Cứu Chỉ

Từ điển Đạo Uyển

究旨; tk. 10-11

Thiền sư Việt Nam, thuộc phái Vô Ngôn Thông đời thứ 7. Sư nối pháp Thiền sư Ðịnh Hương.

Sư họ Ðàm, quê ở làng Phù Ðàm, phủ Chu Minh. Thuở nhỏ, Sư rất ham học, nghiên cứu tất cả các sách của Tam giáo (Khổng, Lão, Thích). Sư tự than: “Khổng Mặc câu chấp về lẽ ›Có‹, Lão Trang (Lão Tử, Trang Tử) đắm đuối vào lẽ ›Không‹. Chỉ có Phật giáo chẳng kể ›Có‹ hay ›Không‹, có thể liễu thoát sinh tử, nhưng phải siêng năng tu trì giữ Giới thanh tịnh và tìm Thiện tri thức ấn chứng mới được.” Sau đó, Sư xuất gia, tìm đến chùa Cảm Ứng ở Ấp Sơn xin làm đệ tử của Ðịnh Hương Trưởng lão.

Sư hỏi Ðịnh Hương: “Thế nào là nghĩa cứu kính?” Ðịnh Hương im lặng giây lát, hỏi lại Sư: “Hiểu chưa?” Sư thưa: “Chưa hiểu.” Ðịnh Hương bảo: “Ta đã cho ngươi nghĩa cứu kính.” Sư suy nghĩ, Ðịnh Hương bảo: “Lầm qua rồi!”. Ngay câu này, Sư triệt ngộ và nhân đây, Ðịnh Hương ban cho Sư hiệu Cứu Chỉ.

Sau, Sư lên chùa Quang Minh, núi Tiên Du tu hạnh Ðầu-đà, không hề bước chân xuống núi. Ðạo hạnh của Sư vang đến cả triều đình. Vua Lí Thái Tông mời vào cung giảng đạo mấy lần nhưng Sư đều từ chối và vì vậy vua phải đích thân đến đây ba lần thưa hỏi. Sau, Sư được mời đến chùa Diên Linh trụ trì.

Khoảng niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh (1059-1065), biết mình sắp tịch, Sư gọi dệ tử đến dạy: “Phàm tất cả các Pháp vốn từ tâm của các ngươi… Phiền não, trói buộc, tất cả đều không. Tội phúc phải quấy, tất cả đều huyễn. Không nên ở trong Nghiệp mà phân biệt báo, không nên ở trong báo mà phân biệt nghiệp, nếu có phân biệt thì chẳng được tự tại. Tuy thấy tất cả các pháp mà không có chỗ thấy, tuy biết tất cả các pháp mà không có chỗ biết. Biết tất cả các pháp lấy nhân duyên làm gốc… Rõ thấu chúng sinh chỉ là một pháp, không có hai pháp. Chẳng rời cảnh nghiệp mà Phương tiện khéo léo, ở trong cõi Hữu vi hiện bày pháp hữu vi mà không phân biệt. Tướng Vô vi là do hết dục, dứt Ngã, quên Niệm mà nhận lấy vậy.” Dạy xong, Sư nói kệ:

覺了身心本凝寂。神通變化現諸相
有爲無爲從此出。河沙世界不可量
雖然變滿虛空界。一一觀來沒形狀
千古萬古難比況。界界處處常朗朗
Giác liễu thân tâm bản ngưng tịch
Thần thông biến hoá hiện chư tướng
Hữu vi vô vi tòng thử xuất
Hà sa thế giới bất khả lượng
Tuy nhiên biến mãn hư không giới
Nhất nhất quan lai một hình trạng
Thiên cổ vạn cổ nan tỉ huống
Giới giới xứ xứ thường lãng lãng
*Giác ngộ thân tâm vốn lặng yên
Thần thông các tướng biến hiện tiền
Hữu vi vô vi từ đây có
Thế giới hà sa không thể lường
Tuy nhiên đầy khắp cõi hư không
Mỗi mỗi xem ra chẳng tướng hình
Muôn đời ngàn đời nào sánh được
Chốn chốn nơi nơi thường rạng ngời.
Nói kệ xong, Sư ngồi yên viên tịch.