Từ Điển Đạo Uyển

S: amāravatī; Hán Việt: A-ma-la-bà-đề 阿 摩 羅 婆 提;

Thành phố miền Nam Ấn Ðộ, là một trung tâm nghệ thuật Phật giáo quan
trọng ở thế kỉ 2-3. Những di tích ở đây phản ánh lại thời gian đầu của
Ðại thừa Phật pháp. Sự nối tiếp giữa nghệ thuật thời Phật giáo nguyên
thuỷ và nghệ thuật vùng Càn-đà-la (s: gandhāra) đã gây ảnh hưởng lớn cho
nền văn hoá nghệ thuật ở những vùng Nam á, nhất là ở Thái Lan, Nam
Dương (indonesia) và Tích Lan (śrī laṅkā).

Di tích nghệ thuật quan trọng nhất của vùng này là một Bảo Tháp (s:
stūpa) nằm ở phía Ðông, theo truyền thuyết có chứa đựng Xá-lị của đức
Phật lịch sử. Việc phát hiện một trụ đá với những lời viết của vua A-dục
(s: aśoka) chứng tỏ rằng, ông chính là người thúc đẩy việc xây dựng Bảo
tháp này. A-ma-ra-va-ti cũng là trung tâm của Ðại chúng bộ (s:
mahāsāṅghika). Các người hành hương mộ đạo từ mọi nơi – ngay cả Hoa Thị
thành (s: pāṭaliputra) – đều đến chiêm bái trung tâm Phật học này. Tam
Tạng Pháp sư Huyền Trang thuật lại rằng, trong thời hưng thịnh, hơn 20
tu viện tầm cỡ được kiến lập tại đây.