TỨ PHẦN TỲ KHEO NI GIỚI BỔN

Hán dịch: Đời Hậu Tần, Tam tạng Phật Đà Da Xá
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

Cúi đầu lễ chư Phật
Lễ Pháp và lễ Tăng
Nay diễn pháp Tỳ-ni
Để chánh pháp còn mãi.
Giới như biển không bờ
Như báu miệt mài tìm
Muốn giữ pháp tài Thánh
Chúng nhóm nghe tôi nói.
Muốn trừ bốn tội Khí
Muốn diệt tội Tăng-tàn
Ngăn ba mươi Xả-đọa
Chúng họp nghe tôi nói.
Tỳ Bà Thi, Thi Khí
Tỳ Xá, Câu Lưu Tôn
Câu Na Hàm Mâu Ni
Ca Diếp, Thích Ca Văn.
Các Đại đức Thế Tôn
Vì chúng ta thuyết giới
Nay giới kinh, tôi tụng
Các Hiền giả cùng nghe.
Ví người chân thương tật
Không thể đi lại được
Người phá giới cũng vậy
Không sinh vào trời, người.
Muốn sinh lên chư Thiên
Hoặc sinh cõi người này
Chân giới thường bảo hộ
Đừng để cho tổn hoại.
Như đường hiểm, xe qua
Lo chốt rơi, trục gãy
Phá giới cũng như vậy
Khi chết canh cánh lo.
Như người tự soi gương
Vui, lo theo đẹp – xấu
Nói giới là soi gương
Vui, buồn theo vẹn – hỏng.
Như hai bên chiến đấu
Dũng: thắng, khiếp nhược: thua
Nói giới giống như vậy
Vui, sợ theo tịnh – nhơ.
Thế gian, vua trên hết
Mọi dòng chảy, biển hơn
Các sao, trăng sáng nhất
Các Thánh, Phật là trên.
Trong tất cả các Luật
Giới kinh là tối thượng
Như Lai lập giới cấm
Nửa tháng tụng một lần.

– Tăng tập họp chưa?

Đáp: Tăng tập họp rồi.

– Hòa hợp không?

– Hòa hợp.

– Người chưa thọ Đại giới ra chưa?

(Nếu có, khiến đi ra xong, đáp: Đã ra.

Không có ai thì đáp: Không).

– Các Tỳ-kheo-ni không đến Bố-tát có thuyết dục và thanh tịnh không?

(Có, thì y pháp thưa. Không, đáp: Không có) – Tăng nay hòa hợp để làm việc gì?

Đáp: Để Yết-ma thuyết giới.

-Đại tỷ Tăng xin lắng nghe! Hôm nay ngày mười lăm, ngày chúng Tăng thuyết giới, là thời gian thích hợp của Tăng. Nếu Tăng chấp nhận nghe giới thì hòa hợp thuyết giới. Xin thưa rõ vấn đề như thế.

(Tác bạch thành, thì đáp “Thành”)

Thưa các Đại tỷ! Ngay sau đây tôi sẽ tụng giới Ba-la-đề-mộc-xoa. Các vị hãy lắng nghe, suy nghĩ chín chắn vấn đề. Nếu xét biết mình có phạm giới thì phải tự sám hối ngay, còn không phạm giới thì im lặng. Chính sự im lặng này cho biết các Đại tỷ thanh tịnh. Nếu có người khác hỏi điều gì thì cũng đáp đúng sự thật như thế. Như vậy, Tỳ-kheo-ni trong chúng được hỏi đến ba lần, nhớ nghĩ có tội mà không sám hối thì phạm tội cố ý nói dối. Cố ý nói dối, Phật dạy: Đó là pháp ngăn trở đạo nghiệp. Nếu Tỳ-kheo-ni nhớ nghĩ có tội, muốn cầu được thanh tịnh thì phải sám hối. Sám hối thì được an vui.

Thưa các Đại tỷ! Tôi đã nói lời tựa của Giới kinh. Nay xin hỏi các Đại tỷ, đối với điều dạy trong tựa này, thanh tịnh không? (Hỏi ba lần).

Các Đại tỷ, trong vấn đề này đều thanh tịnh, vì cùng im lặng. Việc này xin ghi nhận như vậy.

Thưa các Đại tỷ! Tiếp đây là tám pháp Ba-la-di, cứ mỗi nửa tháng đều tụng theo trong Giới kinh:

1. Nếu Tỳ-kheo-ni đồng giới pháp với Tỳ-kheo-ni, không hoàn lại giới, giới suy yếu không tự sám hối, phạm vào việc dâm dục, hạnh thanh tịnh không còn, cho đến cùng súc sinh thì Tỳ-kheo-ni này phạm Ba-la-di, không được cùng chư ni sống chung.

2. Nếu Tỳ-kheo-ni – tại xóm làng hay chỗ trống vắng – vật không cho nhưng có tâm trộm cắp; tùy theo chỗ vật trộm lấy, hoặc là vua hay đại thần bắt được, hoặc xử trói, hoặc xử giết, hoặc xử đuổi ra khỏi xứ: mắng ngươi là giặc, ngươi là kẻ ngu si, ngươi là kẻ chẳng biết gì. Nếu Tỳ-kheo-ni trộm cắp vật không cho mà lấy như vậy thì Tỳ-kheo-ni ấy phạm Ba-la-di, không được cùng chư ni chung sống.

3. Nếu Tỳ-kheo-ni tự tay cố giết chết mạng sống của người, hoặc cầm dao đưa cho người, hoặc khen ngợi sự chết, đề cao sự chết, khuyến khích sự chết: “Ôi, người vận dụng các xấu xa thế này mà sống ư?! Thà chết không nên sống làm gì!”.

Với tâm niệm như vậy rồi tạo ra nhiều phương cách, nhiều hình thức khen chết, đề cao sự chết, khuyến khích sự chết… thì Tỳ-kheo-ni ấy 0 phạm Ba-la-di, không được cùng chư ni sống chung.

4. Nếu Tỳ-kheo-ni, thật sự không hiểu biết mà tự đề cao khen mình: “Tôi được pháp hơn người, tôi đã nhập vào pháp thù thắng của Thánh trí. Tôi biết pháp ấy, tôi thấy pháp ấy”. Sau đó, vào một thời gian khác, Tỳ-kheo-ni ấy – được hỏi hay không được hỏi, vì muốn cầu sự thanh tịnh – tự nói: “Chư Đại tỷ! Tôi thật không biết, không thấy mà nói tôi biết, tôi thấy. Tôi đã hư cấu, dối gạt, tôi nói dối”, trừ tăng thượng mạn, Tỳ-kheo-ni ấy phạm Ba-la-di, không được cùng chư ni sống chung.

5. Nếu Tỳ-kheo-ni với tâm nhiễm ô, cùng với người nam tâm nhiễm ô, từ nách trở xuống, từ đầu gối trở lên, thân xúc chạm nhau, hoặc nắm, xoa, hoặc kéo đẩy, hoặc bồng, hoặc rờ lên, hoặc rờ xuống, hoặc nâng lên, hoặc để xuống, hoặc ép, hoặc đè, thì Tỳ-kheo-ni ấy phạm Ba-la-di, không được cùng chư ni sống chung. Đây là thân xúc chạm nhau.

6. Nếu Tỳ-kheo-ni với tâm nhiễm ô, biết người nam tâm ô nhiễm mà để cho họ, nơi chỗ vắng, nắm tay, nắm y, cùng đứng, cùng nói chuyện, cùng đi, hoặc thân dựa lên nhau, hoặc cùng hẹn hò, thì Tỳkheo-ni ấy phạm Ba-la-di, không được cùng chư ni sống chung, vì phạm vào tám việc này.

7. Nếu Tỳ-kheo-ni biết Tỳ-kheo-ni khác phạm Ba-la-di mà không tự phát lồ, không nói cho người biết, không bạch đại chúng. Vào thời gian khác, Tỳ-kheo-ni ấy, hoặc qua đời, hoặc trong chúng cử tội, hoặc thôi tu, hoặc theo ngoại đạo. Sau đó nói như vầy: “Tôi trước đây có biết tội như vậy, như vậy… của cô ấy”, thì Tỳ-kheo này phạm Ba-la-di, không được cùng chư ni sống chung, vì che giấu tội nặng.

8. Nếu Tỳ-kheo-ni biết Tỳ-kheo Tăng đã Yết-ma cử tội đúng pháp, đúng luật, đúng như điều Phật dạy mà không phục tùng, không sám hối, Tăng chưa tác pháp cho sống chung nhưng mình lại thuận theo Tỳ-kheo này. Các Tỳ-kheo-ni nói: “Đại tỷ, Tỳ-kheo này, Tăng đã cử tội đúng pháp, đúng luật, đúng như điều Phật dạy mà không thuận tùng, không sám hối, Tăng chưa tác pháp cho sống chung. Cô đừng thuận theo”.

Khi các Tỳ-kheo-ni can gián Tỳ-kheo-ni ấy như vậy mà vẫn kiên trì không bỏ thì Tỳ-kheo-ni nên can gián lần thứ hai, lần thứ ba, khiến cho loại bỏ sự kiên trì ấy. Can gián đến lần thứ ba, bỏ thì tốt, không bỏ thì Tỳ-kheo-ni ấy phạm Ba-la-di, không được cùng chư ni sống chung, vì phạm tội theo người bị cử tội.

Thưa chư Đại tỷ! Tôi đã nói tám pháp Ba-la-di. Nếu Tỳ-kheo-ni phạm mỗi một pháp Ba-la-di thì không còn được cùng các Tỳ-kheo-ni sống chung. Như trước chưa thọ giới và sau khi phạm, họ cũng sống như vậy. Tỳ-kheo-ni phạm tội Ba-la-di không nên cùng chư ni sống chung.

Nay xin hỏi các Đại tỷ, đối với tám pháp Ba-la-di này thanh tịnh không? (Hỏi ba lần)

Các Đại tỷ trong tám pháp này đều thanh tịnh vì im lặng. Việc này xin ghi nhận như vậy.

Thưa chư Đại tỷ! Đây là mười bảy pháp Tăng-già-bà-thi-sa, cứ mỗi nửa tháng đều tụng theo trong Giới kinh:

1. Nếu Tỳ-kheo-ni làm mai mối, đem lời người nam nói với người nữ, đem lời người nữ nói với người nam, hoặc tác hợp nên vợ chồng, hoặc để gian dối thông dâm, dù chỉ trong chốc lát, Tỳ-kheo-ni này vừa làm là phạm Tăng-già-bà-thi-sa.

2. Nếu Tỳ-kheo-ni không hỷ xả, tức giận, đem pháp Ba-la-di không căn cứ để phỉ báng nhằm muốn phá hoại thanh tịnh của vị ấy. Về sau, vào thời gian khác, hoặc hỏi hay không hỏi, Tỳ-kheo-ni ấy bảo: “Sự việc ấy là không có cơ sở, vì tôi tức giận mà nói lời như thế” thì Tỳ-kheo-ni này vừa làm là phạm Tăng-già-bà-thi-sa.

3. Nếu Tỳ-kheo-ni không hỷ xả, tức giận, từ trong phần việc khác nhau lấy ra một khía cạnh, chẳng phải Tỳ-kheo-ni phạm Ba-la-di, sử dụng làm pháp Ba-la-di không căn cứ phỉ báng nhằm muốn phá phạm hạnh của người ấy. Về sau, vào thời gian khác, hoặc hỏi hay không hỏi, biết là một khía cạnh trong phần việc khác, Tỳ-kheo-ni ấy vì sống trong nóng giận nên nói như vậy, Tỳ-kheo-ni này vừa làm là phạm Tăng-giàbà-thi-sa.

4. Nếu Tỳ-kheo trực tiếp đến kiện lên quan: cư sĩ hay con cư sĩ, hoặc kẻ ở hay người làm thuê, hoặc ngày hoặc đêm, hoặc khoảnh khắc của một niệm, hoặc tích tắc khảy móng tay, hoặc thoáng chốc, Tỳkheo-ni ấy vừa làm là phạm Tăng-già-bà-thi-sa.

5. Nếu Tỳ-kheo-ni trước biết đó là giặc gái, tội đáng chết, ai cũng biết người này, không hỏi vương đại thần, không hỏi dòng họ danh tánh, bèn độ cho xuất gia thọ giới Cụ túc. Tỳ-kheo-ni này vừa làm là phạm Tăng-già-bà-thi-sa.

6. Nếu Tỳ-kheo-ni biết Tỳ-kheo-ni khác đã bị Tăng cử tội đúng pháp, đúng luật, đúng như điều Phật dạy mà không tùng phục, chưa sám hối, Tăng chưa cho tác pháp Yết-ma sống chung; vì thương cô ấy nên không hỏi Tăng, Tăng không hứa, không chỉ giáo, lại ra ngoài cương giới tác Yết-ma giải tội cho cô kia, Tỳ-kheo-ni này vừa làm là phạm Tăng-già-bà-thi-sa.

7. Nếu Tỳ-kheo-ni lội qua nước một mình, vào xóm một mình, đêm ngủ một mình, một mình đi đằng sau người, Tỳ-kheo-ni ấy vừa làm là phạm Tăng-già-bà-thi-sa.

8. Nếu Tỳ-kheo-ni tâm nhiễm ô, biết người nam tâm ô nhiễm mà nhận từ họ vật có thể ăn và nhận ăn bao gồm các vật khác, Tỳ-kheo-ni này vừa làm là phạm Tăng-già-bà-thi-sa.

9. Nếu Tỳ-kheo-ni bảo Tỳ-kheo-ni khác: “Đại tỷ, người kia có tâm nhiễm ô hay không có tâm nhiễm ô, có ảnh hưởng gì đến cô đâu? Tâm của cô không nhiễm ô, với họ, nếu được thì ăn, miễn sao hợp thời thanh tịnh, nhận lấy mà ăn”. Tỳ-kheo-ni này vừa làm là phạm Tănggià-bà-thi-sa.

10. Nếu Tỳ-kheo-ni muốn phá hoại Tăng hòa hợp nên chấp nhận các phương tiện cần thiết để phá Tăng pháp và kiên trì không bỏ. Tỳkheo-ni này nên can gián Tỳ-kheo kia: “Đại tỷ, cô đừng phá hoại Tăng hòa hợp, cô đừng tìm cách phá Tăng hòa hợp. Cô đừng chấp nhận phá Tăng pháp một cách kiên trì không bỏ. Đại tỷ, nên cùng Tăng hòa hợp, cùng Tăng hòa hợp thì hoan hỷ không tranh cãi, đồng một thầy học hỏi, như nước với sữa hòa nhau, có như thế thì trong pháp Phật mới sống tăng ích, an vui”.

Tỳ-kheo-ni này khi can gián Tỳ-kheo-ni kia mà cô ấy vẫn kiên trì không bỏ, thì các Tỳ-kheo này nên ba lần can gián nhằm loại bỏ việc phá hòa hợp Tăng. Can gián đến lần thứ ba, bỏ thì tốt, không bỏ thì Tỳ-kheo-ni ấy phạm Tăng-già-bà-thi-sa, nên loại bỏ ba điều phạm cố chấp.

11. Nếu Tỳ-kheo-ni có Tỳ-kheo-ni khác theo phe đảng, hoặc một, hoặc hai, hoặc ba cho đến vô số Tỳ-kheo-ni phe đảng kia nói với các Tỳ-kheo-ni ấy: “Đại tỷ, cô đừng can gián Tỳ-kheo-ni này, Tỳ-kheo-ni này nói pháp của Tỳ-kheo-ni, nói luật của Tỳ-kheo-ni. Điều Tỳ-kheoni này nói tâm chúng tôi vui thích, điều Tỳ-kheo-ni này nói tâm chúng tôi chấp nhận được”.

Tỳ-kheo-ni nên nói với Tỳ-kheo-ni phe đảng: “Đại tỷ, đừng cường điệu bảo: Tỳ-kheo-ni này nói pháp của Tỳ-kheo-ni, nói luật của Tỳ-kheo-ni. Điều Tỳ-kheo-ni này nói tâm chúng tôi vui thích, điều Tỳkheo-ni này nói tâm chúng tôi chấp nhận được. Vì sao vậy? Vì vấn đề mà Tỳ-kheo-ni nói là nói điều phi pháp, là nói điều phi luật. Đại tỷ đừng phá hoại Tăng hòa hợp, mà phải sẵn lòng vui Tăng hòa hợp. Đại tỷ cùng Tăng hòa hợp mà hoan hỷ không tranh cãi, đồng một thầy học hỏi như nước với sữa hòa nhau, có như thế thì trong pháp Phật mới được đời sống an vui”.

Tỳ-kheo-ni ấy khi can gián Tỳ-kheo-ni bè đảng mà vẫn kiên trì không bỏ thì Tỳ-kheo-ni ấy ba lần can gián nhằm loại bỏ sự kiên trì của Tỳ-kheo-ni bè nhóm. Can gián đến lần thứ ba, bỏ thì tốt, không bỏ thì Tỳ-kheo-ni phe cánh ấy phạm Tăng-già-bà-thi-sa, nên loại ba điều phạm cố chấp.

12. Nếu Tỳ-kheo-ni sống nương nhờ vào thành ấp hay thôn làng mà hành động xấu xa làm hoen ố tín đồ. Làm những việc xấu xa, ai cũng thấy cũng nghe; làm hoen ố tín đồ, ai cũng thấy cũng nghe. Các Tỳ-kheo-ni hãy can gián Tỳ-kheo-ni nơi ấy: “Đại tỷ, cô hành động xấu xa làm hoen ố tín đồ, cô làm những việc xấu xa, ai cũng thấy cũng nghe, làm hoen ố tín đồ, ai cũng thấy cũng nghe. Nay tốt hơn là cô nên rời khỏi thôn làng này, không cần thiết sống nơi đây nữa”.

Tỳ-kheo-ni đương sự ấy nói với các Tỳ-kheo-ni can gián như vầy: “Đại tỷ! Các Tỳ-kheo-ni đều có thương, có giận, có sợ, có si; có Tỳ-kheo-ni đồng tội như vậy, lại có người bị đuổi, có người không bị đuổi?”

Các Tỳ-kheo-ni đã can gián nói với Tỳ-kheo-ni kia: “Đại tỷ! Đừng nên nói: có thương, có giận, có sợ, có si. Cũng đừng nói có Tỳ-kheo-ni tội đồng như vậy, có người bị đuổi, có người không bị đuổi? Vì sao vậy? Vì các Tỳ-kheo-ni không thương, không giận, không sợ, không si, nên chẳng có Tỳ-kheo-ni đồng tội như vậy mà có người bị đuổi có người không bị đuổi. Đại tỷ, cô hành động xấu xa làm hoen ố tín đồ, cô làm những việc xấu xa, ai cũng thấy cũng nghe; làm hoen ố tín đồ, ai cũng thấy cũng nghe”.

Các Tỳ-kheo-ni ấy khi can gián Tỳ-kheo-ni kia mà vẫn kiên trì không bỏ thì các Tỳ-kheo-ni nên can gián ba lần, nhằm loại bỏ sự kiên trì của cô này. Can gián cho đến lần thứ ba, bỏ được thì tốt, không bỏ, Tỳ-kheo-ni cố chấp phạm Tăng-già-bà-thi-sa, nên loại bỏ ba điều phạm về ngoan cố.

13. Nếu Tỳ-kheo-ni tánh xấu, không chấp nhận lời của ai. Đối với trong giới pháp, các Tỳ-kheo-ni đã đúng pháp can gián, song tự thân đều phủ nhận sự can gián này, nói: “Đại tỷ, cô đừng nói với tôi những điều hoặc tốt hoặc xấu. Tôi cũng không nói với cô điều gì hoặc tốt hoặc xấu. Các Đại tỷ xin thôi, đừng can gián tôi nữa”.

Các Tỳ-kheo-ni đã can gián có bổn phận phải can gián Tỳ-kheoni ấy: “Đại tỷ! Cô đừng phủ nhận lời can gián cho tự thân. Đại tỷ! Tự thân cô phải nhận lời can gián. Đại tỷ đúng pháp can gián các Tỳ-kheoni và các Tỳ-kheo-ni cũng đúng như pháp can gián. Đại tỷ, có như vậy, chúng đệ tử của Phật được tăng ích, và cần phải được sự can gián cho nhau, cần phải được chỉ bảo, chỉ bảo cho nhau, cần phải được sám hối, sám hối với nhau”.

Các Tỳ-kheo-ni khi được can gián như vậy mà đối tượng vẫn kiên trì không bỏ, thì các Tỳ-kheo-ni nên can gián ba lần nhằm loại bỏ sự ngoan cố này. Can gián đến lần thứ ba, bỏ thì tốt, không bỏ thì Tỳkheo-ni ngoan cố phạm Tăng-già-bà-thi-sa, nên loại bỏ ba điều phạm về ngoan cố.

14. Nếu Tỳ-kheo-ni sống gần gũi, thân nhau, lại cùng nhau làm việc ác, tiếng xấu đồn khắp, hết tội này đến tội khác cứ che giấu cho nhau. Các Tỳ-kheo-ni có bổn phận can gián Tỳ-kheo-ni kia: “Đại tỷ, các cô đừng gần gũi thân nhau, để cùng nhau làm việc ác tiếng xấu đồn khắp và che giấu tội cho nhau. Các cô nếu không gần gũi thân nhau thì ở trong pháp Phật được sống tăng ích an vui”.

Các Tỳ-kheo-ni khi can gián Tỳ-kheo-ni kia mà vẫn kiên trì không bỏ thì các Tỳ-kheo-ni nên phải ba lần can gián nhằm loại bỏ sự ngoan cố này. Can gián đến lần thứ ba, bỏ thì tốt không bỏ thì Tỳ-kheo-ni phạm Tăng-già-bà-thi-sa, nên loại bỏ ba lần phạm việc ngoan cố.

15. Nếu Tỳ-kheo-ni, khi Tỳ-kheo-ni Tăng tác pháp quở trách mà Tỳ-kheo-ni khác bày vẽ họ như vầy: “Các cô đừng ở riêng, cứ ở chung. Tôi cũng thấy các Tỳ-kheo-ni khác không ở riêng, cùng làm việc xấu, tiếng xấu đồn khắp, cùng che giấu tội cho nhau. Tăng vì giận dỗi mà bảo các cô tách sống riêng ra”.

Các Tỳ-kheo-ni nên can gián Tỳ-kheo-ni xúi dục kia: “Đại tỷ, cô đừng bày vẽ Tỳ-kheo-ni khác, nói: Các cô đừng tách sống riêng. Tôi cũng thấy Tỳ-kheo-ni khác ở chung cùng làm điều ác tiếng xấu đồn khắp, cùng che giấu tội cho nhau. Tăng vì giận dỗi nên bảo cô tách sống riêng ra”.

Nay chính thức có hai Tỳ-kheo-ni sống chung, cùng nhau làm điều xấu, tiếng xấu đồn khắp, cùng che giấu tội cho nhau. Ngoài ra không còn cô nào nữa. Nếu Tỳ-kheo-ni sống riêng ra thì ở trong pháp Phật mới có sự sống tăng ích an vui.

Các Tỳ-kheo-ni khi can gián Tỳ-kheo-ni kia mà họ vẫn kiên trì không bỏ thì các Tỳ-kheo-ni nên phải ba lần can gián nhằm loại bỏ sự ngoan cố này. Can gián đến lần thứ ba, bỏ thì tốt không bỏ thì Tỳ-kheoni ngoan cố kia phạm Tăng-già-bà-thi-sa, nên loại bỏ ba lần phạm việc ngoan cố.

16. Nếu Tỳ-kheo-ni chỉ vì một việc nhỏ, không hỷ xả, tức giận bèn nói thế này: “Tôi bỏ Phật, bỏ Pháp, bỏ Tăng. Đâu phải chỉ có Samôn Thích tử, mà còn có Sa-môn, Bà-la-môn khác tu phạm hạnh nữa. Chúng tôi cũng có thể đến chỗ họ tu phạm hạnh”.

Các Tỳ-kheo-ni có trách nhiệm can gián Tỳ-kheo-ni định bỏ đạo kia: “Đại tỷ, cô đừng chỉ vì một việc nhỏ mà không hoan hỷ, tức giận bèn nói như vầy: “Tôi bỏ Phật, bỏ Pháp, bỏ Tăng. Đâu phải Sa-môn Thích tử độc quyền, mà cũng có Sa-môn, Bà-la-môn khác tu phạm hạnh nữa. Chúng tôi cũng có thể đến đó để tu phạm hạnh”.

Các Tỳ-kheo-ni khi can gián Tỳ-kheo-ni kia mà vẫn kiên trì không bỏ thì các Tỳ-kheo-ni nên phải ba lần can gián nhằm loại bỏ sự ngoan cố này. Can gián đến lần thứ ba, bỏ thì tốt không bỏ thì Tỳ-kheo-ni ngoan cố kia phạm Tăng-già-bà-thi-sa, nên loại bỏ ba lần phạm việc ngoan cố.

17. Nếu Tỳ-kheo-ni ưa tranh cãi, nhưng không nắm vững ghi nhớ tốt việc tranh cãi. Sau đó nổi nóng giận nói càn: “Tăng có thương, có giận, có sợ, có si”.

Các Tỳ-kheo-ni nên can gián Tỳ-kheo-ni kia: “Này cô, cô đừng ưa sự tranh chấp. Cô không nhớ nổi, không nắm chắc việc tranh cãi, sau đó nổi nóng tức giận, cô lại nói càn: Tăng có thương, có giận, có sợ, có si. Nhưng Tăng không thương, không giận, không sợ, không si, mà chỉ có mình cô là có thương, có giận, có sợ, có si”.

Các Tỳ-kheo-ni khi can gián Tỳ-kheo-ni kia mà vẫn kiên trì không bỏ thì các Tỳ-kheo-ni nên phải ba lần can gián nhằm loại bỏ sự ngoan cố này. Can gián đến lần thứ ba, bỏ thì tốt không bỏ thì Tỳ-kheo-ni phạm Tăng-già-bà-thi-sa, nên loại bỏ ba lần phạm việc ngoan cố.

Thưa các Đại tỷ! Tôi đã nói mười bảy pháp Tăng-già-bà-thi-sa. Chín giới đầu vừa phạm là kết tội. Tám giới sau tiếp phải đến ba lần can gián mới phạm. Nếu Tỳ-kheo-ni phạm mỗi một pháp, thì giữa hai bộ Tăng buộc phải thi hành nửa tháng “Ma-na-đỏa” (ý hỷ).

Thi hành xong việc “Ma-na-đỏa” còn phải thực hiện việc giải tội. Phải đủ bốn mươi vị của hai bộ Tăng và việc giải tội cho Tỳ-kheo-ni phải giữa chúng bốn mươi vị này. Nếu thiếu một, không đủ bốn mươi vị mà giải trừ tội cho Tỳ-kheo-ni ấy thì tội của Tỳ-kheo-ni ấy không giải trừ được và các Tỳ-kheo-ni tham dự cũng bị khiển trách. Vấn đề này 6 phải thực hành như vậy.

Nay xin hỏi các Đại tỷ, đối với mười bảy pháp Tăng-già-bà-thi-sa này thanh tịnh cả không? (Hỏi ba lần). Các Đại tỷ trong mười bảy pháp ấy đều thanh tịnh vì cùng im lặng. Việc này xin ghi nhận như vậy.

Thưa các Đại đức! Tiếp đây là ba mươi pháp Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề, cứ mỗi nửa tháng đều tụng theo trong Giới kinh:

1. Nếu Tỳ-kheo-ni y đã đủ rồi, y công đức đã xả, được cất để y dư trong mười ngày, không tịnh thí. Nếu quá thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dậtđề.

2. Nếu Tỳ-kheo-ni y đã đủ rồi, y công đức đã xả, trong năm y của mình rời mỗi một y qua một đêm ngủ chỗ khác, trừ Tăng yết-ma thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.

3. Nếu Tỳ-kheo-ni y đã đủ rồi, y công đức đã xả, nếu Tỳ-kheo-ni được y phải thời, nhắm cần thì nhận, nhận rồi kịp may thành y ngay. Nếu vải đủ thì tốt, nếu không đủ thì được phép cất lại một tháng để đủ vải may thành y. Nếu quá hạn ấy thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.

4. Nếu Tỳ-kheo-ni xin y từ cư sĩ, vợ cư sĩ, chẳng phải thân quyến thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề. Trừ trường hợp khác: Đó là: trường hợp y bị cướp, y bị mất, y bị cháy, y bị nước cuốn trôi, đây là trường hợp khác.

5. Nếu Tỳ-kheo-ni y bị cướp, y bị mất, y bị cháy, y bị nước cuốn trôi. Nếu cư sĩ, vợ cư sĩ chẳng phải thân quyến đem đến cúng cho nhiều y và xin mời nhận tùy ý. Tỳ-kheo-ni ấy nên phải biết nhận vừa đủ, nếu nhận quá thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.

6. Nếu cư sĩ, vợ cư sĩ vì Tỳ-kheo-ni để dành tiền mua y cúng cho Tỳ-kheo-ni có tên như thế. Tỳ-kheo-ni ấy trước không mời nhận tùy ý, lại đến nhà cư sĩ nói như vầy: “Cư sĩ tốt lắm! Xin hãy vì tôi để tiền dành dụm như thế, sắm y như vậy cúng cho tôi” vì muốn cho tốt, nếu nhận được y ấy, thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.

7. Nếu có hai nhà cư sĩ và vợ cư sĩ dành dụm tiền sắm y cho Tỳkheo-ni. “Với số tiền dành dụm, chúng ta sắm y như vậy để cúng cho Tỳ-kheo-ni tên như thế…”, Tỳ-kheo-ni ấy trước không nhận lời mời tùy ý, lại đến nhà hai cư sĩ nói như vầy: “Tốt lắm cư sĩ! Dành dụm tiền để sắm y như vậy nên hợp chung may một cái y cúng cho tôi”, vì muốn tốt. Nếu nhận được y ấy thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.

8. Nếu Tỳ-kheo-ni, hoặc vua, hoặc đại thần, hoặc Bà-la-môn, hoặc cư sĩ, vợ cư sĩ sai người đưa tiền sắm y đến cho Tỳ-kheo-ni, dặn:

“Hãy mang số tiền y như vậy đến cúng cho Tỳ-kheo-ni tên như vậy”.

Đến chỗ Tỳ-kheo-ni, người sứ ấy nói: “Thưa Đại tỷ, số tiền y này được lệnh mang đến cúng cho cô, xin cô nhận cho”.

Tỳ-kheo-ni ấy nên nói với người sứ kia: “Tôi không nên nhận số tiền sắm y này. Nếu tôi cần y thì sẽ nhận y thanh tịnh và hợp cách”.

Người sứ kia nói với Tỳ-kheo-ni: “Thưa Đại tỷ, có ai giúp đỡ việc cho cô không?”.

Cần y thì Tỳ-kheo-ni nên bảo người sứ: “Có, chính người thuộc Tăng-già-lam hay Ưu-bà-tắc, là người chấp sự của Tỳ-kheo-ni, thường vì các Tỳ-kheo-ni giúp đỡ công việc”.

Người sứ kia đến thẳng chỗ người chấp sự, sau khi trao số tiền may y xong liền quay trở lại chỗ Tỳ-kheo-ni, nói: “Thưa cô, người chấp sự tên là… mà cô chỉ cho, tôi đã trao số tiền sắm y cho họ rồi, khi nào nhận thấy hợp lúc, cô đến người chấp sự đó sẽ được y”.

Lúc cần y, Tỳ-kheo-ni đến chỗ người chấp sự kia. Nếu đến, lần thứ hai, hoặc lần thứ ba thì nói: “Tôi cần y”. Đến lần thứ hai, lần thứ ba mà người chấp sự suy nghĩ nhớ ra và nhận được y thì tốt. Còn không được y thì lần thứ tư, lần thứ năm, lần thứ sáu, đến trước họ đứng im lặng, nhằm để cho họ nhớ nghĩ lại. Nếu lần thứ tư, lần thứ năm, lần thứ sáu đến trước họ đứng im lặng mà được y thì tốt, không được y mà đến quá sáu lần để cầu cho được y thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.

Trường hợp không được y thì đến chỗ người chủ cúng tiền y, hoặc tự đến, hoặc nhờ người đến, nói: “Trước đây, người sai sứ đem tiền sắm y đến cúng cho Tỳ-kheo-ni tên như vậy. Tỳ-kheo-ni ấy rốt cuộc không nhận được y, xin người đến lại đó lấy về, đừng để mất tiền”. Đây là hợp cách.

9. Nếu Tỳ-kheo-ni tự mình nhận lấy vàng, bạc hay tiền, hoặc bảo người lấy, hoặc nhận bằng miệng nói có thể, thì phạm Ni-tát-kỳ Badật-đề.

10. Nếu Tỳ-kheo-ni mua bán bất cứ đồ quý báu nào đều phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.

11. Nếu Tỳ-kheo-ni bằng mọi hình thức mua bán cầu lợi nhuận, thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.

12. Nếu Tỳ-kheo-ni có bát vá dưới năm chỗ, mà không chảy rỉ, lại tìm xin bát mới vì để cho tốt, thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.

Tỳ-kheo-ni ấy phải đem bát này đến giữa Ni chúng xả bát bằng cách đổi theo thứ tự, lấy bát của vị thấp nhất trao cho Tỳ-kheo-ni ấy và nói: “Cô giữ gìn sử dụng bát này cho đến khi bể”. Đây là hợp thức.

13. Nếu Tỳ-kheo-ni tự mình xin chỉ sợi, rồi nhờ người thợ dệt chẳng phải thân quyến dệt y thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.

14. Nếu cư sĩ, vợ cư sĩ vì Tỳ-kheo-ni thuê thợ dệt, dệt làm y cho Tỳ-kheo-ni. Tỳ-kheo-ni đó trước không nhận lời mời tùy ý, bèn đến chỗ thợ dệt nói: “Y này dệt là để cúng cho tôi. Hãy dệt cho thật khéo, khổ cho rộng, chắc chắn, sắc sảo, chỉnh khéo cho bằng nhau. Đương nhiên, ít nhiều tôi cũng trả công cho ông xứng đáng”.

Nếu Tỳ-kheo-ni trả cho thợ dệt cái công xứng đáng ấy mà giá trị chỉ đến bằng một bữa ăn để được y ấy thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.

15. Nếu Tỳ-kheo-ni trước đã đem y cho Tỳ-kheo-ni khác, sau đó tức giận, hoặc tự đoạt lấy, hay sai người khác đoạt lấy, nói: “Trả y lại cho tôi. Tôi không cho cô nữa”. Tỳ-kheo-ni ấy trả lại y, cô kia nhận y thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.

16. Nếu Tỳ-kheo-ni có bệnh, được cất giữ các loại thuốc, tô, dầu, sinh tô, mật và đường phèn… qua đêm để uống, cho đến bảy ngày. Nếu quá hạn ấy thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.

17. Nếu Tỳ-kheo-ni còn mười ngày nữa mới mãn ba tháng Hạ, mà có y cúng trong trường hợp vội vàng, Tỳ-kheo-ni biết y cúng trong trường hợp như thế thì nên nhận. Nhận rồi nên giữ cất cho đến thời của y. Nếu cất giữ quá hạn ấy thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.

18. Nếu Tỳ-kheo-ni biết vật thuộc về Tăng mà tự tìm cách đem về cho mình thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.

19. Nếu Tỳ-kheo-ni muốn được cái này lại đòi cái kia thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.

20. Nếu Tỳ-kheo-ni biết vật đàn-việt cúng để làm cho Tăng, lại xoay sử dụng làm việc khác, thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.

21. Nếu Tỳ-kheo-ni vật đàn-việt cúng để làm việc này, lại tự đem làm việc cho Tăng, thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.

22. Nếu Tỳ-kheo-ni, đàn-việt cúng vật để làm việc này, lại xoay sử dụng làm chỗ khác, khác với chỗ cúng của đàn-việt thì phạm Ni-tátkỳ Ba-dật-đề.

23. Nếu Tỳ-kheo-ni, được đàn-việt cúng vật để làm việc này, lại tự tìm cách khác làm cho Tăng, xoay sử dụng làm chỗ khác thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.

24. Nếu Tỳ-kheo-ni giữ cất bát dư thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.

25. Nếu Tỳ-kheo-ni giữ cất nhiều loại đồ dùng tốt đẹp thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.

26. Nếu Tỳ-kheo-ni hứa cho Tỳ-kheo-ni nào đó y bệnh, sau lại không cho thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.

27. Nếu Tỳ-kheo-ni dùng y phi thời sử dụng làm y phải thời thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.

28. Nếu Tỳ-kheo-ni trao đổi y cho Tỳ-kheo-ni, sau tức giận, tự đoạt lấy lại, hay bảo người đoạt, nói: “Cô trả lại y cho tôi. Tôi không cho cô nữa. Y của cô thuộc về cô, còn y của tôi thì trả lại cho tôi” thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.

29. Nếu Tỳ-kheo-ni xin y nhiều lớp thì xin loại y trị giá tiền bằng bốn lớp. Nếu quá thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.

30. Nếu Tỳ-kheo-ni muốn xin y nhẹ mát thì chỉ xin loại y trị giá tiền nhiều nhất bằng hai lớp rưỡi. Nếu quá thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dậtđề.

Thưa các Đại tỷ! Tôi đã nói ba mươi pháp Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề. Nay xin hỏi các Đại tỷ: Trong ba mươi pháp này thanh tịnh không? (Hỏi ba lần). Các Đại tỷ đối với ba mươi pháp này đều thanh tịnh vì cùng im lặng. Việc này xin ghi nhận như vậy.

Thưa các Đại tỷ! Tiếp đây là một trăm bảy mươi tám pháp Ba-dật-đề, cứ mỗi nửa tháng đều tụng theo trong Giới kinh.

1. Nếu Tỳ-kheo-ni cố ý nói dối thì phạm Ba-dật-đề.

2. Nếu Tỳ-kheo-ni nói lời chế nhạo, chê bai thì phạm Ba-dật-đề.

3. Nếu Tỳ-kheo-ni nói lời ly gián thì phạm Ba-dật-đề.

4. Nếu Tỳ-kheo-ni cùng một nhà có người nam mà ngủ lại thì phạm Ba-dật-đề.

5. Nếu Tỳ-kheo-ni đồng một nhà có người nữ chưa thọ giới mà để họ ngủ lại quá ba đêm thì phạm Ba-dật-đề.

6. Nếu Tỳ-kheo-ni cùng người chưa thọ Cụ giới tụng kinh pháp thì phạm Ba-dật-đề.

7. Nếu Tỳ-kheo-ni biết ai đó có tội thô ác, đem nói với người chưa thọ Đại giới, trừ Tăng Yết-ma, thì phạm Ba-dật-đề.

8. Nếu Tỳ-kheo, đối tượng là người chưa thọ Đại giới mà nói với họ pháp hơn người: “Tôi thấy điều ấy, tôi biết điều ấy”, có là sự thật, thì cũng phạm Ba-dật-đề.

9. Nếu Tỳ-kheo-ni thuyết pháp cho người nam nghe mà nói quá năm, sáu lời, trừ có người nữ có trí, thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.

10. Nếu Tỳ-kheo-ni tự tay đào đất hay bảo người đào đất thì phạm Ba-dật-đề.

11. Nếu Tỳ-kheo-ni chặt phá cây cối là chỗ cư trú của quỷ thần…  thì phạm Ba-dật-đề.

12. Nếu Tỳ-kheo-ni bịa đặt nói khác sự thật, gây phiền bực cho người khác thì phạm Ba-dật-đề.

13. Nếu Tỳ-kheo-ni giận hờn, mắng chửi ai đó thì phạm Ba-dậtđề.

14. Nếu Tỳ-kheo-ni đem giường dây, hoặc giường cây, hoặc ngọa cụ, đệm ngồi của Tăng tự trải ra nơi đất trống, hay bảo người trải, nằm ngồi rồi bỏ đi, không đích thân thu dọn, không bảo người thu dọn thì phạm Ba-dật-đề.

15. Nếu Tỳ-kheo-ni ở trong phòng của Tăng, lấy ngọa cụ của Tăng, hoặc tự trải hay bảo người trải, hoặc nằm hay ngồi, rồi bỏ đi, không tự cất không bảo người thu dọn, thì phạm Ba-dật-đề.

16. Nếu Tỳ-kheo-ni biết trước chỗ nghỉ ấy là của Tỳ-kheo-ni, mình đến sau lại ở giữa cưỡng ép trải tọa cụ để ngủ nghỉ, nghĩ: “Cô ấy nếu hiềm chật chội thì tự phải tránh ta đi chỗ khác”, với lý do như thế, chẳng khác gì ngoài lý do mất oai nghi như vậy thì phạm Ba-dật-đề.

17. Nếu Tỳ-kheo-ni không hỷ xả, bực tức Tỳ-kheo-ni nào đó, trong phòng chúng Tăng, tự mình lôi kéo ra hay bảo người khác lôi kéo cô ấy ra, thì phạm Ba-dật-đề.

18. Nếu Tỳ-kheo-ni ở trên tầng gác có đặt giường dây, giường cây, chân ráp bị sút ra, mà nằm ngồi trên đó thì phạm Ba-dật-đề.

19. Nếu Tỳ-kheo-ni biết nước có trùng mà tự sử dụng tưới lên đất bùn, lên cỏ hay bảo người khác tưới thì phạm Ba-dật-đề.

20. Nếu Tỳ-kheo-ni làm nhà lớn có đầy đủ cửa cánh, cửa sổ và trang trí các thứ thì việc lợp mái phải hướng dẫn lợp chừng hai ba lớp, nếu lợp quá mức ấy thì phạm Ba-dật-đề.

21. Nếu Tỳ-kheo-ni nào ở chỗ thí một bữa ăn, Tỳ-kheo-ni không bệnh nên ăn một lần, nếu thọ nhận quá thì phạm Ba-dật-đề.

22. Nếu Tỳ-kheo-ni ăn riêng chúng thì phạm Ba-dật-đề. Trừ các trường hợp khác. Trường hợp khác đó là: Khi bệnh, khi may y, khi cúng y, khi đi đường, khi đi thuyền, khi đại hội, khi Sa-môn cúng bữa ăn, đó là trường hợp khác.

23. Nếu Tỳ-kheo-ni đến nhà đàn-việt, được ân cần mời cúng cho thức ăn bánh, bún. Tỳ-kheo-ni muốn cần thức ăn nào thì nên nhận hai, ba bát. Khi mang về đến chùa thì phân ra san sẻ cho các Tỳ-kheo-ni khác cùng ăn. Nếu Tỳ-kheo-ni không bệnh mà nhận quá hai, ba bát về trong chùa, không phân ra san sẻ cho các Tỳ-kheo-ni khác cùng ăn, thì phạm Ba-dật-đề.

24. Nếu Tỳ-kheo-ni ăn phi thời thì phạm Ba-dật-đề.

25. Nếu Tỳ-kheo-ni ăn thức ăn để qua đêm thì phạm Ba-dật-đề.

26. Nếu Tỳ-kheo-ni không được mời nhận đồ ăn và thuốc mà cho vào miệng, trừ nước và tăm xỉa răng, thì phạm Ba-dật-đề.

27. Nếu Tỳ-kheo-ni trước đã nhận lời mời ăn rồi, nhưng trước, sau bữa mời ăn lại đến thẳng nhà người khác dùng mà không dặn các Tỳkheo-ni khác thì phạm Ba-dật-đề, trừ trường hợp khác, đó là: khi bệnh, khi may y, khi cúng y, đó là trường hợp khác.

28. Nếu Tỳ-kheo-ni trong nhà ăn có vật báu mà cưỡng ngồi lại thì phạm Ba-dật-đề.

29. Nếu Tỳ-kheo-ni trong nhà ăn có vật báu mà ngồi chỗ khuất thì phạm Ba-dật-đề.

30. Nếu Tỳ-kheo-ni cùng người nam, chỉ hai người ngồi chung nơi đất trống thì phạm Ba-dật-đề.

31. Nếu Tỳ-kheo-ni nói với Tỳ-kheo-ni: “Đại tỷ, cô cùng tôi đến xóm làng, ở đó cô sẽ được cúng cho bữa ăn”. Đến đó rồi, Tỳ-kheo-ni đi theo không những không được ai bảo cúng cho bữa ăn, mà Tỳ-kheo-ni ấy còn nói: “Đại tỷ đi đi. Tôi với cô cùng ngồi nói chuyện thì không vui đâu! Tôi ngồi một mình độc thoại vui hơn”. Chỉ với lý do này, không còn việc gì khác hơn là tìm cách đuổi đi, thì phạm Ba-dật-đề.

32. Nếu Tỳ-kheo-ni được mời cúng thuốc cho bốn tháng, Tỳkheo-ni không bệnh nên nhận. Nếu nhận quá hạn ấy thì phạm Ba-dậtđề, trừ thuốc thường mời cúng, thuốc mời cúng lại, thuốc cúng Tăng phân chia, thuốc mời cúng suốt đời.

33. Nếu Tỳ-kheo-ni đi xem quân trận thì phạm Ba-dật-đề, trừ trường hợp có lý do.

34. Nếu Tỳ-kheo-ni có nhân duyên đến trong quân đội được ngủ lại hai hoặc ba đêm, nếu quá hạn ấy thì phạm Ba-dật-đề.

35. Nếu Tỳ-kheo-ni ngủ lại trong quân đội, hai hoặc ba đêm, khi xem dàn trận chiến đấu, hoặc xem khí thế hùng dũng của quân tượng, quân mã thì phạm Ba-dật-đề.

36. Nếu Tỳ-kheo-ni uống rượu thì phạm Ba-dật-đề.

37. Nếu Tỳ-kheo-ni đùa giỡn trong nước thì phạm Ba-dật-đề.

38. Nếu Tỳ-kheo-ni lấy ngón tay chọc lét nhau thì phạm Ba-dậtđề.

39. Nếu Tỳ-kheo-ni không nhận sự can gián thì phạm Ba-dật-đề.

40. Nếu Tỳ-kheo-ni gây sợ hãi cho Tỳ-kheo-ni khác thì phạm Badật-đề.

41. Nếu Tỳ-kheo-ni nửa tháng mới tắm, không bệnh Tỳ-kheoni nên giữ như vậy, nếu tắm rửa quá hạn ấy, thì phạm Ba-dật-đề, trừ trường hợp khác, đó là: trường hợp: khi nóng bức, khi bệnh, khi làm việc, khi mưa, gió, khi đi xa về. Đó là các trường hợp khác.

42. Nếu Tỳ-kheo-ni không bệnh, để sưởi ấm thân, đốt lửa nơi đất trống, hoặc bảo người đốt, trừ trường hợp khác, thì phạm Ba-dật-đề.

43. Nếu Tỳ-kheo-ni giấu y của Tỳ-kheo-ni khác: hoặc y, hoặc bát, hoặc tọa cụ, ống đựng kim… tự mình giấu hay bảo người giấu, dù là để vui đùa thì phạm Ba-dật-đề.

44. Nếu Tỳ-kheo-ni đã tịnh thí y cho Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Thứcxoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni, sau không hỏi chủ mà lấy mặc thì phạm Ba-dật-đề.

45. Nếu Tỳ-kheo-ni được y mới thì phải nhuộm bằng ba loại màu, xanh, đen, mộc lan, nếu Tỳ-kheo-ni được y mới mà không làm hoại sắc bằng ba loại màu: xanh, đen, mộc lan mà dùng nguyên y mới để mặc thì phạm Ba-dật-đề.

46. Nếu Tỳ-kheo-ni cố giết chết mạng sống của súc sinh thì phạm Ba-dật-đề.

47. Nếu Tỳ-kheo-ni biết nước có trùng mà uống, dùng thì phạm Ba-dật-đề.

48. Nếu Tỳ-kheo-ni cố ý gây phiền hà cho Tỳ-kheo-ni khác, dù chỉ để họ không được vui trong chóc lát, thì phạm Ba-dật-đề.

49. Nếu Tỳ-kheo-ni biết Tỳ-kheo-ni nào đó có tội thô mà che giấu tội cho cô ấy thì phạm Ba-dật-đề.

50. Nếu Tỳ-kheo-ni biết sự tranh cãi của Tăng đã đúng theo pháp sám hối rồi, sau đó lại khơi lên, làm bộc phát trở lại, thì phạm Ba-dậtđề.

51. Nếu Tỳ-kheo-ni biết đó là kẻ giặc mà kết bạn cùng đi chung một đường, dù chỉ đi một khoảng cách xóm làng thì phạm Ba-dật-đề.

52. Nếu Tỳ-kheo-ni nói lời như vầy: “Tôi biết Phật thuyết pháp thì hành dâm dục chẳng phải là vấn đề làm chướng đạo”.

Các Tỳ-kheo-ni nên can gián Tỳ-kheo-ni này: “Đại tỷ, cô đừng nói lời ấy, đừng phỉ báng Thế Tôn, phỉ báng Thế Tôn là không tốt. Thế Tôn không nói như thế. Thế Tôn vận dụng rất nhiều hình thức dạy rõ: hành dâm dục là chướng đạo. Phạm vào việc dâm dục thì đó là điều chướng đạo”.

Tỳ-kheo-ni khi can gián Tỳ-kheo-ni này mà vẫn kiên trì không bỏ, thì các Tỳ-kheo-ni nên ba lần can gián nhằm loại bỏ sự ngoan cố ấy đi. Can gián đến lần thứ ba, bỏ thì tốt, không bỏ, Tỳ-kheo-ni ấy phạm Ba-dật-đề.

53. Nếu Tỳ-kheo-ni biết người nói lời phỉ báng như vậy, Tăng chưa tác pháp, không bỏ tà kiến ác độc, mà Tỳ-kheo-ni còn chứa chấp, cùng ngủ nghỉ, cùng yết-ma, thì phạm Ba-dật-đề.

54. Nếu Sa-di-ni nói như vầy: “Tôi biết Phật thuyết pháp thì hành dâm dục chẳng phải là vấn đề chướng đạo”.

Các Tỳ-kheo-ni phải can gián Sa-di-ni này: “Ngươi đừng nói lời ấy, đừng phỉ báng Thế Tôn, phỉ báng Thế Tôn là không tốt. Thế Tôn không nói lời ấy. Này Sa-di-ni! Thế Tôn bằng nhiều hình thức nói rõ: Việc dâm dục là điều làm chướng đạo, phạm dâm dục thì đó chính là điều chướng đạo”

Các Tỳ-kheo-ni khi can gián, Sa-di-ni này vẫn kiên trì không bỏ thì các Tỳ-kheo-ni nên can trách cho đến ba lần, can gián nhằm bỏ sự ngoan cố này. Can gián đến lần thứ ba, bỏ thì tốt, không bỏ thì các Tỳkheo-ni nên bảo Sa-di-ni ấy: “Ngươi từ nay trở đi chẳng phải là đệ tử của Phật, không được đi theo các Tỳ-kheo-ni khác. Các Sa-di-ni khác được cùng Tỳ-kheo-ni hai đêm ngủ gần, ngươi nay không còn đặc ân này nữa. Ngươi hãy ra đi, đi cho khuất, không được ở trong đây nữa”.

Nếu Tỳ-kheo-ni biết Sa-di-ni này bị đuổi như thế, mà chứa chấp, cùng ngủ nghỉ thì phạm Ba-dật-đề.

55. Nếu Tỳ-kheo-ni trong lúc đúng theo pháp can gián mà nói: “Tôi nay không học giới ấy. Tôi sẽ vấn nạn vị trì luật có trí tuệ”, thì phạm Ba-dật-đề.

Trường hợp vì cầu sự hiểu biết, thì nên thưa hỏi.

56. Nếu Tỳ-kheo-ni khi thuyết giới, nói như vầy: “Đại tỷ, những giới lỉnh kỉnh ấy áp dụng vào đâu? Khi nói những giới này chỉ làm cho người ta phiền não, xấu hổ, hoài nghi”. Vì khinh chê giới nên phạm Ba-dật-đề.

57. Nếu Tỳ-kheo-ni khi nghe tụng giới, nói: “Đại tỷ, nay tôi mới biết giới này, cứ mỗi nửa tháng, từ Giới kinh tụng giới”.

Các Tỳ-kheo-ni khác biết Tỳ-kheo-ni ấy hoặc hai, hoặc ba lần ngồi trong chỗ tụng giới, huống nữa là nhiều lần. Tỳ-kheo-ni kia không biết không hiểu ư? Nếu phạm tội thì phải đúng theo pháp mà trị, lại trị thêm tội không hiểu biết.

“Đại tỷ không lợi gì cho cô, cô không được điều thiện. Khi thuyết giới, cô không dụng tâm ghi nhớ, cô không một lòng không lắng nghe giới”.

Vì vị kia không không biết, phạm Ba-dật-đề.

58. Nếu Tỳ-kheo-ni cùng yết-ma sau đó lại nói: “Các Tỳ-kheo-ni tùy theo chỗ thân thuộc của mình, lấy vật của chúng Tăng cho họ” thì phạm Ba-dật-đề.

59. Nếu Tỳ-kheo-ni trong khi Tăng xét đoán việc, không dữ dục đứng lên đi, thì phạm Ba-dật-đề.

60. Nếu Tỳ-kheo-ni dữ dục rồi, sau đó lại quở trách thì phạm Badật-đề.

61. Nếu Tỳ-kheo-ni cùng Tỳ-kheo-ni tranh cãi, sau đó lắng nghe lời người này rồi lại đến nói với người kia, thì phạm Ba-dật-đề.

62. Nếu Tỳ-kheo-ni, không hỷ xả, vì tức giận nên đánh Tỳ-kheoni khác thì phạm Ba-dật-đề.

63. Nếu Tỳ-kheo-ni, không hỷ xả, vì tức giận, dùng tay tát Tỳkheo-ni khác thì phạm Ba-dật-đề.

64. Nếu Tỳ-kheo-ni, không hỷ xa, vì tức giận, dùng pháp Tănggià-bà-thi-sa không căn cứ để phỉ báng thì phạm Ba-dật-đề.

65. Nếu Tỳ-kheo-ni đối với dòng vua Sát-đế-lợi Thủy nghiêu đầu, chưa ra khỏi cung vật báu, chưa cất đồ báu mà vào cung, qua khỏi nghạch cửa cung ấy, thì phạm Ba-dật-đề.

66. Nếu Tỳ-kheo-ni của báu và đồ trang sức, tự tay cầm lấy, hoặc bảo người cầm lấy, trừ trong Tăng già lam và chỗ trọ ngủ, thì phạm Badật-đề. Nếu ở trong Tăng già lam hay chỗ trọ ngủ, hoặc của báu hay đồ làm bằng của quý để trang sức, tự tay cầm hay bảo người cầm lấy, nghĩ là sẽ đưa lại cho người nào biết vật của mình. Các trường hợp như vậy là nhân duyên, chẳng còn lý do nào khác.

67. Nếu Tỳ-kheo-ni phi thời vào xóm làng mà không nói cho Tỳkheo-ni biết thì phạm Ba-dật-đề.

68. Nếu Tỳ-kheo-ni làm giường dây, giường cây, thì chân giường cao bằng tám ngón tay Phật, trừ phần trên chỗ mộng ráp thành giường. Nếu cắt tề rồi mà cao quá, thì phạm Ba-dật-đề.

69. Nếu Tỳ-kheo-ni dùng bông Đâu la làm giường dây, giường cây, hoặc ngọa cụ, tọa cụ thì phạm Ba-dật-đề.

70. Nếu Tỳ-kheo-ni ăn tỏi thì phạm Ba-dật-đề.

71. Nếu Tỳ-kheo-ni cạo lông ba chỗ thì phạm Ba-dật-đề.

72. Nếu Tỳ-kheo-ni dùng nước làm vệ sinh thì nên bằng mỗi đốt của đôi ngón tay để rửa. Nếu quá mức thì phạm Ba-dật-đề.

73. Nếu Tỳ-kheo-ni dùng “Hồ giao” làm nam căn thì phạm Badật-đề.

74. Nếu Tỳ-kheo-ni vỗ kích thích cho nhau thì phạm Ba-dật-đề.

75. Nếu Tỳ-kheo-ni đối với Tỳ-kheo không bệnh mà hầu nước, lấy quạt để quạt thì phạm Ba-dật-đề.

76. Nếu Tỳ-kheo-ni xin các loại hạt sống thì phạm Ba-dật-đề.

77. Nếu Tỳ-kheo-ni đại tiểu tiện trên cỏ tươi thì phạm Ba-dậtđề.

78. Nếu Tỳ-kheo-ni ban đêm đại tiểu tiện trong đồ đựng, ban ngày không xem bên ngoài tường rào, vứt đổ ra đó thì phạm Ba-dật-đề.

79. Nếu Tỳ-kheo-ni đến xem nghe ca nhạc thì phạm Ba-dật-đề.

80. Nếu Tỳ-kheo-ni vào trong thôn cùng người nam, tại chỗ vắng, cùng đứng nói chuyện với nhau thì phạm Ba-dật-đề.

81. Nếu Tỳ-kheo-ni cùng người nam vào chỗ khuất vắng thì phạm Ba-dật-đề.

82. Nếu Tỳ-kheo-ni vào trong thôn, đến ngõ hẻm bảo bạn đi tránh xa, tại chỗ khuất vắng cùng người nam đứng ghé tai nói chuyện với nhau thì phạm Ba-dật-đề.

83. Nếu Tỳ-kheo-ni vào ngồi trong nhà cư sĩ rồi bỏ đi mà không báo cho chủ biết thì phạm Ba-dật-đề.

84. Nếu Tỳ-kheo-ni vào trong nhà bạch y không hỏi chủ mà vội ngồi lên giường họ thì phạm Ba-dật-đề.

85. Nếu Tỳ-kheo-ni vào trong nhà cư sĩ, không hỏi chủ tự tiện trải giường tòa để ngủ nghỉ, thì phạm Ba-dật-đề.

86. Nếu Tỳ-kheo-ni cùng người nam vào trong nhà tối thì phạm Ba-dật-đề.

87. Nếu Tỳ-kheo-ni không nghe cặn kẽ mà nhận lời thầy, bèn đến nói với người thì phạm Ba-dật-đề.

88. Nếu Tỳ-kheo-ni nhân có xảy ra một việc nhỏ liền thề thốt đọa vào ba đường ác, không sinh trong pháp Phật: “Nếu tôi có làm việc như vậy thì đọa vào ba đường ác không sinh trong pháp Phật” thì phạm Ba-dật-đề.

89. Nếu Tỳ-kheo-ni cùng tranh cãi với nhau nhưng không nhớ chắc sự tranh cãi của mình, lại đấm ngực khóc la thì phạm Ba-dật-đề.

90. Nếu Tỳ-kheo-ni không bệnh, hai người nằm chung một giường thì phạm Ba-dật-đề.

91. Nếu Tỳ-kheo-ni nằm chung một nệm, cùng một mền thì phạm Ba-dật-đề, trừ nhân duyên.

92. Nếu Tỳ-kheo-ni biết mình đến sau, ở trước, biết người ở trước đến sau, vì cố gây phiền phức, ở trước họ tụng kinh, hỏi nghĩa, dạy bảo 06 thì phạm Ba-dật-đề.

93. Nếu Tỳ-kheo-ni cùng sống với nhau, Tỳ-kheo-ni bệnh không chăm sóc thì phạm Ba-dật-đề.

94. Nếu Tỳ-kheo-ni an cư, ban đầu nhận cho Tỳ-kheo-ni khác đặt giường trong phòng mình, sau tức giận đuổi ra thì phạm Ba-dật-đề.

95. Nếu Tỳ-kheo-ni không kể Xuân, Hạ, Đông, lúc nào cũng đi lại trong nhân gian thì phạm Ba-dật-đề.

96. Nếu Tỳ-kheo-ni Hạ an cư xong mà không đi thì phạm Ba-dậtđề.

97. Nếu Tỳ-kheo-ni biên giới có nghi ngờ, nơi có sự khủng bố mà đi lại trong nhân gian ở đó thì phạm Ba-dật-đề.

98. Nếu Tỳ-kheo-ni trong phạm vi nghi là nơi có sự khủng bố mà ở đó du hành nhân gian thì phạm Ba-dật-đề.

99. Nếu Tỳ-kheo-ni gần gũi với cư sĩ, con cư sĩ, sống chung với họ, hành động không phù hợp với đức hạnh của mình. Các Tỳ-kheo-ni khác nên khuyên: Đại tỷ sống riêng ra đừng sống chung với họ. Nếu sống tách riêng ra thì đối với pháp Phật có được đời sống tăng ích, an lạc”.

Các Tỳ-kheo-ni khi can gián Tỳ-kheo-ni này song vẫn kiên trì không bỏ thì các Tỳ-kheo-ni nên ba lần can gián nhằm loại bỏ sự ngoan cố ấy. Can gián đến lần thứ ba, bỏ được điều này thì tốt, còn không bỏ thì Tỳ-kheo-ni ấy phạm Ba-dật-đề.

100. Nếu Tỳ-kheo-ni vào cung vua, xem nhà văn hóa trưng bày tranh vẽ, vườn cây, ao tắm thì phạm Ba-dật-đề.

101. Nếu Tỳ-kheo-ni để lộ thân tắm nơi sông, nơi suối, trong dòng nước, trong ao hồ thì phạm Ba-dật-đề.

102. Nếu Tỳ-kheo-ni may y tắm nên làm đúng kích cỡ. Kích cỡ ở đây là dài sáu gang tay Phật, rộng hai gang tay rưỡi của Ngài. Nếu quá kích cỡ thì phạm Ba-dật-đề.

103. Nếu Tỳ-kheo-ni may y Tăng già lê quá năm ngày, trừ gặp trở ngại xảy ra thì phạm Ba-dật-đề. Nạn xảy ra đó là xin Tăng già lê, xả y công đức, sáu việc khó khăn khác.

104. Nếu Tỳ-kheo-ni quá năm ngày mới xem Tăng già lê của mình thì phạm Ba-dật-đề.

105. Nếu Tỳ-kheo-ni có người đem cúng y cho chúng Tăng mà cản lại, phạm Ba-dật-đề.

106. Nếu Tỳ-kheo-ni không hỏi chủ bèn lấy y của họ mặc thì phạm Ba-dật-đề.

107. Nếu Tỳ-kheo-ni đem y Sa-môn cho ngoại đạo, cư sĩ thì phạm Ba-dật-đề.

108. Nếu Tỳ-kheo-ni nghĩ như vầy: “Chúng Tăng đúng pháp phân chia y, hãy tìm cách ngăn, đừng cho chia, vì sợ đệ tử không được phần” thì phạm Ba-dật-đề.

109. Nếu Tỳ-kheo-ni nghĩ như vầy: “Làm thế nào để chúng Tăng không xả y công đức hôm nay, sau sẽ xả”, vì muốn năm việc phóng xả được lâu hơn thì phạm Ba-dật-đề.

110. Nếu Tỳ-kheo-ni nghĩ như vầy: “Hãy ngăn Tỳ-kheo-ni Tăng không xả y công đức”, vì muốn làm cho năm điều phóng xả được lâu hơn thì phạm Ba-dật-đề.

111. Nếu Tỳ-kheo-ni được Tỳ-kheo-ni nào đó yêu cầu: “Cô hãy vì tôi giải quyết sự tranh cãi này” mà Tỳ-kheo-ni ấy từ chối, không tạo điều kiện để giải quyết thì phạm Ba-dật-đề.

112. Nếu Tỳ-kheo-ni tự tay cầm thức ăn đưa cho cư sĩ và ngoại đạo thì phạm Ba-dật-đề.

113. Nếu Tỳ-kheo-ni làm người sai sứ cho cư sĩ thì phạm Ba-dậtđề.

114. Nếu Tỳ-kheo-ni tự tay quay sợi thì phạm Ba-dật-đề.

115. Nếu Tỳ-kheo-ni vào trong nhà cư sĩ, hoặc ngồi, hoặc nằm trên giường lớn, giường nhỏ của họ thì phạm Ba-dật-đề.

116. Nếu Tỳ-kheo-ni đến nhà cư sĩ xin gia chủ được trải tọa cụ nghỉ đêm, sáng ngày bỏ đi không ngỏ lời cám ơn gia chủ thì phạm Badật-đề.

117. Nếu Tỳ-kheo-ni học tụng chú thuật của thế tục thì phạm Badật-đề.

118. Nếu Tỳ-kheo-ni dạy người học tụng chú thuật thì phạm Badật-đề.

119. Nếu Tỳ-kheo-ni biết người nữ có thai mà độ cho họ thọ giới Cụ túc thì phạm Ba-dật-đề.

120. Nếu Tỳ-kheo-ni biết phụ nữ còn cho bú mà cho họ thọ giới Cụ túc thì phạm Ba-dật-đề.

121. Nếu Tỳ-kheo-ni biết người nữ tuổi không đủ hai mươi mà cho họ thọ giới Cụ túc thì phạm Ba-dật-đề.

122. Nếu Tỳ-kheo-ni biết thiếu nữ mười tám tuổi, chưa cho học giới hai năm, tuổi đủ hai mươi bèn cho thọ giới Cụ túc thì phạm Ba-dậtđề.

123. Nếu Tỳ-kheo-ni biết thiếu nữ mười tám tuổi, được cho họcgiới hai năm, mà không trao cho sáu pháp, đủ hai mươi tuổi lại cho họ thọ giới Cụ túc thì phạm Ba-dật-đề.

124. Nếu Tỳ-kheo-ni biết thiếu nữ mười tám tuổi, được cho học giới hai năm, cũng trao cho sáu pháp, đủ hai mươi tuổi nhưng chúng Tăng không chấp nhận, lại tự tiện cho thọ giới Cụ túc thì phạm Ba-dậtđề.

125. Nếu Tỳ-kheo-ni độ phụ nữ mười tuổi, từng có chồng, cho học giới hai năm, tuổi đủ mười hai mới chấp nhận cho thọ giới Cụ Túc. Nếu dưới tuổi mười hai mà cho họ thọ giới Cụ túc thì phạm Ba-dật-đề.

126. Nếu Tỳ-kheo-ni độ phụ nữ nhỏ tuổi nào đó từng đã có chồng, cho học giới hai năm, tuổi đủ mười hai, không bạch với chúng Tăng, lại tự tiện cho thọ giới Cụ túc thì phạm Ba-dật-đề.

127. Nếu Tỳ-kheo-ni biết người “Như vậy” mà cho họ thọ giới Cụ túc thì phạm Ba-dật-đề.

128. Nếu Tỳ-kheo-ni độ nhiều đệ tử mà không dạy học giới hai năm, không dùng hai pháp để thu phục, dạy dỗ thì phạm Ba-dật-đề.

129. Nếu Tỳ-kheo-ni không theo Hòa thượng ni để học hỏi hai năm thì phạm Ba-dật-đề.

130. Nếu Tỳ-kheo-ni, Tăng không chấp nhận mà trao giới Cụ túc cho người thì phạm Ba-dật-đề.

131. Nếu Tỳ-kheo-ni chưa đủ mười hai hạ mà trao giới Cụ túc cho người thì phạm Ba-dật-đề.

132. Nếu Tỳ-kheo-ni đủ mười hai hạ, nhưng chúng Tăng không cho phép, lại tự tiện trao giới Cụ túc cho người thì phạm Ba-dật-đề.

133. Nếu Tỳ-kheo-ni, Tăng không cho phép trao giới Cụ túc cho người, bèn nói: “Chúng Tăng có thương, có giận, có sợ, có si, muốn chấp nhận ai thì cho phép, còn không muốn chấp nhận ai thì không cho phép” thì phạm Ba-dật-đề.

134. Nếu Tỳ-kheo-ni, cha mẹ hay người chồng của họ không cho xuất gia mà cho người nữ ấy thọ giới Cụ túc thì phạm Ba-dật-đề.

135. Nếu Tỳ-kheo-ni biết người nữ cùng với người nam hay đồng nam ấy yêu thương nhau hay phiền muộn, lo toan, giận hờn, cáu gắt nhau mà độ để cho xuất gia, trao giới Cụ túc cho họ thì phạm Ba-dậtđề.

136. Nếu Tỳ-kheo-ni nói với Thức-xoa-ma-na: “Cô em, bỏ điều ấy, học điều ấy… thì tôi sẽ cho cô em thọ giới Cụ túc”. Nếu không tạo điều kiện cho họ thọ giới Cụ túc thì phạm Ba-dật-đề.

137. Nếu Tỳ-kheo-ni nói với Thức-xoa-ma-na: “Hãy đem y đến cho tôi, tôi sẽ cho cô thọ giới Cụ túc”, mà không tạo điều kiện để cho họ thọ giới Cụ túc thì phạm Ba-dật-đề.

138. Nếu Tỳ-kheo-ni không đủ mười hai hạ mà trao giới Cụ túc cho người thì phạm Ba-dật-đề.

139. Nếu Tỳ-kheo-ni cho người thọ giới Cụ túc rồi lại để qua một đêm mới đưa đến Tỳ-kheo Tăng xin nhận giới Cụ túc từ Tăng trao thì phạm Ba-dật-đề.

140. Nếu Tỳ-kheo-ni không bệnh mà không đến Tăng nhận giáo giới thì phạm Ba-dật-đề.

141. Tỳ-kheo-ni mỗi nửa tháng nên đến trong Tỳ-kheo Tăng để cầu giáo thọ. Nếu không cầu giáo thọ thì phạm Ba-dật-đề.

142. Tỳ-kheo-ni, Hạ an cư xong, nên đến trong Tỳ-kheo Tăng nói ba việc tự tứ: thấy, nghe, nghi. Nếu không đến thì phạm Ba-dật-đề.

143. Nếu Tỳ-kheo-ni ở chỗ không có Tỳ-kheo mà hạ an cư thì phạm Ba-dật-đề.

144. Nếu Tỳ-kheo-ni biết Già lam có Tỳ-kheo Tăng, không thưa chào mà vào thì phạm Ba-dật-đề.

145. Nếu Tỳ-kheo-ni mạ nhục Tỳ-kheo thì phạm Ba-dật-đề.

146. Nếu Tỳ-kheo-ni ưa tranh cãi nhưng không nhớ nổi, nắm vững vấn đề mình tranh cãi, sau đó không hỷ xả, tức giận mạ nhục chúng Tỳkheo-ni thì phạm Ba-dật-đề.

147. Nếu Tỳ-kheo-ni thân thể nổi ung nhọt và ghẻ chóc khắp người, không bạch chúng và người khác, lại vội nhờ người nam mổ, hoặc quấn băng thì phạm Ba-dật-đề.

148. Nếu Tỳ-kheo-ni trước đã nhận lời mời, hoặc đã ăn đủ rồi, sau lại ăn cơm bún, cơm khô, cá và thịt thì phạm Ba-dật-đề.

149. Nếu Tỳ-kheo-ni đối với nhà người mà sinh tâm ganh ghét, đố kỵ thì phạm Ba-dật-đề.

150. Nếu Tỳ-kheo-ni dùng bột hương thoa chà vào mình thì phạm Ba-dật-đề.

151. Nếu Tỳ-kheo-ni dùng cặn dầu mè thoa chà thân thì phạm Ba-dật-đề.

152. Nếu Tỳ-kheo-ni sai nhờ Tỳ-kheo-ni xoa bóp thân thì phạm Ba-dật-đề.

153. Nếu Tỳ-kheo-ni sai Thức-xoa-ma-na bóp thân thì phạm Badật-đề.

154. Nếu Tỳ-kheo-ni sai Sa-di-ni bóp thân thì phạm Ba-dật-đề.

155. Nếu Tỳ-kheo-ni sai phụ nữ bạch y xoa bóp thân thì phạm Ba-dật-đề.

156. Nếu Tỳ-kheo-ni mặc y độn bông thì phạm Ba-dật-đề.

157. Nếu Tỳ-kheo-ni cất giữ những đồ trang sức của phụ nữ thì phạm Ba-dật-đề. Trừ trường hợp đặc biệt.

158. Nếu Tỳ-kheo-ni mang giày, dép, guốc hay dù thì phạm Badật-đề, trừ những trường hợp đặc biệt.

159. Nếu Tỳ-kheo-ni không bệnh, đi các loại xe thì phạm Ba-dậtđề, trừ trường hợp đặc biệt.

160. Nếu Tỳ-kheo-ni không mặc Tăng kỳ chi mà vào thôn thì phạm Ba-dật-đề.

161. Nếu Tỳ-kheo-ni trời đã gần tối mà đến nhà cư sĩ, nếu không có sự chuẩn bị báo trước thì phạm Ba-dật-đề.

162. Nếu Tỳ-kheo-ni trời đã gần tối mà mở cửa Tăng già lam đi ra khỏi chùa không dặn báo cho Tỳ-kheo-ni khác thì phạm Ba-dật-đề.

163. Nếu Tỳ-kheo-ni mặt trời đã lặn, mở cửa Tăng già lam đi ra khỏi chùa mà không dặn cho ai biết thì phạm Ba-dật-đề.

164. Nếu Tỳ-kheo-ni không tiền an cư cũng không hậu an cư thì phạm Ba-dật-đề.

165. Nếu Tỳ-kheo-ni biết người nữ thường bị âm rỉ, đại tiểu tiện đàm dãi thường ra mà cho họ thọ giới Cụ túc thì phạm Ba-dật-đề.

166. Nếu Tỳ-kheo-ni biết người hai hình vừa nam vừa nữ mà cho họ thọ giới Cụ túc thì phạm Ba-dật-đề.

167. Nếu Tỳ-kheo-ni biết người hai đường hiệp lại mà cho họ thọ giới Cụ túc thì phạm Ba-dật-đề.

168. Nếu Tỳ-kheo-ni biết người mắc nợ, bệnh khó trị, quá khó khăn mà cho họ thọ giới Cụ túc thì phạm Ba-dật-đề.

169. Nếu Tỳ-kheo-ni học kỹ thuật của thế tục để làm nghề nuôi thân thì phạm Ba-dật-đề.

170. Nếu Tỳ-kheo-ni đem kỹ thuật của thế tục mà dạy cho cư sĩ thì phạm Ba-dật-đề.

171. Nếu Tỳ-kheo-ni bị đuổi mà không đi thì phạm Ba-dật-đề.

172. Nếu Tỳ-kheo-ni muốn hỏi Tỳ-kheo về nghĩa của vấn đề gì, lại không cần cầu trước mà hỏi thì phạm Ba-dật-đề.

173. Nếu Tỳ-kheo-ni biết mình đến sau ở trước, người đến trước ở sau, vì muốn vị kia phiền lòng, trước mặt họ kinh hành hoặc đứng, hoặc nằm, hoặc ngồi thì phạm Ba-dật-đề.

174. Nếu Tỳ-kheo-ni tại Tăng già lam có Tỳ-kheo mà tự xây tháp ở đó thì phạm Ba-dật-đề.

175. Nếu Tỳ-kheo-ni thấy Tỳ-kheo mới thọ giới Cụ túc thì nên đứng lên tiếp đón cung kính, lễ bái, thăm hỏi, mời vị ấy ngồi. Nếu không như vậy thì phạm Ba-dật-đề.

176. Nếu Tỳ-kheo-ni muốn cho duyên dáng ẻo lả thân làm dáng thì phạm Ba-dật-đề.

177. Nếu Tỳ-kheo-ni trang điểm cho phụ nữ, dùng mùi hương xoa thân thì phạm Ba-dật-đề.

178. Nếu Tỳ-kheo-ni sai nữ ngoại đạo xoa các loại hương thơm lên thân thì phạm Ba-dật-đề.

Thưa các Đại tỷ! Tôi đã nói một trăm bảy mươi tám pháp Ba-dật-đề. Nay xin hỏi các Đại tỷ: Đối với một trăm bảy mươi tám pháp này thanh tịnh không? (Hỏi ba lần). Các Đại tỷ trong một trăm bảy mươi tám pháp này đều thanh tịnh vì cùng im lặng. Việc này xin ghi nhận như vậy.

Thưa các Đại tỷ! Tiếp đây là tám pháp Ba-la-đề-đề-xá-ni, cứ mỗi nửa tháng đều tụng theo trong Giới kinh.

1. Nếu Tỳ-kheo-ni không bệnh mà xin tô để ăn thì phạm pháp đáng chê trách, phải sám hối. Nên hướng đến các Tỳ-kheo-ni khác tỏ bày: “Thưa Đại tỷ! Tôi phạm pháp đáng chê trách, làm điều không nên làm. Nay tôi hướng đến Đại tỷ xin sám hối”. Đây gọi là pháp hối quá.

2. Nếu Tỳ-kheo-ni không bệnh mà xin dầu để ăn thì phạm pháp đáng chê trách, phải sám hối. Nên hướng đến các Tỳ-kheo-ni khác tỏ bày: “Thưa Đại tỷ! Tôi phạm pháp đáng chê trách, làm điều không nên làm. Nay tôi hướng đến Đại tỷ xin sám hối”. Đây gọi là pháp hối quá.

3. Nếu Tỳ-kheo-ni không bệnh mà xin mật để ăn thì phạm pháp đáng chê trách, phải sám hối. Nên hướng đến các Tỳ-kheo-ni khác tỏ bày: “Thưa Đại tỷ! Tôi phạm pháp đáng chê trách, làm điều không nên làm. Nay tôi hướng đến Đại tỷ xin sám hối”. Đây gọi là pháp hối quá.

4. Nếu Tỳ-kheo-ni không bệnh mà xin đường phèn đen để ăn thì phạm pháp đáng chê trách, phải sám hối. Nên hướng đến các Tỳ-kheoni khác tỏ bày: “Thưa Đại tỷ! Tôi phạm pháp đáng chê trách, làm điều không nên làm. Nay tôi hướng đến Đại tỷ xin sám hối”. Đây gọi là pháp hối quá.

5. Nếu Tỳ-kheo-ni không bệnh mà xin sữa để ăn thì phạm pháp đáng chê trách, phải sám hối. Nên hướng đến các Tỳ-kheo-ni khác tỏ bày: “Thưa Đại tỷ! Tôi phạm pháp đáng chê trách, làm điều không nên làm. Nay tôi hướng đến Đại tỷ xin sám hối”. Đây gọi là pháp hối quá.

6. Nếu Tỳ-kheo-ni không bệnh mà xin lạc để ăn thì phạm pháp đáng chê trách, phải sám hối. Nên hướng đến các Tỳ-kheo-ni khác tỏ bày: “Thưa Đại tỷ! Tôi phạm pháp đáng chê trách, làm điều không nên làm. Nay tôi hướng đến Đại tỷ xin sám hối”. Đây gọi là pháp hối quá.

7. Nếu Tỳ-kheo-ni không bệnh mà xin cá để ăn thì phạm pháp đáng chê trách, phải sám hối. Nên hướng đến các Tỳ-kheo-ni khác tỏ bày: “Thưa Đại tỷ! Tôi phạm pháp đáng chê trách, làm điều không nên làm. Nay tôi hướng đến Đại tỷ xin sám hối”. Đây gọi là pháp hối quá.

8. Nếu Tỳ-kheo-ni không bệnh mà xin thịt để ăn thì phạm pháp đáng chê trách, phải sám hối. Nên hướng đến các Tỳ-kheo-ni khác tỏ bày: “Thưa Đại tỷ! Tôi phạm pháp đáng chê trách, làm điều không nên làm. Nay tôi hướng đến Đại tỷ xin sám hối”. Đây gọi là pháp hối quá.

Thưa các Đại tỷ! Tôi đã nói tám pháp Ba-la-đề-đề-xá-ni. Nay xin hỏi các Đại tỷ trong tám pháp này thanh tịnh cả không? (Hỏi ba lần). Các Đại tỷ đối với tám pháp này đều thanh tịnh vì im lặng. Việc này xin ghi nhận như vậy.

Thưa các Đại tỷ! Tiếp đây là phép tắc giới chúng học, cứ mỗi nửa tháng đều tụng theo trong Giới kinh:

1. Phải mặc hạ y tề chỉnh, nên phải học.

2. Phải mặc năm y tề chỉnh, nên phải học.

3. Không được vắt ngược y đi vào nhà cư sĩ, nên phải học.

4. Không được vắt ngược y vào nhà cư sĩ ngồi, nên phải học.

5. Không được quấn y nơi cổ vào nhà cư sĩ, nên phải học.

6. Không được quấn y nơi cổ vào ngồi nơi nhà cư sĩ, nên phải học.

7. Không được trùm đầu vào nhà cư sĩ, nên phải học.

8. Không được trùm đầu vào ngồi nơi nhà cư sĩ, nên phải học.

9. Không được vừa đi vừa nhảy vào nhà cư sĩ, nên phải học.

10. Không được vừa đi vừa nhảy vào ngồi nơi nhà cư sĩ, nên phải học.

11. Không được ngồi xoạc đùi trong nhà cư sĩ, nên phải học.

12. Không được chống nạnh đi vào nhà cư sĩ, nên phải học.

13. Không được chống nạnh đi vào ngồi nhà cư sĩ, nên phải học.

14. Không được lắc mình vào nhà cư sĩ, nên phải học.

15. Không được lắc mình vào ngồi nơi nhà cư sĩ, nên phải học.

16. Không được đi đánh cánh tay vào nhà cư sĩ, nên phải học.

17. Không được đi đánh cánh tay vào ngồi nơi nhà cư sĩ, nên phải học.

18. Khéo phủ che thân vào nhà cư sĩ, nên phải học.

19. Khéo che phủ thân vào ngồi nơi nhà cư sĩ, nên phải học.

20. Không được quay nhìn trái, phải mà vào nhà cư sĩ, nên phải học.

21. Không được quay nhìn phải, trái mà vào ngồi nhà cư sĩ, nên phải học.

22. Yên lặng đi vào nhà cư sĩ, nên phải học.

23. Yên lặng đi vào ngồi nơi nhà cư sĩ, nên phải học.

24. Không được vừa đi vừa giỡn cười vào nhà cư sĩ, nên phải học.

25. Không được vừa đi vừa giỡn cười vào ngồi nơi nhà cư sĩ, nên phải học.

26. Chú tâm khi nhận thức ăn, nên phải học.

27. Nhận cơm vừa miệng bát, nên phải học.

28. Nhận canh vừa miệng bát, nên phải học.

29. Ăn cơm, canh đồng đều, nên phải học.

30. Tuần tự ăn, nên phải học.

31. Không được moi giữa bát mà ăn, nên phải học.

32. Nếu Tỳ-kheo-ni không bệnh, không được tự đòi hỏi cơm canh cho mình, nên phải học.

33. Không được dùng cơm che khuất canh, lại mong được nữa, nên phải học.

34. Không được liếc nhìn trong bát người ngồi bên cạnh, nên phải học.

35. Phải chú ý vào bát mà ăn, nên phải học.

36. Không được vốc nắm cơm lớn mà ăn, nên phải học.

37. Không được há lớn miệng đợi cơm ăn, nên phải học.

38. Không được ngậm cơm vừa nói, nên phải học.

39. Không được vốc cơm từ xa ném vào miệng ăn, nên phải học.

40. Không được ăn cơm để rơi rớt sót lại, nên phải học.

41. Không được ăn để thức ăn búng má, nên phải học.

42. Không được nhai cơm ra tiếng mà ăn, nên phải học.

43. Không được hớp lớn cơm để ăn, nên phải học.

44. Không được le lưỡi liếm thức ăn, nên phải học.

45. Không được rảy tay mà ăn, nên phải học.

46. Không được nhặt cơm rơi vãi mà ăn, nên phải học.

47. Không được dùng tay nhơ cầm đồ đựng nước uống, nên phải học.

48. Không được đổ nước rửa bát trong nhà cư sĩ, nên phải học.

49. Không được đại tiểu tiện, hỉ, nhổ trên cỏ tươi, trừ người bệnh, nên phải học.

50. Không được đại tiểu tiện, hỉ, nhổ vào nước sạch, trừ người bệnh, nên phải học.

51. Không được đứng mà đại tiểu tiện, trừ người bệnh, nên phải học.

52. Không được thuyết pháp cho người vắt ngược y, không cung kính, trừ người bệnh, nên phải học.

53. Không được thuyết pháp cho người quấn y nơi cổ, trừ đau bệnh, nên phải học.

54. Không được thuyết pháp cho người che đầu, trừ người bệnh, nên phải học.

55. Không được thuyết pháp cho người trùm đầu, trừ người bệnh, nên phải học.

56. Không được thuyết pháp cho người chống nạnh, trừ người bệnh, nên phải học.

57. Không được thuyết pháp cho người mang giày da, trừ người bệnh, nên phải học.

88. Không được thuyết pháp cho người mang guốc gỗ, trừ người bệnh, nên phải học.

59. Không được thuyết pháp cho người cưỡi ngựa, trừ người bệnh, nên phải học.

60. Không được ngủ nghỉ trong tháp Phật, trừ người chăm nom canh giữ tháp, nên phải học.

61. Không được cất giấu của cải trong tháp Phật, trừ để cho được chắc chắn, nên phải học.

62. Không được mang dép da vào trong tháp Phật, nên phải học.

63. Không được cầm dép da vào trong tháp Phật, nên phải học.

64. Không được mang dép da nhiễu quanh tháp Phật, nên phải học.

65. Không được mang giày phú la vào trong tháp Phật, nên phải học.

66. Không được cầm giày phú la vào trong tháp Phật, nên phải học.

67. Không được dưới tháp Phật ngồi ăn xả rác và bỏ đồ ăn làm nhơ đất rồi bỏ đi, nên phải học.

68. Không được khiêng thây chết đi qua dưới tháp Phật, nên phải học.

69. Không được chôn thây chết dưới tháp Phật, nên phải học.

70. Không được dưới tháp Phật đốt xác chết, nên phải học.

71. Không được hướng về tháp Phật mà đốt xác chết, nên phải học.

72. Không được đốt xác chết quanh cạnh bốn phía tháp khiến mùi hôi thối bay vào tháp, nên phải học.

73. Không được mang áo và giường người chết đi qua dưới tháp Phật, trừ đã giặt nhuộm và xông hương, nên phải học.

74. Không được đại tiểu tiện dưới tháp Phật, nên phải học.

75. Không được hướng về tháp Phật mà đại tiểu tiện, nên phải học.

76. Không được quanh cạnh bốn phía tháp Phật đại tiểu tiện, khiến mùi hôi thối bay vào tháp, nên phải học.

77. Không được mang tượng Phật đến chỗ đại tiểu tiện, nên phải học.

78. Không được ở dưới tháp Phật mà xỉa răng, nên phải học.

79. Không được hướng đến tháp Phật mà xỉa răng, nên phải học.

80. Không được quanh cạnh bốn phía tháp Phật mà xỉa răng, nên phải học.

81. Không được ở dưới tháp hỉ, nhổ, nên phải học.

82. Không được hướng về tháp Phật mà hỉ, nhổ, nên phải học.

83. Không được quanh cạnh bốn phía tháp Phật mà hỉ, nhổ, nên phải học.

84. Không được duỗi chân hướng về phía tháp Phật, nên phải học.

85. Không được đặt tượng Phật ở phòng dưới còn mình ở phòng trên, nên phải học.

86. Người ngồi mình đứng, không nên thuyết pháp cho họ, trừ người bệnh, nên phải học.

87. Người nằm mình ngồi, không nên thuyết pháp cho họ, trừ người bệnh, nên phải học.

88. Người ngồi ghế mình ngồi chỗ chẳng phải ghế, không được thuyết pháp cho họ, trừ người bệnh, nên phải học.

89. Người ngồi ở chỗ cao mình ngồi ở chỗ thấp, không được thuyết pháp cho họ, trừ người bệnh, nên phải học.

90. Người ở trước mình ở sau, không được thuyết pháp cho họ, trừ người bệnh, nên phải học.

91. Người ở chỗ kinh hành cao mình ở chỗ kinh hành thấp, không nên thuyết pháp cho họ, trừ người bệnh, nên phải học.

92. Người ở tại chỗ đường đi mà mình ở chỗ chẳng phải đường đi thì không nên thuyết pháp cho họ, trừ người bệnh, nên phải học.

93. Không được nắm dắt tay nhau trên đường đi, nên phải học.

94. Không được leo cây cao quá đầu người, trừ trường hợp đặc biệt, nên phải học.

95. Không được xỏ đãy đựng bát vào đầu gậy, rồi vác lên vai mà đi, nên phải học.

96. Người cầm gậy không cung kính, không nên thuyết pháp cho họ, trừ người bệnh, nên phải học.

97. Người cầm kiếm, không nên thuyết pháp cho họ, trừ người bệnh, nên phải học.

98. Người cầm mâu, không nên thuyết pháp cho họ, trừ người bệnh, nên phải học.

99. Người cầm dao, không nên thuyết pháp cho họ, trừ người bệnh, nên phải học.

100. Người cầm dù, không nên thuyết pháp cho họ, trừ người bệnh, nên phải học.

Thưa các Đại tỷ! Tôi đã nói phép tắc giới chúng học. Nay xin hỏi các Đại tỷ: Trong giới chúng học này thanh tịnh không? (Hỏi ba lần). Các Đại tỷ trong các pháp này đều thanh tịnh vì cùng im lặng. Việc này xin ghi nhận như vậy.

Thưa các Đại tỷ! Tiếp đây là bảy pháp Diệt tránh, cứ mỗi nửa tháng đều tụng theo trong Giới kinh. Nếu Tỳ-kheo-ni có xảy ra sự tranh cãi thì nên ngăn chặn, dập tắt ngay:

1. Nên áp dụng Tỳ ni Hiện tiền, thì phải áp dụng Tỳ ni Hiện tiền.

2. Nên áp dụng Tỳ ni Ức niệm, thì phải áp dụng Tỳ ni Ức niệm.

3. Nên áp dụng Tỳ ni Bất si, thì phải áp dụng Tỳ ni Bất si.

4. Nên áp dụng Tự ngôn trị, thì phải áp dụng Tư ngôn tri.

5. Nên áp dụng Đa nhân ngữ, thì phải áp dụng Đa nhân ngữ.

6. Nên áp dụng Xét tìm tội, thì phải áp dụng Xét tìm tội.

7. Nên áp dụng như cỏ che lấp đất, thì phải áp dụng như cỏ che lấp đất.

Thưa các Đại tỷ! Tôi đã nói bảy pháp Diệt tránh. Nay xin hỏi các

Đại tỷ: Trong bảy pháp Diệt tránh này thanh tịnh không? (Hỏi ba lần). Các Đại tỷ trong bảy pháp này đều thanh tịnh, vì cùng im lặng. Việc này xin ghi nhận như vậy.

Thưa các Đại tỷ! Tôi đã nói tựa của Giới kinh, đã nói tám pháp Ba-la-di, đã nói mười bảy pháp Tăng-già-bà-thi-sa, đã nói ba mươi pháp Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề, đã nói một trăm bảy mươi tám pháp Ba-dật-đề, đã nói tám pháp Ba-la-đề-dề-xá-ni, đã nói phép tắc giới Chúng học, đã nói bảy pháp Diệt tránh.

Giới kinh là bao gồm các giới điều này đây, do chính Đức Phật đã thuyết chế, cứ mỗi nửa tháng đều tụng theo trong Giới kinh. Còn những pháp Phật khác nữa thì trong đó hãy cùng chung hòa hợp mà học.

Nhẫn nhục hạnh bậc nhất
Vô vi, Phật nói hơn
Xuất gia làm người buồn
Không gọi là Sa-môn.

Đây là bài tụng giới kinh được thuyết dạy do Đức Như Lai Tỳ Bà Thi, bậc Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác.

Ví như người mắt sáng
Đường hiểm nghèo tránh được
Đời có kẻ thông minh
Thường xa rời các ác.

Đây là bài tụng giới kinh được thuyết dạy do Đức Như Lai Thi Khí, bậc Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác.

Không chê cũng không ghét
Với giới phải phụng trì
Ăn uống vừa biết đủ
Thường ưa chỗ thanh vắng
Tâm định vui tinh tấn
Là lời chư Phật dạy.

Đây là giới kinh, bài tụng này được thuyết dạy do Đức Như Lai Tỳ Diếp La, bậc Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác. Như ong hút mật hoa

Không hoại sắc và hương
Chỉ lấy mật rồi đi
Tỳ-kheo vào xóm làng
Không chống trái việc người
Không nghĩ làm, không làm
Chỉ xem chính mình làm
Chân chính hay không chính.

Đây là giới kinh, bài tụng này được thuyết dạy do Đức Như Lai Câu Lưu Tôn, bậc Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác.

Tâm đừng để buông lung
Thánh pháp phải cần học
Như vậy không ưu sầu
Định tâm vào Niết-bàn.

Đây là giới kinh, bài tụng này được thuyết dạy do Đức Như Lai Câu Na Hàm Mâu Ni, bậc Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác.

Tất cả ác chớ làm
Phải giữ làm các thiện
Tự lắng ý chí mình
Là lời chư Phật dạy.

Đây là giới kinh, bài tụng này được thuyết dạy do Đức Như Lai Ca Diếp, bậc Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác. Với miệng khéo giữ lời

Ý chí tự trong sạch,
Thân không làm các ác
Là ba nghiệp thanh tịnh
Thường làm được như thế
Chính đạo bậc Đại Tiên.

Đây là giới kinh, bài tụng này được thuyết dạy do Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai, bậc Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác đã thuyết dạy cho chúng Tăng không hề xảy ra tội lỗi nào trong suốt mười hai năm đầu. Từ đó về sau, giới kinh được Đức Phật thuyết mở rộng không có sự phân biệt thành giới điều. Các Tỳ-kheo-ni nào tự thân ưa thích pháp, ưa thích Sa-môn, tự thân có biết xấu hổ, có biết thẹn mà lòng hâm mộ học giới thì phải học các giới kinh này.

Người trí khéo giữ giới
Thường được ba điều vui
Danh tiếng và lợi dưỡng
Sinh thiên lúc qua đời.
Phải thấy rõ điều này
Có trí siêng giữ giới
Giới tịnh, trí tuệ sinh
Đạo bậc nhất liền thành.
Như chư Phật quá khứ
Cả về Phật vị lại
Các Thế Tôn hiện tại
Thắng vượt mọi ưu lo.
Đều cũng tôn kính giới
Pháp chư Phật là đây
Nếu có thân vì thân
Muốn cầu vào Phật đạo.
Phải tôn trọng chánh pháp
Là lời chư Phật dạy
Bảy Phật là Thế Tôn
Diệt trừ mọi kiết sử.
Thuyết bảy giới kinh này
Giải thoát được buộc ràng
Đã chứng nhập Niết-bàn
Còn đâu các hý luận.
Tôn kính lời Đại Tiên
Thánh hiền khen ngợi giới
Pháp tu của đệ tử
Nhập Niết-bàn tịch diệt.
Thế Tôn khi Niết-bàn
Với đại bi bừng dậy
Họp các chúng Tỳ-kheo
Ngài giáo giới như vầy:
Đừng tưởng Ta Niết-bàn
Không hộ trì tịnh hạnh!
Hiện giới kinh Ta nói
Cũng nói thiện Tỳ ni.
Ta tuy nhập Niết-bàn
Phải thấy giới như Phật
Đời còn mãi giới kinh
Pháp Phật được hưng thịnh.
Vì sự hưng thịnh ấy
Mà được vào Niết-bàn
Nếu không trì giới này
Không Bố-tát như pháp.
Ví như hoàng hôn tắt
Thế giới tối mịt mù
Phải hộ trì giới này
Như trâu mao mến đuôi.
Hòa hợp ngồi một chỗ
Nói giới như Phật dạy
Tôi đã thuyết giới kinh
Chúng Tăng Bố-tát rồi.
Tôi nay thuyết giới kinh
Các công đức nói giới
Giúp tất cả chúng sinh
Đều trọn thành Phật đạo.