S-Từ Điển Đạo Uyển

Sa-Bà Thế Giới

Từ Điển Đạo Uyển

娑婆世界; S: sahalokadhātu; T: mi-jied ‘jig-rten-gyi khams; cũng được gọi là Sa-ha, Ta-bà thế giới, cũng được dịch nghĩa là Nhẫn độ (忍土), Kham nhẫn thế giới (堪忍世界);
Là cõi của con người, chịu nhiều khổ đau nên phải kham nhẫn tu học để đạt chính quả.

Sa-Di

Từ Điển Đạo Uyển

沙彌; C: shāmí; J: shami; S: śrāmaṇera; P: sā-maṇera;
Là tiểu tăng, tiểu sa-môn, chú tiểu, dịch nghĩa mới là Cần sách (勤策). Chỉ tăng hoặc ni mới gia nhập Tăng-già và thụ mười Giới (s: śīla). Một nữ sa-di được gọi là Sa-di-ni (s: śrāmaṇerikā; p: sāmaṇerikā) hoặc Nữ cần sách. Phần lớn các sa-di còn là trẻ con, nhưng ít nhất bảy tuổi mới được thu nhận. La-hầu-la, con trai đức Phật là sa-di nổi tiếng nhất, gia nhập Tăng-già từ lúc bảy tuổi.
Thông thường sa-di được Tỉ-khâu hoặc Tỉ-khâu-ni hướng dẫn tu học và đến một tuổi nhất định, sau một cuộc khảo hạch, thụ giới cụ túc sẽ trở thành tỉ-khâu hoặc tỉ-khâu-ni.

Sa-Ka-Ra

Từ Điển Đạo Uyển

S: sakara; “Liên Hoa tử”;
Một Ma-ha Tất-đạt (s: mahāsiddha) nổi tiếng trong 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ, sống trong khoảng cuối thế kỉ thứ 9.
Nhà vua In-đra-bu-ti (s: indrabhūti) đã lâu chưa có con. Ngày nọ hoàng hậu mơ thấy điềm lành, chín tháng sau bà sinh một hoàng tử, đặt tên là Sa-ka-ra (nghĩa là người sinh ra giữa hồ nước, trong một hoa sen, vì vậy cũng được gọi là Liên Hoa đồng tử; s: sarohura kumāra). Sau đó hoàng hậu sinh thêm một con trai nữa. Về sau khi vua băng hà, Sa-ka-ra không nối ngôi, nhường ngôi cho em và trở thành một Sa-môn, lên đường đi Ðăng-da Ka-ta-ka (śrī dhānyakaṭaka). Giữa đường, Sa-ka-ra gặp hoá thân của Bồ Tát Quán Thế Âm. Ngài dùng thần lực cho ông thấy Man-đa-la của Hộ Thần Hô Kim cương (s: hevajra). Sau khi Quán đỉnh cho ông, Quán Thế Âm biến mất.
Ông bắt đầu tu tập Nghi quỹ (s: sādhana) được giao phó. Trong thời gian đó có một người tên Ra-ma (s: rāma) đến xin hầu hạ ông và Sa-ka-ra hứa lúc đạt đạo sẽ giáo hoá cho người đó. Trong lúc đó thì nạn đói xảy ra, khắp nơi người ta chết rất nhiều. Thế nhưng Ra-ma không hề nói cho thầy biết, sợ thầy mất tập trung thiền định. Ra-ma hầu hạ đầy đủ và chỉ ăn đồ dư thừa của thầy. Ngày nọ Ra-ma đói quá ngã gục, Sa-ka-ra hỏi ra mới biết nạn đói đang hoành hành. Ông đem gạo cúng dường, thi triển thần thông gọi Long vương lên và ra lệnh trong vòng vài ngày phải có mưa, mưa lương thực, mưa gạo cơm, mưa vàng ngọc. Long vương nghe lời làm theo, dân chúng bớt khổ. Sau đó Sa-ka-ra giáo hoá cho Rā-ma và vị này cũng đạt thần thông đáng kể. Chứng đạo ca của Sa-ka-ra như sau:
Long vương Ba-sū-ka,
cho mưa cứu dân lành.
Chỉ trong cõi Chân như,
rồng chúa chịu nghe lời.
Rồng là vua tri kiến,
của Bí mật tan-tra,
sẵn lòng làm mưa trí,
cho chư vị tăng ni.

Sa-Môn

Từ Điển Đạo Uyển

沙門; C: shāmén; J: shamon; S: śramaṇa; P: samaṇa;
Phiên âm chữ śramaṇa từ tiếng Phạn và chữ samaṇa từ tiếng Pali. Hán dịch là Tức (息), Tức tâm (息心), Tịnh chí (淨志), Tĩnh chí (靜志), Phạp đạo (乏道), Bần đạo (貧道), Cần tức (動息), v.v… Là người tu đạo từ bỏ cuộc sống thế tục, nỗ lực tìm cầu giải thoát. Để gọi một Tăng sĩ hay Ni cô.
1. Đầu tiên ở Ấn Độ, chữ śramaṇa để chỉ cho những ai cạo bỏ râu tóc, từ bỏ cuộc sống và của cải thế gian, hướng tâm ý nỗ lực đình chỉ việc ác, siêng năng làm việc thiện. Nguyên chỉ cho những tu sĩ ngoài Phật giáo như Kì-na giáo, đặt niềm tin vào tín ngưỡng Vệ-đà (s: veda) và Áo nghĩa thư (s: upaniṣad).
2. Tăng sĩ hay Ni cô Phật giáo.

Sa-Môn Quả

Từ Điển Đạo Uyển

沙門果; C: shāménguŏ; J: shamonka;
1. Kết quả của sự tu tập. Công đức khi xuất gia; 2. Thành tựu rốt ráo của công phu tu đạo – niết-bàn; 3. Tứ quả trong pháp tu của hàng Tiểu thừa.

Sa-Mu-đra

Từ Điển Đạo Uyển

S: samudra; “Người mò ngọc”;
Một trong 84 vị Tất-đạt (s: siddha) Ấn Ðộ, đệ tử của A-chin-ta (s: aciṅtapa), có lẽ sống trong thế kỉ thứ 9, 10.
Ông sống tại Sạc-va-ti-ra (sarvaṭira), làm nghề thợ lặn mò ngọc trai. Lần nọ, không mò được ngọc, ông buồn bã đến bãi thiêu xác, ngồi rầu rỉ. Lúc đó A-chin-ta đi qua, hỏi han ông. Ông bỗng tỏ lòng kính trọng, cầu khẩn xin được học pháp. A-chin-ta cho ông nhập môn, giảng về Bốn tâm vô lượng (Bốn phạm trú) và bốn tâm hỉ lạc:
Hãy biết cách thay thế,
tám bận tâm thế gian,
bằng tâm Từ tâm Bi,
bằng tâm Hỉ tâm Xả.
Rồi hãy quán tưởng rằng,
trong chứng thật hoàn toàn,
một luồng lạc thụ lớn,
chảy vào đỉnh đầu ngươi.
Bốn tâm hỉ lạc lớn,
nằm trong bốn trung tâm,
phát sinh Không và Lạc,
Không-Lạc không rời nhau.
Khi lạc thụ ra đời,
Khổ tự nhiên biến mất.
Người thợ lặn nghe lời, chuyên tâm thiền định. Sau ba năm, ông đạt quả Tất-địa (s: siddhi). Bài kệ chứng đạo của ông như sau:
Ngộ được lí vô sinh,
không thực hành thiền định,
ví kẻ ăn thịt người,
trên tay bồng trẻ nhỏ.
Mà không hành thiền định,
tách rời xa Tự tính,
ví như thớt voi mạnh,
bị lún sâu trong bùn.

Sa-Ra-Ha

Từ Điển Đạo Uyển

S: saraha; “Ðại Bà-la-môn”;
Một Ma-ha Tất-đạt (s: mahāsiddha) nổi tiếng của 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ, sống trong thế kỉ thứ 8, 9. Ông được nhiều Ðạo sư Phật giáo hướng dẫn cách tu tập Tan-tra.
Ông là người thuộc dòng dõi Bà-la-môn. Ban ngày ông hành nghề Du-già sư theo truyền thống Ấn Ðộ, nhưng ban đêm ông âm thầm tu tập Mật giáo và thỉnh thoảng uống rượu. Các vị đồng giới Bà-la-môn xin vua trục xuất ông vì tật uống rượu nhưng ông thi triển thần thông đến nỗi vua phải bái phục. Sau một thời gian, ông lấy một cô gái trẻ tuổi làm vợ và cả hai rút vào rừng sâu tu tập.
Câu chuyện nổi tiếng nhất về Sa-ra-ha là ông bảo vợ nấu món cà-ri củ cải rồi sau đó ngồi thiền định suốt 12 năm. Ðến khi xả thiền, ông hỏi về món ăn đó. Bà vợ, trong thời gian qua đã đắc đạo, khuyên ông “Ðộc cư không phải là sống một mình. Cách sống đơn độc hay nhất là thoát khỏi thành kiến, thoát khỏi một tâm thức chật hẹp, cái suy nghĩ hạn chế. Nếu ông xuất định sau mười hai năm mà vẫn còn đòi ăn cà-ri củ cải thì vào núi tu tập còn ý nghĩa gì!” Ông nhân đây tỉnh ngộ và làm bài kệ sau:

H 48: Sa-ra-ha đang ngắm cái nhất thể trong đa dạng.
Hỡi bạn, đừng dại quên,
cái Tuyệt đối có sẵn
Ðừng tìm cầu gì khác,
ngoài đôi môi Ðạo sư
Hãy nhận hiểu lời ông,
về Tự tính sâu thẳm,
và tâm thì bất tử,
thân không hề già yếu.

Sa-Va-Ri-Pa

Từ Điển Đạo Uyển

S: śavaripa; “Thợ săn”;
Một Ma-ha Tất-đạt (s: mahāsiddha) trong 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ, được xem là đệ tử của Sa-ra-ha và Long Thụ, sống khoảng cuối thế kỉ thứ 8, đầu thứ 9.
Là thợ săn, Sa-va-ri-pa chuyên giết hại thú vật. Bồ Tát Quán Thế Âm thương hại ông, hiện hình thành thợ săn. Sa-va-ri-pa gặp vị Bồ Tát hỏi: “Ông là ai?” “Một người thợ săn như ông”, Quán Thế Âm trả lời. Sa-va-ri-pa, rất hãnh diện với tài bắn cung của mình, hỏi: “Ông bắn một mũi trúng bao nhiêu con?” “Ba trăm con”, câu trả lời của Quán Thế Âm. Sa-va-ri-pa cười to nói: “Tôi cũng muốn xem ông bắn ra sao!”
Sáng hôm sau, hai người gặp một bầy nai và với một mũi tên, Quán Thế Âm hạ được cả bầy nai. Ngài bảo Sa-va-ri-pa đến khuân một con về nhưng vì phép mầu, con nai nặng ngàn cân, ông nhấc lên không nổi. Tính kiêu mạn bất chợt tan biến và ông quì xin chỉ dạy. Quán Thế Âm buộc ông một tháng không được ăn thịt và giết hại. Tháng sau Quán Thế Âm xuất hiện và vẽ Mạn-đa-la cho ông và vợ thấy chính mình trong cảnh địa ngục đau khổ. Ông sợ hãi, xin theo học Phật pháp. Sau mười hai năm quán lòng từ bi, ông đạt thánh quả và tình nguyện ở lại thế gian cho đến khi Phật Di-lặc ra đời. Chứng đạo kệ của ông như sau:

H 49: Sa-va-ri-pa (śavaripa) đang nhận thức sự Tuyệt đối
Trong rừng sâu vô minh,
con nai đang dẫy dụa,
tên của nó: Tha hoá.
Ta là người thợ săn,
dương cây cung tri kiến
của phương tiện khéo léo,
lắp vào đó mũi tên,
của Thật tại cuối cùng:
con nai bị hạ gục
Tư duy đã rãy chết!
Ta dọn bạn bữa tiệc,
linh đình phi nhị nguyên.
Ướp đầy đủ hương vị
của lạc thú thanh tịnh,
Bạn đạt cái tuyệt vời
của phép Ðại thủ ấn!
*Xem thêm câu chuyện rất giống như trên của Thiền sư Thạch Củng Huệ Tạng.

Sắc Tu Bách Trượng Thanh Quy

Từ Điển Đạo Uyển

敕修百丈清規; C: chìxiū bózhàng qīngguī; J: rokushu hyakujō shōki;
Sách, 1 quyển, tên gọi tắt là Bách Trượng thanh quy (百丈清規).

Sạc-Va Bắc-Sa

Từ Điển Đạo Uyển

S: sarvabhakṣa; “Kẻ háo ăn”;
Một trong 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ, có lẽ là đệ tử của Sa-ra-ha, sống trong khoảng cuối thế kỉ thứ 8, đầu thứ 9.
Ông là thần dân của vua Siṅgha-can-dra nước A-bi-ra (ābhira). Ông tham ăn, có cái bụng to như cái trống, cái gì cũng ăn được cả. Ngày nọ không kiếm ra gì để ăn, ông bị vào trong một hang động ngồi thở dốc. Ðạo sư Sa-ra-ha gặp ông hỏi han. Ông thú nhận nếu không ăn thì bụng như bị lửa đốt, cồn cào chịu không nổi. Sa-ra-ha nói nếu chút đói bụng mà không chịu được thì mai sau thành Ngạ quỷ sẽ như thế nào. Nghe xong, ông toát mồ hôi, cầu xin tu tập để thoát khổ đó. Sa-ra-ha cho ông nhập môn và dạy ông phép tu của “Kẻ lười biếng” (s: bhusuku) Tịch Thiên (s: śāntideva) như sau:
Hãy tưởng tượng ra rằng,
bụng: bầu trời trống rỗng,
lửa: hoả tai kiếp nạn;
mọi hiện tượng trên đời,
là thức ăn thức uống,
và ăn hết vũ trụ.
Ông tinh cần tu tập, ăn mặt trời mặt trăng, nuốt luôn núi Tu-di. Lúc đó loài người bị mất ánh sáng mặt trời mặt trăng, họ kêu gào sợ hãi. Các vị Không hành nữ (s: ḍākinī) phải đến cầu cứu Sa-ra-ha. Sa-ra-ha dạy tiếp cho ông, hãy quán tưởng những gì nhai nuốt vào bụng là tính Không. Ông lại đạt tri kiến hiện tượng và tính Không là một, lúc đó mặt trời mặt trăng lại hiện, mọi người hò reo. Sau 15 năm, ông đạt Ðại thủ ấn tất-địa. Chứng đạo ca của ông như sau:
Vô minh, nhiều mùi vị,
Ðắc đạo, chỉ một thứ.
Ðối với kẻ phàm phu:
còn Niết-bàn, Sinh tử.
Khi đã chứng đắc rồi,
Một thanh tịnh duy nhất.

Sâm La

Từ Điển Đạo Uyển

森羅; C: sēn luó; J: sinra;
Nhiều vật xếp vào nhau dày đặc hoặc liên tiếp chen nhau. Tiếp diễn không giới hạn.

Sâm La Vạn Tượng

Từ Điển Đạo Uyển

森羅萬像; C: sēnluó wànxiàng; J: sinraban-shō;
Vô số hiện tượng đang hiện hữu.

Sam-Ba-La

Từ Điển Đạo Uyển

S: śambhala;
Tên của một xứ huyền bí, tương truyền ở Bắc Ấn. Xứ này được xem là gốc của giáo pháp Thời luân (s: kālacakra), đóng một vai trò quan trọng trong Phật giáo Tây Tạng. Tương truyền rằng, lúc nhân loại đứng trước hoạ nạn diệt vong thì các nhân vật của xứ này lại xuất hiện để trợ cứu nhân loại.
Vị trí xứ này là một nghi vấn, được xem nằm từ Trung á đến Bắc cực. Thật sự thì vị trí không hề quan trọng, mà người ta cho rằng xứ này có một “giá trị tinh thần” đặc biệt. Truyền thuyết Tây Tạng xem Sam-ba-la là trú xứ bí ẩn, chỉ xuất hiện trong thời đại hoạ. Tương truyền rằng Thời luân giáo sẽ được 25 vị chân truyền. Vị cuối cùng sẽ xuất hiện trong thời hoàng kim, lúc đó mọi thế lực đen tối sẽ được đối trị. Người ta cho rằng đó cũng là thời kì Gê-sar và thời kì Di-lặc hạ sinh. Vị Ban-thiền Lạt-ma thứ ba viết một tác phẩm nổi danh về con đường dẫn đến Sam-ba-la. Huyền thoại về xứ này cũng được phương Tây biết đến.

San định Kí

Từ Điển Đạo Uyển

刊定記; C: kāndìng jì; J: kanjō ki;
Tên gọi tắt của tác phẩm Tục Hoa Nghiêm kinh lược sớ san định kí (續華嚴經略疏刊定記).

San-Ti-Pa

Từ Điển Đạo Uyển

S: śāntipa; “Nhà truyền giáo tự phụ”;
Một Ma-ha Tất-đạt trong 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ, sống trong thế kỉ thứ 11, được xem là một trong những Ðạo sư của A-đề-sa.
Sư là nhà thông thái nổi danh của viện Phật học danh tiếng Siêu Giới (s: vikramaśīla) được nhà vua Tích Lan cho mời đến giảng dạy. Trên đường về lại Ấn Ðộ, Sư gặp một nông dân tên Kô-ta-li-pa (s: koṭālipa), khuyên người này nên biết “gieo trồng hạt giống của tâm thức.” Về sau, khi Sư bị bệnh gần như mù loà thì Kô-ta-li-pa đã đạt thánh quả, đến thăm thầy cũ. Sư tự nhận với đệ tử là mình ham giảng giải lí luận, xao lãng thiền định, và vì thế không đạt yếu chỉ. Kô-ta-li-pa bèn dạy lại cho thầy. Sau đó San-ti-pa đắc đạo. Cuộc đời của San-ti-pa là một bài học cho những ai quá tin vào khả năng luận lí, quá tin vào lí trí. Thành đạo ca của San-ti-pa như sau:
Như một đứa trẻ thơ,
nhờ bà mẹ nuôi nấng,
lớn thành người khỏe mạnh,
thì tâm thức non nớt,
nhờ Ðạo sư dạy dỗ,
mà vào được Ðại thừa.
Bệnh tật có thuốc men,
bệnh do “tôi”, “của tôi”,
được Ðạo sư khai thị,
chữa lành ngay tức thì.

Sar-Nath

Từ Điển Đạo Uyển

S: sārnāth; viết tắt của chữ Sāraṅganātha, có nghĩa là “Chúa tể loài thú vật”;
Tên bây giờ của Tiên uyển (p: isipatana; s: ṛṣipatana), nơi Phật Thích-ca chuyển Pháp luân lần đầu. Ðây là một khu vườn tĩnh mịch, cách thành phố Be-na-res (benares) khoảng 8 km.

Sát

Từ Điển Đạo Uyển

刹; C: chà; J: setsu;
1. Thế giới, đất nước, cõi (s: kṣetra); 2. Một cây cột dựng thẳng trước một Phật điện, cho biết đây là một tự viện, một ngôi chùa, và vì vậy, cũng có nghĩa là một ngôi chùa; 3. Một lối viết tắt của Sát-đế-lợi (刹帝利; s: kṣatriya), một giai cấp xã hội bao gồm vua chúa và quân binh; 4. Một ngôi chùa, một bảo tháp.

Sát-Lợi

Từ Điển Đạo Uyển

刹利; C: chàlì; J: setsuri;
Cách phiên âm của chữ Phạn kṣatriya (Sát-đế-lợi 刹帝利), một giai cấp xã hội bao gồm vua chúa và quân binh tại Ấn Độ thời cổ.

Sát-Na

Từ Điển Đạo Uyển

剎那; C: chànà; J: setsuna; S: kṣaṇa;
Một khoảng thời gian rất ngắn, một đơn vị thời gian của một niệm, một ý nghĩ.

Sát-Na Diệt

Từ Điển Đạo Uyển

刹那滅; C: chànà miè; J: setsunametsu;
Tính chất khoảnh khắc. Một trong sáu tính chất của A-lại-da thức (Chủng tử lục nghĩa 種子六義).

Sát-Na Sát-Na

Từ Điển Đạo Uyển

刹那刹那; C: chànàchànà; J: setsunasetsu-na;
Mỗi khoảnh khắc, từng khoảnh khắc một (theo Du-già luận 瑜伽論).

Sáu Xứ

Từ Điển Đạo Uyển

S: ṣaḍāyatana; P: saḷāyatana;
Lục xứ

Sen

Từ Điển Đạo Uyển

S: padma; L: nelumbo nucifera; Hán Việt: Liên hoa (蓮花);
Sen có một vị trí quan trọng trong đạo Phật. Sen tuy mọc trong bùn (tượng trưng cho Luân hồi và sự Ô nhiễm), nhưng vẫn hoa vẫn thơm tho trong sạch (tượng trưng cho thể tính của con người), nhờ đạt Giác ngộ (s, p: bodhi) mà có. Hoa sen hay được vẽ trong tranh tượng làm toà sen của đức Phật (Phật toạ). Hoa sen cũng tượng trưng cho đức Quán Thế Âm (s: avalokiteśvara). Trong Tịnh độ tông, hoa sen là biểu tượng của giáo pháp.

Si

Từ Điển Đạo Uyển

癡 (痴); S, P: moha;
Si ở đây có nghĩa là đặt niềm tin vào một cái gì nghịch lí, không thể có (Lông rùa sừng thỏ). Trong đạo Phật, si được sử dụng tương tự như biểu đạt Vô minh, không nhận được chân tính hoặc Phật tính nằm trong các Pháp – nói tóm lại là không biết ý nghĩa của cuộc sống.
Theo quan niệm của đạo Phật thì con người bị sáu Thức – năm giác quan thông thường và thêm vào đó là ý thức (tri thức), thức biết phân biệt – làm mê hoặc, si mê. Một tâm trạng vướng mắc vào sáu thức nêu trên dẫn dắt con người đi vào cõi mê bởi vì chúng thúc đẩy, tạo điều kiện làm cho con người dễ tin rằng, thế giới hiện hữu là sự thật tuyệt đối, mặc dù nó chỉ là một khía cạnh, một khía cạnh rất hạn chế của sự thật.
Quan niệm rằng, thế giới nằm ngoài Tâm cũng là một quan niệm cuồng si, bởi vì thế giới chính là sự phản chiếu của tâm, là những biến chuyển của tâm thức (thức biến). Như vậy không có nghĩa là thế giới hiện hữu hoàn toàn không có. Nếu các vị Ðại sư trong Phật giáo bảo rằng, các pháp hiện hữu đều không có thật thì người ta nên hiểu rằng, chư vị nói như thế để phá tà kiến, niềm tin của một phàm phu vào một thế giới nằm ngoài tâm, thế giới khách thể, cho rằng nó chính là sự thật. Mục đích của đạo Phật là tiêu diệt si mê qua kinh nghiệm Giác ngộ và trong tất cả các trường phái thì Thiền tông nổi bật lên với quan niệm Kiến tính thành Phật, trực nhận chân lí.
Theo giáo lí tối thượng của Phật giáo như Thiền, Ðại thủ ấn, Ðại cứu kính, giác ngộ và si mê, thế giới hiện hữu và sự thật tuyệt đối, sắc và Không (s: śūnyatā), Luân hồi (s: saṃsāra) và Niết-bàn (s: nirvāṇa) là một, không hai. Ðể đạt đến sự nhận thức này, người ta cũng có thể dùng phương pháp biện chứng, suy luận phân tích – như nhiều trường phái Phật giáo khác. Nhưng Thiền tông lại cho rằng, cái thức phân biệt – vốn đã bị một màn si mê bao phủ, dẫn dắt con người đến bể khổ trầm luân – chỉ có thể vượt qua bằng kinh nghiệm giác ngộ trực tiếp, như “người uống nước biết mùi vị như thế nào”.

Si-Da-Li-Pa

Từ Điển Đạo Uyển

S: śyalipa; “Du-già sư dã can”;
Một trong 84 vị Tất-đạt (s: siddha) Ấn Ðộ, không rõ sống trong thời đại nào.
Ông là người làm thuê, ở gần một bãi đốt xác. Mỗi đêm ông sợ nghe tiếng chó hoang tru tréo. Nhân dịp gặp một Du-già sư, ông tiếp đãi nồng hậu và cầu xin cách đối trị nỗi sợ. Vị Du-già sư dạy ông cách dĩ độc trị độc, khuyên ông quán tưởng mọi âm thanh trên thế gian đều là tiếng chó hoang và sống ngay giữa bầy chó hoang trên bãi xác chết. Sau chín năm thiền định, ông lĩnh hội được sự đồng thể của âm thanh và tính Không. Ông đạt thánh quả Ðại thủ ấn tất-địa, luôn luôn mang trên vai một tấm lông chó. Chứng đạo ca của ông như sau:
Hoạ sĩ vẽ sắc hình,
Nhìn qua đã kinh hoàng.
Hãy nhìn kĩ lại đi,
gạt qua lòng sợ hãi,
chúng chỉ là hình vẽ,
vô thật, là phản chiếu,
ngoài ra không gì cả.

Từ Điển Đạo Uyển

初; C: chū; J: sho;
Có các nghĩa sau: 1. Sự bắt đầu, ban đầu, sự khai mạc, lúc đầu, sự khởi đầu (s: adaya, adi); 2. Sự phát khởi niềm tin ban đầu; 3. Giai vị đầu tiên trong Thập trú (Phát tâm trú).

Sơ Chuyển Pháp Luân

Từ Điển Đạo Uyển

初轉法輪; C: chūzhuănfǎlún; J: shotenbō-rin;
Chuyển pháp luân lần đầu. Lần giảng pháp đầu tiên của Phật Thích-ca Mâu-ni.

Sơ Duyên

Từ Điển Đạo Uyển

初縁; C: chūyuàn; J: shoen;
Có hai nghĩa: 1. Duyên đầu tiên; 2. Duyên gần nhất (s: samanantara-pratyaya).

Sơ địa

Từ Điển Đạo Uyển

初地; C: chūdì; J: shoji;
Giai vị đầu tiên trong Thập địa.

Sơ Học

Từ Điển Đạo Uyển

初學; C: chūxué; J: shogaku;
Mới bắt đầu tu học. Người mới học.

Sơ Khởi

Từ Điển Đạo Uyển

初起; C: chūqǐ; J: shoki;
Sự sinh khởi đầu tiên của các pháp; khởi đầu sự vận hành của các pháp; sự hoạt hoá, khởi đầu (theo Đối pháp luận 對法論).

Sơ Nhị Quả

Từ Điển Đạo Uyển

初二果; C: chūèrguǒ; J: shonika;
Hai quả vị đầu trong 4 quả vị của Tiểu thừa: Tu-đà-hoàn (Dự lưu) và Tư-đà-hàm. Tứ hướng tứ quả (四向四果).

Sơ Thiền

Từ Điển Đạo Uyển

初禪; C: chūchán; J: shozen;
Sơ thiền định (初禪定).

Sơ Thiền định

Từ Điển Đạo Uyển

初禪定; C: chū chándìng; J: sho zenjō;
Trạng thái đầu tiên trong Tứ thiền định (四禪定).

Sơ Tĩnh Lự

Từ Điển Đạo Uyển

初靜慮; C: chūjìnglǜ; J: shojōryo;
Sơ thiền. Sơ thiền định (初禪定).

Sơ Tri

Từ Điển Đạo Uyển

初知; C: chūzhī; J: shochi;
“Biết trước tiên”. Tiếng Hán dịch tên của Ājñāta-kaundinya từ tiếng Phạn. A-nhã Kiêu-trần-như (阿若憍陳如).

Sơ Tu Quán Bồ Tát

Từ Điển Đạo Uyển

初修觀菩薩; C: chūxiūguān púsà; J: sho-shukan bosatsu;
Bồ Tát vừa mới phát tâm (theo Nhiếp Đại thừa luận 攝大乘論).

Soạn Tập Bách Duyên Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

撰集百緣經; S: śatāvadāna;
Tập truyện kể vừa có khuynh hướng Tiểu thừa vừa Ðại thừa, chuyên nói về các vị Bồ Tát. Bộ truyện này xuất phát từ thế kỉ thứ 2, kể lại các câu chuyện tiền thân các thánh nhân và nhấn mạnh tính chất quan trọng của Nghiệp.

Sử

Từ Điển Đạo Uyển

使; C: shǐ; J: shi.
1. Phiền não, nhiễm ô, ưu phiền, sai khiến; vì sự sai sứ “khiến” cho con người làm đủ mọi việc; 2. Phiền não tiềm ẩn (= tùy miên 隨眠); 3. Theo luận Thập địa Tì-bà-sa (十地毘婆娑論), Sử được nhìn nhận như những Căn bản phiền não (根本煩惱), phân biệt với Cấu, được xem như là Tùy phiền não (隨煩惱); 4. Là 98 sử (九十八使); 5. Nếu, giả sử.

Sự

Từ Điển Đạo Uyển

事; C: shì; J: ji;
1. Một sự việc, một công việc. Hiện tượng hiển nhiên (s: vastu); cụ thể; 2. Hiện tượng cá biệt, cá biệt, sai biệt; 3. Công năng, chức năng, hoạt động, chuyển động (s: kriyā); 4. Vật, đối tượng, thể chất (s: dravya); 5. Cõi, giới, trạng thái, môi trường, bối cảnh; 6. Theo giáo lí Hoa Nghiêm, Sự là một trong Tứ pháp giới, là pháp giới của những hiện tượng cá biệt, được nhắc trong mối tương phản với Lí pháp giới, cõi vô phân biệt.

Sự Chướng

Từ Điển Đạo Uyển

事障; C: shìzhàng; J: jishou;
“Chướng ngại của thế giới hiện tượng”. Cùng với Lí chướng (理障) – theo kinh Viên Giác –, chúng trì hoãn quá trình đạt giác ngộ. Sự chướng bao gồm những tâm trạng mê muội của chúng sinh như yêu ghét, và tất cả những cảm giác tham ái cũng như đau khổ khác có liên quan đến chúng, nguyên nhân trói buộc chúng sinh vào vòng sinh tử. Vì thế nên Sự chướng này tương đương với Phiền não chướng (煩惱障) trong học thuyết của trường phái Duy thức. So với Lí chướng thì Sự chướng tương đối nhỏ nhặt, và vì vậy, có thể được khắc phục bằng những phương pháp tu tập của hàng Nhị thừa (二乘; theo Viên Giác kinh 圓覺經)

Sự Cứu Cánh

Từ Điển Đạo Uyển

事究竟; C: shìjiùjìng; J: jikukyō;
Cái tối hậu, cái tuyệt đối trong thế giới hiện tượng. Một cách dịch ý chữ Phạn pāramitā (Ba-la-mật 波羅密; theo Chính pháp hoa kinh 正法華經)

Sự Nghiệp

Từ Điển Đạo Uyển

事業; C: shìyè; J: jigyō;
1. Việc làm, hành động, chức năng, hoạt động (s: karman, prakriyā); 2. Những gì nên được làm; 3. Những hoạt động, hành dộng có liên hệ đến cuộc sống của người ta.

Sự Pháp

Từ Điển Đạo Uyển

事法; C: shìfǎ; J: jihō;
Những hiện tượng riêng biệt.

Sự Sư Pháp Ngũ Thập Tụng

Từ Điển Đạo Uyển

事師法五十頌; C: shìshī fǎ wǔshí sòng; J: jishi hō gojū ju; S: gurupañcāśikā; T: bla ma lnga bcu pa;
Một tác phẩm được xem là của Bồ Tát Mã Minh (馬鳴菩薩; s: aśvaghoṣa), được Nhật Xứng (日稱) và một số người khác dịch sang Hán văn. Một luận văn hướng dẫn ngắn gọn tìm một bậc chân sư như thế nào, và khi đã có một mối liên hệ thầy trò rồi sử sự như thế nào mới đúng. Luận tụng này có mối liên hệ rõ ràng với hệ thống thực hành mật giáo Vô thượng du-già (無上瑜伽; s: anuttarayoga-tantra).

Su-Zu-Ki, Dai-Set-Su

Từ Điển Đạo Uyển

鈴木大拙; J: suzuki, daisetsu [daisetz]; 1870-1966; dịch nghĩa Hán Việt là Linh Mộc Ðại Chuyết;
Một học giả lừng danh người Nhật, người đã góp công rất nhiều trong việc truyền bá Thiền tông sang Tây phương. Ông viết rất nhiền sách về thiền và nổi danh nhất có lẽ là bộ Thiền luận (Essays in Zen-Buddhism), gồm ba quyển. Ngoài ra, ông còn viết những tác phẩm quan trọng như Nghiên cứu kinh Lăng-già (Studies in the Laṅkāvatāra-Sūtra), Thiền và phân tâm học (Zen-Buddhism and Psychoanalysis).
Ông sinh trong một gia đình Hiệp sĩ (j: samurai), trong một thời kì Nhật bắt đầu tiếp xúc với nền văn hoá Tây phương. Mất cha sớm, ông sống cực khổ và chính cái khổ này đã thúc đẩy ông học hỏi nhiều để được dạy trong một trường phổ thông kiếm tiền nuôi mẹ.
Sau khi mẹ qua đời, ông đến Ðông Kinh (tōkyō), sau lại đến Liêm Thương (kamakura) tu học với một vị Thiền sư danh tiếng đương thời là Thích Tông Diễn (j: shaku sōen; cũng được gọi là Hồng Nhạc Tông Diễn; j: kōgaku sōen) tại Thiền viện Viên Giác (engaku-ji). Tông Diễn sớm nhận ra tài năng của ông và cho phép đi cùng đến tham dự Hội nghị tôn giáo thế giới (World’s Parliament of Religions) tại Chicago, Mĩ năm 1893. Tại hội nghị này, người Tây phương lần đầu tiên nghe được chút đỉnh về danh từ “Thiền”. Sau hội nghị này, ông ở lại Mĩ hơn mười năm để nghiên cứu, phiên dịch các tác phẩm triết học Ðông phương sang Anh ngữ, với sự giúp đỡ của Eduard Hegeler, một nhà triệu phú kiêm xuất bản, người gốc CHLB Ðức (Bremen). Trong thời gian này, ông bắt đầu học Phạn ngữ và hoàn tất tác phẩm quan trọng đầu tiên là Nghiên cứu về Ðại thừa Phật giáo (Studies in Mahāyāna-Buddhism). Hegeler cũng gửi ông sang Paris để sao lại những tác phẩm quý giá được lưu trữ tại đây. Trước khi về Nhật, ông còn sang Anh và nơi đây phiên dịch các tác phẩm của Swedenborg sang Nhật ngữ.
Năm 1908, ông trở về Nhật và 1910, lại trở lại châu Âu. Ông lập gia đình với Beatrice Lane (1911), một nữ thông thiên học (e: theosophy) xuất xứ từ New York, người đã tận lực giúp đỡ ông trong việc biên tập, phiên dịch cho đến giờ phút cuối của bà (1938). Sau, ông đảm nhận nhiều trách nhiệm như giảng dạy tại các đại học Nhật, biên soạn sách vở và đi đây đó thuyết trình Thiền học. Sự ra đời của bộ Thiền luận ba quyển của ông được ví như sự tái sinh, cải lão hoàn đồng của Thiền tông và Thiền lần đầu được trình bày, giảng giải, đưa đến châu Âu, Mĩ dưới dạng tuyệt vời nhất, thích hợp nhất. Năm 1957, ông cùng với hai nhà phân tâm học là Erich Fromm và Richard de Martino đã cho ra một quyển sách rất quan trọng là Thiền và phân tâm học và trong sách này, hai nhà phân tâm học đã xác định được sự liên hệ mật thiết giữa Thiền và Tâm lí học.
Su-zu-ki đã thực hiện được những gì mà Tông Diễn mong muốn khi ông đặt tên cho người học trò yêu quý của mình trước khi từ giã: Ðại Chuyết, nghĩa là “sự vụng về lớn.” Nhưng người ta cũng có thể hiểu “vụng về” ở đây như trong ngạn ngữ Nhật “Nghệ thuật cao siêu phớt nhìn thì trông như vụng về” (j: dai-kō wa dai-setsu no gotoshi). Ông chẳng phải là một Tỉ-khâu chính thức, chỉ là một Sa-di nhưng con đường đời đầy kinh nghiệm, học thức uyên bác đã giúp ông trở thành một nhà thuyết giảng độc nhất vô nhị của Thiền Ấn Ðộ, Trung Quốc, Nhật Bản cho thế giới hiện đại. Không ít người trong giới Thiền tại Nhật đã lắc đầu e ngại vì những lời giảng tỉ mỉ của ông mà người ta cho là quá liều lĩnh, táo bạo cho một tông phái đặc biệt đề cao đến việc “Bất lập văn tự”, “Bất khả thuyết.” Ngay chính ông cũng thú nhận rằng, việc làm này của mình là “một tội lỗi lớn” của cuộc đời. Dù sao đi nữa, Thiền học nhờ ông được lan tràn khắp năm châu, ngày càng được nhiều người chú trọng và người ta có thể cảm nhận được ảnh hưởng này của ông đến ngày nay.
Ông mất ngày 12 tháng 7 năm 1966 tại Ðông Kinh (tōkyō), sau một cơn bệnh nhẹ, thọ 96 tuổi.
Các tác phẩm quan trọng của Su-zu-ki (trích): 1. Essays in Zen Buddhism (Thiền luận), First-Third Series, London 1950/1953; 2. Studies in the Lanka-vatara Sutra (Nghiên cứu kinh Lăng-già), London 1930; 3. Introduction to Zen Buddhism (Thiền pháp nhập môn), Kyoto 1931; 4. The Zen Doctrine of No-Mind (Giáo lí vô niệm), London 1949; 5. Living by Zen (Thiền sinh hoạt), London 1950; 6. Zen-Buddhism and Psychoanalysis (Thiền và Phân tâm học); 7. The Essence of Buddhism (Cốt tuỷ của đạo Phật), London 1947; 8. Zen and Japanese Culture (Thiền và văn hoá Nhật), Kyoto 1958; 9. Studies in Zen (Thiền bách đề), London 1955.

Su-Zu-Ki, Shun-Ryu

Từ Điển Đạo Uyển

J: suzuki, shunryū; 1905-1971;
Thiền sư Nhật Bản thuộc tông Tào Ðộng. Sư sang Mĩ năm 1958 và thành lập tại đây nhiều Thiền viện (San Francisco, Tassajara), những thiền viện đầu tiên tại Tây phương.

Sung Mãn

Từ Điển Đạo Uyển

充滿; C: chōngmăn; J: jūman;
Đầy đủ, chứa đầy, dồi dào (s: pūrna).

Sùng Phạm

Từ Điển Đạo Uyển

崇範; 1004-1087
Thiền sư Việt Nam thuộc thiền phái Tì-ni-đa Lưu-chi, pháp hệ thứ 11. Sư nối pháp Thiền sư Vô Ngại và truyền lại hai vị còn được nhắc đến là Ðạo Hạnh và Trì Bát.
Sư họ Mâu, dáng mạnh mẽ to lớn, hai lỗ tai dài chấm vai. Sau khi xuất gia, Sư đến Thiền sư Vô Ngại ở Hương Thành tu học và được truyền tâm ấn. Sau đó, Sư sang Thiên Trúc (Ấn Ðộ) 9 năm để tu học thêm. Trở về nước, Sư đến chùa Pháp Vân thuyết giảng Phật pháp, học chúng quy tụ rất đông.
Năm Ðinh Mão, niên hiệu Quảng Hựu thứ 3 đời Lí Nhân Tông, Sư viên tịch, thọ 84 tuổi.

Sung Túc

Từ Điển Đạo Uyển

充足; C: chōngzú; J: jūsoku;
Đầy đủ, trọn vẹn, hoàn toàn.

error: Alert: Content selection is disabled!!