Tử Táng
Trên mặt địa cầu, mỗi dân tộc có mỗi cách táng: thổ táng, hỏa táng, lâm táng và không táng. Dân tộc Việt ta từ Bắc chí Nam, vẫn đồng một tục thổ táng.
Tín đồ của Phật đà, hễ trong nhà có kẻ lâm chung thì, cả nhà hay bà con, nhứt là trong phái Cư sĩ của bổn xứ, cơm ai nấy ăn, đều hội lại nhà tang chủ: phân công, hiệp tác, tẩn liệm rồi, cùng nhau “di linh cữu táng an phần mộ” lập tức, đừng để cách đêm, cũng như cách ngày. Nghĩa là chết sớm mơi, chiều chôn, chết chiều sáng chôn.
Nếu nhà nghèo thiếu sức, thì, các cư sĩ giúp tiền, đặng sắm đồ liệm cho mau. Chôn càng sớm được chừng nào, lại càng tốt chừng nấy. Chớ chẳng nên để hoàn lâu ngày trong nhà vì mất vệ sanh. Bởi hại cho sự sống của sức khỏe sanh nhân!
Kinh nghiệm đã cho biết: các thứ hột để giống đều hoại, lan thuốc bổi hút mất ngon, lu mắm sình thúi, người nào có ghẻ chốc cương mủ sưng lên, bởi mắc ma mới, nếu trong nhà có thây chết! Vì cái hơi “tử khí” rất độc, chí uế. Kìa: Giống hư, gieo không mọc. Mắm thúi, ăn chẳng vô… Thế, còn gì sức khỏe!?
Vậy, chôn sớm là phải; chớ nên để tử thi nằm đó mà, lạy cúng long trọng, âm nhạc linh đình, nhậu nhẹt say sưa… thiệt là phong tục hủ bại!
Khi mà người bịnh sấp ngặt mình, các cư sĩ, nhứt là người trong nhà họp lại, đánh chuông, niệm Phật, niệm mãi chừng nào tắt thở được ba chục phút mới thôi.
Đương lúc người sấp thở hơi cuối cùng, và vừa mới tắt thở, không nên rờ đụng đến thân thể của người, vì toàn thần người lúc bấy giờ đương đau nhức lắm. Kêu là “đao phong giai động”. Nếu rờ đến, lại càng đau quá. Tức nhiên, người vì quá ư bị đau rồi, quên mất chính niệm, nổi giận, đến đỗi đọa làm con rắn, như sự tích của vua A Kỳ Đạt…!
Lúc đó, dẫu người bịnh có co tay, rút chơn gì cũng cứ để tự nhiên; chừng hết thở được một giờ, sẽ sửa nằm cho ngay thẳng, cũng chẳng muộn!
Khi nhập liệm, các nhà cư sĩ hộ niệm: hoặc tụng “chú đại bi”, hoặc niệm Phật, hoặc tụng “chú tâm kinh bát nhã”, “chú vãng sanh quyết định chơn ngôn”, và đọc các bài sám sau đây; khi đưa ra huyệt đường, đọc các bài tống chung sau kia (ở phần phụ).
Chôn cất xong rồi, trở về nhà, tùy ý của tang quyến: muốn làm cúng lễ, và thân bằng muốn phúng điếu chi, tùy tiện thù tạc, nhưng, tạm dùng đồ chợ, chớ chẳng nên sát sanh tại tang gia ấy. Vì thử xét: với cảnh “sanh li tử biệt”, ta đây tiếc thương, đau xót với nhau thế nào? Thì chúng nó cũng có trống mái, bầy lũ con cái như bà con ta vậy. Người có lòng nhân, không ai nỡ làm điều bất nhẫn thế?
Còn như tang chủ có thỉnh các cư sĩ ở lại tụng kinh siêu độ nữa thì, tụng các kinh: hoặc Địa Tạng kinh, A-di-đà kinh, hay là cũng chỉ niệm Phật tụng chú như trước đó và, tụng các bài “tịnh độ văn” như sau đây cũng được.