V-Từ Điển Đạo Uyển

Vân Bản

Từ Điển Đạo Uyển

雲版; J: umpan;
Một tấm bản bằng đồng dùng để báo hiệu từng khoảng thời gian trong ngày của một Thiền viện. Chữ “Vân” được dùng vì tấm bản này thường được viền trang trí xung quanh với dạng mây.
Những dụng cụ tạo âm thanh như vân bản được dùng để thay thế khẩu lệnh trong thời gian Toạ thiền căng thẳng. Âm thanh của vân bản hoặc một chuông đồng có một tác dụng lớn cho một thiền sinh, tuỳ theo tâm trạng của họ. Trong một thiền viện im lặng, tiếng vang của vân bản có thể đi “sâu đến tận tuỷ”, và cũng có thể là một yếu tố để cho các thiền sinh Kiến tính, ngộ đạo.

Vân Cư Ðạo Ưng

Từ Điển Đạo Uyển

雲居道膺; C: yúnjū dàoying; J: ungo dōyō; ?-902;
Thiền sư Trung Quốc, môn đệ của Ðộng Sơn Lương Giới. Dòng thiền của Sư là dòng chính của tông Tào Ðộng được truyền đến bây giờ tại Nhật. Dòng của Tổ thứ hai là Tào Sơn Bản Tịch chỉ tồn tại được vài thế hệ (xem biểu đồ cuối sách).
Sư họ Vương, quê ở Ngọc Ðiền, U Châu, xuất gia từ nhỏ và thụ giới cụ túc năm 25 tuổi. Ban đầu, Sư học kinh luật Tiểu thừa rồi tự than “Kẻ đại trượng phu đâu thể chịu luật nghi còng trói” và đến Thuý Vi lưu học ba năm. Sau, nghe người ca ngợi pháp hội Ðộng Sơn, Sư đến tham vấn.
Một hôm, Ðộng Sơn hỏi: “Từ đâu đến?” Sư thưa: “Ðạp núi đến.” Ðộng Sơn hỏi: “Quả núi nào nên ở?” Sư hỏi lại: “Có quả núi nào chẳng nên ở?” Ðộng Sơn bảo: “Thế thì cả nước đều bị Xà-lê chiếm hết.” Sư thưa: “Chẳng phải.” Ðộng Sơn hỏi: “Thế ấy là ngươi đã được đường vào?” Sư thưa: “Không đường.” Ðộng Sơn hỏi: “Nếu không đường làm sao được cùng Lão tăng gặp nhau?” Sư thưa: “Nếu có đường thì cùng Hoà thượng cách núi vậy.” Ðộng Sơn bảo: “Kẻ này về sau ngàn muôn người nắm chẳng đứng.”
Sư cất am ở riêng, trải qua nhiều ngày không xuống trai đường. Ðộng Sơn hỏi vì sao thì Sư thưa có Thiên thần cúng dường. Chiều đến, Ðộng Sơn gọi Sư vào hỏi: “Am chủ Ưng!” Sư ứng thinh: “Dạ!” Ðộng Sơn hỏi: “Chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, là cái gì?” Sư trở về am ngồi yên, Thiên thần tìm không ra mới thôi cúng dường.
Sau khi được Ðộng Sơn Ấn khả, Sư đến Vân Cư trụ trì, học chúng đến rất đông không dưới 1500 chúng, tông phong của Ðộng Sơn rất thịnh hành.
Sư tịch ngày 03 tháng giêng niên hiệu Thiên Phục năm thứ hai đời Ðường sau 30 năm hoằng hoá tại đây.

Vân Cương

Từ Điển Đạo Uyển

雲岡; C: yúngāng;
Một vùng hang động nổi tiếng tại Trung Quốc, có nhiều di tích Phật giáo, được xây dựng giữa 460 và 540 và là một trong những di tích văn hoá quan trọng nhất. Người ta tìm thấy 53 hang động, dài trên 1km. Tại đó có khoảng 50 000 tranh tượng Phật, Bồ Tát và các vị Thánh khác. Tượng Phật lớn nhất tại đó cao đến 17m và là một trong những tượng lớn nhất tại Trung Quốc.
Ðộng đầu tiên được xây dựng khoảng năm 460. Trong giai đoạn một, các hang động này được thiết lập do sư Ðàm Dược hướng dẫn, đó là các động số 16-20. Các hang động của giai đoạn này thường có hình tròn. Trong giai đoạn hai (động số 5-10), các động có hình vuông thường có tượng Phật ở giữa, cửa vào có vô số tượng nhỏ, tượng Bồ Tát, hình các thánh tích… Ðộng quan trọng nhất là động số 5, 6, trong đó cuộc đời của Phật Thích-ca, từ lúc sinh ra đến lúc giác ngộ được trình bày lại. Trong một số các động khác, bộ kinh Duy-ma-cật sở thuyết (s: vimalakīrtinirdeśa-sūtra) được minh hoạ. Các động cuối cùng được xây vào thời nhà Tuỳ (589-618).
Các động ở Vân Cương là dấu hiệu “sám hối” về việc truy bức đạo Phật trong năm 446, đời nhà Tống và chứng tỏ đạo Phật sau đó được triều đình bảo hộ. Sách vở truyền lại cho thấy việc xây dựng các công trình này vừa do triều đình vừa do giáo đồ đóng góp. Triều đình thì mong được phúc đức để quốc thái dân an, Phật tử thì mong nhờ đó tái sinh trong Tịnh độ.
Nghệ thuật xây dựng và tạc tượng Vân Cương chịu ảnh hưởng mạnh của nghệ thuật Ấn Ðộ (Càn-đà-la) và Trung á; tranh tượng các vị Phật tạo một cảm giác bất động, còn các vị Bồ Tát có vẻ sinh động và gần gủi hơn. Một số trang trí khác như hình rồng, chim, hoa sen, hào quang các vị Phật thì lại thuần tuý nghệ thuật Trung Quốc.

Vấn đáp

Từ Điển Đạo Uyển

問答; C: wèndá; J: mondō;
Là những cuộc đối đáp trong Thiền tông, giữa thầy và trò về một Công án hay một vấn đề làm thiền sinh thao thức. Thiền sư thường thường trả lời theo một cách nằm ngoài quy ước, với mục đích đánh thức trực giác nơi thiền sinh (Pháp chiến).
Nhiều vấn đáp đã trở thành công án trong lịch sử Thiền:
Tăng hỏi Ðộng Sơn (Thủ Sơ): “Thế nào là Phật?” Ðộng Sơn đáp: “Ba cân gai” (麻三斤).
Tăng hỏi Mã Tổ: “Thế nào là Phật?” Mã Tổ đáp: “Tức tâm tức Phật” (即心即佛).
Tăng khác cũng hỏi: “Thế nào là Phật?” Mã Tổ đáp: “Phi tâm phi Phật” (非心非佛).

Vân Hà

Từ Điển Đạo Uyển

云何; C: yún hé; J: unga;
“Vì sao?”, “Ông nghĩ như thế nào?” (s: ka-tham-krtvā).

Vạn Hạnh

Từ Điển Đạo Uyển

萬行; ?-1018
Thiền sư Việt Nam, thuộc đời thứ 12 dòng Thiền Tì-ni-đa Lưu-chi.
Sư họ Nguyễn, người làng Cổ Pháp, thuở nhỏ đã là người thông minh, học Tam giáo (Nho, Lão, Thích) và nghiên cứu Bách luận. Năm 21 tuổi, Sư theo Thiền sư Ðịnh Huệ xuất gia và thụ học với Thiền Ông Ðạo Giả ở chùa Lục Tổ làng Dịch Bảng, phủ Thiên Ðức. Sau khi Thiền Ông tịch, Sư kế tiếp trụ trì chùa này, chuyên tập “Tổng trì Tam-ma-địa” và cũng vì thế khuynh hướng Mật giáo của Sư rất rõ. Vua Lê Ðại Hành rất tôn kính Sư.
Năm 980 tướng Tống là Hầu Nhân Bảo đem quân đánh nước ta, Sư tiên đoán vài ngày sau giặc sẽ rút, quả nhiên đúng như thế. Ðến lúc Lê Ngọa Triều lên ngôi, nhân dân oán ghét sự tàn bạo của vua. Lúc đó Lí Công Uẩn làm chức Thân vệ, có theo học thiền với Sư. Nhân cơ hội đó Ðào Cam Mộc bàn mưu tính kế với Sư đưa Lí Công Uẩn lên ngôi, xưng là Lí Thái Tổ, niên hiệu Thuận Thiên. Ðể chiêu an bá tính, Sư ra yết thị:
蒺藜沉北水。李子樹南天
四方戈干靜。八表賀平安
Tật Lê trầm Bắc thuỷ, Lí tử thụ Nam thiên
Tứ phương qua can tịnh, Bát biểu hạ bình an.
*Tật Lê chìm biển bắc,
Cây Lí che trời nam.
Bốn phương binh đao dứt,
Tám hướng thảy bình an.
Năm Thuận Thiên thứ 9 (1018), Sư không bệnh, gọi chúng nói kệ:
身如電影有還無。萬木春禜秋又枯
任運盛衰無怖畏。盛衰如露草頭鋪
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thạnh suy vô bố uý
Thạnh suy như lộ thảo đầu phô.
*Thân như bóng chớp có rồi không,
Cây cỏ xuân tươi, thu đượm hồng,
Mặc cuộc thịnh suy không sợ hãi,
Thịnh suy như cỏ hạt sương đông.
Sau đó Sư bảo: “Các ngươi cần trụ chỗ nào? Ta chẳng lấy chỗ trụ mà trụ, chẳng y không trụ mà trụ.” Sau khi Sư tịch, nhà vua và đệ tử làm hoả táng và xây tháp cúng dường.
Về sau vua Lí Nhân Tông có bài truy tán:
萬行融三際,眞符古讖機
鄉關名古法,柱錫鎭王畿
Vạn Hạnh thông ba mé,
Thật hợp lời sấm xưa,
Quê nhà tên Cổ Pháp,
Dựng gậy vững kinh vua.
Hiện chùa Tiêu Sơn tại tỉnh Hà Bắc thờ tượng của Sư.

Vân Hoa Trí Nghiễm

Từ Điển Đạo Uyển

雲華智儼; 602-668, còn được gọi là Chí Tướng Tôn giả;
Cao tăng kiêm học giả vào đời Đường, về sau được suy tôn như là tổ thứ hai của Hoa Nghiêm tông Trung Hoa. Sư là đệ tử của Đỗ Thuận (杜順), và là thầy của Pháp Tạng (法藏) và Nghĩa Tương (義湘, k: ŭisang). Đương thời, Sư thường được gọi là Chí Tướng Đại sư (至相大師) và Vân Hoa Tôn giả (雲華尊者). Trước khi hành đạo, Sư làm lễ trước Ðại tạng và rút từ đó một quyển kinh ra để tu theo. Quyển kinh đó chính là bộ kinh Ðại phương quảng Phật hoa nghiêm và từ đây, Sư trì chí tụng đọc kinh này. Sư bắt đầu học Phật với ngài Đỗ Thuận vào năm 12 tuổi tại chùa Chí Tướng ở núi Chung Nam, sau một thời gian, sư thông thạo các giáo lí Đại thừa. Sư thụ giới cụ túc năm 20 tuổi, sau đó sư nghiên cứu sâu vào Tứ phần luật (四分律), A-tì-đạt-ma Câu-xá luận, Thành thật luận (成實論), Thập địa luận (十地論), kinh Niết-bàn, v.v… Sau đó, sư tập trung nghiên cứu kinh Hoa Nghiêm và những lí thuyết xuất phát từ kinh nầy. Sư trứ tác khá nhiều. Các tác phẩm của sư gồm có: Đại phương quảng Phật Hoa Nghiêm kinh sưu huyền phân tể thông trí phương quỹ (大方廣佛華嚴經搜玄分齊通智方軌), 10 quyển; Hoa Nghiêm kinh nội chương môn đẳng tạp khổng mục (華嚴經内章門等雜孔目), 4 quyển; Hoa Nghiêm ngũ thập yếu vấn đáp (華嚴五十要問答), 2 quyển; Hoa Nghiêm nhất thừa thập huyền môn (華嚴一乘十玄門), 1 quyển; Kim Cương Bát-nhã ba-la-mật kinh lược sớ (金剛般若波羅蜜經略疏); Vô tịnh nhiếp luận sớ (無性攝論疏) v.v… Tiểu sử của sư có thể đọc trong quyển thứ 25 của Tục cao tăng truyện (續高僧傳). Để nghiên cứu sâu hơn, xin xem tác phẩm của Gimello (1976) .

Vân Môn Tông

Từ Điển Đạo Uyển

雲門宗; C: yúnmén-zōng; J: ummon-shū;
Vân Môn Văn Yển, Ngũ gia thất tông.

Vân Môn Văn Yển

Từ Điển Đạo Uyển

雲門文偃; C: yúnmén wényǎn; J: ummon bun’en; 864-949;
Thiền sư Trung Quốc lỗi lạc, khai sáng Vân Môn tông. Sư nối pháp của Tuyết Phong Nghĩa Tồn và là thầy của nhiều vị đạt đạo như Hương Lâm Trừng Viễn, Ðộng Sơn Thủ Sơ, Ba Lăng Hạo Giám v.v… (khoảng 60 vị). Những pháp ngữ quan trọng nhất của Sư được ghi lại trong Vân Môn Khuông Chân Thiền sư quảng lục (雲門匡眞禪師廣錄).
Sư họ Trương, quê ở Gia Hưng. Lúc nhỏ theo Luật sư Chí Trừng chùa Không Vương xuất gia và thụ giới tại giới đàn Tì Lăng. Hầu hạ Chí Trừng vài năm, Sư đến Mục Châu (Trần Tôn Túc) hỏi đạo. Mục Châu thấy Sư liền đóng cửa lại. Sư đến gõ cửa, Mục Châu hỏi: “Ai?” Sư thưa: “Con.” Mục Châu hỏi: “Làm gì?” Sư thưa: “Việc mình chưa sáng, xin thầy chỉ dạy.” Mục Châu mở cửa, thấy Sư liền đóng lại. Sư cứ đến như vậy ba ngày liên tục. Lần thứ ba, Mục Châu vừa hé cửa, Sư liền chen vào, Mục Châu bèn nắm đứng Sư bảo: “Nói! Nói!” Sư vừa suy nghĩ, Mục Châu xô ra bảo: “Cây dùi đời Tần” và đóng cửa lại khiến một chân Sư bị thương. Sư nhân đây có ngộ nhập. Mục Châu khuyên Sư đến Tuyết Phong và nơi đây, Sư được ấn khả. Lúc đầu, Sư trụ trì chùa Linh Thụ một thời gian, sau đến Vân Môn trụ trì chùa Quang Thới, học chúng tụ tập rất đông.
Sư thượng đường, đưa cây gậy trong tay lên bảo chúng: “Phàm phu gọi nó là thật, Nhị thừa phân tích gọi nó là không, Duyên giác gọi nó là huyễn có, Bồ Tát thì đương thể tức không, Thiền gia thì thấy cây gậy gọi là cây gậy, đi chỉ đi, ngồi chỉ ngồi, không được động đến.”
Những lời dạy của Sư rất được ưa chuộng trong giới thiền sau này và không có vị nào khác Sư được nhắc đến nhiều trong các tập Công án lớn (Bích nham lục, 18 công án, Vô môn quan, 5 công án). Người ta nói rằng, pháp ngữ của Sư lúc nào cũng đạt đủ ba điều kiện: 1. Thích hợp với câu hỏi như “nắp đậy nồi”; 2. Có năng lực cắt đứt vô minh, suy nghĩ cảm giác phân biệt như một cây gươm bén và 3. Thích hợp với khả năng tiếp thu của người hỏi như “một làn sóng theo một làn sóng.”


H 73: Thiền sư Vân Môn, Bạch Ẩn Huệ Hạc minh hoạ.
Sư là một trong những Thiền sư đầu tiên sử dụng những lời vấn đáp của các vị tiền nhân để giảng dạy, và từ đây xuất phát ra phương pháp khán Thoại đầu của Thiền tông sau này. Thông thường, Sư đưa ra một “câu trả lời khác” (別語; biệt ngữ; j: betsugo) những câu trả lời trong những cuộc Vấn đáp (j: mondō) hoặc Pháp chiến (j: hossen) được Sư nêu ra giảng dạy. Sau đó Sư lại nêu ra một câu hỏi và tự trả lời thay cho đại chúng với một “câu thay thế” (代語; đại ngữ; j: daigo), như trong công án thứ 6 của Bích nham lục:
Sư bảo: “Mười lăm ngày về trước chẳng hỏi ông, mười lăm ngày về sau thử nói một câu xem?” Sư tự đáp thay chúng tăng: “Ngày qua ngày, ngày nào cũng là ngày tốt” (Nhật nhật thị hảo nhật).
Những câu trả lời của Sư có lúc chỉ là một chữ duy nhất (Nhất tự quan); chúng được xem là những công án hiệu nghiệm nhất trong thiền ngữ.


H 74: “Ngày qua ngày, ngày nào cũng là ngày tốt” (Bút pháp của Thiện Thuận).
Mặc dù Sư rất đề cao việc dùng ngôn ngữ sống động (hoạt cú) để dạy và sử dụng nó rất tài tình nhưng Sư lại rất kị ngôn ngữ trên giấy và nghiêm cấm môn đệ không được ghi chép lại những lời dạy của mình. Nhiều pháp ngữ của Sư còn được truyền lại đến ngày nay là nhờ một môn đệ lén viết vào một ca-sa rồi sau đó mang xuống núi. Tông của Sư được lưu truyền đến thế kỉ 12 và các vị kế thừa tông này đều đóng góp nhiều cho việc lưu giữ thiền ngữ cho những thế hệ sau.
Niên hiệu Càn Hoà năm thứ bảy (949) nhà Hán, ngày mùng 10 tháng 4, Sư ngồi ngay thẳng viên tịch thọ 81 tuổi.

Vân Nham Ðàm Thạnh

Từ Điển Đạo Uyển

雲巖曇晟; C: yúnyán tánshèng; J: ungan don-jō; 781-841;
Thiền sư Trung Quốc, đắc pháp nơi Dược Sơn Duy Nghiễm. Ðộng Sơn Lương Giới là môn đệ giỏi nhất của Sư, là người khai sáng tông Tào Ðộng.
Lúc đầu, Sư đến học nơi Bách Trượng nhưng ở đây hai mươi năm đến lúc Bách Trượng tịch vẫn chưa sáng tỏ. Ðến Dược Sơn, Dược Sơn hỏi: “Từ đâu đến?” Sư thưa: “Từ Bách Trượng đến” Dược Sơn hỏi: “Bách Trượng có ngôn cú gì dạy đồ chúng?” Sư thưa: “Bình thường Ngài nói: ›Ta có một câu đầy đủ trăm vị.‹” Dược Sơn bảo: “Mặn là vị mặn, lạt là vị lạt, chẳng mặn chẳng lạt là vị bình thường, thế nào là một câu đầy đủ trăm vị?” Sư không đáp được. Dược Sơn hỏi tiếp: “Sinh tử trước mắt làm sao tránh?”. Sư thưa: “Trước mắt không sinh tử.” Dược Sơn hỏi: “Ở Bách Trượng bao nhiêu lâu?” Sư thưa: “Hai mươi năm”. Dược Sơn bảo: “Hai mươi năm nơi Bách Trượng mà Tập khí trần tục vẫn chẳng trừ.”
Ngày khác – nhân lúc Sư đứng hầu – Dược Sơn hỏi: “Bách Trượng lại nói pháp gì?” Sư trình: “Có khi thượng đường, đại chúng nhóm họp xong, Ngài lấy gậy đuổi tan, rồi gọi đại chúng. Ðại chúng xoay đầu nhìn lại thì Ngày hỏi: ›Là cái gì?‹” Dược Sơn bảo: “Sao chẳng sớm nói như thế! Ngày nay do ngươi mà ta được thấy Hải huynh.” Sư nghe câu này triệt ngộ.
Sau, Sư đến núi Vân Nham trụ trì, tuỳ duyên hoằng giáo. Một vị tăng hỏi: “Khi một niệm chợt khởi liền rơi vào ma giới, là thế nào?” Sư hỏi lại: “Ngươi nhân đâu từ Phật giới đến?” Tăng không đáp được, Sư hỏi: “Hội chăng?” Tăng thưa: “Chẳng hội.” Sư bảo: “Chớ bảo hội chẳng được, giả sử hội được cũng chỉ là bên trái, bên phải.”
Ngày 26 tháng 10 năm đầu niên hiệu Hội Xương đời Ðường, Sư có chút bệnh, tắm gội xong gọi Tri sự vào bảo: “Sắm sửa trai, ngày mai có Thượng toạ đi.” Tối hôm 27, Sư viên tịch, thọ 60 tuổi.

Vân Phong

Từ Điển Đạo Uyển

雲峰; ?-956
Thiền sư Việt Nam, thuộc thiền phái Vô Ngôn Thông, pháp hệ thứ 3. Sư nối pháp Thiền sư Thiện Hội và truyền lại cho đệ tử là Thái sư Khuông Việt.
Sư họ Nguyễn, quê ở Từ Liêm, quận Vĩnh Khang. Khi mẹ sinh Sư ra, hào quang chiếu đầy nhà. Vì thấy sự linh dị này nên cha mẹ cho phép Sư xuất gia. Lớn lên, Sư theo hầu thiền sư Thiện Hội ở chùa Ðịnh Thiền, làng Siêu Loại. Thiện Hội thường bảo: “Sống chết là việc lớn, cần phải thấu triệt.”Một hôm, Sư hỏi Thiện Hội: “Khi sống chết đến làm sao tránh?” Thiện Hội bảo: “Hãy nắm lấy chỗ không sống chết mà tránh.” Sư hỏi: “Thế nào là chỗ không sống chết?” Thiện Hội bảo: “Ngay trong sống chết nhận lấy mới được.” Sư hỏi: “Làm sao hiểu được?” Thiện Hội bảo: “Ngươi hãy đi, chiều đến!” Chiều đến, Sư lại vào thất. Thiện Hội bảo: “Ðợi sáng mai, chúng sẽ chứng minh cho ngươi.” Sư hoát nhiên tỉnh ngộ, liền quì lạy. Thiện Hội hỏi: “Ngươi thấy đạo lí gì?” Sư thưa: “Con đã lĩnh hội.” Thiện Hội hỏi: “Ngươi hội thế nào?” Sư bèn đưa nắm tay lên thưa: “Chẳng lĩnh hội là cái gì?” Thiện Hội liền thôi.
Sau, Sư trụ trì chùa Khai Quốc trong Kinh Ðô Thăng Long. Niên hiệu Hiển Ðức đời Châu, Sư viên tịch.

Vân Thê Châu Hoằng

Từ Điển Đạo Uyển

雲棲袾宏; C: yúnqī zhūhóng; 1535-1615;
Một Cao tăng Trung Quốc đời Minh. Sư là người phối hợp và phát triển cách tu niệm danh Phật A-di-đà của Tịnh độ tông và phương pháp tu trì của Thiền tông.
Sư cho rằng, khi niệm danh A-di-đà, người ta không nên tập trung vào danh hiệu này thôi, mà còn phải chú tâm vào “sự thật” đứng sau danh hiệu này. Ngoài cái tâm đang niệm danh A-di-đà không có A-di-đà và ngoài A-di-đà không có tâm nào. Ðây là một phương pháp khác để giải thích lời của các vị Thiền sư “Ngoài tâm không có Phật”. Mặt khác, người ta có thể chứng ngộ được chân lí tuyệt đối bằng cách niệm danh A-di-đà và vì vậy, giữa Thiền tông và Tịnh độ tông không có một sự khác biệt nào đáng kể.
Sư ban đầu học Nho, năm 32 tuổi mới xuất gia cầu đạo. Sư tham học với nhiều Cao tăng của các tông phái đương thời. Sư sáng lập chùa Vân Thê tại Hàng Châu, một ngôi chùa có tiếng là giữ giới luật nghiêm ngặt. Sư có quan niệm rằng, người niệm Phật A-di-đà và một người quán Công án trong Thiền tông tuy có khác nhau bề ngoài, khác nhau trong cách tu tập nhưng kết quả đạt được lại như nhau. Niệm danh Phật đến khi tất cả những ý nghĩ được xua đuổi ra khỏi tâm thức, chỉ còn “A-di-đà”, người ta sẽ đạt một trạng thái không khác gì chú tâm vào một công án. Với quan niệm này – song song với việc giữ giới luật – Sư thuyết phục được rất nhiều người tu hành Phật đạo, đặc biệt là trong giới Cư sĩ.

Vân Thuỷ

Từ Điển Đạo Uyển

雲水; J: unsui; là mây nước;
Trong Thiền tông, danh từ này được dùng để chỉ những thiền sinh mới gia nhập Thiền viện, các Sa-di. Các khung trang trí ở những Thiền viện thường được vẽ hoặc khắc với những mô-típ vân thuỷ.
Ðến và đi vô ý, lưu động tự do tự tại, hợp tán tuỳ theo điều kiện bên ngoài, thích hợp với mọi hoàn cảnh như nước chảy một cách im lặng qua những chướng ngại, tuỳ theo dạng của vật chứa – đó chính là những đặc tính tiêu biểu của mây nước, những đặc tính mà Thiền tông đề cao và tìm cách thực hiện trong cuộc sống.
Lấy mây nước làm gương cho cuộc sống – phong cách này đã được tìm thấy nơi các vị hâm mộ Lão giáo (Lão Tử, Trang Tử), một hệ thống triết lí gây ảnh hưởng rất lớn đến Thiền tông. Rất nhiều thi hào đã ca tụng “mây trắng” (白雲; bạch vân) là biểu tượng của một cuộc sống siêu phàm. John Blofeld viết trong The Wheel of Life: “Trong vạn vật thì người có trí nên chọn nước làm thầy. Nước chinh phục được tất cả… Nước tránh tất cả những chướng ngại với một sự khiêm nhường lạ lùng, nhưng không một chướng ngại nào có thể ngăn cản được nước trên con đường trở về đại dương đã định. Nước thắng bằng sự khiêm nhường, không bao giờ tấn công nhưng vẫn thắng trận cuối. Trí giả noi gương nước mà hành động thì rất khiêm nhường, vô sự, hành động trong vô vi (Bất hành nhi hành) nhưng qua đó mà chinh phục được thế gian.”

Văn Tự Pháp Sư

Từ Điển Đạo Uyển

文字法師; J: monji-hōshi;
Chỉ một “Pháp sư” tinh thông chữ nghĩa trong kinh luận nhưng lại không thấu được huyền nghĩa và trực nhận chân lí, nghĩa là chưa đạt đến trình độ Tri hành hợp nhất, chưa Kiến tính.

Vân Vân

Từ Điển Đạo Uyển

云云; C: yúnyún; J: unun;
1. Và như thế, “v.v…”; 2. Chấm dứt một đoạn văn được trích dẫn.

Văn-Thù Sư-Lị

Từ Điển Đạo Uyển

文殊師利; S: mañjuśrī; tên dịch theo âm, thường được gọi tắt là Văn-thù, dịch nghĩa là Diệu Ðức (妙德), Diệu Cát Tường (妙吉祥), cũng có lúc được gọi là Diệu Âm (妙音; s: mañjughoṣa);
Một vị Bồ Tát tượng trưng cho trí huệ, một trong những vị Bồ Tát quan trọng của Phật giáo. Lần đầu tiên người ta nhắc đến Văn-thù trong tác phẩm Văn-thù Sư-lị căn bản nghi quỹ (s: ārya-mañjuśrī-mūlakalpa) ở thế kỉ thứ 4. Tranh tượng trình bày Văn-thù với lưỡi kiếm và kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa, được vẽ khoảng ngang đầu. Người ta xem đó là biểu tượng trí huệ phá đêm tối của Vô minh.
Trong Phật giáo Tây Tạng, các vị luận sư xuất sắc như Tông-khách-ba (t: tsong-khapa) thường được xem là hiện thân của Văn-thù (Chu-cô). Dưới tên Diệu Âm (妙音; mañjughoṣa), “Người với tiếng nói êm dịu”, Văn-thù Bồ Tát thường được tán tụng trước khi hành giả nghiên cứu kinh điển, nhất là kinh điển thuộc hệ Bát-nhã ba-la-mật-đa và học thuyết của Trung quán tông. Ngài là vị Bồ Tát tượng trưng cho kinh nghiệm giác ngộ, đạt được bằng Phương tiện tri thức.
Văn-thù cũng xuất hiện dưới dạng Hộ Thần (s: iṣṭadevatā, sādhita; t: yidam) phẫn nộ, có tên gọi là Diêm-mạn Ðức-ca – “Người chiến thắng tử thần” (s: yamāntaka), có dạng vị thần mang đầu bò. Dạng này là Hộ Thần quan trọng của phái Cách-lỗ (t: gelugpa) tại Tây Tạng.


H 72: Văn-thù Sư-lị dưới dạng mười hai tay (s: nāmasaṅgīti-mañjuśrī). Hai tay dưới cùng đang bắt Ấn thiền, hai tay kế trên đang nhúng vào Bát trong tư thế chuẩn bị rưới nước Cam-lộ, hai tay trước ngực đang bắt ấn chuyển pháp luân, bốn tay bên hông đang trong tư thế cầm cung tên, kiếm và sách (kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa), nhằm tiêu diệt Vô minh. Hai tay trên đầu bắt Ấn tối thượng bồ-đề.
Theo truyền thống Phật giáo Trung Quốc, Văn-thù được Phật đích thân Thích-ca giao phó việc truyền bá Phật pháp tại đây và Ngũ Ðài sơn chính là nơi Ngài thuyết pháp. Vì vậy, Ngũ Ðài sơn cũng được xem là trụ xứ của Ngài (Tứ đại danh sơn). Một thuyết khác bảo rằng, Ngài đã từng xuất hiện tại Trung Quốc trong thế kỉ 1, đời Hán Minh Ðế.

Vệ-Xá-Li

Từ Điển Đạo Uyển

S: vaiśālī; P: vesāli; Hán Việt: Phệ-xá-li (吠舍釐), Tì-da-li;
Thành phố quan trọng trong thời Phật còn tại thế, cách thành phố Patna ngày nay khoảng 40 km, nằm giữa sông Hằng và dãy Hi-mã-lạp sơn. Ðây là kinh đô của dòng Licchavi, thuộc liên minh Bạt-kì (p: vajjī), là nơi vua A-xà-thế định tấn công. Phật Thích-ca đã nhiều lần thăm viếng Vệ-xá-li, là nơi nàng Am-ba tặng Phật một vườn trái cây để an nghỉ với tên Am-la thụ viên (p: āmravāna). Phật đã thuyết nhiều bài kinh quan trọng tại đó. Vệ-xá-li là nơi Kết tập lần thứ 2 năm 386.
Năm 1958 người ta tìm thấy tại đây trong một tháp cũ, một bình nhỏ đựng di cốt, tro và nhiều vật dụng. Có thể đây là phần Xá-lị của Phật được chia cho dân Licchavi.

Vị

Từ Điển Đạo Uyển

位; C: wèi; J: i;
1. Địa vị, tầng lớp, vị trí, mức độ, chỗ ngồi, thế. Giai vị (s: daśā, avasthā); 2. Đặt vào vị trí, đặt vào một chỗ nhất định; 3. Địa thế, trường hợp; 4. Giai vị chứng đạo; 5. Địa vị của người thống trị.

Vị

Từ Điển Đạo Uyển

味; C: wèi; J: mi;
Có các nghĩa sau: 1. Mùi vị, hương vị; 2. Nếm; 3. Độ nghiêng, khuynh hướng; 4. Cảm giác, không khí; 5. Lí lẽ, ý nghĩa.

Vị Cảnh

Từ Điển Đạo Uyển

味境; C: wèijìng; J: mikyō; S: rasa-visaya.
Một trong 5 loại trần cảnh (vị trần, đối tượng nhận biết của giác quan). Đối tượng của vị giác được nhận biết bởi thiệt thức.

Vị Chí

Từ Điển Đạo Uyển

未至; C: wèizhì; J: mishi;
Viết tắt của Vị chí định (未至定).

Vị Chí định

Từ Điển Đạo Uyển

未至定; C: wèizhìdìng; J: mishijō;
Công phu tu tập chuẩn bị để thể nhập vào định Sơ thiền (初禪定).

Vị Cư

Từ Điển Đạo Uyển

位居; C: wèijū; J: ikyo;
Trú xứ, nơi cư ngụ.

Vị Hữu

Từ Điển Đạo Uyển

未有; C: wèiyŏu; J: miu;
Không hiện hữu; chưa bao giờ có; chưa từng có. (s: abhāva, abhūtvā, vinā; t: med pa)

Vị Lai

Từ Điển Đạo Uyển

未來; C: wèilái; J: mirai; S: anāgata.
Thời gian chưa đến; tương lai, thế hệ kế tiếp, thời đại tiếp theo.

Vị Li Dục

Từ Điển Đạo Uyển

未離欲; C: wèilíyù; J: miriyoku;
Trạng thái chưa tự tại đối với sự ham muốn (s: avītarāga). Trong Du-già sư địa luận, giai đoạn nầy tương đương với quả vị Dư lưu, và là giai vị đầu tiên trong ba quả vị li dục (Tam li dục 三離欲).

Vị Phân

Từ Điển Đạo Uyển

未分; C: wèifēn; J: mibun;
Không khác biệt; chưa bị phân biệt; chưa bị tách rời.

Vị Tằng Hữu

Từ Điển Đạo Uyển

未曾有; C: wèicéng yŏu; J: misōu;
1. Không bao giờ, chưa bao giờ. Chưa từng có bao giờ, từng thấy, từng trải qua; chưa từng xảy ra; chưa từng có bao giờ…; hiếm, bất thường; 2. Trong kịch nghệ và mỹ học Ấn Độ, có một loại thơ gọi là adbhuta, nghĩa là “ngạc nhiên”, hoặc “tôi chưa từng bao giờ…” Do kinh Phật là điều chưa từng thấy trên thế gian, nên thuật ngữ nầy trở nên được dùng như một thuật ngữ chỉ cho 12 thể loại trong kinh văn Phật giáo. A-phù-đạt-ma (阿浮達磨), là sự giải thích những biểu hiện mầu nhiệm của Đức Phật hay của các vị Bồ Tát. Còn được dịch là Hi pháp (希法), Thắng pháp (勝法), Kì đặc pháp (奇特法), Vị tằng hữu pháp (未曾有法), Vị tằng hữu kinh (未曾有經) và phiên âm là A-phù-đà Đạt-ma (阿浮陀達磨), A-phù-đa Đạt-ma (阿浮多達磨), Át-phù-đà Đạt-ma (頞浮陀達磨), và A-phù-đạt-ma (阿浮達磨).

Vị Tằng Hữu Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

未曾有經; C: wèicéngyŏu jīng; J: misōu kyō;
Chưa từng trải qua; chưa từng xảy ra; hiếm có, bất thường (s: adbhuta). Một trong 12 thể loại trong kinh Phật. Vị tằng hữu (未曾有).

Vị Tằng Hữu Pháp

Từ Điển Đạo Uyển

未曾有法; C: wèicéngyŏu fă; J: misōu hō;
Chưa từng trải qua; chưa từng xảy ra; hiếm có, bất thường (s: adbhuta; adbhuta-dharma); Vị tằng hữu (未曾有).

Vi-Da-Li-Pa

Từ Điển Đạo Uyển

S: vyālipa; “Nhà giả kim của kĩ nữ”;
Là vị Tất-đạt cuối cùng trong hệ thống 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ, có lẽ sống trong thế kỉ thứ 10.
Ông là một Bà-la-môn rất giàu có và mơ ước chế ra được thuốc bất tử. Ông dành hết gia tài mua thật nhiều thuỷ ngân và dị thảo để chế thuốc nhưng không thành, ông tức giận vứt sách chỉ dẫn xuống sông, trở thành người ăn xin. Lần nọ, bên bờ sông Hằng, ông gặp một nàng kĩ nữ cho ông xem một cuốn sách mà nàng nhặt được, thì ra đó là cuốn sách ông đã vứt. Ông kể cho nàng nghe toàn bộ câu chuyện, nghe xong nàng cho ông 30 đồng tiền vàng để ông nghiên cứu tiếp. Ông lại bỏ tiền ra mua các thứ. Một năm trôi qua mà không có kết quả gì vì thiếu một chất nhất định nào đó. Lần nọ, nàng kĩ nữ đang tắm thì có một cánh hoa rơi vào tay, nàng ném hoa đi thì có một giọt nước từ hoa tiết ra rơi vào thuốc. Nhờ đó, thuốc thành tiên dược. Vi-da-li-pa, nàng kĩ nữ và một con ngựa được uống thuốc này cả ba đạt trường sinh bất tử. Sau đó cả ba sống cô độc trên một tảng đá giữa vùng đầm lầy để tránh không cho ai được biết công thức của thuốc này. Nhưng vị Ma-ha Tất-đạt Long Thụ biết được, dùng thần thông bay đến xin đổi công thức của thuốc lấy một chiếc giày biết bay của ông. Sau khi truyền cho Long Thụ công thức bí mật thì Vi-da-li-pa về lại thế gian, xin làm đệ tử của Cha-ba-ri-pa (s: carbaripa) và đạt Tất-địa. Về sau Vi-da-li-pa trở thành một nhà thơ và chuyên ca những bài ca chứng đạo (s: dohā). Bài hát chứng đạo của ông như sau:
Linh ảnh về Thật tại,
là hình ảnh Ðạo sư.
Ðộc cư cao cả nhất,
là quán không vô biên.
Hoà hợp vẹn toàn nhất,
là ngộ được Tự tính,
của mỗi một hiện tượng.
Khi ngươi uống một hơi,
bầu sữa của trời đất,
mới đích thật là sống.

Vi-Na-Pa

Từ Điển Đạo Uyển

S: vīṇāpa; “Người chơi đàn Vi-na”, còn có biệt danh khác là “Người mê âm nhạc”;
Một trong 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ, không rõ sống trong thời đại nào, có thể trong thế kỉ thứ 8.
Ông là một hoàng tử được vua cha truyền ngôi nhưng không ham thích gì hơn là chơi đàn Vi-na (vīṇā). Hoàng cung mời vị Du-già sư Phật-đà-ba (buddhapa) khuyên giải. Phật-đà-ba khuyên ông quán tính Không trong tiếng đàn, quán âm thanh siêu việt nhất là “Vô âm.” Sau chín năm thực hành, ông đạt Tất-địa.
Sau nhiều năm kiên trì,
và hết lòng tập luyện,
thuần thục đàn Vi-na
Rồi khi ta tu tập,
tiếng dây đàn vô thanh,
ta đánh mất tự ngã.

Vi-Ru-Pa

Từ Điển Đạo Uyển

S: virūpa; “Thầy của Không hành nữ”;
Một Ma-ha Tất-đạt (s: mahāsiddha) trong 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ, được xem sống trong đầu thế kỉ thứ 9.
Vi-ru-pa sinh dưới thời vua Ðề-bà Ba-la (Thiên Hộ; s: devapāla), từ nhỏ đã xuất gia thụ giới và được hướng dẫn tu tập Mật giáo. Nữ Hộ Thần của ông là một Không hành nữ (s: ḍākinī) với tên Kim cương Va-ra-hi (s: vajra vārāhī). Sau khi đọc tên của vị này đến hai mươi triệu lần trong mười hai năm không có kết quả, dấu hiệu gì của sự tiến triển, ông định vứt bỏ mọi phép tu tập thì một Không hành nữ hiện lên và khai thị: “Con người may mắn kia, đừng lo ngại! Hãy từ bỏ mọi thói quen, quan niệm thị phi, giữ tâm thức vô niệm.” Sau khi tu luyện thêm mười hai năm, Vi-ru-pa đạt Ðại thủ ấn tất-địa (s: mahāmudrāsiddhi). Bài kệ chứng đạo của ông như sau:
Tính thanh tịnh sẵn có,
Là tự tính của tâm
Kim cương Va-ra-hi đích thật
Ðừng tìm kiếm đâu xa,
dại dột và trẻ con.
Tự tính của tâm thức,
là viên ngọc như ý,
Vượt khỏi mọi khái niệm,
là nhận thức đúng nhất.
Ðặc biệt là sau khi đắc đạo, ông bắt đầu ăn thịt uống rượu do các môn đệ đem đến. Một hôm, các vị trụ trì trong chùa thấy nhiều con bồ câu mất tích, tìm kiếm và thấy ông đang ngồi ăn thịt bồ câu. Kết quả là ông bị trục xuất ra khỏi chùa. Gần chùa có một ao sen lớn và khi Vi-ru-pa rời chùa băng qua ao này, mỗi bước chân ông được một lá sen nâng lên. Thấy vậy, các vị trụ trì hối hận vì đã trục xuất một thánh nhân. Các vị tăng đến hỏi ông vì sao ông lại ăn thịt bồ câu. Bình thản, ông trả lời: “Chúng chỉ là ảo ảnh, ảo ảnh như tất cả các pháp hữu vi.” Ông ra lệnh đem tất cả những xương, lông còn lại của mấy con bồ câu và khẩy ngón tay, tất cả những con bồ câu sống lại và tung cánh bay. Sau đó, ông giao du khắp nơi truyền bá Phật pháp và cuối cùng được lên cõi của các vị Không hành nữ.

Viên Chiếu

Từ Điển Đạo Uyển

圓照; 999-1090
Thiền sư Việt Nam, thuộc thiền phái Vô Ngôn Thông đời thứ 7. Sư kế thừa Thiền sư Ðịnh Hương và là thầy của Quốc sư Thông Biện.
Sư tên Mai Trực, quê ở Phúc Ðường, Long Ðàm, là con của người anh của bà Linh Thái Hậu, vợ vua Lí Thái Tông. Thuở nhỏ, Sư rất thông minh và hiếu học. Một hôm, Sư đến chùa Mật Nghiêm nhờ một vị Trưởng lão xem số. Vị này bảo: “Ngươi có duyên với Phật pháp, nếu xuất gia sẽ là vị Bồ Tát, bằng không thì việc thọ yểu khó giữ.”
Cảm ngộ lời khuyên này, Sư đến ấp Tiêu Sơn thụ giáo với Thiền sư Ðịnh Hương và được truyền tâm ấn. Sư chuyên trì kinh Viên giác và có nhiều điềm linh ứng xảy ra.
Sau, Sư đến kinh đô Thăng Long lập một ngôi chùa để hiệu là Cát Tường. Học giả đến tham vấn rất đông. Sư có soạn một bài thích luận với tên Dược Sư thập nhị nguyện văn, vua Lí Nhân Tông truyền sứ giả mang sang Trung Quốc trình vua Tống Triết Tông. Vua Tống trao cho những vị cao tăng ở đây xem. Xem xong, các vị bảo: “Ðây là nhục thân Bồ Tát ra đời ở phương Nam, giảng giải kinh nghĩa rất tinh vi, chúng tôi đâu dám thêm bớt chữ nào”. Sứ thần về kinh đô tâu lại, vua lại càng kính nể.
Tháng 9 niên hiệu Quảng Hựu thứ 6 đời vua Lí Nhân Tông, Sư gọi môn đồ vào dạy: “Trong thân ta đây, xương lóng gân mạch, tứ đại hoà hợp, ắt phải vô thường. Ví như ngôi nhà khi hoại, nóc mái, xà ngang đều rơi rớt. Tạm biệt các ngươi. Hãy nghe ta nói kệ:
身如牆壁已頹時。舉世匆匆熟不悲
若達心空無色相。色空隱顯任推移
Thân như tường bích dĩ đồi thì
Cử thế thông thông thục bất bi
Nhược đạt tâm không vô sắc tướng
Sắc không ẩn hiển nhậm thôi di.
*Thân như tường vách đã long lay
Ðau đâu người đời luống xót thay
Nếu đạt tâm không, không tướng sắc
Sắc, không ẩn hiện mặc vần xoay.”
Nói xong, Sư ngồi ngay thẳng thị tịch, thọ 92 tuổi, 56 tuổi hạ.
Sư có để lại các tác phẩm như: 1. Tán Viên giác kinh; 2. Thập nhị Bồ Tát hạnh tu chứng đạo trường; 3. Tham đồ hiển quyết.

Viên Chiếu Tông Bản

Từ Điển Đạo Uyển

圓照宗本; ?-1099
Thiền sư Trung Quốc, thuộc tông Vân Môn, môn đệ đắc pháp của Thiền sư Thiên Y Nghĩa Hoài. Nối pháp của Sư có bốn vị danh tiếng là Pháp Vân Thiện Bản, Ðầu Tử Tu Ngung, Kim Sơn Pháp Ấn và Tịnh Nhân Phật Nhật.
Sư họ Quản, quê ở Vô Tích, Thường Châu. Sư lúc nhỏ đã dung mạo trang nghiêm, tính tình thuần hậu. Năm được 19 tuổi, Sư theo Thiền sư Ðạo Thăng tại chùa Thừa Thiên Vĩnh An trên núi Cô Tô xuất gia và ở đây hầu hạ thầy.
Bước đầu du phương, Sư đến Thiền sư Thiên Y Nghĩa Hoài. Thiên Y dẫn câu chuyện sau hỏi Sư: “Thế Thân (s: vasubandhu) theo đức Di-lặc vào nội cung nghe thuyết pháp rồi trở về. Vô Trước (asaṅga) hỏi Thế Thân: ›Ở nhân gian bốn trăm năm tại cõi trời Ðâu-suất một ngày một đêm. Ðức Di-lặc trong một thời dạy xong năm trăm ức vị thiên tử chứng pháp vô sinh, chưa biết nói pháp gì?‹ Thế Thân đáp: ›Chỉ nói pháp ấy. Thế nào là pháp ấy?‹” Trải qua một thời gian lâu Sư mới ngộ được ý chỉ. Một hôm, Thiên Y hỏi Sư: “Khi tức tâm tức Phật thì thế nào?” Sư thưa: “Giết người đốt nhà có gì là khó!”
Danh tiếng của Sư từ lúc này vang khắp và Sư được thỉnh trụ trì nhiều Thiền viện. Sau, Sư đến chùa Huệ Lâm trụ trì. Vua Tống Thần Tông rất tôn kính Sư.
Sau, Sư lấy cớ tuổi già xin trở về rừng núi. Vua chấp thuận và cho phép Sư tuỳ ý vân du, không ép buộc trụ trì nơi nào. Sư đánh trống từ biệt chúng và nói kệ:
Bản thị vô gia khách
Na kham nhậm ý du
Thuận phong da lỗ trạo
Thuyền tử hạ Dương Châu.
*Vốn là khách không nhà
Nay được tuỳ ý đạo
Thuận gió theo nhịp chèo
Dương Châu thuyền thẳng đến.
Sắp từ biệt nhau, Sư nhắc nhở những người đưa tiễn: “Không nên vui đùa năm tháng, già chết chẳng thẹn cùng người. Chỉ nên siêng năng tu hành chớ lười trể đó mới là thật lòng vì nhau.”
Sau khi chu du hoằng hoá nhiều nơi, Sư lại đến Linh Nham trụ trì. Niên hiệu Nguyên Phù năm thứ hai (1099), lúc sắp tịch, Sư tắm gội xong nằm dài dưới đất. Ðệ tử thấy vậy liền đỡ Sư lên giường nằm và thưa: “Hoà thượng truyền đạo khắp thiên hạ, hôm nay không lẽ chẳng để kệ, mong gắng ngồi yên.” Sư liền bảo: “Kẻ si! Ta bình thường ghét làm kệ, ngày nay cả thảy mong làm gì? Bình thường ta ưng nằm thì nằm, chẳng lẽ ngày nay lại chuyên ngồi? Ðem bút lại.” Chúng đem bút lại, Sư cầm bút viết: “Việc sau trao cho Thủ Vinh”, và ném bút, nằm xuống thị tịch.

Viên Giác Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

圓覺經; C: yuánjué-jīng; J: engaku-kyō; tên ngắn của bộ kinh Ðại phương quảng viên giác tu-đa-la liễu nghĩa kinh (s: mahāvaipulyapūrṇa-buddhasūtra-prasannārtha-sūtra);
Một bộ kinh Ðại thừa quan trọng được Giác Cứu (Phật-đà Ða-la; s: buddhatrāta) dịch sang Hán ngữ năm 693. Kinh này được chia làm mười hai chương, lấy tên của mười hai vị Ðại Bồ Tát làm tên của mỗi chương. Phần nội dung và phần kết thúc bao gồm mười hai lần hỏi đáp. Trong kinh này, mười hai vị Ðại Bồ Tát, trong đó có hai vị Văn-thù và Phổ Hiền, được chỉ dạy về sự viên mãn của Giác ngộ (viên giác). Kinh này có ảnh hưởng lớn trong Thiền tông.

Viên Giác Tự

Từ Điển Đạo Uyển

圓覺寺; J: engaku-ji;
Một thiền viện nổi danh của Nhật Bản, nằm tại Liêm Thương (kamakura). Thiền viện này được một vị Thiền sư Trung Quốc là Vô Học Tổ Nguyên khai sáng, với sự ủng hộ của Tướng quân Bắc Ðiều Thì Tông (hōjo tokimune). Thiền viện này là trụ sở chính của thiền phái Viên Giác (engaku-ji-ha) của tông Lâm Tế tại Nhật, được xếp vào hệ thống Ngũ sơn của Liêm Thương. Viên Giác tự là một trong những thiền viện hiếm hoi vẫn còn hoạt động đến thời nay; rất nhiều thiền viện nhỏ đứng dưới sự quản lí của thiền viện này.

Viên Học

Từ Điển Đạo Uyển

圓學; 1053-1116
Thiền sư Việt Nam, thuộc thiền phái Tì-ni-đa Lưu-chi, pháp hệ thứ 17. Sư nối pháp Thiền sư Chân Không và truyền lại cho đệ tử là Quốc sư Viên Thông.
Sư họ Hoàng, quê ở làng Như Nguyệt. Thuở nhỏ, Sư xuất gia tu học tại chùa Ðại An Quốc, huyện Tế Giang, ban đầu đọc hết các loại sách thế tục, đến năm lên hai mươi mới bước vào nghiên cứu nội điển.
Nhân nghe một câu nói của Thiền sư Chân Không, Sư lĩnh hội huyền chỉ. Sau đó, Sư tuỳ phương giáo hoá.
Về sau, Sư trùng tu chùa Quốc Thanh ở làng Phù Cầm và đúc một quả chuông. Sư làm bài kệ dạy chúng:
六識常昏終夜苦。無明被覆久迷慵 晝夜聞鐘開覺悟。懶神淨剎得神通
Lục thức thường hôn chung dạ khổ
Vô minh bị phú cửu mê dung
Trú dạ văn chung khai giác ngộ
Lãn thần tịnh sát đắc thần thông.
*Sáu thức tối tăm khổ đêm dài
Vô minh che đậy mãi mê say
Sớm tối nghe chuông lòng tỉnh giác
Thần lưỡi dứt sạch, được thần thông.
Năm Bính Thìn, niên hiệu Thiên Chương Bảo Tự thứ 4, ngày 14 tháng 6, Sư thị tịch, thọ 64 tuổi.

Viên Ngộ Khắc Cần

Từ Điển Đạo Uyển

圓悟克勤; C: yuánwù kèqín; J: engo kokugon; 1063-1135, cũng được gọi là Phật Quả;
Thiền sư Trung Quốc tông Lâm Tế, hệ phái Dương Kì. Sư nối pháp Ngũ Tổ Pháp Diễn và là thầy của Hổ Khâu Thiệu Long và Ðại Huệ Tông Cảo.
Sư là một trong những Thiền sư danh tiếng nhất thời đó và với những môn đệ nói trên, Thiền tông Trung Quốc phất lên như một ngọn đuốc lần cuối trước khi được truyền sang Nhật và bước đến thời kì suy tàn tại bản quốc. Sư nổi danh nhờ biên soạn tập Công án Bích nham lục, một kiệt tác mà ngày nay vẫn còn được rất nhiều người hâm mộ.
Sư sinh trong một gia đình theo Nho giáo. Sau khi xuất gia, Sư chuyên học kinh luận. Một cơn bệnh nguy kịch làm cho Sư thấy rõ con đường giác ngộ không nằm trong văn tự. Vì vậy, Sư Hành cước, thăm viếng nhiều vị Thiền sư. Ðến Thiền sư Thắng ở Chân Giác, Thắng chích máu ở cánh tay bảo Sư: “Ðây là một giọt nước nguồn Tào” (tức là Tào Khê, ám chỉ Lục tổ), Sư kinh hãi nói: “Ðạo vẫn như thế ư?” và ngay ngày hôm sau, Sư rời Thiền sư Thắng.
Cuối cùng, Sư đến Thiền sư Pháp Diễn ở núi Ngũ Tổ. Mặc dù đã trình hết cơ dụng, sở đắc của mình nhưng Pháp Diễn vẫn không chấp nhận. Sư tức giận – cho rằng Pháp Diễn nói lời bừa bãi xoay chuyển người – bèn bỏ đi. Thiền sư Diễn bảo Sư: “Ðợi ông mắc bệnh nặng mới nghĩ đến ta.”
Sư đến Kim Sơn mắc bệnh thương hàn rất nặng. Nhớ đến lời của Pháp Diễn, Sư trở về làm Thị giả. Mới tham thiền ở đây được nửa tháng, Sư gặp một vị quan Ðề Hình (cảnh sát) đến Pháp Diễn vấn đạo. Pháp Diễn nhân đây hỏi: “Ðề Hình thuở thiếu niên từng học Tiểu diễm thi chăng? Có hai câu hỏi gần nhau ›Cô ấy gọi và gọi, Tiểu Ngọc, nhưng lại chẳng có ý gì, chỉ muốn chàng biết qua lời mình: Em ở đây.‹ (Tần hô Tiểu Ngọc nguyên vô sự, chỉ yếu Ðàn Lang nhận đắc thanh; 頻呼小玉元無事秖要檀郎認得聲)”. Ðề Hình ứng: “Dạ! Dạ!” Pháp Diễn bảo: “Hãy chính chắn.” Sư nhân nghe cuộc đàm thoại này có chút tỉnh và sau khi vị quan từ biệt, Sư hỏi Pháp Diễn xem Ðề Hình có hiểu lời dạy chăng. Diễn bảo: “Ông ấy chỉ nhận được thanh.” Sư thưa: “Chỉ cốt đàn lang nhận được thanh, kia đã nhận được thanh, vì sao lại chẳng phải?” Pháp Diễn hỏi: “Thế nào là ý Tổ sư sang?” và tự đáp: “Cây bách trước sân, xem, xem!” Sư ngay lúc này triệt ngộ, chạy thẳng một mạch ra sân. Thấy con gà đậu trên lan can vỗ cánh gáy, Sư tự bảo: “Ðây há chẳng phải thanh” và trở vào thất trình bài kệ (Ðịnh Huệ dịch):
金鴨香鎖錦繡幃。笙歌叢裏醉扶歸
少年一段風流事。只許佳人獨自知
Kim áp hương tiêu cẩm tú vi
Sảnh ca tòng lí tuý phù quy
Thiếu niên nhất đoạn phong lưu sự
Chỉ hứa giai nhân độc tự tri.
*Lò hương bên trướng khói vừa tan
Say khước dìu về nhạc vấn vương
Một đoạn phong lưu thời trai trẻ
Chỉ có giai nhân mới hiểu chàng.
Mặc dù đã được ấn khả nhưng Sư vẫn ở lại hầu đến lúc thầy tịch. Cùng với hai vị Thanh Viễn Phật Nhãn và Huệ Cần Phật Giám, Sư – với danh hiệu khác là Phật Quả – được xem là bậc thượng thủ trong thiền lâm thời bấy giờ.
Sư đến thăm vị Cư sĩ danh tiếng bấy giờ là Trương Vô Tận và nhân dịp này, hai người luận về kinh Hoa nghiêm. Nhân lúc bàn luận về Lí sự pháp giới (Hoa nghiêm tông), Sư hỏi: “Ðây đáng gọi là Thiền chưa?” Vô Tận đáp: “Chính gọi là Thiền.” Sư cười bảo: “Chưa phải, còn nằm trong Lượng pháp giới bởi Lượng pháp giới chưa diệt. Nếu đến Sự sự vô ngại pháp giới thì Lượng pháp giới diệt, mới gọi là Thiền. Thế nào là Phật? Cục cức khô. Thế nào là Phật? Ba cân gai. Thế nên Chân Tịnh (Bảo Phong Khắc Văn) làm bài kệ: ›Sự sự vô ngại, như ý tự tại, tay cầm đầu heo, miệng tụng tịnh giới, đẩy ra phòng dâm, tiền rượu chưa trả, ở ngã tư đường, cởi mở túi vải.‹” Cư sĩ Vô Tận nghe rất khâm phục, nhận Sư làm thầy. Sư cũng nhận lời mời của Vô Tận trụ trì viện Linh Tuyền ở Giáp Sơn và nơi đây, Sư hoàn tất tập công án Bích nham lục, một tác phẩm được xem là tối trọng trong lĩnh vực thiền ngữ.
Sư dạy chúng: “Bờ ao muôn nhẫn buông thỏng tay, cần phải người ấy, cây nỏ ngàn quân khi ấn máy há vì chuột thỏ? Vân Môn, Mục Châu ngay mặt lầm qua, Ðức Sơn, Lâm Tế nói đùa ngoài cổng, ngoài ra lập cảnh lập cơ làm hang làm ổ, thế là diệt chủng tộc nhà Phật, một câu độc thoát phải nói làm sao? Muôn duyên thay đổi nào còn việc, tháng năm phòng núi lạnh như băng…”
Niên hiệu Thiệu Hưng thứ năm (1135) tháng tám, Sư có chút bệnh, gọi chúng từ biệt và cầm bút viết kệ (Hân Mẫn dịch):
Ðã triệt không công
Bất tất lưu kệ
Hãy để ứng duyên
Trân trọng! Trân trọng!
Viết xong, Sư ngồi kết già an nhiên thị tịch. Vua Cao Tông sắc phong là Chân Giác Thiền sư.

Viên Nhân

Từ Điển Đạo Uyển

圓仁; J: ennin; 793-864;
Một Ðại sư Nhật Bản, thuộc tông Thiên Thai. Sư là đệ tử của Tối Trừng (j: saichō), từng du học 9 năm tại Trung Quốc. Sư viết một kí sự nổi tiếng về những năm tu học đó.
Lên 15 tuổi, Sư trở thành đệ tử của Tối Trừng. Sau khi thầy mất, năm 838 Sư đi Trung Quốc, tham vấn nhiều Thiền sư danh tiếng và khi trở về năm 847, Sư mang theo 559 bộ kinh, luận. Tại núi Tỉ Duệ (j: hiei), Sư truyền bá Thiên Thai tông và Chân ngôn tông và cả phép niệm danh hiệu A-di-đà để thác sinh về cõi Tịnh độ. Sư kế thừa sự việc của Tối Trừng bằng cách truyền bá tư tưởng Ðại thừa, và với những công lao này, Thiên Thai tông tại Nhật đi vào thời kì hưng thịnh. Kí sự của Sư đi Trung Quốc trong thời nhà Ðường chứa đựng những tư liệu quý báu về học thuật Phật giáo cũng như đời sống xã hội thời đó.

Viên Nhĩ Biện Viên

Từ Điển Đạo Uyển

圓爾辨圓; J: enni ben’en; 1202-1280; cũng được gọi là Thánh Nhất Quốc sư;
Thiền sư Nhật Bản, thuộc tông Lâm Tế, hệ phái Dương Kì. Sau một cuộc du học bảy năm tại Trung Quốc, Sư được Thiền sư Vô Chuẩn Sư Phạm Ấn khả. Trở về Nhật, Sư khai sáng và trụ trì nhiều chùa và được Hoa Viên Thiên hoàng (hanazono) sắc phong là Thánh Nhất Quốc sư (聖一國師; shōichi kokushi). Ðây là lần đầu tiên Nhật Bản có danh hiệu Quốc sư.
Sư xuất gia năm lên năm và sớm học giáo lí của Thiên Thai tông. Năm lên mười tám, Sư thụ giới cụ túc và sau đó, trong một khoảng thời gian ba năm, Sư chuyên học Nho giáo. Song song với các giáo lí trên, Sư cũng tu tập theo Mật giáo của Thiên Thai tông và được ấn chứng theo nghi lễ tông này năm 1228.
Năm 1235, Sư sang Trung Quốc và may mắn gặp được một trong những vị Thiền sư danh tiếng nhất thời là Vô Chuẩn Sư Phạm ở Kính Sơn, trụ trì Vạn Thọ Thiền tự. Sau một thời gian tu tập không lâu, Sư được Vô Chuẩn ấn khả và tặng một bức tranh. Bức tranh này ngày nay vẫn còn được trưng bày tại Ðông Phúc tự (tōfuku-ji) tại Kinh Ðô (kyōto).
Trở về Nhật, Sư sáng lập chùa Ðông Phúc và trụ trì nơi đây. Ngoài ra, Sư còn quản lí hai thiền viện khác là Thụ Phúc (jufuku-ji) và Kiến Nhân (kennin-ji), cả ba đều là những thiền viện quan trọng nằm trong hệ thống Ngũ sơn thập sát của Liêm Thương và Kinh Ðô.
Phương pháp dạy đệ tử của Sư bao gồm giáo lí của Thiên Thai, Chân ngôn và Thiền nhưng khác với Minh Am Vinh Tây (myōan eisai), Thiền được xếp cao hơn hẳn hai giáo môn kia. Trong Thánh Nhất pháp ngữ (shōichihōgo), Sư trả lời câu hỏi “Tông này được gọi là nền tảng của tất cả các pháp, hiểu thế nào?”:
“Thiền là Phật tâm, Giới luật chỉ là bề ngoài, giáo pháp là giảng nghĩa bằng văn tự, niệm Phật là Phương tiện (j: hōben), cả ba đều xuất phát từ Phật tâm, vì thế tông này được xem là căn bản.”
Hỏi: “Làm thế nào học để hiểu được ›Kiến tính thành Phật‹?”
Sư đáp: “Cái hiểu biết qua Kinh (s: sūtra), Luận (s: śāstra) là thấy, nghe, thụ tưởng và nhận thức. Ðó là cái hiểu biết của Phàm phu (s: pṛthagjana; j: bonpu), không phải cái hiểu biết chân thật. Ai biết xoay ánh sáng của tâm rọi chiếu trở lại sẽ nhìn ra Phật tính, người ta gọi là có huệ nhãn. Với huệ nhãn người ta kiến tính và thành Phật.”
Sư mất năm 1280 tại Ðông Phúc tự, thọ 80 tuổi. Ðệ tử đắc pháp của Sư hơn 30 người.

Viên Phật Giáo

Từ Điển Đạo Uyển

圓佛教; E: won-buddhism; “Won” nghĩa là “Viên”, là tròn tròa, viên mãn;
Một phong trào Phật giáo tại Hàn Quốc, được Soe-Tae San (1891-1943) khai sáng.
Cách tu tập theo giáo phái này bao gồm hai khía cạnh: thực hiện được Phật tính và tu “thiền phi thời gian và không gian.” Như vậy có nghĩa là, các tín đồ của giáo phái này cố gắng tìm thấy Phật tính nơi vạn vật và sống theo quan niệm này. Cách tu tập Thiền nói trên được gọi là “phi thời gian và không gian” bởi vì nó phông phụ thuộc vào một khoảng thời gian nào, thiền đường nào, luôn luôn được thực hiện được ở mọi nơi.
Viên Phật giáo chỉ biết một đối tượng thiền quán duy nhất: một hình tròn màu đen trên một nền trắng, một biểu tượng của Phật thân, Pháp thân (s: dharmakāya; Ba thân); từ biểu tượng này mà phát sinh ra tên của trào lưu Phật giáo này.
Phong trào này không phải là Tăng-già thông thường của Phật giáo: các vị tăng có thể lập gia đình. Viên Phật giáo không theo một nghi lễ nhất định nào, luôn luôn cố gắng viên dung các nhu cầu, điều kiện của con người hiện đại. Các bộ kinh quan trọng nhất được dịch sang tiếng Hàn Quốc dễ hiểu. Tín đồ của Viên Phật giáo đều hăng hái tham dự những hoạt động xã hội, từ thiện; trong những năm sau chiến tranh, họ góp công rất nhiều trong việc xây dựng trường học v.v…
Trong thời niên thiếu, Soe-Tae San đã tu tập khổ hạnh cho tới lúc “Ðại ngộ” năm 1915. Cùng với 9 vị đệ tử, ông tiếp tục tu tập, nghiên cứu Phật giáo. Năm 1924, họ thành lập “Hội nghiên cứu Phật giáo”, nhưng dưới sự đô hộ của Nhật Bản, ảnh hưởng của họ rất hạn chế. Kể từ 1946, giáo lí của Soe-Tae San mới thật sự được phổ biến khắp Hàn Quốc dưới tên Viên Phật giáo. Ngày nay, giáo phái này còn rất nhiều tín đồ.

Viên Thông

Từ Điển Đạo Uyển

圓通; 1080-1151
Thiền sư Việt Nam, thuộc thiền phái Tì-ni-đa Lưu-chi đời thứ 18. Sư đắc pháp nơi Thiền sư Viên Học và sau đó truyền lại cho đệ tử ưu tú là Y Sơn. Sư được phong danh hiệu Quốc sư.
Sư tên tục là Nguyễn Nguyên Ức, quê làng Cổ Hiền, sau dời về kinh đô Thăng Long lập nghiệp. Cha sư làm quan đến chức Tả hữu nhai tăng lục dưới triều Lí. Sư bẩm chất thông minh, xuất gia lúc còn nhỏ, thụ giáo với Thiền sư Viên Học ở chùa Quốc An. Nơi đây, Sư được truyền tâm ấn.
Sư được hai vị vua Lí là Nhân Tông và Thần Tông hết sức kính trọng, ban cho nhiều danh chức. Nổi danh nhất là lời dạy của Sư cho vua Lí Thần Tông về việc an dân trị nước, được lưu lại trong Thiền uyển tập anh.
Cuối đời, Sư về làng Cổ Hiền, tỉnh Nam Ðịnh lập chùa Quốc Ân trụ trì. Ngày 21 tháng 4 năm Tân Mùi, niên hiệu Ðại Ðịnh, Sư họp chúng từ biệt rồi viên tịch, thọ 72 tuổi.
Sư có đề lại các tác phẩm: 1. Chư Phật tích duyên sự; 2. Hồng chung văn bi kí; 3. Tăng-già tạp lục; 4. Viên Thông tập, gồm hơn 1000 bài thơ.

Viên Thông Pháp Tú

Từ Điển Đạo Uyển

圓通法秀; C: yuántōng fǎxiù; ?-1090;
Thiền sư Trung Quốc, thuộc tông Vân Môn, môn đệ nối pháp của Thiền sư Thiên Y Nghĩa Hoài.
Sư họ Tân, quê ở Thành Lũng, Tần Châu. Câu chuyện sinh ra Sư rất kì đặc. Có một vị sư già tại núi Mạch Tín muốn theo Hoà thượng Lỗ – vị trụ trì ở chùa Ứng Càn – đi du phương. Hoà thượng Lỗ chê vị này già không đi được và vị sư này nói với Hoà thượng Lỗ “Ngày sau nên tìm tôi ở dưới ngọn Thiết Trường bên rặng tre cạnh sườn núi.” Mẹ của Sư nằm mộng thấy có một vị sư già đến ngủ nhờ và tỉnh dậy biết mình có thai. Sau, Hoà thượng Lỗ nghe thấy Sư được sinh ra liền đến hỏi thăm và khi gặp Hoà thượng Lỗ, Sư liền mỉm cười. Lên ba tuổi, Sư theo Hoà Thượng Lỗ về chùa.
Ðến năm mười chín tuổi Sư đã thông các kinh như Viên giác, Hoa Nghiêm. Nghe danh Thiền sư Thiên Y Nghĩa Hoài, Sư liền đến tham vấn. Thiên Y hỏi Sư: “Toạ chủ giảng kinh gì?” Sư thưa: “Kinh Hoa Nghiêm.” Thiên Y hỏi: “Kinh Hoa Nghiêm lấy gì làm tông?” Sư thưa: “Lấy Pháp giới làm tông.” Thiên Y hỏi: “Pháp giới lấy gì làm tông?” Sư thưa: “Lấy tâm làm tông.” Thiên Y lại hỏi: “Tâm lấy gì làm tông?” Sư không đáp được. Thiên Y bảo: “Có sai hào li, cách xa trời đất. Ông phải tự khán ắt sẽ tìm ra được.” Sau, Sư nghe một vị tăng nhắc đến việc Bạch Triệu đến tham vấn Báo Từ với câu hỏi “Khi tình chưa sinh thì thế nào” và câu trả lời của Báo Từ “Cách” cho câu hỏi này, Sư hoát nhiên đại ngộ, chạy đến Thiên Y trình bày sở đắc. Thiên Y khen Sư: “Ngươi thật là pháp khí. Tông của ta sau này đi theo ngươi vậy.”
Ban đầu, Sư trụ trì tại Long Thô Tứ Diện, sau lại theo chiếu của vua Tống Thần Tông về núi Trường Lô trụ trì chùa Pháp Vân và cũng tại đây, Sư được ban hiệu là Viên Thông.
Sư thượng đường dạy chúng: “Trời lạnh mưa tí tách, gió thổi cát bay đá chạy, cây tróc chim kêu, các ngươi cả thảy đều biết. Hãy nói gió có hình sắc gì? Nếu biết được chấp nhận ngươi có con mắt sáng, nếu chẳng biết chớ lấy làm lạ lừa nhau. Tham!… Thiếu Lâm (chỉ Bồ-đề Ðạt-ma) chín năm ngồi lặng, lại bị Thần Quang Nhị tổ (Huệ Khả) ngó phủng. Hiện nay ngọc đá khó phân biệt, chỉ được gai cột giấy gói, hội chăng? Cười ta thì nhiều, nhận ta thì ít.”
Niên hiệu Nguyên Hựu năm thứ năm (1090), lúc sắp tịch, Sư bảo chúng: “Lão tăng sáu chỗ trụ trì có phiền Tri sự, Thủ toạ. Ðại chúng ngày nay Tứ đại chẳng vững chắc, gió lửa sắp tan, mỗi người nên lấy đạo tự an, chớ trái lời ta di chúc”, và nói kệ:
來時無物去時空。南北東西事一同
六處住持無所補。
Lai thời vô vật, khứ thời không
Nam bắc đông tây sự nhất đồng
Lục xứ trụ trì vô sở bổ.
*Khi đến không vật, lúc đi không
Nam bắc đông tây việc vẫn đồng
Trụ trì sáu chỗ không ai bổ.
Sư im lặng giây lâu, vị đệ tử là Huệ Ðương thưa: “Sao Hoà thượng không nói câu rốt sau?” Sư nói:
珍重!珍重!
“Trân trọng! Trân trọng!”
và nói xong liền tịch.

Viên Tướng

Từ Điển Đạo Uyển

圓相; J: ensō; là hình tròn, vòng tròn;
Theo đạo Phật – nhất là Thiền tông – hình tròn là biểu hiện của Chân lí tuyệt đối, Chân như, Giác ngộ. Trong những bức hoạ của giới hâm mộ thiền, người ta thường thấy những hình tròn. Người ta cho rằng, hình tròn này tiết lộ nhiều về trạng thái tâm thức của người vẽ và chỉ có người nào chú tâm, bình tĩnh mới có thể vẽ được hình tròn cân xứng tuyệt hảo (Quy Ngưỡng tông, Thập mục ngưu đồ).

Viết

Từ Điển Đạo Uyển

曰; C: yuē; J: etsu;
1. Nói, tuyên bố. Nói rằng; 2. Trình bày với lí lẽ, lí do; 3. Vui lòng để nói.

Vinh

Từ Điển Đạo Uyển

榮; C: róng; J: yō;
1. Phát triển, tăng trưởng, trở nên phổ biến; phong phú; 2. Sáng rỡ, sự thịnh vượng, phồn vinh. Huy hoàng, tráng lệ, sự kính trọng; 3. Ưu tú, kì diệu (s: samucchraya).

Vĩnh Bình Tự

Từ Điển Đạo Uyển

永平寺; J: eihei-ji;
Một trong hai ngôi chùa chính của tông Tào Ðộng ở Nhật Bản, được Thiền sư Ðạo Nguyên Hi Huyền thành lập năm 1243. Chùa thứ hai là Tổng Trì tự (sōji-ji).

Vĩnh đoạn

Từ Điển Đạo Uyển

永斷; C: yŏngduàn; J: yōdan;
Vĩnh viễn cắt đứt, thường nói đến sự cắt đứt phiền não. Theo Du-già sư địa luận, dạng nầy thù thắng hơn Phục đoạn (伏斷), là chỉ chặn đứng phiền não nhất thời.

Vĩnh Gia

Từ Điển Đạo Uyển

永嘉; C: yŏngjiā; J: yōka;
Vĩnh Gia Huyền Giác (永嘉玄覺).

Vĩnh Gia Chứng đạo Ca

Từ Điển Đạo Uyển

永嘉證道歌; C: yŏngjiā zhèngdào gē; J: yōka shōdō ka;
1 quyển, tác phẩm của Vĩnh Gia Huyền Giác, có sự liên hệ rất mật thiết về văn phong và nội dung với kinh Viên Giác.

Vĩnh Gia Huyền Giác

Từ Điển Đạo Uyển

永嘉玄覺; C: yòngjiā xuānjué; J: yōka genkaku; 665-713;
Thiền sư đời Đường. Sư còn có các tên Minh Đạo (明道), Chân Giác (眞覺), và Đạo Minh (道明). Thuỵ hiệu là Vô Tướng Đại Sĩ (無相大士). Sư là đệ tử được Huệ Năng ấn chứng, sư tinh thông cả 3 tông Thiền, Thiên Thai, và Hoa Nghiêm, Sư nổi tiếng với tên Nhất Túc Giác (一宿覺), có nghĩa là “giác ngộ trong một đêm”, với câu chuyện sư nghỉ lại một đêm với Lục tổ. Sư còn là tác giả của 2 tác phẩm ngắn nhưng rất thông dụng là Chứng đạo ca (證道歌) và Thiền tông Vĩnh Gia tập (禪宗永嘉集). Cả 2 tác phẩm đều giải quyết những vấn đề tư tưởng quan trọng trong giai đoạn ấy và cũng là đề tài của luận Đại thừa khởi tín, kinh Viên Giác, kinh Thủ Lăng Nghiêm.
Sư họ Ðới, quê ở Vĩnh Gia, Ôn Châu. Sư xuất gia từ nhỏ và sớm tham học Ðại tạng kinh, tinh thâm Chỉ-Quán. Nhân xem kinh Duy-ma-cật sở thuyết, Sư hoát nhiên liễu ngộ. Môn đệ của Lục tổ là Thiền sư Huyền Sách thấy Sư đàm luận lời lẽ thích hợp với chư Tổ bèn khuyên Sư đến Lục tổ để được ấn chứng chỗ sở đắc. Trận Pháp chiến sau đây giữa Sư và Tổ đã đi vào lịch sử của Thiền tông:
Sư cùng Huyền Sách đến Tào Khê tham vấn Tổ. Ðến nơi, Sư tay cầm tích trượng, vai mang bình bát đi nhiễu Tổ ba vòng. Tổ hỏi: “Phàm Sa-môn phải đủ ba ngàn uy nghi tám muôn tế hạnh, Ðại đức là người phương nào đến mà sinh đại ngã mạn như vậy?”
Sư thưa: “Sinh tử là việc lớn, Vô thường quá mau.”
Tổ bảo: “Sao không ngay nơi đó thể nhận cái vô sinh, liễu chẳng mau ư?” Sư thưa: “Thể tức vô sinh, liễu vốn không mau.” Tổ khen: “Ðúng thế! Ðúng thế!”
Ðại chúng nghe vậy đều ngạc nhiên. Sư bây giờ mới đầy đủ trang nghiêm lễ bái Tổ. Lát sau, Sư cáo từ, Tổ bảo: “Trở về mau quá!”
Sư thưa: “Vốn tự không động thì đâu có mau.”
Tổ hỏi: “Cái gì biết không động?”
Sư thưa: “Ngài tự phân biệt.”
Tổ bảo: “Ngươi đạt ý vô sinh rất sâu!”
Sư thưa: “Vô sinh há có ý sao?”
Tổ hỏi: “Không có ý, cái gì biết phân biệt?”
Sư thưa: “Phân biệt cũng không phải ý.”
Tổ khen: “Lành thay! Lành thay!”
Sư lưu lại một đêm hỏi thêm đạo lí và sau đó cùng Huyền Sách xuống núi. Thời nhân gọi Sư là “Giác giả một đêm” (一宿覺; Nhất túc giác).
Sư sau trụ trì ở Ôn Giang, học chúng đến tấp nập.
Ðời Ðường, niên hiệu Tiên Thiên thứ hai, ngày 17 tháng 10, Sư ngồi vui vẻ thị tịch, thọ 49 tuổi. Vua sắc phong là Vô Tướng Ðại sư, tháp hiệu Tịnh Quang. Sư trứ tác hai tập là Chứng đạo ca (證道歌) và Thiền tông ngộ tu viên chỉ, được lưu hành rộng rãi.

Vĩnh Gia Tập

Từ Điển Đạo Uyển

永嘉集; C: yŏngjiā jí; J: yōkashū;
Gọi tắt của Thiền tông Vĩnh Gia tập (禪宗永嘉集).

Vĩnh Minh Diên Thọ

Từ Điển Đạo Uyển

永明延壽; C: yòngmíng yánshòu; J: yōmyō enju; 904-975, cũng được gọi là Huệ Nhật Trí Giác (慧日智覺);
Thiền sư Trung Quốc, thuộc tông Pháp Nhãn, nối pháp Quốc sư Thiên Thai Ðức Thiều. Tông Pháp Nhãn rất phồn thịnh dưới sự hoằng hoá của Sư. Học chúng đến rất đông – có lúc đến 2000 người để tham thiền. Sư có soạn bộ Tông kính lục (宗鏡錄) gồm một trăm quyển, được lưu truyền khá rộng trong giới thiền.
Sư họ Vương, quê ở Dư Hàng, mộ đạo từ nhỏ. Sư lúc nhỏ không ăn thịt cá, mỗi ngày chỉ ăn một bữa. Năm 28 tuổi, Sư được làm quan trấn ở Hoa Ðình và có dịp tiếp xúc với Thiền sư Thuý Nham Vĩnh Minh. Sư lễ Thuý Nham làm thầy, làm việc hằng ngày phục vụ chúng mà quên cả chức vụ quan tước của mình. Cơ duyên xuất gia của Sư cũng rất thú vị và thường được nhắc đến. Vì thương dân nên Sư trộm lấy tiền của vua mà phân phát cho người nghèo. Một vị quan khác biết được bèn tâu lại với vua. Nghe chuyện này vua rất ngạc nhiên vì ông cứ cho rằng Sư là người thuần lương, thành thật. Ðể răn chúng dân, vua ra lệnh xử trảm nhưng lại căn dặn vị quan là nếu Sư nhận lệnh mà an vui trầm tĩnh thì tha tội và đến trình vua. Quả thật như nhà vua tiên đoán, Sư không tỏ vẻ sợ hãi khi nghe tin này. Ðược vua hỏi vì sao, Sư trả lời: “Thần muốn từ quan, cống hiến cuộc đời cho tất cả chúng sinh, muốn xuất gia tu học Phật pháp với trọn tấm lòng.” Nghe như vậy, Sư được vua cho phép từ quan chức để xuất gia.
Lên núi Thiên Thai, Sư yết kiến Quốc sư Ðức Thiều và được thầm trao huyền chỉ. Quốc sư bảo: “Ngươi cùng Nguyên Soái có duyên, sau này sẽ làm hưng thịnh Phật pháp.”
Ban đầu Sư đến núi Tuyết Ðậu, Minh Châu hoằng hoá, học chúng đến rất đông. Niên hiệu Kiến Long (950), Trung Hiến Vương thỉnh Sư trụ trì ở núi Linh Ẩn. Năm sau lại thỉnh Sư về trụ trì đại đạo trường ở Vĩnh Minh. Nơi đây, học chúng tấp nập có đến hai ngàn người.
Có vị tăng ra hỏi: “Thế nào là diệu chỉ của Vĩnh Minh?” Sư đáp: “Lại thêm hương đi.” Tăng thưa: “Tạ thầy chỉ dạy.” Sư bảo: “Hãy mừng chớ giao thiệp.”
Sư làm bài kệ:
欲識永明旨。門前一湖水
日照光明生。風來波浪起
Dục thức Vĩnh Minh chỉ
Môn tiền nhất hồ thuỷ
Nhật chiếu quang minh sinh
Phong lai ba lãng khởi.
*Biết diệu chỉ Vĩnh Minh
Trước cửa nước một hồ
Trời soi ánh sáng dậy
Gió sang sóng mòi sinh.
Tăng hỏi: “Ðâu chẳng phải lìa thức tính riêng có chân tâm ư? Trường Sa (Cảnh Sầm) có kệ: ›Học đạo mà không hiểu lí chân, bởi tại lâu rồi nhận thức thần, gốc nguồn sinh tử vô thuỷ kiếp, người ngu lại gọi là chủ nhân.‹”
Sư đáp: “Như Lai Thế Tôn trên hội Thủ-lăng-nghiêm vì ngài A-nan-đà giản biệt rất rõ mà ngươi vẫn cố chẳng tin. Ngài A-nan lấy cái suy xét theo đuổi làm tâm, bị Phật quở đó. Cái suy xét theo đuổi ấy là ›Thức‹ vậy. Nếu lấy cái biết pháp, theo tướng là Phiền não thì gọi thức, chẳng gọi tâm. Ý là nhớ, nhớ tưởng cảnh trước khởi vọng đều là vọng thức, chẳng can gì về việc của tâm. Tâm chẳng phải có không, có không chẳng nhiễm. Tâm chẳng phải cấu tịnh, cấu tịnh chẳng nhơ. Cho đến mê ngộ phàm thánh đi đứng ngồi nằm đều là vọng thức, chẳng phải tâm vậy. Tâm xưa nay chẳng sinh, nay cũng chẳng diệt. Nếu biết tâm mình như thế, đối chư Phật cũng vậy. Cho nên Duy-ma-cật nói ›Trực tâm là đạo trường‹ vì không có hư giả vậy.”
Niên hiệu Khai Bảo năm thứ tám (975), tháng chạp, Sư có chút bệnh. Buổi sáng ngày 26, Sư thắp hương từ biệt chúng rồi ngồi kết già thị tịch, thọ 72 tuổi, 42 tuổi hạ.

Vĩnh Minh Trí Giác Thiền Sư Duy Tâm Quyết

Từ Điển Đạo Uyển

永明智覺禪師唯心訣; C: yŏngmíng zhìjué chánshī wéixīn jué; J: youmyō chigaku zenshi yuishin ketsu;
1 quyển; của Thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ (永明延壽). Thường gọi tắt là Duy tâm quyết (唯心訣)

Vĩnh Vô

Từ Điển Đạo Uyển

永無; C: yŏngwú; J: yōmu;
Hoàn toàn không hiện hữu.

Vô Ðoan Tổ Hoàn

Từ Điển Đạo Uyển

無端祖環; J: mutan sokan; ?-1387;
Thiền sư Nhật Bản, thuộc tông Tào Ðộng, một trong năm vị đại đệ tử của Thiền sư Nga Sơn Thiều Thạc (j: gasan jōseki, 1275-1365).
Sư khai sáng rất nhiều Thiền viện ở các tỉnh Echizen, Noto và Iwami. Môn đệ của Sư sau truyền bá tông Tào Ðộng tại miền Bắc Nhật Bản.

Vô Học Tổ Nguyên

Từ Điển Đạo Uyển

無學祖元; C: wúxué zǔyuán; J: mugaku sogen; 1226-1286;
Thiền sư Trung Quốc, thuộc tông Lâm Tế, đắc pháp nơi Thiền sư Vô Chuẩn Sư Phạm ở Kính Sơn. Năm 1279, Sư được mời sang Nhật giáo hoá và nối dõi Thiền sư Lan Khê Ðạo Long trụ trì chùa Kiến Trường (kenchō-ji). Sau, Sư thành lập chùa Viên Giác (engaku-ji). Cả hai chùa đều được xếp vào Ngũ sơn của Liêm Thương (kamakura), trung tâm của Thiền tông tại Nhật.

Vô Lượng Thọ

Từ Điển Đạo Uyển

無量壽; S: amitāyus;
Một hiện thân của A-di-đà Phật. Dưới dạng Vô Lượng Thọ, A-di-đà được trình bày trong tư thế Toạ thiền, hai tay cầm bình nước Cam-lộ (bất tử tửu 不死酒, nước bất tử; s: amṛta).

Vô Minh

Từ Điển Đạo Uyển

無明; S: avidyā; P: avijjā; dịch theo âm là A-vĩ-di;
Chỉ sự u mê, không hiểu Tứ diệu đế, Tam bảo (s: triratna) và nguyên lí Nghiệp (s: karma). Vô minh là yếu tố đầu tiên trong Mười hai nhân duyên (s: pratītya-samutpāda), là những nguyên nhân làm con người vướng trong Luân hồi (s, p: saṃsāra). Vô minh cũng là một trong ba Ô nhiễm (s: āśrava), một trong ba Phiền não (s: kleśa) và khâu cuối cùng của mười Trói buộc (s: saṃyojana).
Vô minh dược xem là gốc của mọi bất thiện trong thế gian và cũng là một đặc tính của Khổ (s: duḥkha). Ðó là tình trạng tâm thức không thấy sự vật “như nó là”, cho ảo giác là sự thật và vì vậy sinh ra Khổ. Vô minh sinh Ái (s: tṛṣṇā) và đó là yếu tố cơ bản sinh ra sự tái sinh. Theo quan điểm Ðại thừa, vì vô minh mà từ tính Không (s: śūnyatā) thoắt sinh ra hiện tượng, làm cho người còn mê lầm tưởng lầm đó là sự thật và không thấy tự tính (Si).
Trong các trường phái Ðại thừa, vô minh cũng được hiểu khác nhau. Trung quán tông (s: mā-dhyamika) cho rằng, vô minh xuất phát từ quan điểm chấp trước tiên thiên của ý thức, và từ đó mà xây dựng lên một thế giới của riêng mình, cho thế giới đó những tính chất của chính mình và ngăn trở không cho con người thấy thế giới đích thật. Vô minh cũng là không thấy thể tính thật sự, và thể tính đó là tính Không. Như thế vô minh có hai khía cạnh: một là nó che đậy thế giới đích thật, hai là nó xây dựng cái ảo, cái giả. Hai mặt này cứ luôn luôn dựa vào nhau. Ðối với Kinh lượng bộ (s: sautrāntika) và Tì-bà-sa bộ (s: vaibhāṣika) thì vô minh là cách nhìn thế giới sai lạc, cho thế giới là thường còn, mà thế giới có thật chất là vô thường. Vô minh làm cho con người tưởng lầm thế giới có một tự ngã. Theo Duy thức tông thì vô minh là Ðảo kiến, cho rằng, thế giới độc lập với ý thức (tâm) mặc dù thế giới và ý thức chỉ là một.

Vô Môn Huệ Khai

Từ Điển Đạo Uyển

無門慧開; C: wúmén huìkāi; J: mumon ekai; 1183-1260;
Thiền sư Trung Quốc dòng Dương Kì tông Lâm Tế, nối pháp Thiền sư Nguyệt Lâm Sư Quán (月林師觀). Sư là vị Thiền sư nổi danh nhất thời, đến bây giờ vẫn còn được nhắc đến qua tập Công án Vô môn quan.
Sư họ Lương, người Tiền Ðường, Hàng Châu, xuất gia từ thuở nhỏ. Sư ban đầu tham vấn các nơi, sau đến Thiền sư Nguyệt Lâm Sư Quán ở chùa Vạn Thọ, Giang Tô. Ban đầu Nguyệt Lâm giao cho Sư công án “Không” (無) của Triệu Châu làm Thoại đầu. Sư chú tâm vào công án này sáu năm liền nhưng không kết quả. Sư thuật lại rằng, vì quá tập trung vào công án này mà Sư quên cả ngủ mà nếu buồn ngủ trong lúc Toạ thiền, Sư liền đứng dậy đi qua lại trong thiền đường, đập đầu vào cột gỗ cho tỉnh. Một ngày nọ, khi nghe tiếng trống báo hiệu giờ ăn trưa, Sư hoát nhiên đại ngộ, ứng khẩu ngay bài kệ sau (Trúc Thiên & Tuệ Sĩ dịch):
清天白日一聲雷。大地羣生眼豁開
萬象森羅齊稽首。須彌勃跳舞三臺
Thanh thiên bạch nhật nhất thanh lôi
Ðại địa quần sinh nhãn hoát khai
Vạn tượng sum la tề khể thủ
Tu-di bột khiêu vũ tam đài.
*Trời quang mây tạnh sấm dậy vang lừng
Mọi vật trên đất, mắt bỗng mở bừng
Muôn hồng nghìn tía cúi đầu làm lễ
Núi Tu-di cũng nhảy múa vui mừng.
Mừng quá, Sư chạy đến Nguyệt Lâm trình sở đắc. Nguyệt Lâm bắt gặp Sư chạy giữa đường, hỏi: “Chạy đi đâu như bị ma đuổi vậy?” Sư hét một tiếng, Nguyệt Lâm cũng hét một tiếng. Sau đó Sư trình bài kệ rất độc đáo sau:
無無無無無。無無無無無
無無無無無。無無無無無
Vô vô vô vô vô – Vô vô vô vô vô
Vô vô vô vô vô – Vô vô vô vô vô
Vô vô vô vô vô – Vô vô vô vô vô
Vô vô vô vô vô – Vô vô vô vô vô
*Không không không không không
Không không không không không
Không không không không không
Không không không không không
Vì kinh nghiệm giác ngộ thâm sâu của Sư nên mọi người trong viện đều kính trọng nhưng cuộc sống hằng ngày của Sư cũng không có gì thay đổi. Lúc nào Sư cũng giữ một tác phong giản dị, thâm trầm. Sư thân hình gầy ốm, ăn mặc thô sơ nhưng lúc nào cũng xả mình vào làm mọi việc cùng với tăng chúng. Những năm sau khi được Nguyệt Lâm ấn khả, Sư chu du nhiều nơi và nhân đây thu thập tài liệu để soạn tập công án Vô môn quan. Năm 1229, tập này được in lần đầu và với 46 tuổi, Sư đang ở tuyệt đỉnh của cuộc đời hoằng hoá của mình.
Năm 1246 – theo lệnh của vua Tống Lí Tông – Sư sáng lập chùa Hộ Quốc Nhân Vương. Những năm cuối đời, Sư lui về một ngôi chùa nhỏ ở Tây Hồ. Một cơn hạn lớn là nguyên do mà vua Lí Tông mời Sư trở về triều đình làm lễ cầu mưa. Ngay lúc Sư thuyết pháp thì trời mưa như trút và vì vậy Sư được vua ban hiệu Phật Nhãn Thiền sư và tặng cho ca-sa vàng (kim lan y).

Vô Môn Quan

Từ Điển Đạo Uyển

無門關; C: wúmén-goān; J: mumonkan; nghĩa là “Ải không cửa vào”;
Tên của một tập Công án do Thiền sư Vô Môn Huệ Khai biên soạn. Cùng với Bích nham lục, đây là hai tập công án lừng danh nhất của Thiền tông.
Vô môn quan ghi lại 48 công án, mỗi công án được bổ sung thêm một lời bình và một bài kệ. Những bài kệ tụng trong đây là những kiệt tác của văn chương Phật giáo tại Trung Quốc.
Vô môn quan ra đời khoảng một thế kỉ sau Bích nham lục. Cấu trúc của tập này đơn giản hơn nhiều so với Bích nham lục, chứng tỏ rằng sư Huệ Khai chú trọng đến việc sử dụng những tắc công án trong đây làm phương tiện thực hành, tu tập. Sư xem nó là những “viên gạch gõ cửa tâm” của các thiền sinh và viết như sau trong lời tựa:
“Phật dạy tâm là tông chỉ, cửa Không là cửa pháp. Ðã không cửa, thì sao qua? Há chẳng nghe ›từ cửa mà vào thì không phải là của báu trong nhà, nhờ duyên mà thành đạt tất phải có thành hoại.‹ Nói như vậy thật chẳng khác chi khi không dậy sóng, thịt da đang lành đem ra mổ mụt. Huống chi chấp vào văn tự để tìm mong lí giải, vác gậy quơ trăng, gãi ngứa ngoài giày, có dính líu gì đến sự thật đâu!…
大道無門。千差有路
透得此關。乾坤獨步
Ðại đạo vô môn, thiên sai hữu lộ
Thấu đắc thử quan, càn khôn độc bộ.
*Ðại đạo không cửa, có nghìn nẻo vào
Qua được cửa này, càn khôn lẻ bước”.
Mỗi công án bao gồm ba phần: 1. Công án, nói về một sự kiện, lời nói, dạy của các vị Tổ; 2. Lời bình của sư Huệ Khai và 3. Kệ tụng. Mặc dù nguồn tài liệu của những tập công án danh tiếng đều như nhau nhưng trong tập Vô môn quan, người ta có thể thấy một dấu ấn đặc biệt của sư Vô Môn Huệ Khai, những nét đặc sắc, thật dụng chỉ có ở riêng đây và có lẽ vì thế, Vô môn quan được ưa chuộng và phổ biến rộng rãi đến ngày nay.

Vô Ngã

Từ Điển Đạo Uyển

無我; S: anātman; P: anattā;
Một trong Ba tính chất (s: trilakṣaṇa) của sự vật. Quan điểm vô ngã là một giáo pháp cơ bản của đạo Phật, cho rằng, không có một Ngã (ātman), một cái gì trường tồn, bất biến, nhất quán, tồn tại độc lập nằm trong sự vật. Như thế, theo đạo Phật, cái ngã, cái “tôi” cũng chỉ là một tập hợp của “năm nhóm”, Ngũ uẩn (s: pañcaskandha), luôn luôn thay đổi, mất mát, và vì vậy, “tôi” chỉ là một sự giả hợp, gắn liền với cái Khổ.
Theo Tiểu thừa (s: hīnayāna), tính vô ngã chỉ liên hệ đến cá nhân con người. Theo Ðại thừa (s: mahāyāna) thì tính vô ngã có giá trị cho tất cả các Pháp (s: dharma), vốn tuỳ thuộc lẫn nhau như thuyết Mười hai nhân duyên chỉ rõ. Sự thiếu vắng một tự tính (自性; s: svabhāva) được Ðại thừa gọi là tính Không (空性; s: śūnyatā).
Theo quan điểm thông thường của Ấn Ðộ giáo thì “linh hồn” – cái Ngã (ātman) – vốn là trường tồn và độc lập với mọi ô nhiễm. Theo đạo Phật thì con người là một tập hợp của ngũ uẩn đang vận hành vô chủ, ngũ uẩn đó cũng vô thường biến hoại. Ngoài ngũ uẩn đó không có gì khác, nên con người chỉ được xem có thật một cách quy ước và trong kinh nghiệm thông thường.
Ðối với câu hỏi, Ngã có tồn tại thật hay không, đức Phật thường không trả lời vì không muốn khơi gợi thêm khái niệm mới, chúng chỉ là trở ngại cho các phép tu hành thật tiễn. Vì vậy giáo pháp vô ngã trong thời đức Phật có thể xem là phương tiện giáo huấn, không phải là một quan điểm triết học đích thật. Với thời gian phát triển, Vô ngã trở thành một quan điểm hẳn hoi trong các trường phái Phật giáo và chỉ có Ðộc Tử bộ (s: vātsīputrīya) mới chấp nhận một cái Ngã.
Dần dần, các phép tu học đạo Phật cũng tập trung tiến tới phương pháp đạt Niết-bàn bằng cách giải thoát hành giả ra khỏi ảo tưởng có một cái Ta. Sự ràng buộc vào một cái Ta là nguồn gốc mọi khổ đau, phải phá bỏ vô minh đó mới đạt giải thoát. Lí do là khi con người không thấy tính vô ngã của đời sống này, không thấy nó chỉ nằm trong dòng vận chuyển của sự sinh thành hoại diệt liên tục, thì lúc đó ta chưa hiểu thật sự Tứ diệu đế và không thể thâm nhập, phát huy triệt để chính tri kiến.

Vô Ngôn Thông

Từ Điển Đạo Uyển

無言通; ?-826
Thiền sư Trung Quốc, học trò của vị Thiền sư nổi tiếng Bách Trượng Hoài Hải. Năm 820, Sư qua Việt Nam, ở tại chùa Kiến Sơ, ngày nay thuộc tỉnh Bắc Ninh, thành lập phái thiền Vô Ngôn Thông. Sư mất năm 826, và phái Thiền của Sư kéo dài được 17 thế hệ. Những Thiền sư quan trọng của dòng thiền này là Khuông Việt (?-1011), Thông Biện (?-1134), Mãn Giác (?-1096); Minh Không (mất 1141), Giác Hải. Thế hệ cuối cùng là khoảng cuối thế kỉ thứ 13. Phái Vô Ngôn Thông theo đúng dòng Thiền của Huệ Năng, chủ trương Ðốn ngộ (giác ngộ nhanh chóng). Các vị Thiền sư dòng Vô Ngôn Thông đều có tâm hồn thi sĩ.
Sư họ Trịnh, quê ở Quảng Châu, xuất gia tại chùa Song Lâm, Vũ Châu. Tính tình Sư điềm đạm ít nói, nhưng thông minh nên thời nhân gọi là Vô Ngôn Thông.
Một hôm, Sư lễ Phật, có một thiền khách hỏi: “Toạ chủ lễ đó là cái gì?” Sư thưa: “Là Phật.” Khách liền chỉ tượng Phật hỏi: “Cái này là Phật gì?” Sư không trả lời được. Ðến tối, Sư y phục chỉnh tề đến lễ vị khách, vị này chỉ đến Mã Tổ. Sư lên đường đến Mã Ðại sư nhưng nghe tin Tổ đã viên tịch bèn đến Bách Trượng. Nhân nghe Bách Trượng trả lời một vị tăng “Ðất tâm nếu không, mặt trời trí huệ tự chiếu.” Sư triệt ngộ.
Sau khi rời Bách Trượng, Sư đến trụ trì chùa Hoà An và tương truyền rằng, Thiền sư Ngưỡng Sơn Huệ Tịch có đến đây học hỏi.
Năm Canh Tí, niên hiệu Nguyên Hoà đời Ðường, Sư sang An Nam ở chùa Kiến Sơ làng Phù Ðổng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Ở đây mấy năm liền Sư chỉ quay mặt vào vách toạ thiền và không ai biết tông tích của Sư. Vị trụ trì nơi đây là Cảm Thành thầm biết Sư là Cao tăng đắc đạo nên hết sức kính trọng. Sắp sửa tịch, Sư gọi Cảm Thành đến nói kệ:
一切諸法皆從心生。心無所生法無所住
若達心地所住無礙。非遇上根慎勿輕許
Nhất thiết chư pháp giai tòng tâm sinh
Tâm vô sở sinh pháp vô sở trụ
Nhược đạt tâm địa sở trụ vô ngại
Phi ngộ thượng căn thận vật khinh hứa.
*Tất cả các pháp đều từ tâm sinh
Tâm không chỗ sinh, pháp không chỗ trụ
Nếu đạt đất tâm chỗ trụ không ngại
Không gặp thượng căn dè dặt chớ dạy.
Nói xong Sư chắp tay viên tịch. Cảm Thành thiêu lấy hài cốt và xây tháp thờ trên núi Tiên Du.

Vô Thường

Từ Điển Đạo Uyển

無常; S: anitya; P: anicca; nghĩa là không chắc chắn, thay đổi;
Một trong Ba tính chất (s: trilakṣaṇa) của tất cả sự vật. Vô thường là đặc tính chung của mọi sự sinh ra có điều kiện, tức là thành, trụ, hoại diệt. Từ tính vô thường ta có thể suy luận ra hai đặc tính kia là Khổ (s: duḥkha) và Vô ngã (s: anātman). Vô thường là tính chất cơ bản của cuộc sống, không có vô thường thì không có sự tồn tại; vô thường cũng chính là khả năng dẫn đến giải thoát. Có tri kiến vô thường hành giả mới bước vào Thánh đạo (s: ārya-mārga) – vì vậy tri kiến vô thường được xem là tri kiến của bậc Dự lưu (s: śrotāpanna).
Vô thường là gốc của Khổ vì Sinh, Thành, Hoại, Diệt tự nó là Khổ. Tính Vô thường của Ngũ uẩn dẫn đến kết luận Vô ngã, vì không có gì vừa vô thường vừa Khổ lại là một cái Ngã trường tồn được. Ngoài ra, trong Ðại thừa, tính vô thường của mọi pháp dẫn đến kết luận về tính Không.

Vô Thượng Chính đẳng Chính Giác

Từ Điển Đạo Uyển

無上正等正覺; S: anuttara-samyaksaṃbo-dhi; dịch âm là A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề;
Giác ngộ cùng tột, chỉ một vị Phật.

Vô Thượng Du-Già Tan-Tra

Từ Điển Đạo Uyển

S: anuttara-yoga-tantra; Hán Việt: Vô thượng du-già đát-đặc-la (無上瑜伽怛特羅).
Tan-tra cao cấp nhất (vô thượng; s: anut-tara) trong bốn loại Tan-tra của Phật giáo. Ba loại khác là Tác (kriyā), Hành (caryā) và Du-già (yoga). Các Tan-tra này nằm trong Ðại tạng của Tây Tạng, thuộc phần thứ bảy trong Cam-châu-nhĩ (t: kangyur) và bao gồm 22 bộ. Hai bộ Tan-tra danh tiếng nhất được xếp vào hạng Vô thượng du-già là Bí mật tập hội (s: guhyasamāja-tantra) và Hô kim cương (s: hevajra-tantra).
Trước khi được Quán đỉnh (s: abhiṣeka), được khai thị vào Vô thượng du-già, hành giả cần phải đi qua những cấp Tan-tra khác đã nêu trên, giữ giới luật (vinaya) nghiêm ngặt để dần dần thanh lọc thân tâm. Trong cấp Vô thượng du-già thì tất cả những nghi quỹ đều được gạt qua một bên, hành giả đã vượt qua thế giới nhị nguyên, tương đối, phụ thuộc.
Hai cấp đầu của Tan-tra được xem là cấp thấp vì ở đây thiếu những yếu tố cần được phân tích bằng Trí và nội dung của chúng không vượt ra khỏi những nghi lễ. Nói chung, Tác và Hành tan-tra là sự giao tiếp với thế giới hiện hữu, vẫn còn nằm trong phạm vi cố định, phụ thuộc.
Ngược lại trên, hai cấp Du-già và Vô thượng du-già tan-tra chứa đựng những mầm mống triết lí cao đẳng của Ðại thừa Phật giáo. Những hành giả thực hành hai Tan-tra này (s: tantrika hoặc sādhaka) phải nắm vững những tư tưởng căn bản của Ðại thừa trước khi bước vào một Vô thượng du-già tan-tra và sau khi đạt yếu chỉ, họ được gọi là là một Tất-đạt (siddha), một Thành tựu giả, “người thành đạt”.
Triết lí nền tảng của Vô thượng du-già là Trung quán (s: madhyamaka), chủ trương nhấn mạnh sự bình đẳng tuyệt đối của Niết-bàn (s: nirvāṇa) và Luân hồi (saṃsāra). Vì thế nên không có sự khác biệt giữa kinh nghiệm thu thập qua các giác quan, thế giới hiện hữu, và kinh nghiệm huyền diệu khi đã đến đích, Niết-bàn. Không có một sự khác biệt nào giữa chủ thể và khách thể, tất cả đều “không hai” (Bất nhị; s: advaya). Sự trực nhận thấy chân lí này chính là niềm vui vô biên (大樂; Ðại lạc; s: mahāsukha) xuất phát từ những vị Ma-ha Tất-đạt (s: mahāsiddha), được chư vị trình bày trong các bài ca chứng đạo (s: dohā, dịch âm Hán Việt là Ðạo-bả; 道把).
Các kinh nghiệm giác ngộ của chư vị được trình bày trong các kệ tụng có thể được tóm tắt, trình bày như sau:
Chỉ có Phật mới nhận ra Phật
Mỗi khoảnh khắc của nhận thức là Phật
Tất cả các dạng hiện hữu là thân Phật
Tất cả âm thanh là lời Phật
Tất cả tâm trạng thanh tịnh là tâm Phật
Tất cả hiện hữu đều là Tâm
Không có gì cấu uế, nhưng có ý niệm cấu uế
Ðạo là mục đích, mục đích là Ðạo
Sắc tức là Không, Không tức là Sắc.
Vô thượng du-già đưa ra một loạt phương pháp tu tập thiền định để đạt được kinh nghiệm nói trên. Hầu hết tất cả những phương pháp thiền định (được gọi là Nội du-già) này đều được sự phụ trợ của những nghi lễ, khế ấn, thủ ấn (Ngoại du-già). Những nghi lễ này đều mang một biểu hiện tâm lí thâm sâu và tất cả những nghi quỹ, hành động của hành giả Tan-tra đều không tự có giá trị – chúng chỉ là những biểu tượng tư tưởng của người thực hiện. Kinh nghiệm tối thượng của Vô thượng du-già chính là sự thống nhất, sự hoà hợp của hai yếu tố chính để đạt Niết-bàn, đó là Trí huệ (prajñā) và Phương tiện (upāya). Hai yếu tố này đã đưa đến cho Vô thượng du-già những biểu tượng tính dục nam nữ và trong đây, Trí huệ được xem là nữ tính, Phương tiện thuộc nam tính. Biểu tượng giao hợp (s: yuganaddha; t: yab-yum; Yab-yum) của nam nữ được sử dụng vì trong tục thế, không có biểu tượng nào gần gũi, cô đọng hơn và cũng vì những biểu tượng này mà Vô thượng du-già thường bị hiểu lầm. Vô thượng du-già bộ không được truyền qua Trung Quốc và vì vậy, sử sách ở đây hay gọi sai là “tả (với ý nghĩa tà) đạo” mặc dù tại đây chưa bao giờ có truyền thống, điều kiện tu tập. Dù muốn hay không, mỗi người tu tập đạo – có quyến thuộc hay không quyến thuộc – đều là kết quả của sự giao hợp này và nó chính là sự dung hoà, tổng hợp giữa âm và dương mà ở đâu người ta cũng có thể thấy được (tương ưng với mặt trời, mặt trăng trong vũ trụ,…, các cặp âm dương câu sinh, đối đãi của thế giới hiện hữu). Kết quả của sự phối hợp giữa Bát-nhã (般若; s: prajñā) và Phương tiện (方便; s: upāya) được gọi là Bồ-đề tâm (菩提心; s: bodhi-citta). Trong khía cạnh tuyệt đối (vivṛti), Bồ-đề tâm là một kinh nghiệm thật tại siêu việt, được mô tả bằng nhiều tên như Ðại lạc (mahāsukha), Tự chứng phần (svasaṃvedya), cái Tự có sẵn (Câu sinh khởi, s: sahaja).
Hai đặc điểm khác của Vô thượng du-già là cách sử dụng những Man-đa-la (maṇḍala) và ăn những thức ăn hành lễ. Những Man-đa-la này được vẽ như những bức tranh để các hành giả dùng để thiết tưởng linh ảnh hoặc được vẽ thẳng ngay dưới đất, được sử dụng trong lúc hành lễ. Còn những món ăn bao gồm nhiều loại khác nhau (năm loại thịt,…) và các luận giải cho rằng, các món ăn này có công dụng thanh lọc Thân khẩu ý một cách nhanh chóng.
Về phần nội dung thì hai bộ Bí mật tập hội (guhya-samāja-tantra) và Hô kim cương tan-tra (hevajra-tantra) nói trên tương đối giống nhau, mặc dù Bí mật tập hội ghi rõ hơn về những Nghi quỹ trong lúc thực hành nghi lễ. Các bộ Vô thượng du-già tan-tra đều được ghi lại bằng một ngôn ngữ bí mật, nhiều nghĩa, có thể giảng giải bằng nhiều cách và nếu không có Ðạo sư (guru) truyền lại những khẩu quyết thì không ai có thể thực hành được. Vì lí do này và những lí do khác đã nói, Vô thượng du-già tan-tra được giữ kín, bí mật, chỉ dành cho hạng thượng căn có duyên.
Nói tóm lại, cách tu tập theo Vô thượng du-già với mục đích “Thành Phật trong kiếp này với thân này” rất khó và chỉ có những ai dày công tu luyện, đã đạt tâm vô chấp, những kiến giải nhị nguyên phân biệt đã tan biến phần nào mới có thể bước vào Pháp môn này được.

Vô Trụ Ðạo Hiểu

Từ Điển Đạo Uyển

無住道曉; J: mujū dōkyō; 1226-1313; còn được gọi là Nhất Viên (j: ichien);
Thiền sư Nhật Bản dòng Lâm Tế, môn đệ của Thiền sư Viên Nhĩ Biện Viên. Sư diêu du khắp nước Nhật và tham vấn nhiều Thiền sư. Sư có một tác phẩm rất hay, được gọi là Sa thạch tập (沙石集; j: shasekishū; được dịch ra Việt ngữ với tên: Góp nhặt cát đá). Tác phẩm này là một bản sưu tầm những ngụ ngôn, lời dạy của các chư Phật, Tổ và những Thiền sư, rất được ưa chuộng trong giới thiền.

Vô Trước

Từ Điển Đạo Uyển

無著; S: asaṅga; dịch âm là A-tăng-già (阿僧伽), nghĩa là không bị ô nhiễm, cấu uế, vướng mắc; ~ tk. 4;
Một Ðại luận sư của Phật giáo Ấn Ðộ, người sáng lập Duy thức tông (yogācāra). Sư khước từ quan điểm của Long Thụ (nāgārjuna) về tính Không tuyệt đối và thiết lập giáo pháp của mình dưới ảnh hưởng của Nhất thiết hữu bộ (s: sarvāstivāda). Tương truyền Sư được Bồ Tát Di-lặc trực tiếp giáo hoá. Có một số luận sư cho rằng Di-lặc này là một nhân vật lịch sử với tên Mai-tre-ya-na-tha (s: maitreyanātha).


H 76: Vô Trước, được trình bày với ấn Sa-môn (s: śramaṇa-mudrā, dấu hiệu của sự đoạn niệm, từ bỏ, thoát li). Sư mang một mũ đầu nhọn, dấu hiệu tượng trưng cho một Học giả (paṇḍita), ba vòng trên mũ là dấu hiệu của một Pháp sư tinh thông Tam tạng. Bình đất đựng nước phía sau cho biết rằng, Sư là một luận sư Ấn Ðộ, xứ nóng. Bình đất đựng nước có công dụng giữ nước mát dưới ánh nắng gắt vì nước có thể bốc hơi một ít qua vành đất nung và giảm nhiệt. Các luận sư Tây Tạng không được trình bày với bình đất vì họ là người xứ lạnh, chỉ uống trà.
Theo Bà-tu Bàn-đầu pháp sư truyện (tức là Thế Thân truyện) của Chân Ðế (paramārtha), Sư sinh ra trong một gia đình Bà-la-môn và là người anh cả, Thế Thân (vasubhandu) là người em kế và người em út có tên Tì-lân-trì Bạt-bà (viriñcivatsa). Cả ba anh em đều tu học giáo pháp của Nhất thiết hữu bộ. Riêng Sư chú tâm tu tập để chứng ngộ được lí Không (s: śūnyatā) của Long Thụ nhưng không đạt được. Ðang lúc thất vọng thì một vị A-la-hán tên là Tân-đầu-la (piṇḍola) đến, dạy Sư nhập môn phép quán Không theo Tiểu thừa. Sư theo học và đạt được kết quả nhưng vẫn không thoả mãn. Cuối cùng, Sư vận dụng Thần thông (s: ṛddhi) lên Ðâu-suất thiên (s: tuṣita) để được nghe đức Di-lặc thuyết giảng về tính Không. Về lại nhân thế, Sư truyền bá lí thuyết mới này nhưng không ai tin. Sau, Sư lại lên Ðâu-suất để thỉnh đức Di-lặc xuống giáo hoá và sau đó đức Di-lặc giáng trần, thuyết giảng Thập thất địa (s: saptadaśabhūmi, tức là 17 quyển của Du-già sư địa luận) trong một khoảng thời gian bốn tháng. Trong lúc này, Sư ban ngày thì thuyết giảng những lời dạy của Di-lặc, ban đêm lắng nghe và ghi chép lại những lời thuyết đó. Sau đó, Sư bắt đầu trình bày tất cả giáo lí Ðại thừa qua những trứ tác quan trọng của mình và cũng khuyến dụ Thế Thân, người em cùng mẹ khác cha, vốn theo học giáo lí của Hữu bộ và cũng đã viết bộ luận lừng danh là A-tì-đạt-ma câu-xá (abhidharmakośa-śāstra). Thế Thân nghe lời khuyên của Sư và từ đây, hai anh em trở thành hai Luận sư tối trọng của Ðại thừa Phật pháp, đại diện cho nhánh Duy thức, để lại những tác phẩm vô cùng quý giá cho hậu thế.
Những nhà Phật học ngày nay đều nhất trí rằng, Ðại thừa Phật pháp là sự phát triển tuyệt đỉnh của các giáo lí mà đức Phật lịch sử từng tuyên thuyết nhưng không hẳn là chính lời của Ngài. Trong thời của Vô Trước, giáo lí Ðại thừa này bị nhiều trường phái Tiểu thừa chỉ trích, cho là Dị giáo (s: tīrthikā; p: titthiyā), là giáo lí của tà ma, ngoại đạo. Sư cũng đứng trước vấn đề này và đã tìm cách chứng minh tính chất phù hợp, tiếp nối, phát triển của giáo lí mới, nêu ý kiến của mình trong Nhiếp Ðại thừa luận: “Nếu Ðại thừa là giáo lí sau này của một người nào đó thì Phật đã bảo rằng, đây là một mối nguy hại cho tương lai. Nhưng Ngài đã không nói. Ðại thừa xuất phát cùng thời với Thanh văn thừa (s: śrāvakayāna), không phải thời sau. Nếu như thế thì sao người ta không thể xem nó chính là lời Phật (buddhavacana) thuyết? Giáo lí thâm sâu này không thể hội được qua biện luận nghi ngờ; những giáo lí này không thể nào tìm thấy được trong các Dị giáo luận (tīrthikāśāstra) và nếu nó được thuyết giảng, ngoại đạo cũng không thể hiểu nổi…” Sư nhấn mạnh rằng, ý nghĩa (artha) được trình bày trong Ðại thừa không nhất thiết theo ngôn ngữ trình bày trên giấy mực; nó chính là cái cốt tuỷ nằm sau những lời văn này. Người ta không thể thâm nhập huyền nghĩa nếu chỉ chú tâm, bám chặt vào văn tự.
Theo thuyết của Cao tăng Tây Tạng Tā-rā-nā-tha (t: kun-dgaḥ sñyin-po), Sư đến nhiều vùng tại Ấn Ðộ và xiển dương giáo lí Ðại thừa Duy thức, thành lập khoảng 25 tu viện. Thời gian hoằng hoá của Sư được xem là nằm trong thế kỉ thứ tư, đặc biệt là trong những vùng Tây Bắc Ấn Ðộ, bây giờ thuộc về Pakistan.
Các tác phẩm quan trọng của Vô Trước là Du-già sư địa luận, Ðại thừa kinh trang nghiêm luận, Ðại thừa a-tì-đạt-ma tập luận và Nhiếp Ðại thừa luận, một bộ luận viết bằng văn vần trình bày giáo pháp của Duy thức tông, hiện nay chỉ còn bản dịch chữ Hán và Tây Tạng. Tác phẩm này gồm có mười chương và bàn luận các điểm sau: 1. A-lại-da thức; 2. Lí thuyết cho rằng tất cả thế giới đều từ tâm thức hiện nên, thuần tuý duy tâm (s: cittamātra); 3. Cách chứng ngộ được thuyết này; 4. Các hạnh Ba-la-mật; 5. Thập địa; 6. Giới; 7. Thiền định; 8. Bát-nhã; 9. Trí huệ siêu việt vô phân biệt; 10. Ba thân (trikāya). Có thuyết cho rằng, Sư cũng là tác giả của Bí mật tập hội (guhyasamāja-tantra), một tác phẩm quan trọng thuộc hệ Vô thượng du-già tan-tra, và nếu vậy Sư giữ một vị trí quan trọng trong Mật tông Phật giáo.
Các tác phẩm còn lưu lại dưới tên Sư hoặc dưới tên Di-lặc (trích): 1. Hiển dương thánh giáo luận (pra-karaṇāryaśāsana-śāstra, ārya-śāsana-prakaraṇa-śāstra), 20 quyển, Huyền Trang dịch; 2. Du-già sư địa luận (yogācārabhūmi-śāstra), 100 quyển, Huyền Trang dịch; 3. Nhiếp Ðại thừa luận (mahā-yānasaṃgraha), 3 quyển, Chân Ðế dịch; 4. Ðại thừa a-tì-đạt-ma tập luận (abhidharma-samuc-caya), 7 quyển, Huyền Trang dịch; 5. Ðại thừa kinh trang nghiêm luận tụng (mahāyāna-sūtralaṅkāra-kārikā), 13 quyển, Ba-la-phả Mật-đa-la (prabha-kāramitra) dịch, cũng có bản Phạn và Tạng ngữ; 6. Thuận trung luận (madhyāntānusāra-śāstra), 2 quyển, Bát-nhã Lưu-chi (prajñāruci) dịch; 7. Năng đoạn kim cương bát-nhã ba-la-mật-đa kinh luận tụng (2 bản, āryabhagavatī-prajñāpāramitā-vajrac-chedikā-saptārtha-ṭīkā và triśatikāyā-prajñāpārami-tāyā-kārikā-saptati); 3 quyển, Bồ-đề Lưu-chi dịch, Nghĩa Tịnh cũng dịch một bản; 8. Giải thâm mật kinh chú (ārya-saṃdhinirmocana-bhāṣya), chỉ còn bản Tạng ngữ; 9. Hiện quán trang nghiêm luận tụng (abhisamayā-laṅkāra-nāmaprajñāpāramitā-upa-deśa-śāstra [-kārikā] thường được viết ngắn là abhi-samayālaṅkāra-śāstra), còn bản Phạn và Tạng ngữ; 10. Biện trung biên luận tụng (madhyānta-vibhāga-kārikā), bản Hán và Tạng ngữ vẫn còn. Có hai bản dịch tại Trung Quốc, Huyền Trang dịch ra 3 quyển, Chân Ðế dịch ra 2 quyển dưới tên Trung biên phân biệt luận; 11. Pháp pháp tính phân biệt luận (dharma-dharmatā-vibhāga).

Vô Trước Văn Hỉ

Từ Điển Đạo Uyển

無著文喜; C: wúzhù wénxǐ; J: mujaku bun ‘eki; hoặc Hàng Châu Văn Hỉ, Long Tuyền Văn Hỉ; 821-900;
Thiền sư Trung Quốc, thuộc tông Quy Ngưỡng. Sư nối pháp Ngưỡng Sơn Huệ Tịch.
Lúc nhỏ, Sư vân du khắp nơi, có dịp yết kiến Văn-thù Bồ Tát tại Ngũ Ðài sơn và sự việc này được biên soạn lại thành một Công án nổi tiếng trong Bích nham lục (35).

Vô Tướng

Từ Điển Đạo Uyển

無相; S, P: animitta;
Sự vô tướng, tính Không (s: śūnyatā) của tất cả các Pháp (s: dharma), dấu hiệu của tuyệt đối không phân biệt.

Vô Vi

Từ Điển Đạo Uyển

無爲; S: asaṃskṛta; P: asaṅkhata;
1. Vô vi nghĩa là không phụ thuộc, không bị ảnh hưởng, không vì nhân duyên mà sinh ra, đối nghĩa với vô vi là Hữu vi (有爲; s: saṃs-kṛta), cũng thường được hiểu là “Không làm”. Trong Phật giáo nguyên thuỷ thì chỉ có Niết-bàn được xếp vào hạng vô vi, tất cả các Pháp còn lại đều là hữu vi. Quan niệm này được lưu lại trong Thượng toạ bộ (p: theravāda) và Ðộc Tử bộ (s: vātsīputrīya). Tất cả những bộ phái khác đều dần dần thay đổi cách sử dụng danh từ này.
Ðại chúng bộ chấp nhận 9 pháp vô vi, đó là hai cách Diệt độ (s, p: nirodha), trong đó một loại (1.) được đạt bằng sự phân tích phân biệt, gọi là Trạch diệt (s: pratisaṃkhyā-nirodha), tương ưng với Niết-bàn. Loại Diệt thứ hai (2.) được đạt không qua sự phân tích, phân biệt (phi trạch), được gọi là Phi trạch diệt (s: apratisaṃkhyā-nirodha), liên hệ đến những lậu hoặc (ô nhiễm) mà một A-la-hán không còn vướng mắc. Ðược xếp vào vô vi pháp nữa là Hư không (3.), Không vô biên xứ (4.), Thức vô biên xứ (5.), Vô sở hữu xứ, tức là cái “không có gì” (6.), Phi tưởng phi phi tưởng xứ (7.), nội dung của thuyết Mười hai nhân duyên (8.) và Bát chính đạo (9.).
Nhất thiết hữu bộ công nhận ba pháp vô vi là Hư không và hai loại Diệt trên. Duy thức tông liệt kê thêm vào ba vô vi pháp này một loại Diệt bằng một trạng thái thiền định an vui bất động, sự chấm dứt suy nghĩ và thụ cảm của một A-la-hán và Chân như (tathatā).
Pháp Tạng bộ (s: dharmaguptaka) xếp vào loại vô vi pháp Chân như và sự “Trường tồn của mọi pháp.” Dưới “Trường tồn của mọi pháp” họ định nghĩa rằng cái đặc tính gì không biến đổi của nó (Sự không biến đổi của nó chính là sự biến đổi) và định luật nhân quả (Nghiệp) cũng như một vài trạng thái Ðịnh.
2. Về nghĩa “Không làm” xem dưới Bất hành nhi hành.

Vòng Sinh Tử

Từ Điển Đạo Uyển

S: bhava-cakra; P: bhāva-cakka; nguyên nghĩa Phạn ngữ (sanskrit) là Hữu luân, bánh xe của tồn tại, chỉ cái luân chuyển của thế giới hiện hữu;
Cách nói và biểu tượng của người Tây Tạng chỉ Luân hồi (s: saṃsāra). Thế giới của Hữu tình hiển hiện dưới sáu dạng (Lục đạo): Thiên giới, loài A-tu-la, loài người là ba thiện giới nằm phía trên của bánh xe. Phía dưới của bánh xe là súc sinh, Ngạ quỷ và Ðịa ngục. Tất cả sáu loài này đều chịu Khổ và sự hoại diệt. Cái chết được xem do Diêm vương gây ra, là người quay và giữ (cắn) chặt bánh xe.
Nguyên nhân của khổ được biểu tượng bằng ba con thú nằm ở trung tâm bánh xe: gà (chỉ tham), lợn (chỉ Si) và rắn (chỉ sân). Chu vi của bánh xe được khắc ghi mười hai yếu tố của nhân duyên sinh (Mười hai nhân duyên). Biểu tượng của bánh xe tồn tại được hiểu dưới nhiều cách khác nhau. Ðầu tiên, sáu nẻo tái sinh được trình bày dưới sáu cảnh tượng khác nhau. Tử thư xuất phát từ quan điểm này mà chỉ dẫn những gì cần phải làm lúc chết để được sinh vào các cõi tốt đẹp. Người ta cần hiểu các cõi này chính là sáu loại tâm thức hay sáu mẫu người tiêu biểu hay sáu loại trạng huống ngay trong đời sống bình thường.
Trên một bình diện khác, người xem có thể khám phá ra trong sáu cảnh tượng đó có trình bày sáu dạng xuất hiện của Quán Thế Âm với sáu cách khai thị khác nhau để chúng sinh cõi đó giải thoát. Ngay như câu Man-tra OṂ MA-ṆI PAD-ME HŪṂ với sáu âm cũng được xem là mỗi âm thuộc về một cõi nói trên. Nếu trung tâm bánh xe ghi rõ ba nguyên nhân sinh thành sáu cõi thì vòng ngoài bánh xe là các nguyên nhân cụ thể sinh ra mỗi đời sống cá nhân. Cả hai nơi đều lấy vô minh là cơ sở. Các yếu tố của Mười hai nhân duyên được trình bày trong bức tranh sau (bản vẽ của bà Li Gô-ta-mi, bạn đồng hành của Lạt-ma Gô-vin-đa).




H 75: Vòng sinh tử; ① Diêm vương đang cắn và giữ chặt; ② Vòng ngoài cùng tượng trưng cho Mười hai nhân duyên (十二因緣; s: dvādaśāṅga-pratītyasamutpāda), từ trên đỉnh theo chiều kim đồng hồ: 1. Người đàn bà mù chống gậy, vô minh (無明; s: avidyā), 2. Thợ gốm, hành (行; s: saṃskāra), 3. Khỉ, thức (識; s: vijñāna), 4. Hai người trong thuyền, danh sắc (名色; nāmarūpa), 5. Nhà sáu cửa sổ, sáu giác quan, lục căn (六根; ṣaḍāyatana); 6. Cặp trai gái, xúc (觸; sparśa), 7. Mũi tên bắn trúng mắt, thụ (受; vedanā), 8. Người say, ái (愛; tṛṣṇā), 9. Người hái trái cây, thủ (取; upādāna), 10. Cảnh giao hợp, hữu (有; bhava), 11. Mẹ sinh con, sinh (生; jāti), 12. Vai mang xác chết, lão tử (老死; jāra-maraṇa); ③ Vòng giữa, biểu hiện của Lục đạo (六道; từ trên theo kim đồng hồ): 1. Thiên giới (天; deva), 2. A-tu-la (阿修羅; āsura), 3. Ngạ quỷ (餓鬼; preta), 4. Ðịa ngục (地獄; nāraka), 5. Súc sinh (畜生; paśu), 6. Loài người (人; nāra). IV. Trung tâm: gà, tham (貪; rāga), lợn, si (癡; moha) và rắn, sân (瞋; dveṣa).

Vu-Lan-Bồn Hội

Từ Điển Đạo Uyển

盂蘭盆會; S: ullambana; là cách dịch theo âm, dịch nghĩa là Cứu đảo huyền (救倒懸), tức là “Cứu nạn treo ngược”, cứu “những oan hồn bị treo ngược dưới địa ngục”;
Một lễ hội cúng các cô hồn, Ngạ quỷ nhằm ngày rằm tháng bảy. Trong ngày này, các quỷ đói dưới Ðịa ngục (Lục đạo) được cúng dường thức ăn, bánh trái, giấy tiền vàng bạc, quần áo, v.v. để họ được giảm khổ đau. Lễ này được tổ chức lần đầu tiên năm 538 tại Trung Quốc và vẫn được tổ chức hàng năm tại các nước Ðông Á như Trung Quốc, Việt Nam.
Nguồn gốc của lễ này xuất phát từ Mục-kiền-liên. Tôn giả nhờ Thiên nhãn thông (Lục thông) thấy được mẹ mình tái sinh làm ngạ quỷ dưới địa ngục và đau xót muốn cứu bà. Ðức Phật bảo là chỉ có sự hỗ trợ của toàn thể Tỉ-khâu trong Tăng-già mới giảm đau cho họ được. Từ đây xuất phát ra truyền thống cúng ngày rằm tháng bảy, nhằm ngày chư tăng làm lễ tự tứ sau ba tháng an cư, và người ta tin rằng, lễ cúng này giải thoát khổ đau cho thân quyến bảy đời trước của người cúng. Sự phối hợp giữa giáo lí Từ bi và truyền thống thờ Tổ tiên tại Trung Quốc là một trong những yếu tố chính để cho lễ cúng này được lưu truyền đến ngày nay (Phóng diệm khẩu).

Vương Duy

Từ Điển Đạo Uyển

王維; C: wángwéi; 701-761 hoặc 699-759, tự Ma-cật, thường được gọi theo chức vụ là Vương Hữu Thừa;
Cư sĩ ngộ đạo kiêm thi hào nổi danh người Trung Quốc đời Ðường. Ông được xếp ngang hàng với ba đại thi hào đời Ðường là Lí Thái Bạch, Ðỗ Phủ và Bạch Cư Dị. Ông rất đa tài, thơ hay, chữ đẹp, tinh thông hội hoạ và âm nhạc. Ðời sau tôn ông là “Khai sơn tổ sư” của lối vẽ “Thuỷ mặc Nam phương.”
Ông người huyện Kì (nay thuộc phủ Thái Nguyên ở tỉnh Sơn Tây). Cha mất khi ông còn nhỏ. Mẹ ông rất sùng bái đạo Phật và sự việc này có ảnh hưởng rất nhiều đến tư tưởng của ông sau này.
Năm lên 21, ông thi đỗ tiến sĩ, được phong quan đến chức Thượng thư hữu thừa. Vợ mất lúc ông ba mươi tuổi nhưng ông không tục huyền, sống yên tĩnh với một chức quan văn nhàn hạ, “suốt ngày gãy đàn thổi sáo, làm phú vịnh thơ,” và “mỗi lần bãi triều thì về đốt hương ngồi một mình, tụng kinh niệm Phật.”
Ông ăn chay trường, thường kết bạn, đàm luận với các nhà sư và cung cấp thực phẩm cho hơn mười vị tăng. Người đời rất tôn trọng, gọi ông là “Thi Phật” (詩佛). Ông rất đa tài: tinh thông thư pháp, hội hoạ, âm nhạc và thư ca. Những khía cạnh nghệ thuật nói trên đều được phối hợp chặt chẽ, cân đối trong những tác phẩm của ông. Ðại văn hào Tô Ðông Pha đời Tống ca ngợi các tác phẩm của ông là “Thưởng thức thơ của Ma-cật, trong thơ thấy có hội hoạ; ngắm những bức hoạ của Ma-cật lại thấy trong đó có thơ” (vi Ma-cật chi thi, thi trung hữu hoạ, quan Ma-cật chi hoạ, hoạ trung hữu thi).
Trong các bài thơ, ông thường mô tả cuộc sống nông thôn yên tĩnh, trong sáng, con người nhàn nhã phù hợp với tư tưởng thấm nhuần triết lí “bất sinh, bất tử” của đạo Phật và cách nhìn thế gian theo quan niệm “Vô vi” của Lão Tử và Trang Tử (theo Lê Nguyễn Lưu).
Sau đây là hai bài thơ tiêu biểu cho tư tưởng đạo Phật của ông:
Quá Hương Tích tự 過香積寺 – Ghé chùa Hương Tích (Trần Trọng Kim dịch):
不知香積寺。數里入雲峰
古木無人徑。深山何處鐘 泉聲咽危石。日色冷青松
薄暮空譚曲。安禪制毒龍
Bất tri Hương Tích tự
Sổ lí nhập vân phong
Cổ mộc vô nhân kính
Thâm sơn hà xứ chung?
Tuyền thanh yết nguy thạch
Nhật sắc lãnh thanh tùng
Bạc mộ không đàm khúc
An thiền chế độc long.
*Chẳng hay Hương Tích chùa đâu
Trèo lên mấy dặm núi cao mây hồng
Một đường cây cổ vắng không
Chuông đầu nghe vẳng chỗ cùng non xa
Tiếng khe bên đá tuôn ra
Vẻ trời lạnh lẽo bơ phờ cây thông
Chiều hôm đầm vắng uốn vòng
Phép thiền mầu nhiệm, độc long nép mình.
Thu dạ độc toạ 秋夜獨坐 – Ðêm thu ngồi một mình (Lê Nguyễn Lưu dịch):
獨坐悲雙鬢。空堂欲二更
雨中山果落。燈下草蟲鳴
白髮終難變。黃金不可成 欲知除老病。惟有學無生
Ðộc toạ bi song mấn
Không đường dục nhị canh
Vũ trung sơn quả lạc
Ðăng hạ thảo trùng minh
Bạch phát chung nan biên
Hoàng kim bất khả thành
Dục tri trừ lão bệnh
Duy hữu học vô sinh.
*Ngồi chạnh thương màu tóc
Canh hai, nhà lặng yên
Trong mưa rừng trái rụng
Dưới nến cỏ giun rền
Tóc trắng thay nào được?
Thuốc vàng luyện khó nên
Bệnh, già mong dứt hết
Ðạo Phật học cho chuyên.

Vương Xá

Từ Điển Đạo Uyển

王舍; S: rājagṛha; P: rājagaha;
Thành phố cách Patna ngày nay khoảng 70 km về phía Ðông Nam, nằm cạnh sông Hằng, kinh đô của nước Ma-kiệt-đà (magadha) do vua Tần-bà-sa-la (s, p: bimbisāra) trị vì trong thời Phật tại thế. Tại Vương xá có 16 Tinh xá dành cho đức Phật giảng pháp và trong đó có Tinh xá Trúc Lâm (s: veṇuvana; p: veḷuvana) do chính Tần-bà-sa-la tặng. Phật Thích-ca từng lưu trú ở Vương xá trong số mùa mưa và nơi đây cũng là hội nghị Kết tập lần thứ nhất được tổ chức sau khi Phật diệt độ.