A-LA-HÁN

Từ điển Đạo Uyển


阿 羅 漢; S: arhat; P: arahat, arahant; T: dgra com pa;

dịch nghĩa là Sát Tặc (殺 賊), là diệt hết bọn giặc phiền não, ô nhiễm; Ứng Cung (應 供), là người đáng được cúng dường; Bất Sinh (不 生) hoặc Vô Sinh (無 生), là người đã đạt Niết-bàn, đoạn diệt sinh tử.

A-la-hán là danh từ chỉ một Thánh nhân, người đã đạt cấp “vô học” của Thánh đạo (s: āryamārga; p: ariyamagga), không bị ô nhiễm (s: āśrava; p: āsava) và Phiền não (s: kleśa; p: kilesa) chi phối. Thánh quả A-la-hán có khi được gọi là Hữu dư niết-bàn (s: sopadhiśeṣanirvāṇa; p: savupadisesanibbāna).

A-la-hán là hiện thân của sự Giác ngộ trong thời Phật giáo nguyên thuỷ. Khác với hình ảnh của Bồ Tát, hiện thân của Phật giáo Ðại thừa của thời hậu thế với mục đích Giải thoát mọi chúng sinh, A-la-hán tu tập nhằm giải thoát riêng mình. A-la-hán là các vị đã giải thoát 10 Trói buộc thế gian như: Ngã kiến, Nghi ngờ, chấp đắm giới luật, tham, sân hận, sắc tham, vô sắc tham, kiêu mạn, hồi hộp không yên (trạo), Vô minh. A-la-hán được xem là người đã từ bỏ ô nhiễm, bỏ các gánh nặng, đã đạt mục đích và tâm thức đã được giải thoát.